"Đưa ảnh, tên lên mạng nói xấu, chỉ trích là xúc
phạm danh dự người khác", luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội)
nói về các trường hợp nạn nhân bị cộng đồng mạng "ném đá" oan.
Theo luật sư An, đối với người đã thành niên,
hành vi xâm phạm danh dự được quy định rất cụ thể. Tuy nhiên, đối với
trẻ em thì mọi văn bản hướng dẫn thi hành luật chỉ hướng vào xử lý những
hành vi xâm phạm truyền thống như ngược đãi, hành hạ, cản trở việc học
tập.Thưa luật sư, vừa qua, dư luận cả nước xôn xao về các vụ việc nhiều người bị cộng đồng mạng đưa lên làm mục tiêu "ném đá". Mới đây là trường hợp của cậu bé Đỗ Nhật Nam. Quan điểm của luật sư về tình trạng này như thế nào?
Hiện nay mạng internet được phủ sóng trên cả nước, các mạng xã hội xuất hiện nhan nhản như nấm sau mưa. Đây là nơi người ta bàn tán một cách thỏa mái, thích nói gì tùy ý, nói cách khác nó giống như cái chợ để con người ta đấu khẩu, thậm chí là văng tục xả stress với nhau. Đến nay, những trang web kiểu này rất "ăn khách" và có một số người đang lợi dụng mạng xã hội để thực hiện mục đích riêng.
Trong trường hợp của cậu bé Đỗ Nhật Nam mới đây, tôi cảm thấy buồn cho một bộ phận người dân. Thứ nhất, cậu bé trên vô tội, không làm điều gì sai cả nên không đáng phải chịu sự chỉ trích, bôi nhọ của dư luận. Thứ hai, hàng nghìn,hàng vạn người lớn lại đi chấp nhặt, đả kích một câu nói của một đứa trẻ con thì không thể chấp nhận được.
Trong Luật bảo vệ trẻ em có quy định về việc xử phạt những hành động này không thưa luật sư?
Tôi được biết, Điều 26 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định, mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên, có một điểm rất đáng tiếc là các văn bản hướng dẫn thi hành luật này vẫn chỉ hướng vào xử lý những hành vi xâm phạm truyền thống: Ngược đãi, hành hạ, cản trở việc học tập...
Bên cạnh đó, về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm trẻ em, Nghị định số 91/2011 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, các nhà làm luật chỉ đưa ra mức xử phạt cho hành vi "dùng lời nói, hành động có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật, với mức phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Huy An.
Theo luật sư, việc đưa ảnh, tên tuổi của một cá nhân lên mạng để chỉ trích nhằm bôi nhọ danh dự sẽ bị khép vào điều, khoản xử phạt nào?
Theo tôi được biết, từ Công ước quốc tế về quyền trẻ em đến luật nước ta đều có quy định bảo vệ nhân phẩm, danh dự trẻ em, kể cả đó là trẻ em vi phạm pháp luật. Trong trường hợp của bé Đỗ Nhật Nam, việc họ đưa tên, họ, ảnh, phát ngôn của một người để nói xấu, chỉ trích, bôi nhọ là có thể khép vào tội xúc phạm danh dự người khác. Tuy nhiên, từ trước đến nay, luật pháp rất ít khi trừng trị được hành vi này để bảo vệ quyền trẻ em.
Theo ý kiến cá nhân của tôi, trong thời gian tới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nên đưa hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em trên cộng đồng mạng. Để cho rõ, luật phải quy định như thế nào là hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ em, mức xử phạt, thậm chí là trách nhiệm của cả cơ quan thực thi pháp luật. Một điều cũng cần nói nữa đó là hiện Luật Bảo vệ trẻ em chưa lường hết được những vấn đề nảy sinh từ thực tế cuộc sống. Dẫn chứng cụ thể nhất là hành vi xúc phạm nhân phẩm trẻ em từ cộng đồng mạng như các vụ việc vừa xảy ra.
Từ vụ việc bé Đỗ Nhật Nam, luật sư có nhận xét gì "trào lưu ném đá" của một bộ phận cộng đồng mạng hiện nay?
Tôi cảm thấy rất đáng tiếc và buồn cười ở chỗ, cả nghìn người lại "ném đá" một câu nói của một cậu bé. Tôi được biết, Nam đang được coi là "thần đồng" bởi những thành tích học tập tiếng Anh đáng nể và là tác giả viết tự truyện nhỏ nhất ở nước ta. Cậu bé này chỉ nói một câu mà cộng đồng mạng "không vừa lòng" lập tức bị đem ra làm "bia" để hàng nghìn người "ngắm bắn".
Đối với một người lớn, họ có thể góp ý nếu người khác nói chưa chuẩn mực. Tuy nhiên, sự góp ý đó phải chân thành, phải mang tính chất xây dựng. Trẻ em rất dễ bị tổn thương trước những hành động dù là nhỏ nhất. Có lẽ đối với Nhật Nam, bố mẹ cậu sẽ biết cách bảo vệ, giúp con vượt qua cú sốc này. Nhưng, nếu đặt cậu ở một gia đình nông dân, không biết làm công tác tư tưởng cho con thì những lời đó chắc chắn sẽ "giết chết" một nhân tài và một đứa trẻ.
Xin cảm ơn luật sư!
Chương - Hạnh
0 comments:
Post a Comment