Wednesday, December 4, 2013

CẦN SỬA ĐỔI MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ CHO PHÙ HỢP VỚI THỂ CHẾ CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI WTO

LG. NGÔ NGỌC BỬU – TS. TRẦN ĐÌNH PHỤNG
Kinh nghiệm và những bài học quốc tế ngày nay không còn giấu giếm như trước kia mà được phổ biến, đánh giá và công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Chỉ e rằng chúng ta không đủ kiên nhẫn và năng lực tiếp nhận để lãnh hội được những kinh nghiệm quý báu ấy; nhất là trong việc sửa đổi cho đồng bộ thể chế hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại theo tiêu chuẩn WTO, sao cho không chồng chéo lên nhau, để tránh những khó khăn khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tại quốc nội cũng như quốc tế.
Định chế hợp đồng bắt nguồn từ luật La Mã và sau này làm các quốc gia châu Au trong hệ thống luật dân sự đã bổ sung và nâng cao để làm rạng rỡ thêm cho nền pháp chế châu Au lục địa. Theo luật La Mã, hợp đồng (Contratus) được coi là căn cứ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật với 2 điều kiện không thể thiếu là: (1) Phải có sự thỏa thuận (Consensus), tức là có sự thống nhất giữa các bên kết ước và bình đẳng về pháp lý; (2) Phải có mục đích và căn cứ pháp lý nhất định (Causa) để các bên cùng hướng tới. Và, hợp đồng là phương tiện để đạt được các mục đích đó. Mặt khác, hợp đồng sẽ không có hiệu lực nếu nội dung của nó vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội, ví dụ như hợp đồng vận chuyển chất ma túy, mua bán trẻ em… Pháp là quốc gia đã giúp cho hệ thống dân luật châu Au ngày càng đâm hoa kết trái bởi Bộ luật dân sự (Code Civil) năm 1804, dưới thời vua Napoléon, với một số điều khoản mà cho đến nay, 200 năm sau, vẫn còn có giá trị pháp lý, kế thừa tinh hoa của nhân loại, Bộ luật dân sự Việt Nam đã thể hiện tương đối đầy đủ khái niệm hợp đồng, là “hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về sự xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (điều 394 BLDS) và một số những nguyên tắc như giao kết, thể lệ chấm dứt, sửa đổi hợp đồng… đồng thời luật này cũng đưa ra 13 loại hợp đồng là: hợp đồng mua bán tài sản, trao đổi, tăng, thuê, vay tài sản… là các điều khoản phù hợp với quan hệ dân sự thuần túy; nhưng đồng thời Luật dân sự VN cũng xếp hợp đồng vận chuyển hành khách (đường bộ, đường biển) và hợp đồng bảo hiểm thuộc quan hệ dân sự; trong khi đó, theo luật  mẫu của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về hành vi thương mại có quy định rằng “cấp vốn, ngân hàng, bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không” là những hành vi thương mại thuần túy, do thể chế thương mại của mỗi quốc gia và thể lệ quốc tế về thương mại điều chỉnh, kể cả việc giải quyết tranh tụng cũng đưa ra xét xử trước tòa án thương mại của mỗi nước hoặc do trọng tài thương mại quốc tế đưa ra xét xử trước tòa án thương mại của mỗi nước hoặc do trọng tài thương mại quốc tế phân xử trong khuôn khổ WTO. 
Sự chồng chéo, mâu thuẫn và thiếu vắng thể chế 
Mặc dù định chế hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự hiện hành đã có phần nào phản ảnh đúng các mối quan hệ về tài sản, về quyền sở hữu, các quyền liên quan đến thân nhân con người, như nghĩa vụ hôn nhân, cho, nhận tài sản… Những quyền này đi theo cái bóng của thể nhân từ lúc con người mới sinh ra cho đến tuổi già với thể lệ lập di chúc và phân chia tài sản không di chúc. Nói chung là Bộ luật dân sự đã đi vào cuộc sống của mỗi công dân VN và cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên đất nước này, từ khi luật ra đời năm 1996 cho đến nay. Nhưng, trước ngưỡng cửa của việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, một số điều khoản trong hệ thống Luật dân sự, pháp chế về kinh tế và Luật thương mại hiện hành cần phải được chỉnh sửa cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tương ứng với thể lệ của WTO; vậy đâu là những chồng chéo, mâu thuẫn cần phải chỉnh sửa? Đâu là những bánh xe thương mại đã đem gắn vào chiếc xe dân sự, nên cần phải thay đổi; không chỉ trong tầm nhìn luật pháp mà còn phải tác động đến bộ máy quản lý hành chính và cung cách kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước chủ đạo, độc quyền nói riêng, trên tiến trình hội nhập? Tác giả xin nêu lên một số ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ vấn đề. 
1. Về hợp đồng vay tiền ngân hàng thương mại, trong 13 thể lệ hợp đồng của BLDS không có nói đến hợp đồng này, cũng không có định danh trong luật thương mại 1998; nên tòa án nhân dân các cấp hiện nay có 2 cách giải quyết tranh chấp hợp đồng vay ngân hàng là: (1) Nếu hai bên ký kết hợp đồng  là chủ thể có đăng ký kinh doanh, thì Tòa kinh tế thụ lý, phân xử; (2) Nếu một bên hợp đồng vay là cá nhân (không đăng ký kinh doanh), thì dù cho số tiền vay là nhiều hay ít, tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa dân sự. Trong khi đó, theo thể chế của WTO, thì tất cả hoạt động ngân hàng là hành vi thương mại nếu có tranh chấp hợp đồng thì phải do tòa án thương mại quốc gia hoặc trọng tài quốc tế giải quyết. Còn định chế tòa án thương mại VN cho đến nay vẫn còn trong thời kỳ thai nghén, chưa ra đời. Ở đây, chúng ta mới bàn đến việc giải quyết tranh chấp trong nước, còn đối với những tranh chấp về tài sản, về hợp đồng và quan hệ đa phương có tầm vóc quốc tế với nhiều thủ tục và thể chế áp dụng, chúng ta sẽ còn quá nhiều công việc phải làm, như trong ví dụ dưới đây. 
2. Một quả phụ Ấn Độ là vợ của một thương nhân người Ấn đã hợp đồng liên  doanh với một công ty vận tải biển VN hơn 10 năm qua. Trong thời gian ở VN, ông này cưới vợ VN, có 1 căn nhà tọa lạc tại quận 1, TP.HCM để cho vợ và 3 đứa con người vợ VN sinh ra cùng ở đây. Nay thương nhân người Ấn chết, để lại nhiều tài sản, tiền bạc tại VN trong đó có 2 chiếc tàu vận tải và hợp đồng liên doanh chưa được thanh lý. Quả phụ Ấn Độ nộp đơn tại tòa án TP.HCM (là nơi tọa lạc bất động sản) để xin tòa xét xử cho bà này được hưởng thừa kế tài sản của chồng, theo luật Hồi giáo (luật công nhận chế độ đa thê). Trong trường hợp này, tòa án nào tại VN sẽ thụ lý và giải quyết về tài sản và hợp đồng liên doanh của thương nhân Ấn Độ? Và phân xử theo luật lệ nào? 
Kinh nghiệm nước ngoài 
VN ta bên cạnh Trung Quốc và quốc gia này đã là thành viên chính thức của WTO từ tháng 12.2001. Liệu chúng ta thu thập được những kinh nghiệm nào của quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân này? “Thật là thú vị khi xem xét làm thế nào để việc Trung Quốc gia nhập WTO có thể phù hợp với 5 nguyên tắc cơ bản của GATT và WTO là: (1) Không phân biệt đối xử; (2) Mở cửa thị trường; (3) Pháp luật minh bạch và có thể dự đoán được; (4) Thương mại không bị bóp méo; (5) Đối xử ưu đãi với các nước đang phát triển… Đầu tiên, việc gia nhập WTO sẽ buộc Trung Quốc phải thực hiện những cải cách pháp lý và chính sách quản lý nhà nước, đảm bảo sự minh bạch hơn và an toàn hơn một cách nhất quán ở cấp độ quốc tế, Trung Quốc đã cải cách đáng kinh ngạc trong 20 năm qua…” (trích bài phát biểu của Jefrey L.Gertler, cố vấn  cao cấp Ban thư ký WTO ngày 6.6.2003 tại TP.HCM). Kinh nghiệm và những bài học quốc tế ngày nay không còn giấu giếm như trước kia mà được phổ biến, đánh giá và công bố rộng rãi trên toàn thế giới. Chỉ e rằng chúng ta không đủ kiên nhẫn và năng lực tiếp nhận để lãnh hội được những kinh nghiệm quý báu ấy; nhất là trong việc sửa đổi cho đồng bộ thể chế hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại theo tiêu chuẩn WTO, sao cho không chồng chéo lên nhau, để tránh những khó khăn khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tại quốc nội cũng như quốc tế. 
Giải pháp  
Trước đây, Bộ chính trị đã định hướng cho phái đoàn thương thuyết Hiệp định thương mại Việt-Mỹ là đàm phán trên cơ sở của WTO, thì nay ta sửa đổi hợp đồng dân sự của Bộ luật dân sự cũng lấy nền tảng WTO làm phương hướng. Nghĩa là, loại hợp đồng nào đã được xếp hạng trong hợp đồng thương mại thì không tồn tại trong thể chế hợp đồng dân sự; hoặc có quan hệ xã hội hiện nay không nằm trong Luật thương mại, cũng không định danh trong Luật dân sự hay kinh tế, thì phải cố gắng tìm tòi, nghiên cứu để đưa vào thể chế hợp đồng hiện hành, vì có hợp đồng ký kết cụ thể, có công chứng hợp đồng, thì cơ quan thuế mới thu được nhiều loại thuế khác nhau trên quá trình thực hiện hợp đồng đó… Và, việc sửa đổi, bổ sung thể lệ hợp đồng dân sự kinh tế, thương mại hiện nay không phải việc làm của một số ít người  mà làm được thông qua một số buổi tọa đàm. Cần huy động được sự đóng góp của nhiều người, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, góp ý thì mới đạt được sự hoàn thiện thể chế lâu dài, ổn định như WTO đã làm và đã khuyến cáo cho các quốc gia đang phát triển nên làm chặt chẽ như vậy ª 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự VN, NXB Thanh niên, TP.HCM, tháng 4.1996 
2. Pháp luật thương mại quốc tế và VN, NXB Thống kê, TP.HCM, tháng 2.1998 
3. TS. Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng: Những quy định chung và một số vấn đề cần hoàn thiện, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội, 12.2003 
4. Lưu Văn Bình, Tư pháp quốc tế, Đại học luật khoa Sài Gòn ấn hành, 1962. 
5. Bộ luật dân sự nước Pháp, NXB Prat Europa Paris, 1993 
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 9/2004

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code