Saturday, December 28, 2013

VÕ NGUYÊN GIÁP: MỘT VỊ TƯỚNG, MỘT LUẬT GIA CỦA NHÂN DÂN

Đại tướng không chỉ được biết đến là một vị tướng tài ba, một nhà sử học, nhà chính trị yêu nước, thương dân, mà còn là một luật gia yêu chuộng hòa bình và công lý.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã học luật tại  Đại học Đông Dương[1] và ông nhận bằng cử nhân luật (Licence en Droit) vào năm 1937.[2]
Theo sử sách, trong thời gian học luật, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người học giỏi. Ông đã tham dự cuộc thi sinh viên giỏi toàn Đông Dương với đề tài: “Cán cân thanh toán và cán cân thương mại của Đông Dương”. Ông đã đoạt giải nhất với đề tài này. Giáo sư Khérian, người giảng Luật ở Đại học Đông Dương đã đánh giá luận văn này: “nội dung sáng sủa, có phương pháp và có bản sắc cá nhân”. [3]
Đơn xin học ngành luật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Khoa học pháp lý cũng như nghề luật sư ở Việt Nam được hình thành từ thời Pháp thuộc và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa pháp lý của Pháp.[4] Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã có rất nhiều những luật sư, Giáo sư luật thành danh được đào tạo luật từ Đại học Đông Dương hoặc từ các Trường luật của Pháp.[5]
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn là sinh viên luật
Tinh thần phản biện, đồng thời luôn đứng về phía nhân dân, bảo vệ cho lẽ phải và sự công bằng là một tố chất và yêu cầu quan trọng bậc nhất của một luật gia. Những tính cách và tinh thần ấy luôn có ở Tướng Giáp, cả trong lúc làm nhiệm vụ và khi Đại tướng đã nghỉ hưu. Lúc cuối đời, Tướng Giáp đã có rất nhiều trăn trở, lo lắng cho tình hình đất nước. Ông đã từng có nhiều kiến nghị về đổi mới giáo dục và đào tạo, về các chính sách quốc gia đại sự, đặc biệt là không dưới 3 lần góp ý về Dự án Bô-xít. Lịch sử sau này chắc sẽ còn làm sáng tỏ nhiều điều về con người "dĩ công vi thượng" này.
Tướng Giáp được biết đến là một nhân cách mẫu mực, là người kết tinh một tinh thần yêu nước Việt nam và những giá trị nhân văn cao cả. Sự cao cả của Đại tướng ở "chất người", "chất đời" bình dị, khiêm tốn, qua những lời nói và việc làm của Ông. Chính sự bình dị ấy khiến Ông trở thành điểm tựa về mặt tinh thần, trở thành một nhân cách lớn, được nhiều người dân quí mến, kính trọng.
Ông đã từng nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”; "Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình". Tại Hội nghị Ban chấp hành Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhiệm kỳ 3, khóa III năm 1996, ông trăn trở: "Tôi vẫn còn có điều băn khoăn và hơn thế nữa là sự lo lắng, đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng, như là giới trẻ?"[6]
Hôm nay, trong lễ truy điệu Đại tướng, Trưởng nam của Đại tướng, Ông Võ Điện Biên đã có những lời cảm tạ đầy xúc động: "Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng, mọi lời ca ngợi đối với cha chúng tôi là lời ca ngợi với Bác Hồ, với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, với tất cả đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh và đóng góp bằng tâm trí và máu xương trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Là lời ca ngợi với tất cả những người con ưu tú đã ngã xuống để bảo vệ và gìn giữ mảnh đất này […]. Đại tướng cả đời đã vì nước vì dân và lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng." Đây là những lời nói đầy ẩn ý và đó cũng là lời nói hộ suy nghĩ của rất nhiều người!
Nơi yên nghỉ của Đại tướng. Ảnh: Lê Anh - Cao Thái, Vietnamnet.
Đại tướng đã về với quê hương, yên giấc ngàn thu trong lòng đất mẹ Quảng Bình.
Tinh thần yêu nước, thương dân, yêu chuộng công lý và hòa bình của vị tướng tài ba sẽ mãi là điều mà tất cả những luật gia, những người học và hành nghề luật cần kế thừa và noi theo.
Mong sao anh linh của Đại tướng phù hộ cho đất nước nhiều khổ đau này, tránh khỏi những u mê và lầm lạc, trở thành một đất nước “hùng cường và thịnh vượng”, sánh vai với những cường quốc trên thế giới!
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Đại tướng - vị tướng của lòng dân! 

Nguyễn Minh Tuấn



[1] Viện Đại học Đông Dương được thành lập theo Quyết định số 1514a ngày 16/5/1906 của Toàn quyền Đông Dương, đặt trụ sở tại Phố Boulevard Bobillot (Nay là số 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Ngày 10/11/1907, Toàn quyền Paul Bert thành lập Trường Đại học Hà Nội. Ngày 15/10/1917 Trường Luật và Hành chính (École de Droit et d'Administration) được thành lập, có mục tiêu đào tạo “các nhân viên cho bộ máy hành chính Đông Dương”. Theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp, Trường này vào ngày 11/09/1931 được đổi thành Trường Cao đẳng Luật khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit de l'Indochine), đến năm 1941 đổi thành Trường Luật khoa (Faculté de Droit).
[2] Do phải thực hiện những nhiệm vụ cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã phải bỏ dở học chương trình năm thứ tư vào năm 1938.
[3] Nguồn: http://www.vnu.edu.vn/ttsk/?C1654/N15035/Vo-Nguyen-Giap,-cuu-sinh-vien-Truong-Luat---dai-hoc-dong-Duong.htm
[4] Sau Cách mạng Tháng tám 1945, Trên cơ sở Đại học Đông Dương, Trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập. Khóa đầu tiên của Trường Đại học Quốc gia Việt Nam khai giảng vào ngày 15/11/1945. Đây là trường đại học đầu tiên được thành lập dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có trụ sở tại số 19 phố Lê Thánh Tông, Hà Nội như ngày nay. Đến năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà nội được thành lập. Tháng 9/1976: Khoa Pháp lý trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, đến tháng 7/1986 là Khoa Luật trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từ tháng 3/2000 là Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà nội.
[5] Những luật sư nổi tiếng đã được đào tạo từ Đại học Đông Dương ví dụ như: Luật sư Phan Anh (1912 – 1990) (Ông tốt nghiệp cử nhân Luật Đại học Đông Dương năm 1937, sau này là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, là người cùng với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đồng sáng lập Hội luật gia Việt Nam); Luật sư Vũ Trọng Khánh (1912–1996) (Ông là cựu sinh viên Luật Đại học Đông Dương, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); Giáo sư Vũ Đình Hòe (1912-2011) (Ông tốt nghiệp Khoa Luật khóa 2 của Đại học Đông Dương, là Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)…
Những luật sư, tiến sĩ luật nổi tiếng được đào tạo từ các trường Luật của Pháp như: Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933) (Ông là Tiến sĩ luật học đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Sorbonne, Paris); Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909–1997) (Khi mới 22 tuổi, Nguyễn Mạnh Tường trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ Luật và Văn chương tại Pháp trong đó bằng Luật khoa tốt nghiệp hạng ưu. Đây là một kỳ tích xưa nay hiếm.); Luật sư Phạm Văn Bạch (1910 – 1986) (Tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Lyon, Pháp; Chánh án TAND tối cao đầu tiên của Việt Nam); Tiến sĩ, Luật sư Ngô Bá Thành (1931 - 2004) (Năm 26 tuổi, bà bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Luật tại Pháp. Bà là nữ luật gia Việt Nam đầu tiên thông thạo ba hệ thống pháp luật và ba ngoại ngữ Anh, Pháp và Tây Ban Nha); Ngoài ra, còn có nhiều Giáo sư của Đại học Sài Gòn, thuộc Việt Nam Cộng hòa cũng được đào tạo tại Pháp như: Giáo sư Vũ Văn Mẫu (1914-1998) (tốt nghiệp Đại học Luật khoa Paris, Pháp; Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, Trưởng khoa Luật đầu tiên Đại học Sài Gòn); Giáo sư Nguyễn Văn Bông (1929-1971) (tốt nghiệp ngành Luật và Chính trị học, Đại học Sorbonne, Pháp; người nổi tiếng với tác phẩm Luật Hiến pháp và Chính trị học, xuất bản tại Sài Gòn năm 1967) … Cũng xin nói thêm: Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn có nguồn gốc là Trường Cao đẳng Luật học (École Supérieure de Droit) ở Hà nội. Từ năm 1938, Trường này đổi tên thành Phân Khoa Luật (Faculté de Droit). Sau năm 1954, cơ sở ở Hà nội chuyển vào Sài Gòn. Ngày 30/4/1955, Phân khoa Luật được đổi tên là Đại học Luật Khoa Sài Gòn, thường gọi là Trường Luật Sài Gòn, thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Đến năm 1975 thì Trường này bị giải thể.
[6]Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhung-cau-noi-bat-hu-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-2890921.html

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code