Trong vòng một thập kỷ qua, số luật sư và cố vấn pháp lý được cấp phép tại Anh và xứ Wales đã tăng mạnh, lên đến con số 165.000 người, cao hơn cả số sỹ quan cảnh sát hiện có ở xứ sở sương mù.
Bộ trưởng Tư pháp Anh Jack Straw.
Theo kết quả thống kê của một hãng luật, số luật sư làm việc trong các công ty luật tăng đến 42,4% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2010 và số luật sư làm việc cho lĩnh vực công đã tăng gần 70% kể từ năm 1997, đưa tổng số luật sư có đủ các chứng chỉ hành nghề lên 4.631 người.
Như vậy, ở Anh hiện nay cứ 400 người dân thì có một luật sư. Trong khi đó, số người chọn nghề cảnh sát có xu hướng giảm đi kể từ khi Chính phủ Anh thắt chặt chi tiêu, chỉ còn 142.363 người vào mùa thu năm ngoái.
Trong khi nhiều người làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, kể cả lĩnh vực tư hay công, bị mất việc hay bị cắt giảm lương, số người hành nghề luật sư lại gia tăng mạnh mẽ. Điều này cũng khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải “giật mình” bởi khoản tiền chi trả cho các luật sư đã tăng lên khá lớn. Theo báo cáo của một công ty luật, năm 2010 mức lương khởi điểm bình quân của một luật sư tập sự là 26.327 bảng Anh – tăng 8,1% so với năm 2009.
Ngoài ra, năm 2010, Anh còn có 117.862 cố vấn pháp lý được cấp chứng chỉ hành nghề, có thể làm việc cho các công ty luật và khoảng 15.000 luật sư khác làm việc tại các tòa án, được các thẩm phán chỉ định bào chữa trong các vụ việc.
Bên cạnh những luật sư, cố vấn luật được đào tạo bài bản này, ở Anh cũng có khoảng 32.266 cố vấn pháp lý không cần có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn được hành nghề. Nhiều người trong số này làm việc riêng cho các công ty hoặc khu vực hành chính công, thực hiện các công việc nội bộ, chứ không tư vấn cho khách hàng bên ngoài.
Theo kết quả điều tra, nguyên nhân của sự gia tăng mạnh mẽ số người hành nghề luật ở Anh là do kể từ giữa những năm 1990, công việc dành cho các luật sư “nhiều như nấm”, một phần nhờ chính sách “không thắng, không có phí” và sự phát triển của luật nhân quyền.
Theo chính sách “Không thắng, không có phí”, nếu chiến thắng trong một vụ tranh tụng, các luật sư được nhận một khoản tiền thù lao mà bên thua kiện phải trả, còn khách hàng của các luật sư này sẽ không phải trả bất kỳ khoản phí nào. Tuy nhiên, nếu không giành được phần thắng cho thân chủ của mình thì các luật sư cũng không nhận bất kỳ khoản tiền nào.
Về tác động của một đạo luật về nhân quyền ở Anh đến sự bùng nổ của nghề luật sư, tháng 2 vừa qua, một chuyên gia pháp lý cho biết, hàng chục nghìn cựu tù nhân ở nước này đang chuẩn bị theo đuổi một vụ kiện đòi bồi thường vì họ bị từ chối quyền bầu cử khi ở trong tù.
Anh là nước duy trì lệnh cấm tù nhân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử suốt 140 năm qua. Lệnh này không chỉ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Nghị viện châu Âu mà thậm chí Tòa án nhân quyền châu Âu còn cổ vũ các phạm nhân kiện Chính phủ Anh để được bồi thường 750 bảng mỗi người.
Theo các luật sư làm việc cho Chính phủ Anh, nếu các bộ trưởng Anh thất bại trong vụ việc này, số tiền bồi thường có thể lên đến 150 triệu bảng.
Có thể thấy, luật sư hiện là lực lượng lao động đông đảo trong các lĩnh vực tạo ra của cải vật chất chủ chốt của nền kinh tế Anh. Chỉ tính riêng những công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp dược phẩm đã thuê khoảng 72.000 luật sư.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Tư pháp Anh Jack Straw cảnh báo, tình trạng gia tăng mạnh đội ngũ luật sư trong năm 2010 có thể sẽ tạo nên nguy cơ thừa luật sư nhưng chất lượng lại kém trong tương lai.
Hà Dung (theo Dailymail)
0 comments:
Post a Comment