THS. TRẦN HỒNG THANH - Ban Chính trị, Báo Nhân dân
Giao dịch dân sự vô hiệu và việc tuyên bố
một giao dịch dân sự vô hiệu là một chế định quan trọng trong pháp luật
dân sự nước ta. Bộ luật Dân sự 1995, đã dành hẳn Chương V quy định về
giao dịch dân sự, sau khi làm rõ khái niệm giao dịch dân sự, điều kiện
có hiệu lực của một giao dịch dân sự, mục đích, hình thức của giao dịch
dân sự, các nhà làm luật cũng dành phần lớn công sức, trí tuệ cho việc
xây dựng các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu, với tổng cộng 12 điều
luật (từ Điều 136 đến Điều 147), nhằm làm rõ nhận thức chung về giao
dịch dân sự vô hiệu, cũng như các loại giao dịch dân sự vô hiệu: Vô hiệu
do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 137); vô
hiệu do giả tạo (Điều 138); vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình
thức (Điều 139); vô hiệu do xác lập, thực hiện với người chưa thành
niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành
vi dân sự (Điều 140); vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 141); vô hiệu do bị
lừa dối, đe dọa (Điều 142); vô hiệu do người xác lập không nhận thức
được hành vi của mình (Điều 143); vô hiệu từng phần (Điều 144).
Chung quanh vấn đề về giao dịch dân sự vô
hiệu, nghiên cứu nội dung quy định tại Chương V Bộ luật Dân sự năm
1995, có thể thấy này, các nhà làm luật cũng tập trung làm rõ về thời
hạn yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, hậu quả pháp lý
của nó và vấn đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao
dịch dân sự bị tuyên bố là vô hiệu.
Như vậy, có nhiều cơ sở pháp lý để Thẩm
phán xem xét, đánh giá một giao dịch dân sự nào đó có bị vô hiệu hay
không. Song, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin phép đề cập
vấn đề ở hai khía cạnh cụ thể như sau:
Thứ nhất, giao dịch dân sự vô hiệu nhưng
được thực hiện dựa trên cơ sở từ một quyết định có hiệu lực của cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức.
Về vấn đề thứ nhất, giao dịch dân sự vô
hiệu nhưng được thực hiện dựa trên cơ sở từ một quyết định có hiệu lực
pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vấn đề này, nghe qua thấy
hình như có cái gì đó mâu thuẫn, thậm chí là khó hiểu, song lại là một
thực tế rất hay xảy ra. Trong thực tiễn bảo vệ pháp luật hiện nay, có
không ít giao dịch dân sự được xác lập, ký kết mà việc xác lập, ký kết
đó dựa trên một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền. Chúng tôi xin nêu một ví dụ cụ thể: Ông A và bà B tranh
chấp với nhau về quyền sở hữu một ngôi nhà, hai bên không tự giải quyết
được mà phải nhờ đến sự phân xử cuối cùng của Toà án.
Sau nhiều lần thương lượng, hoà giải và
xét xử, tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã quyết định ông A là
chủ sở hữu ngôi nhà nói trên, chứ không phải bà B. Bản án dân sự phúc
thẩm, về nguyên tắc, có hiệu lực thi hành ngay, xác lập về mặt pháp lý
không thể chối cãi quyền sở hữu của ông A đối với căn nhà đã bị tranh
chấp. Điều đáng nói ở đây là, ngay sau khi Toà án ra quyết định phúc
thẩm, ông A đã xác lập một giao dịch dân sự với ông C để bán ngôi nhà
nói trên (việc mua bán này thực hiện hoàn toàn theo đúng các quy định
của pháp luật về một giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật). Khi ông A
thực hiện việc bán căn nhà, thì bà B vẫn tiếp tục khiếu kiện khắp nơi và
gửi đơn khiếu nại lên cấp xét xử cao hơn. Một phiên toà giám đốc thẩm
vụ tranh chấp này được mở, song điều đáng nói ở đây là, tại phiên toà
giám đốc thẩm, Hội đồng xét xử lại tuyên bố, quyết định của Toà phúc
thẩm là sai, căn nhà thuộc sở hữu của bà B, chứ không phải của ông A.
Thế là vấn đề đã trở nên cực kỳ phức tạp. Cũng theo luật, quyết định của
Toà án giám đốc thẩm phải có giá trị pháp lý cao hơn quyết định của Toà
án cấp phúc thẩm, đó là lẽ đương nhiên, nhưng ngôi nhà thì đã bán rồi,
việc tổ chức thi hành án sẽ rất phức tạp.
Cách tốt nhất mà cơ quan Toà án thường áp
dụng trong trường hợp phức tạp và “nhạy cảm” ở đây là: Tuyên bố luôn
hợp đồng mua bán ngôi nhà nói trên giữa ông A và ông C, là vô hiệu.
(Trên thực tế, việc này xảy ra không phải là ít và khi giải quyết thì
những giao dịch dân sự kiểu như của ông A với ông C thường bị coi là vô
hiệu). Tất nhiên, trong trường hợp này thì người bị thiệt hại lớn nhất
vẫn là ông C. Nói khác đi, trong trường hợp này, quyền và lợi ích hợp
pháp của ông C đã không được tôn trọng và bảo vệ. Đưa ra nhận định này,
bởi chúng tôi cho rằng, giao dịch dân sự giữa ông A và ông C là hoàn
toàn hợp pháp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của một giao
dịch dân sự như Điều 131 Bộ luật Dân sự 1995 đã quy định. Hơn nữa, căn
cứ pháp lý để ông C đặt bút ký vào hợp đồng mua bán nhà với ông A, lại
chính là bản án có hiệu lực pháp luật của Toà phúc thẩm. Đó là chưa nói
đến việc, sau khi mua nhà, ông C đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà
nước và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà
hợp pháp.
Rắc rối này, theo chúng tôi, có nguyên
nhân sâu xa từ những bất cập trong các quy định của pháp luật. Các nhà
làm luật, khi xây dựng Bộ luật Dân sự 1995 chưa tính toán tới tình huống
thực tế này, chưa tính tới một trường hợp giao dịch dân sự có hiệu lực
pháp luật (chứ không phải là vô hiệu) vì nó được xác lập dựa trên một
phán quyết có hiệu lực pháp luật của chính cơ quan Toà án. Sự “xung đột”
trong quyết định của toà phúc thẩm và giám đốc thẩm khi giải quyết một
tranh chấp dân sự, từ góc độ phân tích này chúng tôi cho rằng, không
đơn giản chỉ là vấn đề xác lập quyền sở hữu của một ai đó đối với tài
sản đang tranh chấp, mà còn là vấn đề bảo đảm việc thực thi quyền sở hữu
đó trên thực tế đến đâu? Trách nhiệm của các cơ quan Toà án trong việc
tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp, chính đáng của người dân như
thế nào?
Giao dịch dân sự giữa ông A và ông C về
việc mua bán căn nhà nói trên là vô hiệu hay không, rõ ràng vẫn còn là
một vấn đề bị “bỏ ngỏ” trong pháp luật dân sự. Có lẽ, trong quá trình
soạn thảo, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự 1995 sắp tới, các nhà làm
luật cũng sẽ quan tâm đầu tư thích đáng cho vấn đề này.
Vấn đề thứ hai mà chúng tôi muốn đề cập là giao dịch dân sự vô hiệu vì hình thức.
Đưa vấn đề này ra phân tích, đánh giá,
quan điểm của chúng tôi là cần phải có, hay phải được dựa trên cơ sở của
sự phân biệt rạch ròi trong thực tiễn pháp lý giữa giao dịch dân sự vô
hiệu về mặt nội dung với giao dịch dân sự vô hiệu về mặt hình thức.
Trong chế định về giao dịch dân sự vô hiệu, tại Điều 138 của Bộ luật Dân
sự 1995, các nhà làm luật đã đề cập một tình huống khá hay, đó là tình
huống “giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo”, trong đó khẳng định về “ý
chí chủ quan” của một hoặc các bên trong quan hệ dân sự nhằm thực hiện
giao dịch dân sự giả tạo, với những ý đồ xấu và giao dịch đó không được
pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vấn đề cần đặt ra ở đây là, đã trù liệu
và chấp nhận trên thực tế tình huống “vô hiệu do giả tạo” trong quan hệ
pháp luật dân sự, tại sao lại không thể chấp nhận một thực tế khác: Có
các giao dịch dân sự vô hiệu về hình thức”. Điều mà chúng tôi muốn nói ở
đây là, một bên là vi phạm về mặt nội dung (vô hiệu là đương nhiên) và
bên kia là những vi phạm về mặt hình thức (ví dụ như không lập văn bản,
không có xác nhận của cơ quan chức năng…), nhưng các điều kiện về nội
dung để bảo đảm tính hiệu lực của giao dịch vẫn được đáp ứng. Nói cách
khác, các quy định hiện hành đã không chấp nhận một loại giao dịch dân
sự đã đáp ứng về cơ bản các yếu tố, điều kiện của một giao dịch dân sự
có hiệu lực, có giá trị thực và rất cần có sự bảo vệ của pháp luật. Thực
chất của nó là sự thoả mãn ba nội dung cơ bản về điều kiện có hiệu lực
của một giao dịch dân sự quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự 1995.
Đó là:
Thứ nhất: Các bên tham gia giao dịch dân sự có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
Thứ hai: Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Thứ ba: Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng và tự do thể hiện ý chí, bày tỏ ý chí.
Trong quan hệ pháp luật về dân sự, các
bên tham gia một giao dịch dân sự, theo chúng tôi, nếu thoả mãn đầy đủ
ba điều kiện nêu trên, là rất đầy đủ cho một giao dịch dân sự có hiệu
lực. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tự định đoạt trong
quan hệ pháp luật dân sự. Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do,
bình đẳng, hợp tác, trung thực trong các quan hệ pháp luật về dân sự;
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hình thức của hợp đồng, trong một số
trường hợp cụ thể và thường là trong những trường hợp mà giá trị của hợp
đồng lớn hoặc rất lớn (mua bán nhà ở chẳng hạn, pháp luật dân sự quy
định là điều kiện bắt buộc để hợp đồng dân sự đó có hiệu lực. Từ một quy
định của pháp luật nặng về “hình thức” và trong nhiều trường hợp bất
cập với thực tiễn như vậy, đã và đang tạo ra không ít sự “tuỳ nghi”
trong đường lối xét xử và cách phán xử của Toà án. Sự bất cập, hạn chế
kể trên thực tế cũng đang cho phép một trong các bên đương sự đang lợi
dụng tính “hình thức” của pháp luật để từ chối thực hiện nghĩa vụ hợp
đồng vì như thế sẽ có lợi hơn nhiều. Cách giải quyết đó, về nhận thức
chủ quan, người Thẩm phán cũng biết rằng, nó đã không phản ánh đúng bản
chất của sự việc và đã đi ngược lại với các nguyên tắc cơ bản của pháp
luật dân sự, đã không bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp
của công dân như Điều 2, Điều 6 của Bộ luật Dân sự 1995 đã đặt ra. Tính
“hình thức” trong một số phán quyết giao dịch dân sự vô hiệu của Toà án
khi giải quyết tranh chấp, theo chúng tôi, có nguyên nhân sâu xa từ tính
“hình thức” trong quy định về “điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân
sự” của Bộ luật Dân sự 1995 (Điều 131).
Sửa đổi Bộ luật Dân sự 1995, ý kiến của
Ban soạn thảo đã thẳng thắn cho rằng, phải sửa đổi theo tinh thần bảo vệ
quyền tự do hợp đồng và chế định về hợp đồng phải tạo điều kiện thúc
đẩy các giao dịch phát triển, hạn chế việc huỷ bỏ, chấm dứt hợp đồng hay
tuyên bố vô hiệu hợp đồng. Việc tuyên bố vô hiệu hợp đồng chỉ dựa trên
cơ sở một số điều kiện nhất định, chủ yếu liên quan mục đích, đối tượng,
nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm hoặc trái đạo đức xã hội*. Với
tinh thần tiến bộ này chúng ta sẽ có thêm cơ sở pháp lý để xem xét, sửa
đổi một cách cơ bản về chế định giao dịch dân sự vô hiệu. Chúng tôi cho
rằng nếu quy định “Hình thức giao dịch dân sự chỉ là điều kiện có hiệu
lực của giao dịch, nếu pháp luật có quy định” mà Ban soạn thảo Bộ luật
Dân sự (sửa đổi) đã nêu ra, thay cho quy định cũ “Hình thức giao dịch
dân sự phải phù hợp với quy định của pháp luật” (khoản 4 Điều 131 Bộ
luật Dân sự 1995), thì về bản chất, vẫn chẳng có sự thay đổi nào đáng
kể. Suy cho cùng, cả hai cách quy định đều cho rằng: Hình thức của giao
dịch dân sự vẫn là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, nếu pháp
luật có quy định.
Theo chúng tôi, hướng giải quyết ở đây là
hình thức của một hoặc một số giao dịch dân sự mà pháp luật yêu cầu
phải lập thành văn bản, có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,
nên quy định tại Điều 133 của Bộ luật quy định về hình thức giao dịch
dân sự. Cụ thể là:
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể
- Riêng các giao dịch dân sự về A, B, C
(là những loại giao dịch gì mà nhà làm luật thấy cần thiết), phải được
thể hiện bằng văn bản.
Nếu tách bạch được vấn đề theo cách nêu
trên, một mặc chúng ta vừa thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo đối với việc
sửa đổi luật, đồng thời mặt khác cũng tháo gỡ được không ít bất cập,
vướng mắc của thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay. Và như vậy thì, quy
định phải lập thành văn bản trong một số trường hợp (A , B, C…) như đã
kể trên, chỉ là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để
cơ quan Toà án vận dụng, xem xét và đánh giá các tình tiết, chứng cứ
của vụ án, góp phần làm rõ đúng sai, sự thật của vấn đề khi giải quyết
một tranh chất về giao dịch dân sự, chứ không phải là cơ sở pháp lý để
tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu khi mà các điều kiện về nội dung (thực
chất) của một giao dịch dân sự có hiệu lực đều đã được các bên đương sự
tôn trọng, thực hiện đầy đủ và điều đó cũng đã được Hội đồng xét xử làm
sáng tỏ trước Toà.u
____________
* Tờ trình của Chính phủ, số 1443, ngày
4/10/2004, trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 7, về dự thảo Bộ luật Dân
sự (sửa đổi), tr. 8.
NGUỒN: TẠP CHÍ KIỂM SÁT SỐ 2/2005
0 comments:
Post a Comment