Wednesday, December 4, 2013

HỢP ĐỒNG BÁN NHÀ: Chứng cứ thể hiện việc xét xử của toà án “có vấn đề”.

Hợp đồng giả cách: không phải một lần mà là nhiều lần.
Về hợp đồng ngày 20/7/2000 với nội dung bà Nguyễn Thị Thanh Tao bán nhà 36 Nguyễn Thị Diệu (NTD) cho ông Lê Hồng Phương với giá 900 lượng vàng JSC, bà Tao, bà Dương Thị Bạch Diệp và luật sư Nguyễn Thị Chinh, Đoàn LS TP.HCM (người được ông Phương thuê làm chứng) đều khẳng định đó là hợp đồng giả cách để bà Diệp vay vàng của ông Phương trả cho bà Tao. Việc khẳng định này là có cơ sở bởi theo điều tra của chúng tôi thì việc ký hợp đồng mua bán “giả cách” nhằm vay vàng giữa bà Diệp và vợ chồng ông Phương (chủ tiệm vàng Ngọc Thanh) diễn ra không chỉ có căn nhà 36 NTD mà còn nhiều căn nhà khác ở TP.HCM. Cụ thể là nhà 39 NTD, 43 Ngô Thời Nhiệm, 24/1 Trương Định, 371D Nguyễn Cảnh Chân, 11B Phùng Khắc Hoan,113 Lí Chính Thắng, 19 NTD và 356 Võ Văn Tần.
LS. Chinh cho biết bà đã được ông Phương thuê xác nhận tất cả bốn lần việc giao dịch giữa bà Diệp và ông Phương, theo đó bà Diệp vay tiền ông Phương để trả tiền mua nhà, nhưng để đảm bảo trong việc vay tiền, ông Phương yêu cầu bà Diệp phải lập một hợp đồng mua bán giả cách giữa ông Phương với chủ nhà với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thực mà bà Diệp ký hợp đồng mua bán với chủ nhà, đồng thời giữa ông Phương và bà Diệp cùng ký với nhau một biên bản thoả thuận. Và ông Phương thuê LS. Chinh chứng kiến cho các hợp đồng giả cách và biên bản thoả thuận, cứ mỗi lần xác nhận, ký tên và đóng dấu Văn phòng luật sư thì ông Phương trả cho LS Chinh hai triệu đồng. Giữa ông Phương và bà Diệp đã từng xảy ra tranh chấp căn nhà 24/1 Trương Định do ông Phương đã căn cứ vào hợp đồng giả cách nhằm chiếm đoạt căn nhà này dưới hình thức mua bán. Nhưng khi các cơ quan có thẩm quyền xác định việc ông Phương cho vay chứ thực chất không phải mua bán, từ đó về sau ông Phương không viết giấy cho bà Diệp vay nữa mà chuyển sang lập biên bản thoả thuận.
Về việc ký hợp đồng giả cách bán nhà nhưng thực chất là cho vay, báo PLVN cũng đã thu thập được một tài liệu quan trọng, đó là đơn của bà Nguyễn Thị Thanh, vợ ông Lê Hồng Phương, viết ngày 19/11/1999 gửi Giám đốc thẩm Công an TP.HCM, trong đó có đoạn viết: “Nguyên vào cuối năm 1998, bà Dương Thị Bạch Diệp, có lại nhà tôi đặt quan hệ làm ăn với tôi, phương thức tính toán như sau: Những căn nhà bà Diệp mua tôi sẽ bỏ vốn vào và sau đó bán lời chia đôi. Nhưng để đảm bảo đồng vốn khi tôi bỏ ra, từng căn nhà tôi đều đi xem xét, thấy có lời và người bán phải ký giấy tờ bán cho tôi. Để đảm bảo tính khách quan, tôi và bà Diệp đã thống nhất như sau: Những căn nhà nào sau khi bỏ vốn và bán ra lời bao nhiêu, bà Diệp lấy, tôi chỉ lấy lời 3%/tháng trên số tiền tôi đã bỏ ra…”. Với tài liệu này, có cơ sở để khẳng định việc lập hợp đồng giả cách đã diễn ra nhiều lần và hợp đồng ngày 27/8/2000 thực chất là hợp đồng giả cách. Đây là một chứng cứ quan trọng cho thấy vụ án nhà 36 NTD đã được cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử không khách quan.
Lỗi hỗn hợp, sao bắt bà Tao gánh chịu?
Khi xét xử vụ án biệt thự 36 NTD, toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định các hợp đồng mua bán nhà giữa bà Tao với bà Diệp; giữa ông Phương với bà Tao là vô hiệu và huỷ bỏ các hợp đồng đó là đúng pháp luật vì các hợp đồng này là trái luật (được ký kết khi nhà 36NTD đang thuộc sở hữu nhà nước). Vì thế bản thoả thuận giữa bà Diệp và ông Phương được hình thành trên hợp đồng mua bán nhà vô hiệu nên nó cũng vô hiệu và Toà tuyên huỷ là đúng pháp luật. Khi các hợp đồng xác định có các giao dịch là trái pháp luật (vô hiệu) thì không phát sinh trách nhiệm dân sự, mọi giao dịch trở về trạng thái ban đầu. Nhà 36NTD phải trả lại cho bà Tao; vàng của ông Phương được trả lại cho ông Phương; tiền, vàng của bà Diệp được trả cho bà Diệp. Các thoả thuận trong quan hệ vay lãi do các bên tự giải quyết nếu không thành thì khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.
Cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc bà Tao phải bồi thường thiệt hại cho ông Phưong 2.563,53 lượng vàng JSC do chênh lệch giá nhà của thời điểm ông Phương giao cho bà Tao 800 lượng vàng = 89% giá trị nhà 36 NTD tại thời điểm xét xử là thiếu khách quan, không có căn cứ vì: Hợp đồng mua bán nhà vô hiệu là lỗi chung của các bên vì các bên đều biết nhà 36NTD tại thời điểm ký các hợp đồng mua bán đang là nhà thuộc SHNN, đang xin hoá giá nhà. Bà Tao không phải là người lập ra các hợp đồng “giả”; không tự phá các giao kết với các bên mà do lỗi hỗn hợp của nhiều người trong đó có lỗi của bà Diệp và ông Phương. Cả cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều không định giá nhà 36NTD tại thời điểm bà Tao nhận 800 lượng vàng của ông Phương làm cơ sở xác định giá trị thực tế xét bồi thường thiệt hại mà thừa nhận giá nhà 36NTD từ hợp đồng ngày 20/7/2000 vừa vô hiệu vừa “giả” để làm căn cứ buộc tội bà Tao phải bồi thường thiệt hại cho ông Phương 2.563,53 lượng vàng JSC là không có căn cứ. Mặt khác giá của hội đồng định giá phục vụ xét bồi hoàn là 3.780,37 lượng vàng nhưng giá bán đấu giá thực tế có 3.505 lượng vàng (em cột chèo của ông Phương mua trúng đấu giá), chênh 275 lượng vàng x 89% = 245 lượng bà Tao phải chịu bồi thường oan.
Thưa với bạn đọc rằng: Từ trước đến nay, chưa có một vụ án dân sự nào lại có đến hàng chục bài báo, hàng loạt phóng sự điều tra phát trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) để cập đến những điều quá bất bình thường qua hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm như vụ án nhà 36 NTD. Quốc hội đang họp, và một lần nữa vấn đề xét xử oan sai, thực trạng đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm bức xúc khiến các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng tại nghị trường rằng “việc xét xử của toà án có vấn đề”. Vụ án này nếu không được làm sáng tỏ, chứng tỏ chức năng giám sát của Quốc hội chưa hiệu quả. Đó là điều mà cử tri không hề mong đợi.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code