Saturday, December 28, 2013

Luật sư người hùng biện và kỹ năng luật sư tranh tụng

LUAT SU – SỬ DỤNG KỸ NĂNG PHI NGÔN TỪ ĐỂ TĂNG HIỆU QUẢ KHI HÙNG BIỆN

Khi nói đến luật sư, nhiều người liên tưởng đến hình ảnh của một “thầy cãi”. Phải chăng chính vì việc hay cãi, cãi giỏi đã tạo dấu ấn mạnh mẽ lên nhận thức của mọi người trong xã hội đối với luật sư và được coi là đặc trưng cơ bản của nghề luật sư? Lục tìm lại lịch sử cho thấy khởi thủy của nghề luật sư ra đời khoảng Thế kỷ thứ 2 (TCN), lúc đó luật sư với vai trò là luật sư bào chữa đã được xã hội đương thời tôn vinh là các “Hiệp sĩ” và với tấm lòng trong sáng, tinh thần nghĩa hiệp, luật sư đã dùng sự hiểu biết về cổ luật và tài hùng biện để bảo vệ những người nghèo khổ, cô thế trước thế lực cai trị đương thời. Đi sâu tìm hiểu về nghề luật sư đương đại, có thể thấy rằng nghề luật sư hiện nay có hai mảng hành nghề quan trọng đó là tranh tụngtư vấn mà khi nói đến tranh tụng tức là nói đến kỹ năng hùng biện của luật sư. Thực tiễn hành nghề luật sư cho thấy kỹ năng hùng biện được xem là một trong hai kỹ năng cơ bản của luật sư và đó chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên uy tín, danh tiếng của luật sư.

Tuy nhiên, không phải ai bẩm sinh cũng có tài hùng biện mà khả năng hùng biện đa phần được tạo nên là do quá trình học hỏi, nhận thức và tự rèn luyện của chính từng luật sư. Khi hùng biện, để thuyết phục được người nghe tốt nhất thì luật sư không những cần phải có kiến thức uyên thâm, lý lẽ chặt chẽ, sắc bén, tư duy logic và linh hoạt mà còn cần phải có những kỹ năng bổ trợ khác như kỹ năng phi ngôn. Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được trao đổi một số khía cạnh liên quan đến việc sử dụng kỹ năng phi ngôn từ để tăng tính hiệu quả khi hùng biện.

1. Khái niệm phi ngôn từ

Trước hết, để hiểu khái niệm Phi ngôn từ, chúng ta hãy phân biệt với khái niệm Ngôn từ. Ngôn từ được hiểu là nội dung bài hùng biện được luật sư nói ra hoặc viết ra. Phi ngôn từ là giọng nói (bao gồm những yếu tố như: Ngữ điệu, chất giọng, tốc độ nói…) và hình ảnh (bao gồm những gì mà người khác nhìn thấy như: Nét mặt, dáng điệu, ánh mắt…) khi luật sư hùng biện.

Do đó, phi ngôn từ luôn luôn tồn tại, cho dù chúng ta có nói hay không thì người khác vẫn ghi nhận được thông qua hình ảnh của luật sư tác động đến người nghe, thông qua tư thế, cách sử dụng tay. Bên cạnh đó, phi ngôn từ còn có giá trị truyền đạt thông tin rất hiệu quả, ví dụ như hai người câm vẫn có thể giao tiếp với nhau bằng tay, trẻ con chưa biết nói, chưa biết đọc, chưa biết viết vẫn có thể cảm nhận được những gì người khác muốn nói như thông qua việc một người chỉ cần vẫy tay là đứa trẻ có thể chạy đến bên người đó.

Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học cho thấy, để người nghe tiếp nhận nội dung thông tin tốt nhất thì không chỉ qua lời nói mà còn qua phần lớn các yếu tố khác như giọng nói, âm lượng, dáng điệu, cử chỉ, ánh mắt…của người nói – đây cũng chính là những yếu tố cơ bản để người nói truyền tải thông tin hiệu quả tới người nghe.

Chính vì vậy, phi ngôn từ có vai trò rất quan trọng bởi cả cơ thể chúng ta là một thể thống nhất, dáng chững trạc thì giọng nói cũng chững chạc, dáng lỏng leo thì giọng cũng lỏng lẻo, tay vung mạnh thì giọng nói cũng mạnh mẽ….

Vì vậy, phi ngôn từ là giọng nói, hành vi và cử chỉ được thể hiện trên cơ thể người khi con người ở cả hai trạng thái là nói hoặc không nói.

2. Các loại phi ngôn từ sử dụng trong hùng biện của luật sư

Thực tiễn cho thấy có những loại phi ngôn từ sau đây thường tác động lớn tới hiệu quả hùng biện:

2.1. Giong nói luật sư

Giọng nói phản ánh nhiều đặc điểm của người hùng biện. Thông qua giọng nói, nếu tinh ý thì người nghe có thể nhận biết được giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, tâm trạng…của người hùng biện. Chính vì vậy, để có tính thuyết phục khi hùng biện, luật sư cần chú ý những điểm sau đây:

- Âm lượng: Giọng nói của luật sư cần vừa đủ để người nghe có thể tiếp nhận được thông tin. Nói to quá, có thể làm cho người nghe cảm thấy đau đầu, nói nhỏ quá có thể làm cho người nghe phải mệt mỏi khi “căng óc” ra để ghi nhận được thông tin. Giọng nói dù to hay nhỏ đều phải có khí lực, có sự chân thành, có như vậy giọng nói của luật sư mới có tính thuyết phục. Khi hùng biện, tùy thuộc vào nội dung hùng biện mà âm lượng của luật sư cần có độ cao thấp, trầm bổng. Luật sư không nên nói đều đều, làm cho người nghe buồn ngủ, không tập trung cho dù vấn đề luật sư nói quan trọng đến đâu. Luật sư nên nhấn mạnh những vấn đề quan trọng bằng cách tăng âm lượng hoặc thậm chí là nhắc lại.

- Phát âm: Âm vực phải chuẩn, tròn vành rõ chữ, không méo tiếng hay nuốt chữ, không nhầm lẫn giữa các âm. Tránh mắc phải một số tật như nói lắp, nói ngọng như ngọng L với N; R với D, Gi; S với X. Nguyên nhân của những tật này có thể do bệnh tật, thói quen, bẩm sinh, ảnh hưởng của vùng miền…. Đây chính là những tật khó chữa và chính điều này có thể giảm sút uy tín của luật sư. Tuy nhiên, nếu có sự rèn luyện qua thời gian thì các tật trên có thể khắc phục được.

- Tốc độ: Khi trình bày vấn đề, luật sư cần phải quan sát nét mặt của người nghe để từ đó điều chỉnh tốc độ nói cho phù hợp. Với đối tượng là người nghe cao tuổi cần nói chậm, đối với thanh niên cần hào hứng, sôi nổi. Thông thường, tốc độ nói bị điều chỉnh bới tâm lý của người nói, thông qua tốc độ nói người nghe có thể biết được tâm trạng của người nói. Một người nói nhanh thường là sự biểu hiện của sự thiếu tự tin. Khi nói, cuối mỗi đoạn văn cần dừng một thời gian ngắn trước khi tiếp theo đoạn mới.

2.2 Dáng điệu và cử chỉ luật sư

Tục ngữ có câu: “Nhất dáng, nhì da, thứ ba nét mặt”. Câu này hàm ý nói đến các tiêu chí đối với việc lựa chọn một người con gái đẹp. Tuy nhiên, suy rộng ra cũng có thể vay mượn 2 yếu tố là dáng nét mặt để nói đến tầm quan trọng của hai yếu tố kể trên đối với một luật sư hùng biện. Thực tiễn cho thấy dáng điệu là hình ảnh đầu tiên mà người nghe để ý và đánh giá đối với một luật sư khi người đó thực hiện bài hùng biện. Dáng điệu chững chạc đoàng hoàng sẽ tạo nên sự kính trọng từ người nghe, còn ngược lại sẽ gây ác cảm.

Dáng đứng là một loại ngôn ngữ của cơ thể, khi luật sư nói hào hứng, thuyết phục người khác thì dáng đứng phải vững chãi. Tuy nhiên, khi hùng biện luật sư không nên đứng yên một chỗ, đứng như tượng. Dáng đứng của luật sư cần phải uyển chuyển, linh hoạt theo vấn đề mà luật sư trình bày, luật sư có thể đứng ngay ngắn, đầu hơi hướng về phía người nghe và nhìn thẳng về phía người đối diện hoặc có thể đứng nghiêng một góc nhỏ so với đối tượng mà ta hướng tới. Luật sư dù đứng như thế nào thì luôn luôn phải thể hiện tính nghiêm túc, tự tin và thân thiện đối với người nghe.

Khi đứng hùng biện, luật sư không nên tựa vào bàn. Bởi lẽ, khi con người ở trong trạng thái yếu đuối, sợ hãi thì thường có xu hướng muốn tìm một cái gì đó để dựa vào. Trong trường hợp này, người nghe dễ dàng nhận ra luật sư đang mất bình tĩnh, thiếu tự tin. Luật sư không nên “đứng như chôn chân một chỗ” bởi khi đứng như vậy, cả hai chân luật sư đều làm trụ thì dễ mỏi do đó nên chuyển đổi chân để được thoải mái nhưng không nên chân đứng, chân co hay rung chân.

2.3. Nét mặt luật sư

Nét mặt của luật sư cần phải có sự biểu cảm, khuôn mặt của luật sư thể hiện được nhiều cảm xúc khác nhau. Trong cùng một buổi hùng biện luật sư không chỉ thể hiện một chất giọng hay một nét mặt duy nhất, với nội dung diễn đạt khác nhau sự biểu cảm của khuôn mặt cũng cần khác nhau để tăng tính thuyết phục của đối với thông tin truyền tải. Thông thường, luật sư luôn giữ một vẻ mặt nghiêm túc, nhưng khi luật sư chia sẻ sự mất mát với thân nhân bị hại – người đã phải gánh chịu do hành vi vi phạm pháp luật của thân chủ gây ra thì nét mặt của luật sư phải thể hiện sự cảm thông để gia đình người bị hại cảm nhận được sự chia buồn chân thành của luật sư. Khi hùng biện, nét mặt của luật sư không nên căng thẳng, bởi mặt căng thẳng thì nói sẽ căng thẳng, nét mặt thoải mái tự nhiên thì giọng nói sẽ tự nhiên.

2.4. Mắt luật sư

Tục ngữ có câu: “Đôi mắt là của sổ tâm hồn”. Câu này hàm ý để nói về vẻ đẹp của đôi mắt với việc ẩn chứa cảm xúc, nội tâm của người con gái. Tuy nhiên, suy rộng ra có thể thấy rằng ánh mắt biểu thị rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ của người hùng biện. Trong hùng biện, ánh mắt của người hùng biện ảnh hưởng lớn tới tâm trạng, thái độ của người nghe. Ánh mắt có thể khích lệ người khác, trấn áp người khác, tạo niềm tin cho người khác…

Chính vì vậy, luật sư khi hùng biện phải luôn để ý đến biểu hiện của người nghe về các vấn đề như họ có chú ý lắng nghe hay đang thờ ơ, chán nản…từ đó có sự điều chỉnh chủ đề, âm lượng, ngữ điệu….phù hợp, thậm trí là chuyển chủ đề hoặc sớm kết thúc bài hùng biện. Khi hùng biện, để thu hút được sự lắng nghe của mọi người thì luật sư không chỉ nhìn một người mà ánh mắt của luật sư phải hướng về phía nhiều người, có như vậy thì tất cả người nghe đều cảm thấy luật sư đang dành sự quan tâm, tôn trọng mình cũng như từ đó luật sư mới cảm nhận được chính xác phản ứng của người nghe đối với bài hùng biện của mình. Ánh mắt nhìn của luật sư khi hùng biện phải tự nhiên, nghiêm túc thể hiện phù hợp với ngôn từ biện luận. Luật sư nên tránh đảo mắt quá nhanh, mắt long sòng sọc, liếc ngang, liếc dọc…điều này sẽ gây hiểu lầm là luật sư không trung thực, một người tráo trở, thủ đoạn…

2.5. Tay luật sư

Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, lượng thông tin được thu nhận qua mắt là 75%, qua tai là 12%, lượng dây thần kinh từ mắt lên não nhiều gấp 25 lần lượng dây thân kinh từ tai lên não. Do đó, người nghe dễ bị thuyết phục và tập trung hơn khi có nhiều hình ảnh, dẫn chứng cụ thể. Đặc biệt, người nghe dễ bị thu hút bởi hình ảnh động hơn lời nói. Trong hùng biện, nếu luật sư biết cách sử dụng ngữ điệu của tay hợp lý thì đôi bàn tay sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực cho lời nói. Luật sư nên sử dụng đôi bàn tay để minh họa cho những điều cần nói, dùng để biểu đạt cảm xúc của luật sư.

Một trong các nguyên tắc quan trọng khi hùng biện cũng như thuyết trình là luật sư phải luôn để tay trong khoảng từ trên thắt lưng tới dưới cằm, đưa tay từ trong ra ngoài và từ dưới lên. Làm như vậy, việc sử dụng tay sẽ đem lại cảm giác thoải mái, tự nhiên mà không bị gò bó, đè nén. Khi hùng biện, luật sư có thể vung tay, mổ các ngón tay, giơ ngón tay để biểu thị các con số, tay đưa lên để biểu thị sự thay đổi hay phát triển, tay đưa ra biểu thị vấn đề ảnh hưởng tới nhiều người…Tuy nhiên, việc luật sư sử dụng đôi bàn tay như thế nào là phụ thuộc vào thói quen của luật sư nhưng mỗi biểu thị tay đều mang những ý nghĩa khác nhau, biểu hiện được sự chủ động, tự tin và tăng tính hấp dẫn của ngôn ngữ nói. Sử dụng phi ngôn từ tay giúp luật sư diễn tả cảm xúc nội tâm một cách chân thật, dễ dàng, giúp điều tiết giọng nói được sắc nét rõ dàng, gãy gọn ý.

Chính vì vậy, nếu luật sư không hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của đôi bàn tay trong hùng biện thì các động tác tay của luật sư sẽ tạo ra hình ảnh không tốt đối với người nghe. Khi hùng biện, luật sư không nên để chân tay thừa thãi, không biết giấu tay vào đâu. Cụ thể, luật sư nên tránh những cử chỉ tay sau trong khi hùng biện như: Khoanh tay (một người khoanh tay nghĩa là họ chưa cởi mở, đang dò xét); cho tay vào túi quần (mang cảm giác kênh kiệu, khó hòa nhập); trỏ tay (không ai muốn bị người khác trỏ tay vào mặt mình); cử chỉ tay tùy hứng (cử chỉ không phù hợp với nội dung nói)….

Tóm lại, kỹ năng sử dụng phi ngôn từ để tăng hiệu quả khi hùng biện là một trong những kỹ năng cơ bản của luật sư. Việc nắm vững và vận dụng một cách linh hoạt trong thực tiễn hành nghề là một trong những yếu tố quan trọng làm nên tên tuổi và danh tiếng của luật sư, nhất là đối với luật sư thiên về tranh tụng. Chính vì vậy, mỗi luật sư phải luôn tự trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện thực tiễn từ đó đúc rút và hoàn hiện kỹ năng hùng biện thì mới có thể trở thành một luật sư có tầm.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON
Luật sư Nguyễn Minh Long

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code