Chúng tôi xin giới thiệu một sổ điểm mới cơ bản về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003.
Hiện nay, do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của nhân dân ta còn bị hạn chế nên thường hiểu người bào chữa là luật sư, còn những người khác như bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo thì không được coi là người bào chữa. Do vậy trong quá trình tham gia tố tụng, luật sư luôn là điểm trọng tâm trong hoạt động bào chữa và trợ giúp về mặt pháp lý.
Để người bào chữa thực hiện chức năng làm sáng tỏ những tình tiết gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo và giúp đỡ bị can, bị cáo về mặt pháp lý BLTTHS năm 2003 đã quy định đầy đủ và cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, cụ thể như sau:
Về quyền của người bào chữa: Người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 58 của Bộ luật này. Trong trường hợp cần phải giữ bí mật điều tra đối với tội đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKS quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Đặc biệt trong các trường hợp bắt người khẩn cấp và bắt người phạm tội quả tang thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Ngoài ra, người bào chữa còn được quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và có thể được hỏi người tạm giữ, bị can nếu điều tra viên đồng ý cũng như được có mặt trong các hoạt động điều tra khác; được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra... Đồng thời theo quy định tại Điều 19 của BLTTHS năm 2003 thì người bào chữa còn được bảo đảm quyền bình đẳng trong việc đưa ra các tài liệu, chứng cứ ở giai đoạn tranh luận tại phiên tòa nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Bên cạnh việc bảo đảm các quyền cho người bào chữa khi tham gia tố tụng thì tại khoản 3 Điều 58 của BLTTHS năm 2003 còn quy định nghĩa vụ của người bào chữa, là phải sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can, bị cáo tùy thuộc vào từng giai đoạn tố tụng. Đặc biệt, Bộ luật này còn quy định người bào chữa không được xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật và không được tiết lộ các bí mật về hoạt động điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa...
Với những quy định mới về người bào chữa trong BLTTHS năm 2003, đặc biệt là việc quy định người bào chữa được tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra được thực hiện nghiêm túc và triệt để sẽ góp phần làm cho việc điều tra - truy tố - xét xử được đúng người, đúng tội bảo đảm tính dân chủ, khách quan và công minh của pháp luật.
(Báo Pháp luật)
0 comments:
Post a Comment