Saturday, December 28, 2013

NGHỀ LUẬT SƯ- CẢM NHẬN VÀ CHIA SẺ

Người thực hiện : Luật sư Trần Thị Phụng (Công ty luật Song Nguyên)

Sau Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, nhằm khẳng định chủ quyền dân tộc và thiết lập công bằng quyền tự do con người phải được bảo vệ một cách bình đẳng, Bác Hồ đã ký sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 quy định việc duy trì các tổ chức đoàn thể luật sư (LS) cho phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước, đồng thời thay thế tổ chức luật sư cũ do Thực dân Pháp thiết lập từ năm 1864 ở nước ta.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến cố lịch sử cách mạng, nhà nước Việt Nam vẫn kiên trì duy trì hiến định về nghề luật sư, đánh giá sự tôn trọng và cần thiết của nghề trong xã hội. Một chặng đường đã qua và nhìn lại, hiện nay nghề luật sư ngày càng phát triển theo xu hướng chung của thời đại.

Nhân kỷ niệm 68 năm ngày Sắc lệnh Luật sư được ban hành, chúng tôi đã thực hiện bài phỏng vấn nhằm phản ảnh những suy nghĩ, trăn trở và ý kiến quý báu cho việc phát triển nghề luật sư. Hãy lắng nghe và cùng chia sẻ về “nghề luật sư” trong nhiều lĩnh vực hoạt động pháp lý khác nhau qua ý kiến của các luật sư đang tích cực hành nghề, những tập sự hành nghề luật sư vừa bước vào nghề và cả những sinh viên vẫn còn đang ấp ủ những ước mơ hoài bão trở thành luật sư trong tương lai. Sau đây xin trân trọng giới thiệu với độc giả Bản tin Luật sư.

Luật sư Nguyễn Văn Bông – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàn Mỹ (nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM)

Hỏi: Kính thưa LS, được biết chú từng là người giữ vị trí “buộc” trong tiến hành tố tụng, nhưng giờ lại tham gia tố tụng với tư cách “gỡ” , chú thấy có điều gì khó khăn cho công việc của mình từ khi bước vào nghề LS đến nay? Chú có thể giới thiệu sơ nét về quá trình hành nghề LS, lĩnh vực chuyên môn  của mình, đồng thời chia sẻ với “Bản tin LS”  về sự đam mê nghề nghiệp, có hay không hay đó chỉ là sự chuyển đổi công việc cần thiết trong cuộc sống ? Chú có  kỳ vọng gì cho sự phát triển nghề LS ở Việt Nam trong tương lai ?

Trả lời: Về quá trình hành nghề luật sư của tôi, khi mới chuyển sang hành nghề luật sư, ở môi trường mới tuy có nhiều thuận lợi là cùng hoạt động trong ngành pháp luật, tuy nhiên cũng có khó khăn nhất định về quan điểm, cũng như về mặt nhận thức, về công tác kiểm sát trước đây, có khác biệt và đối lập với nhau, từ vị trí của người làm công tác kiểm sát nhất là trong vụ án hình sự, với vai trò là kiểm sát Viên giữ quyền công tố trong vụ án hình sự đối với bị cáo hầu như chỉ biết buộc tội, không quan tâm đến chứng cứ gỡ tội. Tuy nhiên, theo pháp luật quy định kiểm sát viên giữ quyền công tố trong vụ án hình sự ngoài những chứng cứ buộc tội đối với bị cáo có hành vi phạm tội, đồng thời phải quan tâm đến chứng cứ gỡ tội, trên cơ sở có chứng cứ pháp lý phát sinh mới tại phiên toà. Nay với tư cách là luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự phải quan tâm theo dõi sát sao đối với bị can mà được thân chủ (gia đình bị can yêu cầu bào chữa) từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử; đặc biệt là bào chữa cho bị cáo trước toà, hầu như các luật sư đều có cùng một quan điểm, tìm mọi chứng cứ để “gỡ tội” cho bị cáo mà mình bào chữa.

Thuận lợi đối với tôi do quá trình công tác ở ngành kiểm sát trên 18 năm nên mối quan hệ quen biết với các ngành bạn khác khá nhiều nên khi nghỉ hưu chuyển sang làm luật sư mỗi khi có liên hệ, giao dịch công việc hầu như được các cơ quan bạn tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ. Tuy nhiên cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như việc “Tranh luận tại toà” đối với kiểm sát viên giữ quyền công tố trong vụ án hình sự tại toà, hầu hết anh chị em kiểm sát viên trước đây đều công tác trong ngành kiểm sát quen thân nhau nên tôi rất ngại tranh luận trước toà (vì anh em kiểm sát viên giữ quyền công tố là “lính” của tôi trước đây). Do vậy, trong những năm đầu vào làm luật sư, tôi không tham gia tố tụng các vụ án hình sự, dân sự… tại toà, chủ yếu tôi làm luật sư tư vấn pháp luật (cố vấn pháp luật) cho các công ty, văn phòng đại diện, các công ty nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân…

Theo tôi rất lạc quan và tin tưởng nghề luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, nằm trong xu thế phát triển và hôi nhập các nước trong khối ASEAN và các nước trên thế giới; Hệ thống pháp luật nói chung ở Việt Nam, cơ quan lập pháp ở nước ta đã và đang hoàn thành hệ thống pháp luật, trong đó từng bước sẽ hoàn thiện pháp luật chuyên ngành trong đó có Luật về Luật sư sẽ được bổ sung đầy đủ hơn. Với khẩu hiệu sống theo Hiến Pháp và làm theo pháp luật.

Hỏi: Được biết ,chú từng “ngồi ghế” kiểm sát viên từ rất lâu trước khi vào nghề LS. Ở cương vị đó ,thời điểm đó chú có nhận định, đánh giá  gì về hoạt động và khả năng của LS trong tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho người dân, so với khả năng và điều kiện hành nghề của LS trong thời điểm hiện nay?

Trả lời: Theo tôi về năng lực và kỹ năng nghề nghiệp của luật sư và điều kiện hành nghề của luật sư trong thời điểm hiện nay nói chung đội ngũ luật sư trẻ mới hành nghề luật sư khoảng từ 5 đến 10 năm nay, đa số có năng lực, có trình độ, được đào tạo có bài bản; khoảng 30% thông thạo ngoại ngữ (Anh, Pháp, Hoa) tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nhiệt tình, yêu nghề và có khả năng đảm nhận và làm tốt công việc của mình. Ngoài ra, tôi nghĩ, do trình độ dân trí của Việt Nam chúng ta có hạn chế về pháp luật; do vậy, người dân cũng cần phải tìm hiểu học tập, nghiên cứu về pháp luật và phải được giáo dục pháp luật, ý thức về pháp luật và phải biết tôn trọng pháp luật.

Hỏi: Có nhiều luồng dư luận xã hội khác nhau về vấn đề LS “chạy án”, chú có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này ?

Trả lời: Theo suy nghĩ của tôi về việc luật sư chạy án không phải dư luận xã hội mới nêu lúc bây giờ, mà việc dư luận chạy án của luật sư đã có từ lâu, khi tôi còn đang công tác ở ngành kiểm sát thì cũng đã nghe dư luận này, nhưng ở thời điểm trước đây có nghe dư luận nhưng rất hạn chế không phải nghe dư luận nhiều như bây giờ… theo suy nghĩ của tôi đây là hành vi tiêu cực nhỏ “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” trong thực tiễn có nhiều người đưa hối lộ thì tất nhiên phải có nhiều người nhận hối lộ, tại sao tôi nói trước đây dư luận có ít hơn vì ít có người đưa hối lộ, thì ít người nhận hối lộ; còn bây giờ tệ nạn tiêu cực “đưa hối lộ, nhận hối lộ” có thể khá phổ biến đối với những người có chức có quyền trong các ngành bảo vệ pháp luật nên có vấn đề luật sư chạy án và dư luận xã hội mới phản ứng như vậy. Nguyên nhân một phần do những phần tử kèm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ăn chơi sa đọa, trác táng và biến chất dẫn đến tiêu cực.

Hỏi: Bằng kinh nghiệm “lão làng” trong ngành tư pháp và hành nghề LS trong rất  nhiều năm qua, theo chú, người LS cần chú trọng những vấn đề thiết yếu nào để bảo vệ tối đa quyền lợi cho thân chủ mà vẫn đảm bảo tuyệt đối tinh thần thượng tôn pháp luật ?

Trả lời: Câu hỏi này tôi thấy rất khó có ý kiến trả lời

Hỏi: Liệu có phải chú quá khiêm tốn không ạ?

Trả lời: (cười) vi tôi cũng không có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này thôi.

 Hỏi: Vậy ở góc độ khác chú có thấy  giữa những người tiến hành  tố tụng và người tham gia tố tụng có thực sự binh đẵng tại các phiên tòa chưa ? Tại sao ?

Trả lời: Về những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng hiện nay theo tôi chưa thực sự bình đẳng tại các phiên tòa, bởi lẽ những người tiến hành chưa tôn trọng lắng nghe ý kiến trình bày của người tham gia tố tụng, thậm chí còn to tiếng có khi quát tháo người tham gia tố tụng,cắt ngang không cho họ trình bày hết ý kiến.

Luật sư Nguyễn Quốc Vinh- Công ty Lut Tilike & Gibbins

Hỏi: Có ý kiến cho rằng nghề luật sư được cho là tiêu biểu nhất và thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng của nghề luật. Anh nghĩ thế nào về nhận định trên?

Trả lời: Thật là khó mà trả lời câu hỏi này. Bởi nó mang những khái niệm mà mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận riêng. Những khái niệm này là “đặc trưng” là gì và “nghề luật” là gì? Theo tôi, luật sư, kiểm sát viên, thẩm phán và thi hành án, mỗi người làm một việc mà xã hội giao cho họ và mỗi người nên làm tốt bổn phận của mình. Đây cũng là điều tốt cho những thế hệ mai sau.

Hỏi: Ở một số nước phát triển trên thế giới đã từng phân biệt rõ ràng hai hình thức hành nghề LS là LS tư vấn và LS biện hộ, và có nơi LS tư vấn thường chiếm đa số và độc quyền trong một số lĩnh vực . Là Ls chuyên lĩnh vực tư vấn, theo anh sự phân biệt này có cần thiết? Mặc dù trên thực tế, cũng có nhiều nơi, nghề LS là một nghề luật duy nhất có phạm vi hoạt động rộng và rất hiệu quả.  So sánh với hành nghề LS tại Việt Nam anh nhận định vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Việc phân biệt như thế này theo tôi hiểu bắt nguồn từ nước Anh, từ những lý do mà bây giờ ta thấy có thể rất lạ lùng như luật sư biện hộ (barrister hay avocats) có kỹ năng tranh tụng tốt hơn, có thể cung cấp thêm ý kiến độc lập cho khách hàng cũng như bảo đảm chất lượng hồ sơ bào chữa do luật sư tư vấn (solicitor hay avoué) chuẩn bị. Sự phân biệt này bắt đầu tại Anh rồi áp dụng cho các thuộc địa của Anh. Nước Pháp đã từng phân chia lĩnh vực theo kiểu này nhưng rồi hủy bỏ cách nay cũng lâu.

Theo tôi, sự phân biệt này là không cần thiết. Một người đã đỗ kỳ thi sát hạch luật sư cần được công nhận là luật sư. Việc người này tập trung vào lĩnh vực tranh tụng hay tư vấn là do sở thích hay hoàn cảnh. Lợi thế so sánh của luật sư tranh tụng nêu trên là không luôn luôn đúng mà nó phụ thuộc vào khả năng mỗi luật sư. Sự phân biệt giữa hai loại luật sư trên thế giới càng ngày càng mờ nhạt. Theo tôi hiểu thì luật sư tư vấn tại Anh bây giờ có thể đại diện bào chữa cho khách hàng tại tòa thượng thẩm (high court).

Hỏi: Theo anh, hệ thống pháp luật Việt Nam cần hoàn thiện các vấn đề cơ bản nào để tạo điều kiện cho nghề LS được vinh danh thực sự trong xã hội?

Trả lời: Tôi nghĩ hệ thống pháp luật nếu có thể giúp thì cũng chỉ giúp được một phần cho mục tiêu trên. Ví dụ như chính trị và nhà làm luật nên trao quyền và là quyền thực chất cho luật sư trong lĩnh vực tố tụng. Ý kiến của luật sư phải được ghi và ghi đầy đủ vào biên bản và bản án và bản án phải được công khai. Minh bạch sẽ làm cho mọi ngành nghề đều tốt hơn. Nếu coi một phiên tòa như được đấu trường thật sự nơi mọi khán giả đều có thể nhìn nhận xem ai là người chơi đẹp thì khi đó cả hệ thống pháp lý sẽ phát triển, không riêng gì nghề luật sư. Phần còn lại, riêng tự thân mình, nếu nghề luật sư muốn được công nhận và tôn trọng, nó phải tôn trọng xã hội bằng kiến thức, đạo đức và cách hành xử bởi mỗi thành viên.

Hỏi: Sự cạnh tranh trên “thương trường” đối với LS có phải là vấn đề sống còn? Theo anh, đối thủ cạnh tranh của LS là những ai? Anh nghĩ thế nào về việc hiện nay có không ít LS luôn chú trọng quảng bá “thương hiệu” bằng nhiều hình thức?

Trả lời: Luật sư cũng phải sống như những người khác và vì vậy cũng phải chịu áp lực từ cuộc sống. Dù vậy, nghề luật sư vẫn là một nghề đặc biệt hơn một số nghề khác vì nó nắm giữ thông tin và nhiều khi là cả “sinh mạng pháp lý” của khách hàng. Vì đặc điểm này mà nghề luật sư có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nếu có một bộ quy tắc tốt và ứng xử trong phạm vi bộ quy tắc đó sẽ giúp một luật sư về lâu dài trong sự nghiệp và suy rộng hơn nghề luật sư cũng vì vậy mà được xã hội tôn trọng. Thật khó mà tránh từ “cạnh tranh” nhưng nên nghĩ đến những điều lớn hơn. Ví dụ như sự kỳ vọng của xã hội, thế hệ tương lai hay đơn thuần chỉ là sự thanh thản của bản thân mình. 

Hỏi: Được biết anh từng là giám khảo thực hành nhiều kỳ thi LS, thông qua đó anh có đánh giá và góp ý gì về  sự đầu tư cho  quá trình tập sự và rèn luyện kỹ năng hành nghề  của những người tập sự LS?

Trả lời: Tôi bi quan với việc đào tạo và ra đời của luật sư hiện nay. Hiện Việt Nam đang đào tạo đại trà và sản xuất số lượng lớn quá. Thị trường thì luôn lớn nhưng quan trọng là thị trường sẽ còn tin luật sư nữa không?!  Chúng ta thử nghĩ về 10 năm tới nếu Việt Nam tiếp tục đào tạo và cho ra đời số lượng luật sư theo tốc độ này.

Nhận xét chung trong thời gian đi dạy, hỏi thi hay chấm luận văn, tôi thấy nhiều em trẻ dường như thiếu tư duy độc lập. Họ hay nói những điều sáo mòn và rỗng của giảng đường. Họ thiếu cả tư duy nền tảng, ví dụ như những triết lý của một điều luật, hay tư duy hệ thống, ví dụ đặt một điều khoản vào trong tổng thể của văn bản luật hay với một luật khác. Họ cũng hơi ít đọc nữa.

Cuối cùng, khi mới ra hành nghề, thời gian đầu luật sư trẻ nên làm cho một hãng luật lớn hoặc hãng luật nước ngoài, nơi mình có thể học hỏi được về tư duy, kỹ năng, thậm chí cả bổn phận nghề nghiệp. Không nên tự mở hay cùng bạn mở văn phòng ngay. Ngoại ngữ cũng là một yêu cầu quan trọng trong bối cảnh mở cửa hiện nay.

Luật sư Phạm Thị Ngọt – Trưởng VPLS Nam Thái

Hỏi: Là luật sư lâu năm và có vai trò đặc biệt trong việc tham gia vào công tác đào tạo nghề luật sư từ rất nhiều năm qua, cô hãy chia sẻ những suy nghĩ của mình về hoạt động nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay ?

Trả lời: Là một người đã và đang  tham gia giảng dạy các lớp đào tạo nghề luật sư tư của Học Viện tư pháp từ năm 2001 đến nay tôi cho rằng  Nghề LS cũng như nhiều nghề khác luôn được xã hội coi trọng.  Hoạt động nghề luật sư không chỉ liên quan trực tiếp đến quyền là lợi ích hợp pháp của công dân mà còn liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước bằng Pháp luật. Đối với người luật sư không chỉ đòi hỏi về kiến thức chuyên môn mà về đạo đức cũng đòi hỏi rất cao. Trên thế giới ở các nước có nghề luật sư lâu đời đều có những quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS.. Những quy định này đòi hỏi người luật sư phải tuân thủ chặt chẽ khi hành nghề. Có như vậy mới bảo vệ  giữ gìn được uy tín danh dự của nghề luật sư.

Hỏi: Về công tác đào tạo nghề luật sư, là người có nhiều kinh nghiệm cô có nhận định , đánh giá và kiến nghị cụ thể gì cho quá trình phát triển nghề Ls hiện nay ở Việt Nam không ?

Trả lời: Việc đảo tạo nghề Luật sư ngoài việc chú trọng đến kỹ năng nghề nghiệp còn phải chú trọng việc rèn luyện đạo đức, cách ứng xử của luật sư trong những tình huống cụ thể. Các nước đều có nội dung chương trình đào tạo tùy theo đặc điểm, yêu cầu của từng nước. Quá trình đào tạo Luật sư ở Việt Nam kể từ năm 2001 đến nay cũng đã đáp ứng những yêu cầu cơ bản đối với người hành nghề luật sư. Việc luật sửa đổi một số quy định của luật luật sư có hiệu lực từ 01/07/2013  quy định thời gian đào tạo là 12 tháng và thời gian tập sự là 12 tháng là hoàn toàn phù hợp thực tế hiện nay. Theo tôi, vấn đề quản lý với người tập sự hành nghề luật sư cũng chưa được chú trọng , mặc dù thông tư số 21/2010 TT-BTP ban hành quy chế tập sự hành nghề LS đã quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người tập sự, cũng như điều kiện, trách nhiệm của người hướng dẫn nhưng chưa có sự kiểm tra chặt chẽ dẫn đến việc tập sự không có hiệu quả.

Muốn nghề luật sư phát triển một cách mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, cần phải có nhiều biện pháp thiết thực như: Chú ý nhiều hơn đến kỹ năng hành nghề của luật sư. Cần có sự kết hợp kỹ năng nghề nghiệp với rèn luyện đạo đức ứng xử cho luật sư trong những tình huống cụ thể.Trong tình hình phát triển mới, đòi hỏi một mặt phải phát huy tính tự chủ, năng động của luật sư, nhưng đồng thời phải tăng cường sự quản lý với các luật sư. Các Đoàn luật sư dựa vào quy chế quản lý của đoàn cần giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Đồng thời thực hiện tốt chức năng đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các luật sư. Cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương trong việc quản lý hành nghề luật sư. Đối với cá nhân luật sư, kể cả người mới vào nghề và các luật sư đã hành nghề lâu năm phải có lòng yêu nghề, không ngừng rèn luyện kỹ năng hành nghề, lấy quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư làm chuẩn mực khi hành nghề. Những kiến thức được trang bị ở nhà trường chỉ là những hành trang ban đầu để bước vào nghề. Chỉ có tinh thần luôn học hỏi mới giúp chúng ta làm giàu thêm kinh nhiệm, nắm kiến thức pháp lý vững vàng.

Thực tế hiện nay trong hoạt động hành nghề của luật sư vẫn còn nhiều trở ngại khó khăn, nhưng chúng ta cũng đang có rất nhiều thuận lợi: Được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm (NQ 49 của BCT về cải cách tư pháp); Xã hội ngày càng hiểu đúng về vị trí, vai trò của luật sư, nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng nhiêu. Đặc biệt hệ thống pháp luật về luật sư ngày càng hoàn thiện. Môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi. LS ngày càng được quan tâm đào tạo cả về số lượng và chất lượng, có điều kiện cần thiết để hành nghề. Nên chúng ta tin rằng nghề LS sẽ có điều kiện phát triển.

Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào- Trưởng Văn phòng Luật sư Công Đoàn

Hỏi: Được biết, chị đã từng công tác trong ngành kiểm sát nhưng hiện nay lại là một trong những chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lao động và đồng thời cũng là một luật sư rất tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi pháp lý cho người lao động (NLĐ). Chị có trăn trở và suy nghĩ gì về nghề luật sư trong lĩnh vực này, nói chung,và công việc của mình hiện nay nói riêng ?

Trả lời: Tôi công tác trong ngành Kiểm sát từ năm 1990. Năm 1994, khi  Bộ luật Lao động ra đời và có hiệu lực, tôi đã tham gia nhiều đợt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật (kiểm sát chung) và phát hiện được nhiều vi phạm của doanh nghiệp, đặc biệt là vi phạm không ký kết hợp đồng lao động, tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động… các kháng nghị các vi phạm đều được các doanh nghiệp chấp hành sửa chữa. Những năm kế tiếp tôi không công tác khâu kiểm sát chung, tôi tham gia xét xử án hình sự rồi dân sự và cả Lao động nhưng hầu hết án lao động đều không đợi tòa án giải quyết mà sau khi làm việc với Đại diện của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) quận thì các doanh nghiệp đều khắc phục vi phạm.

Tôi nghĩ các doanh nghiệp ngày càng phát triển sẽ nhận thức và ý thức pháp luật cao hơn sẽ bớt dần vi phạm pháp luật lao động. Tuy nhiên, kinh tế thị trường ngày càng phát triển, doanh nghiệp ngày càng chạy theo lợi nhuận đã bất chấp vi phạm pháp luật lao động. Việc ký kết HĐLĐ được hạn chế tối đa để không phải chăm lo các khoản chế độ cho người lao động (BHXH, BHYT, BHTN). NLĐ thì thu nhập không có dư để có thể tư vấn pháp luật ở Văn phòng Luật sư hoặc nhờ Luật sư bảo vệ quyền lợi mà mình bị doanh nghiệp xâm phạm.

Khi tham gia vào nghề Luật sư, tôi quyết định tiếp tục thực hiện tâm huyết bảo vệ NLĐ của mình. Tôi hợp tác với LĐLĐ TP.HCM để thực hiện một mô hình hợp tác mới. Tôi được LĐLĐ TP.HCM tạo điều kiện cho tôi được làm việc ngay trong trụ sở của Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM để tư vấn và trợ giúp pháp luật lao động miễn phí cho NLĐ .Tuỳ từng trường hợp, tùy kiến thức hiểu biết của NLĐ, 3 năm qua tôi đã tư vấn và trợ giúp cho nhiều lao động bảo vệ quyền lợi của mình (khoảng 200 lượt/năm). Vừa qua, vào ngày 31/5/2013 và 01/6/2013 tôi đã được Bộ tư pháp mời báo cáo về mô hình này tại Hà Nội trong chương trình đối tác tư pháp cùng với các cơ quan có thực hiện công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân .Trước nền kinh tế bị suy thoái và đang từng bước phục hồi, quyền lợi của NLĐ luôn bị đe dọa cắt xén, việc làm cũng có thể bị mất bất cứ lúc nào nên việc tranh chấp lao động không thể không xảy ra và NLĐ cần lắm công tác tư vấn và trợ giúp pháp luật lao động miễn phí. Theo tôi,để kinh doanh và thực hiện quan hệ các giao dịch trong XH, pháp luật về kinh tế và dân sự luôn được quan tâm nghiên cứu và được nhiều luật sư hành nghề, nhưng lĩnh vực pháp luật Lao động ít được quan tâm nên để giúp được nhiều hơn cho NLĐ, thiết nghĩ trong giới Luật sư cần có chuyển biến trong suy nghĩ và có định hướng cùng đặt ra một trọng tâm mới trong công tác tư vấn miễn phí lĩnh vực lao động của Luật sư hoặc của Đoàn Luật sư để nâng cao uy tín của luật sư cũng như hoạt động xã hội của Đoàn Luật sư. Đây là nhu cầu đang ngày càng phát triển, quan tâm giải quyết tranh chấp lao động cũng chính là quan tâm ổn định trật tự lao động xã hội.

Luật sư Trịnh Đức Duy – Giám đốc Cty Luật TNHH Mặt Trời Việt - Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (ĐLS TPHCM)

Hỏi: Chào Luật sư Duy, người trẻ tuổi năng động và nhiệt tình ! Là giám đốc một công ty luật lại là Bí thư Đoàn Thanh niên và kiêm thêm cả công tác khen thưởng kỷ luật . Liệu sức trẻ của anh có đảm đương nỗi cùng lúc quá nhiều vai trò như thế không ? Điều đó có khi nào làm cho anh bị áp lực trong việc hành nghề LS của mình không ? Anh đánh giá thế nào về tư duy của giới trẻ trong hoạt động nghề nghiệp hiện nay ?

Trả lời: So với các luật sư đồng nghiệp, tôi khá may mắn vì được Ban Chủ nhiệm tin tưởng giao cùng lúc hai nhiệm vụ, vừa phụ trách công tác phong trào tập hợp thanh niên trong giới luật sư, tạo điều kiện cho các luật sư trẻ và người tập sự hành nghề luật sư gắn bó với Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, vừa phụ trách công tác khen thưởng kỷ luật. Thật ra mà nói, nếu chúng ta chịu khó sắp xếp công việc một cách hợp lý thì thật sự hoàn toàn không có sự quá tải. Tôi có bị áp lực gì đâu ! Vì dụ như trong năm nay tôi vẫn còn có thời gian để đi du lịch 16 tỉnh của Việt Nam (cười to). Ngược lại, các kinh nghiệm có được từ công tác Đoàn thanh niên và công tác khen thưởng - kỷ luật đã giúp ích cho tôi rất nhiều vào công tác chuyên môn cũng như quản lý, điều hành Cty luật và có thể tránh những sai sót mà đồng nghiệp của mình đã gặp trong quá trình hành nghề, đồng thời giúp tôi tổ chức điều hành công ty cho hợp lý, nâng cao kỹ năng giao tiếp, xây dựng thương hiệu....

Đánh giá tư duy của giới trẻ hành nghề luật sư hiện nay ư ? Theo tôi, các luật sư trẻ hiện nay, rất nhiều bạn vẫn còn thờ ơ với các hoạt động của Đoàn Luật sư. Các bạn lấy “bằng” luật sư xong rồi là chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền mà quên đi sự đóng góp và xây dựng để Đoàn Luật sư phát triển. Các bạn quên rằng để Đoàn Luật sư TP.HCM có được vị trí như ngày hôm nay, các luật sư tiền bối đã hi sinh bao công sức để gầy dựng và giữ gìn. Có một ý rất hay mà tôi xin mượn tạm để nói: "Sự tồn tại, phát triển và hưng thịnh của Đoàn Luật sư gắn liền với vận mệnh của từng luật sư". Chúng ta tự hào là luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM,  chúng ta phải cố gắng để làm sao cho Đoàn Luật sư ngày càng phát triển và vững mạnh hơn.

Hỏi: Anh có thể chia sẻ công việc và quan điểm về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp trong vai trò là phó ban Hội đồng Khen thưởng kỷ luật ?

Trả lời : Luật sư là những người được trọng vọng trong xã hội bởi vì các Luật sư luôn đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ quyền cơ bản của công dân cũng như phát triển xã hội. Vì vậy, nghề luật sư không giống như những nghề bình thường khác. Vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và chuyên môn, người Luật sư còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Nhằm để có cơ sở cho người dân giám sát hoạt động nghề nghiệp của các Luật sư cũng như xây dựng những tiêu chí phù hợp cho hành vi ứng xử của Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp, trong cách ứng xử với các Luật sư đồng nghiệp, ngày 17/7/2004, Đoàn Luật sư TP.HCM đã ban hành Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp luật sư. Sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, tháng 7/2011, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và nghề nghiệp luật sư. Bộ Quy tắc này đặt ra những chuẩn mực đạo đức của giới luật sư, tạo cơ sở để luật sư tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và sinh hoạt đời sống; là thước đo giúp luật sư giữ gìn phẩm giá, uy tín cá nhân, từ đó khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề, góp phần nâng cao uy tín của giới luật sư trong xã hội.

Mặc dù Bộ Quy tắc đặt ra khá nhiều chuẩn mực nhưng trong thời gian qua, một số luật sư, nhất là các luật sư có thâm niên hành nghề còn non trẻ cũng như người tập sự hành nghề luật sư (sau đây viết tắt là Luật sư tập sự) lại thường vi phạm. Khá nhiều người tập sự luật sư không chịu khó dành thời gian nghiên cứu Bộ Quy tắc để học tập, rèn luyện. Họ chủ yếu đợi đến kỳ thi kiểm tra hết tập sự mới mang Bộ Quy tắc ra học. Như vậy, việc tìm hiểu Bộ Quy tắc chỉ mang tính đối phó để vượt qua kỳ kiểm tra chứ bản thân họ không có sự tự giác tìm hiểu để rèn luyện. Vì vậy,khi được công nhận là luật sư chính thức, trong quá trình hành nghề, các luật sư này rất dễ vi phạm và sa ngã.

Với vai trò là một Phó Ban Khen thưởng-Kỷ luật, trong thời gian giúp việc cho Hội đồng Khen thưởng- Kỷ luật, tôi thấy các luật sư bị khiếu nại thường tập trung vào nhóm quy tắc quy định về quan hệ với khách hàng và nhóm quy tắc quy định về quan hệ với các cơ quan Nhà nước. Nhiều luật sư sau khi nhận vụ việc lại không nhiệt tình, không tận tâm giải quyết công việc, thậm chí khi khách hàng phàn nàn thì họ lại viện nhiều lý do nhằm lừa dối khách hàng…Đây là loại vi phạm khá phổ biến.

Bên cạnh đó, còn một dạng vi phạm cũng thường thấy, đó là luật sư hứa hẹn kết quả. Dù là trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý hay trong lĩnh vực tố tụng, luật sư là một bộ phận bổ trợ tư pháp chứ không phải là người quyết định. Tuy nhiên để cho khách hàng có lòng tin mà ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, nhiều luật sư sẵn sàng hứa hẹn kết quả. Đến khi không thực hiện được công việc thì lại không hoàn tiền lại cho khách hàng.

Ngoài ra, trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước, mà nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, có một số luật sư chưa có thái độ ứng xử phù hợp với nghề nghiệp luật sư như để lấy lòng các cơ quan,một số luật sư sẵn sàng nhận bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu đột xuất của cơ quan tiến hành tố tụng mà không cần nghiên cứu hồ sơ, hôm nay nhận là ngày mai đi ra Toà án để bào chữa hay sẵn sàng tiếp tay cho các cán bộ để chạy án…

Hiện nay, trong giới luật sư cũng như các phương tiện thông tin truyền thông thường phản ánh tình trạng một số cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thường làm khó luật sư, cản trở luật sư tác nghiệp, vi phạm các quy định của pháp luật,… Theo quy định pháp luật, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng làm sai, luật sư có quyền làm văn bản khiếu nại. Tuy nhiên,một số luật sư lại thiếu sự kiềm chế, vì quá bức xúc, họ lại có những lời lẽ, hành vi không phù hợp với nghề luật sư, sử dụng các từ ngữ “mạt sát” các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này là vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Theo tôi,việc các luật sư vi phạm Bộ Quy tắc cũng có một phần lỗi của Học viện tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư. Hiện nay, việc giảng dạy môn đạo đức luật sư tại Học viện tư pháp chưa được coi trọng. Mọi người đều cho rằng cứ việc đọc Bộ Quy tắc là xong nhưng trên thực tế, việc vận dụng Bộ Quy tắc vào cuộc sống và trong quá trình hành nghề luật sư lại gặp rất nhiều khó khăn, việc áp dụng lại nhiều khi lại không thống nhất giữa các Đoàn Luật sư. Có những Quy tắc có thể hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau, với Đoàn Luật sư này là không vi phạm nhưng với Đoàn Luật sư khác lại có thể là vi phạm dù rằng hành vi giống nhau, mức độ giống nhau. Do đó, Liên đoàn Luật sư cần phải vận dụng hình thức “án lệ” vào việc giải quyết các khiếu nại đối với luật sư để đảm bảo Bộ Quy tắc có thể được áp dụng thống nhất.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cần phổ biến rộng rãi đến người dân để mọi người đều có thể giám sát các hoạt động của luật sư. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng kiểm tra đạo đức nghề nghiệp luật sư tại các kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư.

Đối với các Đoàn Luật sư, cần tăng cường các buổi học tập nghiên cứu Bộ Quy tắc, để các Luật sư tập sự có điều kiện học hỏi, trao dồi và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.

Luật sư Nguyễn Đình Kim – Trưởng VPLS Tuệ Chương

Hỏi: Có người nhận xét anh là một LS rất “máu lửa” và cương trực, thẳng thắn. Nhân ngày luật sư, anh có thể “thẳng thắn” chia sẻ cảm xúc, trăn trở và cả những bức xúc về nghề nghiệp trong quá trình hành nghề của mình? Anh có so sánh gì về sự phát triển nghề luật sư qua nhiều giai đoạn đến nay và có sự tiến bộ vượt trội đáng kể nào không thưa anh ? Theo anh, chúng ta cần phải quan tâm các vấn đề gì để nghề luật sư ngày càng phát triển?

Trả lời: Tôi tham gia cách mạng từ năm tôi học đệ thất (1971) đến cuối hết năm học đệ ngũ (1973) tôi ra chiến khu công tác tại Ban tuyên huấn tỉnh uỷ Bình Tuy nay là Bình Thuận. Tôi thích nghề luật sư vì những năm học trung học tôi có một thầy giáo dạy giáo dục công dân là luật sư Vũ Hữu Minh hiện nay thầy vẫn còn sinh sống ở Sài gòn. Nhưng cuộc đời không phải muốn là được ngay. Hoà Bình tôi tiếp tục đi học và lại thi vào trường Đại học Nông nghiệp 4 TPHCM, học khoa kinh tế. Ra trường làm nhiều môi trường công tác. Công tác Đoàn,  Đảng, Công tác chính quyền, quản lý Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu trong và ngoài quốc doanh... Mãi đến 51 tuổi mới bắt đầu hành nghề luật sư.

Tuồi đời lớn, tuổi nghề còn nhỏ, nhưng tôi cũng nếm đủ những  được, mất, thành, bại của nghề luật sư trong mấy năm ấy ! Song nhìn chung tôi cho rằng  mình sống được, sống tốt với nghề này. Có lần tôi nói bị đồng nghiệp phê bình thiếu khiêm tốn nhưng đó là sự thật. Những gì tôi có hôm nay là từ nghề luật sư. Đó là  những người đồng nghiệp ở Đoàn LS TP HCM, tôi chia sẻ và thân ái được với họ và ngược lại cũng vậy!

Những năm trước đây nghề Luật sư không phát triển hay nói đúng hơn là chậm. Cũng đúng thôi bởi cơ chế của bao cấp dài  chúng ta chưa thực sự quản lý đất nước bằng pháp luật. Khi mở cửa cùng với sự phát triển của đất nước Nghề Luật sư có những bước tiến mạnh mẽ nhất là khi Đảng và nhà nước đang khởi xướng công cuộc cải cách tư pháp. Trong công cuộc cách mạng này tôi cho rằng Luật sư là binh chủng đặc biệt và đông đảo chắc chắn rằng chúng ta se giành được thắng lợi và nhiều triển vọng. Cứ nhìn vào sự lớn mạnh cả về chất lẫn về lượng của Đoàn Luật sư TP.HCM trong mấy năm qua sẽ rõ.

Tuy nhiên khó khăn và thách thức không phải là nhỏ. Nhiều đồng nghiệp cũng đã chia sẻ, báo chí cũng tốn nhiều giấy bút và tôi cũng đã gặp nhiều. Cơ quan cảnh sát điều tra còn gây nhiều khó khăn trong việc Luật sư tiếp xúc thân chủ, đại diện Viện kiểm sát không tranh tụng, HĐXX chưa xem xét hết những ý kiến của Luật sư vv...Tất cả những điều ấy đôi khi gây bức xúc, khó chịu và nhiều Luật sư trẻ đã phải bỏ nghề... Nhưng với tôi , tôi tin rằng đó chỉ là giai đoạn, còn nhận thức là cả một quá trình. Phía trước chúng ta là một chân trời đầy hy vọng. Việc gì tận tâm, tận lực chúng ta sẽ thành công. Thực tiễn cách mạng Việt nam đã chứng minh rồi.

Với Đoàn luật sư TPHCM, một lực lượng quá hùng mạnh so với cả nước nếu tập hợp được lực lượng này dưới ngọn cờ Đoàn kết và  phải tăng cường hoạt động cho sự hội nhập quốc tế, nếu cá nhân không làm được thì nên tham gia nhiệt tình mỗi khi Đoàn Luật sư tổ chức. Từng luật sư phải học tập rèn luyện không ngừng về đạo đức và tay nghề, tôi tin rằng trong những năm tới chúng ta sẽ lớn mạnh và thành công to lớn.

Luật sư Lê thị Tuyết Dung -  Công ty Luật KhattarWong LLP (Singapore).

Hỏi: Là Ls khá trẻ về tuổi đời, nhưng lại có một “ bề dày” kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn doanh nghiệp và đầu tư tài chính cho một hãng luật nước ngoài ắt hẳn chị sẽ có nhiều ý kiến chia sẻ nhân ngày luật sư ? Chị có thể giới thiệu đôi chút về mình và những cơ hội cũng như thách thức trong quá trình hành nghề?

Trả lời: Trước khi nói về mình tôi xin nói về cơ hội. Dù bạn làm ở bất kỳ lĩnh vực nào thì cơ hội cũng là yếu tố quan trọng để bạn có thể thành công và tiến xa hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, việc chuẩn bị những kiến thức cũng như kinh nghiệm để đón chờ cơ hội là một trong những yếu tố cơ bản quyết định bạn có khả năng nắm bắt cơ hội hay không.

Khi tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM năm 2001, tôi cũng chỉ là một sinh viên bình thường như bao sinh viên luật khác, không có bảng thành tích học tập xuất sắc nhất lớp hay nổi trội trong các hoạt động đoàn thể. Tuy nhiên, tôi ý thức được rằng tôi muốn trở thành một luật sư tư vấn. Qua tìm hiểu bạn bè và những người đi trước tôi nhận thấy luật sư tư vấn đầu tư thì phải có kiến thức kinh tế và phải có khả năng giao tiếp Anh văn tốt, sau này tôi còn đi học thêm chứng chỉ kinh doanh bất động sản… Thế là sau khi học xong trường luật tôi tiếp tục học văn bằng 2 trường Đại học Kinh tế TP.HCM với chuyên ngành Quản trị kinh doanh và cắp sách tới các trung tâm Anh ngữ để bổ túc Anh văn. Song song đó tôi học lớp hành nghề luật sư và thực tập tại một công ty luật tại Việt Nam. Giờ đây nhìn lại sau hơn 10 năm hành nghề tôi càng tin rằng đó là các công cụ tối quan trọng của nghề luật sư. Chúng đã giúp tôi có việc làm tốt và giúp tôi tiếp tục thành công trong công việc tư vấn cho khách hàng trong những năm qua.

Muốn nắm bắt cơ hội ta phải tìm hiểu kỹ các điều kiện của môi trường mình định hoặc muốn làm để xác định các mục tiêu vừa sức và sau đó là quyết tâm thực hiện các mục tiêu mình đặt ra.

Hồi mới đi làm, đầu những năm 2000, tôi còn rất mù mờ về nghề nghiệp vì nhà tôi chẳng có ai làm nghề này và tôi cũng không có ai đỡ đầu, hướng dẫn. Với ước mơ được làm việc tại một công ty luật quốc tế, tôi bắt đầu tìm đọc về các tổ chức luật sư quốc tế để tìm hiểu họ làm gì, đòi hỏi gì ở luật sư, cần những người luật sư như thế nào… Tôi cũng tìm hiểu về các tổ chức, hiệp hội luật sư như Inter – Pacific Bar Association (“IPBA”), Lawasia…

Bước ngoặc sự nghiệp của tôi xảy ra năm 2007. Năm đó IPBA lần đầu tiên thiết lập một quỹ học bổng cho luật sư trẻ từ các nước đang phát triển. Tôi đánh liều viết hồ sơ nộp đơn xin học bổng. Tôi đã giới thiệu mình, những gì mình đang làm, dự định tương lai sau khi được thực tập với các luật sư của IPBA và gửi tới hội đồng xét tuyển IPBA. Tôi đã may mắn trở thành một trong bốn luật sư trên thế giới dành được chọc bổng này (ba bạn khác đến từ Indonesia, Fiji và Nepan). Tôi được đi Mỹ tham dự các hoạt động của hội nghị thường niên của IPBA tại Los Angeles. Chúng tôi được các luật sư hàng đầu từ các hãng luật quốc tế của Anh, Mỹ, Nhật, Úc, Singapore… truyền đạt những kiến thức cũng như kinh nghiệm hành nghề. Tôi được tới thực tập tại hãng luật lớn của Mỹ với hơn 1,200 luật sư. Thời gian thực tập dù ngắn cũng đã giúp tôi hiểu hơn về môi trường và đòi hỏi của công việc luật sư tại một công ty luật quốc tế.

Tôi còn nhớ rất rõ đêm trao giải thưởng cho bốn luật sư. Khi MC giới thiệu tên tôi đến từ Đoàn luật sư TPHCM, Việt Nam. Cả ngàn luật sư vỗ tay nhiệt liệt trong đó có LS. Nguyễn Đăng Trừng. Tôi không biết chú đi dự cho đến khi chú đi tìm tôi và bắt tay tôi rất chặt. Chú đã chủ động gặp tôi và nói: “Cám ơn cháu, chú cảm thấy rất hãnh diện cho đoàn luật sư mình. Con giỏi lắm!”. Sau đó chúng tôi đã trò chuyện về nghề nghiệp và tương lai của luật sư Việt Nam. Tôi rất cảm ơn luật sư Trừng, một ‘lão làng’ trong nghề luật của nước ta, vì những lời động viên rất giản dị, chân thành nhưng cũng rất ý nghĩa cho một luật sư trẻ như tôi. Nó giúp tôi tự tin hơn về những bước đi của mình sau này.

Năm 2006, tôi làm trợ lý tư pháp tại một công ty luật nhỏ của Singapore. Những kinh nghiệm làm việc ở Singapore và thời gian thực tập ở Mỹ đã cho tôi nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để giúp tôi xin được việc tại công ty luật quốc tế. Giữa năm 2008, vượt qua cuộc phỏng vấn bởi trưởng Bộ phận luật Công ty và Tài chính của KhattarWong đồng thời là giám đốc điều hành của hãng (managing partner), tôi trở thành luật sư nước ngoài tại Singapore cho đến nay.

Các hãng luật lớn có khoảng 150 luật sư nhưng nếu tính luôn những người phụ việc (mỗi luật sư thường có một thư ký và được hỗ trợ bởi các trợ lý pháp chế (paralegal) và làm cho khối hành chính (lễ tân, kế toán, nhân viên phục vụ) nữa thì phải lên đến gần 300 người. Các luật sư thường được chia thành từng bộ phận chuyên môn sâu và họ được hỗ trợ tối đa về các công cụ và phương tiện để bảo đảm thực hiện các công việc chính xác, đầy đủ và đúng hạn. Nghề luật đòi hỏi các luật phải rất tỷ mỷ nhưng cũng phải rất nhanh và linh động. Những nguyên tắc vàng đối với luật sư là “không được trễ hạn mà khách hàng yêu cầu”, “không được sai sót khi tư vấn”, “không được để lỗi chính tả trong báo cáo”, “không được phép xin lỗi khách hàng” … vì khách hàng phải trả tiền cao cho dịch vụ pháp lý và vì thế không thể để họ thất vọng! Không có bất cứ lý do gì luật sư nói rằng tôi không xong việc! Nếu khách hàng yêu cầu luật sư lúc 9 giờ tối phải hoàn tất báo cáo sáng sớm mai vì họ phải đi đàm phán thì tức là chúng tôi phải ngồi suốt đêm để làm cho xong sản phẩm đó đúng giờ. Thực tế tư vấn luật là một công việc nặng, áp lực và khắc nghiệt. Trong cơ chế thị trường không bao giờ có “đồng tiền dễ dàng” cả… nhưng càng làm tôi càng cảm thấy luật sư yêu nghề không hoàn toàn vì tiền mà vì sự đam mê giải quyết các vấn đề hóc búa, thách thức trong công việc.  Luật sư cũng thường xuyên được dạy và nhắc nhở về đạo đức nghề nghiệp. Các luật sư phải luôn phục vụ khách hàng, tuy nhiên cũng phải luôn trung thực và phải biết giữ bí mật kinh doanh của khách hàng. Luật sư cũng phải hiểu rõ văn hóa và nhu cầu của khách hàng. Vì vậy những hãng luật lớn khi phát triển sang một thị trường mới thường sẽ tìm kiếm những luật sư địa phương nhưng cũng am hiểu về văn hoá làm việc quốc tế. Với tư cách là một luật sư Việt Nam am hiểu pháp luật, văn hoá lịch sử Việt Nam đồng thời am hiểu văn hoá, thói quen tư duy của Singapore tôi đã có những đóng góp nhất định cho hãng luật trong việc tư vấn cho khách hàng Singapore đầu tư vào Việt Nam cũng như khách hàng Việt Nam có giao dịch với Singapore.

Hỏi: Nếu để có một lời khuyên cho các bạn trẻ theo nghề luật sư, chị sẽ nói gì ?

Trả lời: Thật khó để tôi khuyên các luật sư trẻ nên làm gì. Vậy nên tôi chỉ lưu ý các bạn cân nhắc một số vấn đề về việc trang bị kiến thức và các công cụ cần thiết cho mình để đón chờ cơ hội. Đừng quá đặt nặng thu nhập trong những năm đầu hành nghề, cái bạn cần quan tâm là tên của công ty luật đó và những điều bạn có thể học được từ các luật sư lớn tuổi của công ty. Cần phải dành thời gian quan sát, lắng nghe và học hỏi từ những luật sư lớn tuổi hơn là suy nghĩ so sánh về thu nhập bên ngoài. Nghề luật là nghề “đường dài” rất cần kinh nghiệm và uy tín (điều này sẽ được thể hiện rõ thông qua các dự án, vụ việc mà mình đã từng tham gia tư vấn). Khi đã đạt được độ chín và có uy tín thu nhập sẽ đến với bạn. Và hãy làm hết mình, có trách nhiệm với công việc. Phải cố gắng tìm tòi và hiểu rõ yêu cầu của khách hàng và luật sư hướng dẫn để có thể đáp ứng tối đa yêu cầu của họ. Vì khi bạn làm được việc thì họ sẽ tin tưởng vào bạn và sẽ giao cho bạn nhiều việc hơn. Tức là giá trị của bạn cũng sẽ tăng lên.

Võ Hồng Hiền: Người tập sự hành nghề luật sư (NTSHNLS) tại Công ty luật Song Nguyên

Hỏi: Vừa vượt qua kỳ thi hết tập sự, bạn vừa có kết quà trở thành LS chính thức. Với góc nhìn của một LS trẻ mới vào nghề bạn hãy chia sẻ suy nghĩ của mình nhân ngày truyền thống của Luật sư ?

Trả lời: Tôi rất vui vì quá trình phấn đấu của mình đã gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Tôi và gia đình tôi vô cùng vinh dự vì tôi đã trở thành LS chính thức. Theo tôi nghĩ, nghề luật sư là nghề tự do và đòi hỏi tính độc lập cao trong quá trình hành nghề, không bị lệ thuộc hoặc chịu sự chi phối bởi các cơ quan tố tụng khác. Qua kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư năm nay tôi nhận thấy nghề luật sư không những đòi hỏi NTSHNLS phải vững về kiến thức chuyên môn mà còn có kỹ năng vận dụng pháp luật để giải quyết vấn đề và có đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, trong suốt quá trình tập sự hành nghề luật sư tôi đã không ngừng cố gắng và để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Kết quả tập sự hành nghề luật sư sẽ là nền tảng giúp tôi có điều kiện rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và trao dồi kiến thức để làm tốt vai trò của mình. Ngoài ra, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cũng là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Vì vậy luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; noi gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, lối sống và giao tiếp xã hội.

Ngô Nguyễn Thảo Vy - Sinh viên khoa Quản trị Luật trường Đại Học Luật TPHCM

Hỏi: Được biết bạn là một sinh viên khá năng động và tham gia cùng nhóm Sinh viên (SV)  trường ĐH Luật, đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu đề tài về lĩnh vực pháp lý trong hoạt động thương mại. Ngoài ra, bạn cũng đã từng cùng với nhóm SV của trường ‘đem chuông đi đánh xứ người” trong cuộc thi phiên toà giả định - Law Asia international Moot Compettion 2011 tại Seoul, Hàn Quốc? Vậy bạn có ước mơ sẽ trở thành một luật sư trong tương lai ? Bạn nghĩ gì về nghề luật sư và có dự định phấn đấu theo nghề ?

Trả lời: Là một sinh viên luật với khát vọng trở thành luật sư nội bộ của doanh nghiệp, tôi rất vui khi biết rằng luật sư hiện nay đang trở thành một “vũ khí mới” của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này cho thấy doanh nghiệp nước ta trong quá trình hội nhập đã quan tâm nhiều hơn đến “luật chơi” trên thương trường quốc tế,  ý thức về pháp luật của họ được nâng cao; cũng như vai trò của người luật sư ngày càng thể hiện được tầm quan trọng, giúp  xoá nhoà các vết xe đổ như vụ doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam bị kiện bán phá giá cá basa tại Mỹ, hàng không Việt Nam thua kiện tại Italy, doanh nghiệp Dệt Việt Nam chật vật trong tranh chấp hợp đồng mua bán bông,… Mặc dù vậy, trong giai đoạn hiện nay, giới luật sư nói chung và luật sư nội bộ nói riêng chỉ đang tập trung tư vấn về vấn đề soạn thảo hợp đồng, giúp các bên thương lượng hay đại diện cho doanh nghiệp tham gia tranh tụng khi tranh chấp đã xảy ra, mà chưa đề cao việc đo lường, dự đoán các rủi ro pháp lý cũng như xây dựng chính sách giải quyết tranh chấp riêng cho doanh nghiệp. Vì thế, là một trong những sinh viên thuộc thế hệ đầu tiên được đào tạo song ngành Quản trị kinh doanh và Luật tại trường Đại học Luật TP.HCM, tôi luôn tự hào rằng mình được lĩnh hội các kiến thức và kỹ năng về cả hai mảng pháp lý lẫn kinh doanh. Tôi tâm niệm rằng để trở thành một luật sư nội bộ đúng nghĩa “người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp”, việc có được cái nhìn bén nhạy và chuyên sâu về hai lĩnh vực chuyên biệt trên là điều kiện tiên quyết. Đáp ứng được điều này, các luật sư sẽ hành động quyết đoán và linh hoạt hơn, tránh thói quen và bản năng nghề nghiệp khi cho rằng giao dịch nào cũng đầy rủi ro và cạm bẫy nên thường đưa giải pháp “chắc ăn”, đôi khi bóp nghẹt hoặc dập tắt các ý tưởng hoặc quyết định kinh doanh của doanh nghiệp từ trong trứng nước. Hơn nữa, bằng việc có được sự hiểu biết nhất định về các hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề quan niệm đạo đức của luật sư không còn là rào cản trong mối quan hệ giữa người “cầm cân nảy mực” và giới “phi thương bất phú”, mà sẽ thiết lập được vị thế “win-win” đối với hai bên. Khi đó, luật sư nội bộ không chỉ tư vấn được các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp vướng mắc, chỉ ra những điều cấm của pháp luật mà còn giúp cho họ thấy được điểm mở của khung pháp lý, cùng nhau đề xuất hướng kinh doanh hợp pháp và hiệu quả, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Đối với sinh viên luật thời hiện đại chúng tôi không chỉ chủ động cập nhật những kiến thức mới trên nhiều lĩnh vực, năng động trong các công tác xã hội để trau dồi các kỹ năng mềm, mà cần phải hoàn thiện khả năng ngoại ngữ, tin học để tự tin hành nghề, độc lập tranh tụng trong các vụ việc với phạm vi trong nước hay quốc tế, nhằm thực thi công lý và đảm bảo công bằng, góp phần cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội nước nhà .

Lời kết

Khi thực hiện bài phỏng vấn này, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều luật sư, bằng những câu trả lời thẳng thắn nhưng lại rất  trăn trở và đầy tâm huyết. Họ đã thể hiện những tư duy mạch lạc và vô cùng trong sáng bằng những kiến nghị đầy chất “luật sư”. Chúng tôi cũng đã được cùng chia sẻ khát vọng vào nghề của rất nhiều sinh viên ngành luật. Tuy nhiên, vì trang báo có hạn chúng tôi rất tiếc không thể hiện hết tất cả các ý kiến ghi nhận. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng xin được cảm ơn ‘nghề luật sư” đã giúp chúng tôi được cùng thăng hoa cho những ý tưởng tốt đẹp của mình nhân ngày truyền thống luật sư. Chúng tôi vô cùng cảm thấy tự hào vì nghề luật sư đã được nhà nước và xã hội vinh danh. Xin phép được mượn lời bình luận của Tiến sĩ - Luật sư Phan Đăng Thanh (ĐLS TP.HCM)  thay cho lời kết của bài viết như một phản hồi tích cực của giới luật sư chúng tôi: “Sắc lệnh 46/SL ngày 10.10.1945 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong việc hình thành khái niệm quyền bào chữa và nghề luật sư trong chế độ Cách mạng.”


0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code