Sunday, December 29, 2013

TÌM HIỂU HỆ THỐNG THUẬT NGỮ DÙNG ĐỂ CHỈ NGƯỜI LUẬT SƯ TRONG TIẾNG ANH

NGUYỄN TUYẾT NHUNG – NHQUANG & CỘNG SỰ

Trong bối cảnh toàn cầu hoá khi sự giao lưu giữa các hệ thống pháp luật ngày càng trở nên mạnh mẽ, việc chúng ta, một nước theo hệ thống luật thường pháp (civil law) đang dần làm quen và và tiến tới hiểu rõ hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia theo hệ thống luật thông pháp (common law) là điều tất yếu. Để có một cái nhìn toàn diện về hệ thống luật của một quốc gia, cần phải tìm hiểu cơ cấu xã hội luật sư trong quốc gia đó. Tuy nhiên trong bài viết này, tôi chỉ mong muốn giới thiệu một số thuật ngữ trong tiếng Anh dùng để chỉ người luật sư ở các nước thông pháp, có đối chiếu với các thuật ngữ trong tiếng Việt nhằm bước đầu đưa ra một cái nhìn tổng thể về xã hội luật sư của các quốc gia này. Đồng thời cũng hi vọng rằng bài viết này sẽ góp phần giúp các luật sư, các dịch giả và những người có liên quan hiểu rõ và sử dụng chính xác hơn các thuật ngữ chỉ người luật sư trong tiếng Anh.
Nói một cách tổng quát, “luật sư” được gọi bằng thuật ngữ chung nhất là lawyer hoặc legal practitioner (người hành nghề luật) hay cổ hơn nữa là men of the court. Xét theo tính chất nghề nghiệp (chức năng), có thể phân loại luật sư thành luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn. Xét theo lĩnh vực hành nghề thì có luật sư hình sự, luật sư dân sự, luật sư thương mại, luật sư hôn nhân & gia đình, trẻ em v.v.. Ở Việt Nam sự phân định này là chưa rõ rệt, hầu như không có sự giới hạn loại hình cũng như lĩnh vực hoạt động chuyên môn của luật sư cũng như văn phòng luật sư (trừ các công ty luật hợp danh thì không được tham gia tranh tụng). Tuy nhiên ở các nước theo hệ thống luật thông pháp (common law), nghề luật sư đã có cả một bề dày lịch sử, và xã hội luật sư được phân hoá và phân cấp rất sâu và rõ ràng. Có thể thấy rõ sự phân hoá này qua hệ thuật ngữ chỉ người luật sư của các nước này.
Trước hết, chúng ta hãy cùng xem xét các thuật ngữ chỉ người luật sư phân chia theo tính chất nghề nghiệp. Như đã nói ở trên, ở Việt Nam nếu dựa trên tính chất nghề nghiệp, ta có luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn. Ở Anh và Australia, họ dùng các thuật ngữ chuyên biệt là barristersolicitor. Hai thuật ngữ này xuất hiện ở Anh khoảng cuối thế kỉ 16 đầu thế kỉ 17 khi nhu cầu về khiếu kiện dân sự bùng nổ (Wilfrid Prest, tr. 20). Vậy, thế nào là một barrister và thế nào là một solicitor? Việc phân biệt nội hàm khái niệm của hai thuật ngữ này đã tốn khá nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu vì ranh giới giữa hai khái niệm này rất mong manh. Tuy nhiên, theo Wilfrid Prest thì có thể phân biệt một cách tương đối dựa trên chức năng của người luật sư. Barrister (còn gọi là advocate ở Scotland và Ấn Độ) là những luật sư chuyên đảm nhiệm việc tranh tụng tại toà, còn solicitor là những luật sư chuyên tư vấn pháp lí, lo chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục giấy tờ pháp lí (Wilfrid Prest, tr. 18). Đối chiếu sang tiếng Việt, barrister chính là luật sư tranh tụng còn solicitor chính là luật sư tư vấn. Tuy nhiên, trên thực tế, một luật sư có thể kiêm hai chức năng tranh tụng và tư vấn. Điều này cũng tương tự như ở Việt Nam.
Ở Mỹ, người ta lại dùng các thuật ngữ attorney để chỉ người luật sư. Thuật ngữ attorney có gốc là một từ tiếng Pháp à tourner, có nghĩa là thay mặt, nhân danh ai đó (Morris, Cook, Greyke, Holloway, tr. 22). Các attorney ở Mỹ có hai loại là agentpleader. Tương tự như các solicitor của Anh, các agent đại diện cho các đương sự tiến hành các thủ tục pháp lí thông thường, đặc biệt là các thủ tục hành chính cần thiết cho việc khởi kiện hoặc theo kiện tại toà dân sự hoặc hình sự. Còn các pleader, còn gọi là counsel at law hay councellor hay councel, tương tự như các barrister ở Anh và Australia, chuyên tham gia tranh tụng tại toà. Cũng có thể chia attorney thành hai cấp độ là attorney-in-factattorney-at-law. Attorney-in-fact là các đại diện pháp lý cho cá nhân hoặc pháp nhân trong các hoạt động pháp lí liên quan tới kinh doanh, tài sản hoặc các vấn đề cá nhân, và thường hoạt động không cần phải có giấy phép của chính phủ. Ngược lại, các attorney-at-law là các luật sư đã được cấp chứng chỉ hành nghề, có quyền đại diện cho thân chủ tham gia vào các hoạt động pháp lí trong và ngoài toà án cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lí. Do vậy có thể hiểu attorney-in-fact là các đại diện theo uỷ quyền còn attorney-at-law là các luật sư hành nghề. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng ở Mỹ thuật ngữ attorney còn dùng để chỉ công tố viên ở các cấp trong các cụm thuật ngữ county attorney (công tố viên của hạt), district attorney (công tố viên của bang), và attorney general (công tố viên liên bang).
Xét trên khía cạnh đối tượng khách hàng thì tồn tại cả một khoảng cách lớn giữa hệ thuật ngữ chỉ người luật sư của các nước thông pháp và hệ thuật ngữ tương ứng của Việt Nam. Ở các nước thông pháp, xét theo đối tượng khách hàng, từ lâu đã có in-house lawyer – luật sư riêng, trong đó bao gồm family lawyer – luật sư gia đình và corporate lawyer – luật sư công ty. Các corporate lawyer được định nghĩa là các luật sư đại diện cho một công ty tham gia vào các hoạt động pháp lí liên quan tới công ty đó (bao gồm cả tranh tụng và tư vấn). Tuy nhiên, ở Việt Nam có một thực tế là các gia đình và doanh nghiệp chưa có thói quen và nhu cầu thuê luật sư riêng cho mình. Vì thế cụm thuật ngữ “luật sư riêng” vẫn chưa được phổ biến. Mặc dù rằng rất nhiều doanh nghiệp nhà nước Việt Nam có hẳn một phòng pháp chế chuyên lo việc pháp lý của công ty, nhưng những người làm tại phòng pháp chế này phần nhiều không phải là luật sư. Nên họ không phải là những in-house lawyer. Gần đây ở Việt Nam chúng ta thấy xuất hiện khái niệm luật sư kinh doanh. Theo định nghĩa của Đỗ Trọng Hải thì hoạt động chủ yếu của luật sư kinh doanh là cung cấp dịch vụ pháp lý hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp cho các doanh nghiệp và các đơn vị kinh doanh trong quá trình hoạt động của các tổ chức đó. Như vậy, xét trên góc độ đối tượng khách hàng thì cả corporate lawyerluật sư kinh doanh đều làm việc cho các doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh. Cho nên, theo tôi thuật ngữ tiếng Việt tương đương của thuật ngữ corporate lawyer chính là luật sư kinh doanh. Nhưng vì thuật ngữ luật sư kinh doanh không nhấn mạnh được đối tượng khách hàng của người luật sư như thuật ngữ corporate lawyer, nên theo tôi, tương đương chính xác nhất của thuật ngữ này trong tiếng Việt phải là luật sư công ty.
Cuối cùng, khi xem xét các thuật ngữ chỉ người luật sư từ khía cạnh lĩnh vực hoạt động, chúng ta lần nữa thấy được sự đi sau của nghề luật sư Việt Nam so với nghề luật sư các nước phát triển trong việc chuyên môn hoá xã hội luật sư. Hiện nay, phần nhiều các luật sư Việt Nam sử dụng thuật ngữ chỉ về công việc của mình một cách chung chung là “luật sư” mà chưa chỉ rõ tính chuyên môn trong hành nghề. Trong khi đó ở các nước thông pháp (common law), khi nhìn vào hệ thuật ngữ chỉ luật sư, có thể thấy độ phân hoá luật sư theo lĩnh vực của họ rất sâu rộng. Họ có từ criminal lawyer (luật sư hình sự), economic lawyer (luật sư kinh tế), commercial lawyer (luật sư thương mại), construction lawyer (luật sư xây dựng), labor lawyer (luật sư lao động), contract lawyer (luật sư hợp đồng) đến tax lawyer (luật sư thuế), environmental lawyer (luật sư môi trường), intellectual property lawyer hay patent lawyer (luật sư sở hữu trí tuệ), real estate and housing lawyer (luật sư địa ốc), bankcruptcy lawyer (luật sư chuyên về phá sản), divorce lawyer (luật sư chuyên về li hôn), v.v.
Tóm lại, trên đây là một số đúc rút về các thuật ngữ dùng để biểu đạt khái niệm người luật sư trong tiếng Anh. Có thể thấy rằng, sự phát triển của nghề luật ở các quốc gia theo hệ thống thông pháp cũng như cơ cấu của xã hội luật sư của họ đã được phản ánh rất rõ trong sự phát triển của ngôn ngữ, cụ thể là ở hệ thuật ngữ chỉ người luật sư của các quốc gia đó. So sánh với hệ thuật ngữ chỉ người luật sư trong tiếng Việt, hệ thuật ngữ của họ rõ ràng là phong phú và toàn diện hơn rất nhiều, phản ánh chính xác tương quan về lịch sử và mức độ phát triển của nghề luật sư ở Việt Nam so với thế giới, đặc biệt là các nước theo hệ thống luật thông pháp.

LITERATURE

Morris, Cook, Greyke, Geddes, Holloway Laying down the Law: the foundations of legal reasoning, research and writing in Australia (4th ed) Butterworths, 1997. p. 22.
Wilfrid Prest A career in law Cambridge, 1986, p. 18. The rise of the Lawyers.
Henry Cambell Black Black’s Law Dictionary (4th ed) St. Paul Minn West Publishing Company, 1951, p. 75, 164, 191, 41/8, 1564.
Đỗ Trọng Hải, Bước khởi đầu của luật sư kinh doanh ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập Pháp, 2005.
<http://www.nclp.org.vn/News/clbluatsu/2005/10/927.aspx>
Nghề luật sư kinh doanh ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập Pháp, 2005.
<http://www.nclp.org.vn/News/clbluatsu/2005/06/779.aspx>
Attorney, Columbia University Press
<http://www.answers.com/attorney>
——————————————————–
TRÍCH DẪN TỪ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code