Luật sư Phan Thông Anh
Ủy viên Ban Thường vụ
Trưởng Cơ quan Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh
Ủy viên Ban Thường vụ
Trưởng Cơ quan Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh
Luật Luật sư số 65/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/06/2006 đã
tạo ra một khung pháp lý vô cùng quan trọng cho hoạt động của luật sư.
Sau hơn 05 năm triển khai thi hành Luật Luật sư, đội ngũ luật sư ở nước
ta đã có những bước phát triển nhanh về số lượng cũng như chất lượng,
hoạt động tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư ngày càng
được nâng cao, công tác quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự
quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã đạt được những hiệu quả nhất
định. So với Pháp lệnh số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 về luật sư
thì Luật Luật sư đã thể hiện rõ được vai trò của người Luật sư trong đời
sống xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thi hành, một số quy
định của Luật Luật sư tỏ ra không còn phù hợp với thực tiễn phát triển
của nghề luật sư, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam và các quy
định của pháp luật khác có liên quan. Trong bốn bản dự thảo sửa đổi Luật
luật sư do Bộ tư pháp chủ trì, cùng với ý kiến đóng góp của Tiểu ban
sửa đổi bổ sung Luật luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có những đề
xuất thay đổi lớn trong các điều khoản Luật luật sư. Tuy nhiên để những
thay đổi này phù hợp với hoàn cảnh xã hội và có những tư duy định hướng
đúng đắn cho sự phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam thì những phản biện
khoa học cần phải tích cực và có chiều sâu. Với tư cách là thành viên
trong Tiểu ban sửa đổi bổ sung Luật luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam
và dựa trên bốn bản dự thảo vừa qua, quan điểm của tác giả có góc nhìn
khác, có nội dung đồng thuận, có nội dung cần để xuất xem xét lại. Tuy
nhiên trong phạm vi bài viết lần này, tác giả chỉ tập trung phân tích
những kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật luật sư có liên quan đến "hoạt động tự quản của Luật sư và hành nghề Luật sư của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư"
"Tự quản"có thể được hiểu là tự mình trông
nom, quản lý công việc của mình, theo đó hoạt động tự quản của Luật sư
và hành nghề Luật sư của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sưcó thể được
hiểu: Luật sư tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật và của tổ
chức Luật sư khi hoạt động hành nghề và tổ chức xã hội nghề nghiệp luật
sư tự giám sát kiểm tra hoạt động nghề nghiệp luật sư thông qua Điều
lệ, các quy chế nội bộ và các quy định của pháp luật về luật sư.
Vấn đề “phát huy chế độ tự quản” của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp
nói chung và của tổ chức luật sư nói riêng là chủ trương đã được Đảng ta
khẳng định trong Nghị quyết số 49/NQ-TƯ ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị
về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và đã được thể chế hóa trong
Luật Luật sư 2006 quy định như sau: (i)Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư:đã quy
định cụ thể vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc
hoạt động của tổ chức luật sư toàn quốc; đồng thời quy định rõ thành
viên của tổ chức luật sư toàn quốc là các Đoàn luật sư và các luật sư
trong cả nước, chuyển giao cho tổ chức luật sư toàn quốc, các nhiệm vụ
quyền hạn bao gồm : ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, cấp
Thẻ luật sư, tổ chức bồi dưỡng thường xuyên nghiệp vụ chuyên môn cho
luật sư, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm hành nghề, quy định mẫu trang
phục, quy định việc miễn, giảm thù lao...đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng
cho việc nâng cao vai trò tự quản của tổ chức luật sư. (ii).Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư : "
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện tự quản luật sư và
hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và Điều lệ của mình. Tổ
chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư phối hợp với các cơ quan quản lý
nhà nước trong việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư."
Chỉ sau hơn hai năm thành lập (từ tháng 05.2009 cho đến nay). Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thể hiện vai trò tự quản thông qua các hoạt động : xây
dựng và kiện toàn bộ máy hoạt động của Liên đoàn, ban hành các quy chế
hoạt động, ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, cấp Thẻ luật
sư, quy định mẫu trang phục, triển khai xây dựng Quy chế xử lý kỷ luật
luật sư, tổ chức bồi dưỡng thường xuyên nghiệp vụ chuyên môn cho luật
sư, tham gia bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Luật sư, tháo gỡ khó khăn
trong việc xây dựng thực lực chính trị tại Đoàn Luật sư, kiến nghị UBND
tỉnh hỗ trợ cơ sở vật chất cho Đoàn Luật sư , cùng với Đoàn Luật sư
giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với Luật sư ...đã từng bước khẳng định được vai trò đại diện của luật sư trong cả nước và phát huy tính tự quản của tổ chức luật sư.
- Về quản lý nhà nước :có thể hiểu là sự chỉ huy, điều hành xã hội của các cơ quan nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước, thông qua các văn bảnThư viện mẫu văn bản quy phạm pháp luật. Đối với sự quản lý của nhà nước về hoạt động hành nghề luật sư. Luật Luật sư 2006 đã quy định : (i) Về nguyên tắc quản lý hành nghề luật sư :"
Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản
lý nhà nước với phát huy vai trò tư quản của tổ chức xã hội - nghề
nghiệp của luật sư, bảo đảm việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và
ứng xử nghề nghiệp của luật sư.” (điều 6/LLS.2006). (ii) Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư:
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư;
giao cho Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề
luật sư ở trung ương; Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc
quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư và UBND các tỉnh thành
phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành
nghề luật sư tại địa phương đối với một số nhiệm vụ, quyền hạn được quy
định tại điều 83/LLS.2006.
Trong năm năm qua các Đoàn Luật sư đã nhận thức đầy đủ trách
nhiệm của mình với nhà nước nên đã kết hợp chặt chẻ với UBND tỉnh, Thành
phố trực thuộc trung ương thông qua Sở Tư pháp quản lý được hoạt động
luật sư trên địa bàn, tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật
cho các cơ quan nhà nước; trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng
chính sách, thực hiện các án chỉ định do các cơ quan tiến hành tố tụng
trưng cầu, có các địa phương Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư ký kết quy chế
phối hợp hoạt động, quản lý tốt hoạt động của các tổ chức hành nghề trên
địa bàn, đảm bảo sự tuân thủ các quy định của pháp luật của luật sư
trong quá trình hành nghề...Nhưng cũng còn một vài địa phương do sự nhận thức về nội hàm quản lý nhà nước của Sở Tư pháp trong quản lý hoạt động luật sư tại địa phương chưa đúng nên Sở Tư pháp đã có những hành vi can thiệp quá sâu vào hoạt động tự quản của Đoàn luật sư đã gây ra những xung đột mâu thuẩn không đáng có giữa Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư với Lãnh đạo Sở Tư pháp.
Để có thể phát huy tốt vai trò tự quản của tổ chức xã hội
nghề nghiệp luật sư cùng với cơ quan nhà nước quản lý hoạt động luật
sư theo chúng tôi sửa đổi, bổ sung Luật luật sư lần này cần tập
trung cho những vấn đề sau đây :
1-Tính tự quản trong tổ chức và thống nhất hành động :
+Phát triển và thống nhất tổ chức thành viên
Điều kiện tiền đề để thực hiện hoạt động tự quản là sự thống
nhất tổ chức giữa các thành viên, theo Luật luật sư 2006 thì thành viên
Liên đoàn Luật sư Việt Nam bao gồm : các Đoàn Luật sư và Luật sư,
tư cách thành viên này được xác lập và khẳng định ngay trong tên gọi
của tổ chức luật sư toàn quốc là Liên đoàn Luật sư mà không gọi là Hiệp
hội Luật sư điều đó có thể khẳng định thành viên đầu tiên phải là các
đoàn luật sư nhưng trong dự thảo (4) sửa đổi bổ sung Luật luật sư của Bộ
Tư pháp lại dự thảo bỏ Đoàn Luật sư ra ngoài không còn là thành viên của Liên đoàn Luật sư.
Ý kiến của Dự thảo về vấn đề này có những mâu thuẩn sau : (i)Phá
vỡ khung pháp lý cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Luật sư do chính Bộ Tư
pháp xây dựng khi thành lập Liên đoàn Luật sư ; (ii) Phá vỡ cơ cấu Chủ
nhiệm các Đoàn Luật sư là đương nhiên Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn
quốc; (iii) Đi ngược lại chính đề xuất của Bộ Tư pháp cho 62 Đoàn Luật
sư áp dụng chung một bản Điều lệ chung của Liên đoàn Luật sư Việt Nam,
(iv) Làm mất đi tiếng nói, vai trò đại diện của Liên đoàn Luật sư đối
với các Đoàn Luật sư tại các cơ quan trung ương, (v) Trở lại thời kỳ
những khó khăn vướng mắc của các Đoàn Luật sư không có sự hỗ trợ tháo gở
từ Liên đoàn Luật sư như khi chưa thành lập Liên đoàn Luật sư Việt
Nam.
Nếu các Đoàn Luật sư không còn là thành viên của Liên đoàn
Luật sư thì có thể nói Liên đoàn Luật sư sẽ tự giải thể vì thành viên
duy nhất còn lại là Luật sư không được tham gia trực tiếp với Liên đoàn Luật sư mà tham gia phải thông qua Đoàn luật sư nơi mình gia nhập (Khoản
1 điều 64 " Thành viên của Liên đoàn luật sư Việt Nam là các luật sư.
Các luật sư tham gia Liên đoàn luật sư Việt Nam thông qua Đoàn luật sư
nơi mình gia nhập") mà theo dự thảo thì Đoàn Luật sư không phải là
thành viên của Liên đoàn Luật sư được hiểu Luật sư cũng không thể tham
gia theo sự thông qua này.Sự bất cập này trong dự thảo sẽ là nguy cơ,
tạo tiền đề ngăn cản việc “phát huy chế độ tự quản” của các tổ chức xã
hội - nghề nghiệp và đây là tiền đề phá vỡ điều kiện tiên quyết về sự
thống nhất tổ chức để thực hiện hoạt động tự quản của Luật sư Việt Nam.
Song song đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tổ
chức hành nghề luật sư không phải là thành viên của Liên đoàn Luật sư
nên không chịu sự chi phối hoạt động phối hợp tự quản và không được sự
hỗ trợ của Liên đoàn vì không phải là thành viên nên theo chúng tôi cần
cân nhắc xem xét công nhận thành viên thứ ba này để tạo sức mạnh cho
khối thống nhất của Liên đoàn Luật sư bao gồm : Đoàn Luật sư, Tổ chức hành nghề luật sư và Luật sư cùng nhau tự quản trong hoạt động nghề nghiệp.
Trách nhiệm tự quản của Luật sư, của tổ chức hành nghề Luật
sư và tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư có thể được tiếp cận ở góc độ
là thực hiện thống nhất về chế độ quản lý nội bộ tổ chức xã hội nghề nghiệp của Luật sư thể
hiện qua việc áp dụng chung một Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề
nghiệp luật sư Việt Nam; xây dựng và áp dụng chung quy tắc xử lý kỷ luật
luật sư và thống nhất áp dụng một bản điều lệ của Liên đoàn Luật sư
Việt Nam cho các Đoàn Luật sư trong cả nước.
+ Ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam là ý
chí, là trí tuệ của Hội đồng Luật sư toàn quốc tự mình thông qua để quy
định cho luật sư thành viên những khuôn thước ứng xử, chuẩn mực đạo đức
của luật sư để luật sư thực hiện trong quá trình hành nghề. Tính tự quản
của tổ chức luật sư thể hiện rõ nhất là sự nhận thức đầy đủ của luật sư
đối với Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, quy tắc
quy định những giới hạn về đạo đức, những điều được làm, không được
làm, quy tắc là khuôn thước để cho luật sư ứng xử đối với khách hàng,
đối với đồng nghiệp, đối với các cơ quan tiến hành tố tụng...và là cơ sở
pháp lý cao nhất để Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét xử
lý kỷ luật luật sư khi có vi phạm đạo đức luật sư.
+ Xây dựng Quy chế xử lý kỷ luật luật sư
Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam có thể
xem là luật nội dung về kỷ luật luật sư, còn Quy chế xử lý kỷ luật luật
sư có thể xem là luật hình thức quy định trình tự thủ tục xử lý kỷ luật
luật sư, trước đây các Đoàn Luật sư quy định cách xử lý khác nhau dẫn
đến sự không thống nhất trong cả nước.Việc xây dựng Quy chế xử lý kỷ
luật luật sư có ý nghĩa nâng cao vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư
Việt Nam trong hoạt động quản lý và thống nhất hành động của luật sư
trong cả nước.
+ Cần áp dụng chung một bản điều lệ thống nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Trước đây theo Luật luật sư 2006, mỗi Đoàn luật sư thực hiện
quản lý riêng theo từng bản điều lệ khác nhau, vì thời điểm đó chưa có
tổ chức luật sư toàn quốc như hiện nay. Vì vậy, từ năm 1987 cho đến nay
các Đoàn Luật sư đã sử dụng 62 bản Điều lệ khác nhau. Điều này trên thực
tế đã dẫn đến một tình trạng là quyền nghĩa vụ, hành vi và ứng xử của
mỗi luật sư theo từng đoàn luật sư là khác nhau, sự tập hợp và quản lý
Luật sư được thực hiện một cách tản mác và không thống nhất.
Bản Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam do Đại biểu Luật
sư của cả nước thông qua tại Đại hội Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần thứ
nhất, nội dung của Bản Điều lệ đã thể hiện được ý chí thống nhất của
luật sư cả nước và theo thông lệ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác
thì chỉ sử dụng một bản điều lệ thống nhất từ tổ chức trung ương xuống
đến tổ chức hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sự sự tản mác, không thống nhất của các Đoàn Luật sư về điều
lệ hoạt động, với tiền đề sẳn có là Bản Điều lệ của Liên đoàn Luật sư
Việt Nam, sự áp dụng thống nhất như các các tổ chức xã hội nghề nghiệp
khác là dùng chung một bản điều lệ và nhằm nâng cao tính tự quản của tổ
chức luật sư trong toàn quốc đã đến lúc cần có một sự thống nhất của
các Đoàn luật sư trong cả nước cùng áp dụng chung một bản điều lệ thống
nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.Việc thống nhất một bản điều lệ tạo điều kiện bình đẳng áp dụng quyền và nghĩa vụ của Luật sư trên cả nước là như nhau.
Tính tự quản trong tổ chức thống nhất hành động luật sư trong
cả nước thể hiện sự tuân thủ của các đoàn luật sư, của luật sư khi học
tập Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, sự đồng
thuận xây dựng quy chế xử lý kỷ luật luật sư để áp dụng chung cả nước và
sẽ là sự thống nhất cao nhất khi các đoàn luật sư trong cả nước sẽ áp
dụng bản điều lệ chung của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ý nghĩa của tính tự quản trong tổ chức thống nhất sẽ cao hơn khi các Đoàn luật sư đồng thuận với nội dung Đoàn
luật sư không được ban hành các quy định về phí và các khoản thu trái
với quy định của pháp luật và Liên đoàn luật sư Việt Nam; không được ban
hành các nghị quyết, quyết định và các quy định khác trái với Điều lệ
của Liên đoàn luật sư Việt Nam và ngược lại các Đoàn Luật sư sẽ trao thẩm quyền của Liên
đoàn Luật sư Việt Nam được quyền đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi
những quy định, quyết định và nghị quyết của Đoàn luật sư trái với Điều
lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền
đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi những quy định, quyết định và nghị
quyết của Đoàn luật sư trái với quy định của Luật luật sư.
Từ nội dung phân tích trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Luật luật sư liên quan như sau :
Điều 64.Liên đoàn luật sư Việt Nam : Thành viên của Liên đoàn luật sư Việt Nam là các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.Các luật sư tham gia Liên đoàn luật sư Việt Nam thông qua Đoàn luật sư nơi mình gia nhập
Chúng tôi cũng thống nhất với đề xuất sửa đổi bổ sung Luật
luật sư của Bộ Tư pháp tại dự thảo (4) ngày 08/02/2012 với những nội
dung sau :
Điều 6 Luật Luật sư: “Tổ chức
xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện tự quản theo quy định của
Luật này và Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam”,
Điều 60 Luật Luật sư: “Đoàn luật sư hoạt động theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam”
Điều 61: Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Luật sư."Đoàn
luật sư không được ban hành các quy định về phí và các khoản thu trái
với quy định của pháp luật và Liên đoàn luật sư Việt Nam; không được ban
hành các nghị quyết, quyết định và các quy định khác trái với Điều lệ
của Liên đoàn luật sư Việt Nam
Điều 65: Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
“Đình chỉ thi hành và yêu cầu sửa đổi những quy định,
quyết định và nghị quyết của Đoàn luật sư trái với Điều lệ Liên đoàn
luật sư Việt Nam; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi
hành và yêu cầu sửa đổi những quy định, quyết định và nghị quyết của
Đoàn luật sư trái với quy định của Luật này”
2- Tính tự quản trong công tác đào tạo luật sư.
Tính tự quản trong công tác đào tạo luật sư được chúng tôi
tiếp cận theo hai nội dung đó là đào tạo nghề luật sư và bồi dưỡng bắt
buộc cho luật sư.
- Về đào tạo nghề luật sư
Khoản 3 điều 65 LLS 2006 đã khẳng định nhiệm vụ đào tạo Luật sư được giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam " Phối hợp với Bộ Tư pháp đào tạo nghề luật sư
" nhưng quy định này dừng lại ở phạm vi là phối hợp với Bộ Tư pháp và
trên thực tế luật sư đã tham gia hoạt động đào tạo nghề luật sư với Học
viện Tư pháp đối với nhóm nội dung kỹ năng thực tiễn còn nhóm lý luận kỹ
năng thì do Thầy cô giáo của Học viện Tư pháp đảm nhiệm.
Nhằm nâng cao chất lượng luật sư thực hiện chiến lược phát
triển nghề Luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định
số Số: 1072/QĐ-TTgngày 05/07/2011. Trong đó Phần III, điểm 3, mục b " Tiếp
tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư; đa dạng hóa
công tác đào tạo nghề luật sư theo Chương trình chuẩn quốc gia về đào
tạo nghề luật sư; thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; mở rộng sự tham gia của các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong việc đào tạo nghềluật
sư, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong đào tạo nghề luật sư; thực
hiện đào tạo chuyên sâu và đào tạo liên thông; tiếp tục thực hiện có
hiệu quảliên kết với quốc tế và khu vực trong việc đào tạo luật sư phục
vụ hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn,
kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp do
tổ chức xã hội - nghềnghiệp luật sư đảm nhận"
Song song với quan điểm xã hội hóa là cần thiết trên mọi lĩnh
vực nhưng một lĩnh vực chỉ nên xã hội hóa khi bản thân cơ quan cung cấp
dịch vụ công cho nó hoạt động quá tải, mục đích xã hội hóa nhằm làm
giảm việc phình to ra bộ máy quản lý nhà nước. Riêng trong lĩnh vực đào
tạo luật sư thì Học viện Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam là có thể
quán xuyến việc đào tạo mà không cần mở rộng, vấn đề được đặt ra hiện
nay Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để
mở cơ sở đào tạo nghề luật sư.
Xuất phát từ trách nhiệm tự quản trong đào tạo luật sư, định
hướng của chính phủ giao trách nhiệm đào tạo luật sư, yêu cầu xã hội hóa
hoạt động đào tạo nghề luật sư và hoàn thành chỉ tiêu phát triển luật
sư đến năm 2020 là 18.000 đến 20.000 luật sư theo chúng tôi Luật luật sư
cần quy định nhiệm vụ đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn luật sư nhằm
tạo cơ sở pháp lý để Liên đoàn luật sư đẩy nhanh tiến độ thành lập
Trường Luật sư cùng chia sẽ hoạt động đào tạo nghề luật sư với Học viện
Tư pháp.
Từ nội dung phân tích trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi và bổ
sung nội dung trong Luật luật sư liên quan đến hoạt động đào tạo như sau
:
“Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Tổ chức đào tạo nghề luật sư
- Về bồi dưỡng bắt buộc cho luật sư.
Khoản 4 điều 65 LLS 2006 đã khẳng định nhiệm vụ bồi dưỡng cho
Luật sư là nhiệm vụ thường xuyên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam " Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho luật sư "
Tính tự quản thể hiện thông qua trách nhiệm của Liên đoàn
Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư đối với hoạt động bồi dưỡng thường
xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho luật sư nhằm đảm bảo
việc cập nhật tính hiệu lực của các văn bản pháp luật, kinh nghiệm kỹ
năng phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp đã được Luật luật sư quy định.
Với sự phân công trách nhiệm quản lý nghề nghiệp và tự quản trong nội bộ
tổ chức luật sư giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư, Đoàn
Luật sư có trách nhiệm đối với Luật sư trong phạm vi gần nhất và nặng
tính kỹ thuật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm với Luật sư và
Đoàn Luật sư ở phạm vi rộng hơn và mang tính bao quát. Tuy nhiên trách
nhiệm này vẫn phải có tính đan xen để đảm bảo sự sâu sát nhất trong khâu
quản lý.
Việc sửa đổi bổ sung, chúng tôi thống nhất với nội dung tiếp
thu và đề xuất của Bộ Tư pháp tại dự thảo (4) ngày 08/02/2012 với những
nội dung sau :
Điều 61 : Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Luật sư.
Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề Luật sư cho Luật sư thành viên
Điều 65: Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Tổ chức bồi dưỡng bắt buộc về đạo đức nghề
nghiệp, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, kỹ năng quản trị, điều
hành tổ chức hành nghề luật sư cho luật sư,
Tính tự quản trong đào tạo có vai trò rất quan trọng trong
việc tác động đến việc nâng cao chất lượng luật sư nên các quy định cần
phải nâng lên thành luật một cách rỏ ràng để giao trách nhiệm và ràng
buộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư phải tiến hành thực
hiện hoạt động đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho luật sư theo ý
nghĩa là một “nghĩa vụ” phải thực hiện đối với luật sư.
3-Tính tự quản trong hoạt động giám sát kiểm tra hoạt động hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư
Sự tác động hoạt động tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
và các đoàn luật sư đến hoạt động hành nghề luật sư của luật sư thành
viên là cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên nhằm nhắc nhở luật
sư thành viên cần phải tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động
hành nghề, nhằm giữ gỉn đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư nhưng về
pháp lý luật sư thành viên hoạt động hành nghề thông qua tổ chức hành
nghề do đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư không thể tham
gia sự tác động này khi pháp luật chưa quy định (đây cũng là lý do cần thiết để công nhận tổ chức hành nghề luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt nam).
Song song để đảm bảo việc kết hợp hoạt động quản lý nhà nước với vai
trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư thì khi kiểm tra hoạt
động nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư nên có sự kết hợp
giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư
thông qua đó tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư mới có thể kiểm tra giám
sát hoạt động của luật sư thành viên và thông qua sự kết hợp này tổ
chức xã hội nghề nghiệp luật sư nắm được mức độ tự giác tuân thủ pháp
luật của luật sư thành viên trong quá trình hành nghề qua đó có thể tác
động góp ý cho các luật sư thành viên của mình tuân thủ ngày càng tốt
hơn các quy định của pháp luật.
Theo chúng tôi sửa đổi Luật sư lần này cần quy định những nội dung sau :
Điều 84.Thực hiện tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư
"Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp; Đoàn Luật sư
phối hợp với sở Tư pháp của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm
tra giám sát hoạt động hành nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật
sư"
4-Tính tự quản trong công tác xây dựng tổ chức - nhân sự của các Đoàn Luật sư .
Ngày 13/08/2010 Ban Bí Thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
đã ra quyết định số 323/QĐ-TƯ về việc thành lập Đảng đoàn Liên đoàn Luật
sư Việt Nam nhằm thiết lập cơ quan lãnh đạo chấp hành đường
lối,chính sách của đảng và chấp hành pháp luật nhà nước trong hoạt động
của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sự kiện này đã xác lập tính trách
nhiệm đối với việc xây dựng tổ chức luật sư trong cả nước; tính độc lập
trong công tác xây dựng nhân sự của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam
đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư trong cả nước.
Căn cứ điều 42 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đoàn Liên
đoàn Luật sư Việt Nam đã xây dựng Quy chế làm việc trong đó Điều 2 quy
định như sau : Đảng đoàn lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và
phát triển hệ thống tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cụ thể là : a)-Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ lãnh đạo là ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn. b)-Phối
hợp với lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương về
đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt là chủ nhiệm Đoàn
Luật sư tại địa phương, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, quản lý đảng viên
tại các Đoàn Luật sư.
Theo các quy định trên được hiểu công tác tổ chức thành lập
Đoàn Luật sư, công tác hiệp thương nhân sự bầu vào các chức danh cán bộ
lãnh đạo là ủy viên Ban Thường vụ và Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư là nhiệm
vụ của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Do đó theo chúng tôi cần
phải có sự kết hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các địa phương
trong quá trình tổ chức thành lập, tạo điều kiện các Đoàn Luật sư hoạt
động và phát triển.
Nội dung quy định Đảng đoàn lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam có các ý nghĩa đảm bảo sau :
+ Tính chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh đạo
xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
+ Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí nhân sự phù hợp với hoạt động hành nghề luật sư.
+ Phối hợp trong công tác nhân sự với các cấp ủy và các cấp chính quyền Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương.
+ Đề cao trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với các Đoàn Luật sư.
Vì những lý do trên, để tăng cường sự quản lý nhà nước
kết hợp tính tự quản của tổ chức Luật sư trong công tác xây dựng tổ chức
và nhân sự đối với các Đoàn Luật sư thì nên có sự trao đổi thống nhất
giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với UBND tỉnh,thành phố trực thuộc trung
ương.
Từ nội dung phân tích trên chúng tôi đề nghị sửa đổi bổ sung một số nội dung sau
Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư
13. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Liên đoàn Luật sư Việt Nam
về Đề án tổ chức Đại hội thành lập; Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ,
phương án xây dựng nhân sự Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật
theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
Điều 83.Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, khoản
4 về nhiệm vụ quyền hạn của UBNDtỉnh,thành phố trực thuộc trung ương
thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa
phương
mục a) Cho phép thành lập Đoàn luật sư; quyết định việc giải thể Đoàn luật sư sau khi thống nhất ý kiến với Liên đoàn luật sư Việt Nam
mục b) Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội, phê chuẩn kết quả
Đại hội của Đoàn luật sư sau khi thống nhất ý kiến với Liên đoàn Luật
sư Việt Nam
Có như vậy mới đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với
hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư và đề cao
vai trò tự quản của tổ chức luật sư.
5-Tính tự quản tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp luật sư
Trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng,
thuận lợi có, khó khăn có, rủi ro phát sinh cũng không thể lường trước
và tránh khỏi và nếu rủi ro phát sinh thì việc bồi thường cho khách hàng
được đặt ra cho luật sư. Dịch vụ pháp lý là một dịch vụ có khả năng
phát sinh rủi ro cao nên Luật luật sư đã quy định Luật sư có trách nhiệm
phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Tổng kết năm năm thực hiện
Luật luật sư cho thấy, luật sư chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm mua bảo
hiểm nghề nghiệp là một hành vi tuân thủ pháp luật trong hoạt động hành
nghề luật sư (trong đó có lý do khách quan bảo hiểm nghề nghiệp luật sư các cơ quan kinh doanh bảo hiểm chậm triển khai, nay đã triển khai).
Ngoài việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt
động hành nghề của các tổ chức hành nghề, hoạt động tự quản của luật sư
cũng đặt ra nhiệm vụ phải kiểm tra, giám sát đôn đốc mua bảo hiểm nghề
nghiệp luật sư của các luật sư thành viên từ các Đoàn Luật sư. Để đảm
bảo sự kết hợp hoạt động quản lý nhà nước và vai trò tự quản của tổ chức
xã hội nghề nghiệp luật sư trong việc giám sát việc mua bảo hiểm nghề
nghiệp của Luật sư.
Chúng tôi thống nhất nội dung đề xuất sửa đổi bổ sung Luật
luật sư của Bộ Tư pháp tại dự thảo (4) ngày 08/02/2012 như sau :
Điều 21 Luật luật sư về Quyền, nghĩa vụ của Luật sư.
Luật sư mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt
động hành nghề của mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo
hiểm,
Điều 40 Luật Luật sư về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề Luật sư;
Tổ chức hành nghề Luật sư mua bảo hiểm trách nhiệm nghề
nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh
doanh bảo hiểm
“Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư
Giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư
Quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được bổ sung vào
Luật luật sư có ý nghĩa rất lớn về tính hiệu lực sẽ tạo được sự đồng
thuận từ phía luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư nâng cao được trách
nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp. Mặt khác, Luật quy định về trách nhiệm
của Đoàn luật sư giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật
sư là hình thức trao quyền quản lý những công việc thuộc nội bộ của
Đoàn, nhằm tăng tính tự quản cho các Đoàn luật sư có thể xử lý kỷ luật
sư thành viên nếu vi phạm không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp./.
0 comments:
Post a Comment