LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC
Mọi hoạt động
kinh doanh nói chung và kinh doanh ngân hàng nói riêng đều phải tuân
theo quy định của pháp luật. Hoạt động của các ngân hàng thương mại liên
quan đến rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, vì vậy, cũng yêu cầu
thực hiện nhiều quy định của pháp luật. Ngân hàng cũng là một lĩnh vực
nhạy cảm và quan trọng trong nền kinh tế, do đó, càng yêu cầu phải tuân
thủ pháp luật một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Chính vì vậy, không thể
thiếu vai trò của phòng (bộ phận) pháp chế và nhân viên pháp chế trong
hoạt động ngân hàng.
Nhu cầu hình thành phòng pháp chế và tuyển dụng các
chức danh quản lý phòng pháp chế trong thời gian qua đã trở thành một
vấn đề “nóng”. Nếu như vào đầu những năm 2000, mới chỉ một số ít ngân
hàng thương mại có phòng pháp chế (như Maritime Bank, ACB), thì cho đến
nay, hầu hết đã có phòng hoặc bộ phận pháp chế chuyên trách. Trong bối
cảnh rất thiếu hụt về nhân sự có kinh nghiệm, Trưởng phòng pháp chế ngân
hàng cũng là một trong những vị trí được “săn lùng” đặc biệt. Gần đây
nhất, đã có ngân hàng chào lương Trưởng phòng pháp chế lên đến gần 30
triệu đồng/tháng.
Phòng pháp chế nói chung, nhân viên pháp chế nói
riêng có vai trò bảo đảm mọi hoạt động quản lý và kinh doanh của ngân
hàng đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật; từ đó giảm thiểu rủi
ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngân hàng. Tuy
nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ không vi phạm điều cấm của pháp luật
thì chưa đủ. Với hệ thống công nghệ thông tin hiện nay, việc tra cứu các
quy phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh, nhất là quy định cấm đoán,
không phải là điều quá khó khăn. Đó chỉ là đòi hỏi nhân viên pháp chế ở
mức trung bình khá. Thực tế cuộc sống và kinh doanh đòi hỏi nhiều hơn
thế.
Pháp luật là sự bó buộc, là khuôn khổ, là công thức
cứng nhắc. Còn kinh doanh là sự tự do, là sáng tạo, là thiên biến vạn
hoá. Nhân viên pháp chế trong hoạt động ngân hàng đóng vai trò là “nhịp
cầu” giữa pháp luật và kinh doanh: Biến bó buộc thành tự do, đổi khuôn
khổ thành sáng tạo, chuyển công thức cứng nhắc thành thiên biến vạn hoá,
muôn hình vạn trạng.
Pháp luật về cơ bản chỉ lo rào trước, chặn sau, vành
vạnh vẹn tròn. Kinh doanh trên thực tế thì lại có xu hướng phá rào, mở
lối, gồ ghề góc cạnh. Nhân viên pháp chế trong hoạt động kinh doanh là
người đứng giữa, giúp các nhà quản trị, điều hành ngân hàng đưa pháp
luật vào thực tế hoạt động kinh doanh một cách đơn giản, hợp lý, hiệu
quả và an toàn nhất.
Thực hiện pháp luật là mất chi phí, tiến hành kinh
doanh là được lợi nhuận. Nhân viên pháp chế trong hoạt động kinh doanh
ngân hàng là phải tham gia vào dây chuyền tiết giảm và biến đổi chi phí
thành lợi nhuận.
Trong hoạt động kinh doanh, nếu chỉ đưa ra nguyên lý
kiểu công chức đúng cho mọi trường hợp “cứ đúng pháp luật mà làm”, “cứ
sai pháp luật mà tránh”, thì chưa nói lên điều gì cả, thậm chí như thế
là khó có thể kinh doanh một cách bình thường được trong thời kỳ chuyển
đổi kinh tế và bước đầu hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay.
Để hoạt động kinh doanh cạnh tranh và tồn tại được
trên thương trường, đòi hỏi nhân viên pháp chế phải “giải mã” các trường
hợp không rõ cấm, cũng chẳng biết có được làm hay không. Một số điều
luật tưởng rằng là cấm kỵ, nhưng thực ra lại là được. Và ngược lại, có
những điều luật không hề cấm, nhưng có khi vẫn là “kỵ”. Vì trên thực tế
còn vô vàn những điều luật mâu thuẫn, chồng chéo, vênh váo, phức tạp,
rối rắm, khó hiểu.
Thì đây, có những điều mà pháp luật quy định được làm
nhưng lại không được. Ví dụ quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng
năm 1997 như sau: “Tổ chức tín dụng được miễn, giảm lãi suất, phí; gia
hạn nợ; mua bán nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Việc đảo nợ
được thực hiện theo quy định của Chính phủ.” (Khoản 4, Điều 54 “Chấm dứt
cho vay, xử lý nợ, điều chỉnh lãi suất”, Luật Các tổ chức tín dụng năm
1997, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2004). Như vậy Luật đã cho phép các
tổ chức tín dụng được đảo nợ cả chục năm nay, nhưng trên thực tế thì câu
trả lời lại là không được, vì chưa có lời giải, do đã bị chặn đứng
trước hai chữ “Chính phủ”.
Hoạt động kinh doanh cũng như con người, cũng giống
cuộc sống, có đúng, có sai. Trong khi đó, mỗi quyết định kinh doanh hay
văn bản giao dịch không đơn giản chỉ do một quy phạm pháp luật điều
chỉnh, mà thường dính dáng đến nhiều quy định của pháp luật. Nếu tất cả
các vấn đề pháp lý liên quan đều đúng cả, thì đã không nên chuyện. Nhưng
nếu có nội dung không phù hợp với pháp luật, thì trường hợp nào có thể
chấp nhận, trường hợp nào không thể. Trong rất nhiều tình huống trên
thực tế, thường phải chấp nhận khác pháp luật một phần, thậm chí là sai
pháp luật.
Vậy thì nhân viên pháp chế phải làm thế nào? Có lẽ,
trong nhiều cái sai, thì chọn cái sai ít nhất; trong những cái phải sai,
thì làm cho cái sai trở thành nhẹ nhất. Nhân viên pháp chế cùng giải
bải toán cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận, trong đó có rủi ro pháp lý.
Cân đong rủi ro pháp lý, nhân viên pháp chế thành thạo hơn cán bộ nghiệp
vụ.
Nhân viên pháp chế trong hoạt động kinh doanh ngân
hàng mang trên mình một trọng trách là xác định và chấp nhận những loại
vi phạm nào không bị trả giá hoặc trả giá rẻ, những loại vi phạm nào trả
giá đắt hoặc rất đắt.
Chẳng hạn pháp luật quy định “Chủ sở hữu tiền gửi
tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm”. (Khoản 3, Điều 6 “Giải
thích từ ngữ”, Quy chế về Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết
định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước (đã được sửa đổi, theo Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày
25-9-2006). Nếu cứ theo quy định này, thì “người đứng tên trên thẻ tiết
kiệm” có toàn quyền sử dụng thẻ tiết kiệm để cầm cố, tặng cho người
khác. Tuy nhiên, nhân viên pháp chế ngân hàng không thể coi chủ sở hữu
chỉ là “người đứng tên trên thẻ tiết kiệm”, nhất là trường hợp họ đang
có vợ, có chồng, vì điều này là sai với chế định về quyền sở hữu chung
được quy định trong Bộ luật Dân sự cũng như Luật Hôn nhân và gia đình.
Thế nhưng các ngân hàng sẵn sàng tận dụng quy định “người đứng tên” nói
trên và bỏ qua điều sai trái rất có thể xảy ra, để nhận cầm cố thẻ tiết
kiệm mà không cần quan tâm đến các chủ sở hữu khác. Đây là một thứ “vi
phạm” được các nhân viên pháp chế sẵn sàng chấp nhận và dễ dàng bỏ qua.
Nếu đòi hỏi một sự bảo đảm chắc chắn về mặt pháp lý, đến nỗi nhận thế
chấp nhà đất thay vì cầm cố thẻ tiết kiệm, thì lại là một sự dị thường,
mặc dù về lý thì không sai.
Dưới con mắt của nhân viên pháp chế trong hoạt động
kinh doanh ngân hàng, lại có những điều vi phạm pháp luật cũng nên
khuyến khích. Ví dụ, các bên được quyền tự nguyện thoả thuận số tiền
phạt để hạn chế việc phá vỡ hợp đồng kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tăng mức
tiền phạt “quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”, thì lại
phạm Luật Thương mại. (Điều 301 “Mức phạt vi phạm”, Luật Thương mại năm
2005). Trong trường hợp này, vì bảo vệ giao dịch kinh doanh, nhân viên
pháp chế vẫn sẵn sàng khuyến khích các bên đưa ra mức phạt trên 8%, chấp
nhận cái sai chẳng chết ai. Thoả thuận như vậy sẽ làm tăng trách nhiệm
cho các bên, còn lúc nào phải ra toà tranh cãi về mức phạt, thì sẵn sàng
trở về đúng giới hạn quy định của pháp luật cũng không muộn.
Không ít trường hợp lại phải thực hiện sai những quy
định cụ thể của pháp luật, thì mới đúng với nguyên tắc của luật pháp. Ví
dụ, pháp luật lao động quy định: Người có thẩm quyền giao kết hợp đồng
lao động của doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là “Tổng Giám
đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp” (Điểm 1, Mục II “Giao kết, thay đổi nội
dung hợp đồng lao động”, Thông tư số 21/2003/TT- BLĐTBXH ngày 22-9-2003
của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành
một số điều của Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 09-5-2003 của Chính phủ
về hợp đồng lao động). Điều này chỉ đúng đối với công ty Nhà nước theo
quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp dân
doanh, thực hiện đúng theo quy định này có thể trái với quy định về
người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã được Bộ luật Dân sự và
Luật Doanh nghiệp quy định rõ. Nếu công ty có người đại diện theo pháp
luật là Chủ tịch Hội đồng quản trị (như các ngân hàng thương mại cổ phần
chẳng hạn), thì Tổng Giám đốc, Giám đốc không đương nhiên được ký hợp
đồng lao động, mà chỉ được ký khi có sự uỷ quyền của người đại diện theo
pháp luật. Nhân viên pháp chế phải lồng ghép được cả hai điều kiện trên
để bảo đảm cho một hợp đồng hợp lý, hợp pháp một cách trọn vẹn.
Đôi khi làm trái pháp luật, thì lại bảo đảm hơn hiệu
lực của giao dịch. Ví dụ, thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp
rất cần được ký với đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp, vì bản chất của nó
là sự thoả hiệp giữa giới chủ và giới thợ. Nhưng Bộ luật Lao động lại
ấn định theo kiểu tư duy cho mỗi doanh nghiệp Nhà nước: Đó là, đại diện
thương lượng thoả ước lao động tập thể của “Bên người sử dụng lao động
là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo điều lệ tổ chức
doanh nghiệp hoặc có giấy ủy quyền của Giám đốc doanh nghiệp”. (Điểm b,
khoản 1, Điều 45, Bộ luật Lao động năm 1994 (đã được sửa đổi, bổ sung
năm 2001 và năm 2006).
Nếu nhân viên pháp chế cứ yêu cầu người sử dụng lao
động phải đúng là Giám đốc doanh nghiệp theo câu chữ rành rành của Bộ
luật, thì thoả ước không vô hiệu do thẩm quyền ký, cũng dễ bị “vô hiệu”
trên thực tế. Vì chỉ những người lao động ký với nhau, còn ông chủ đích
thực của doanh nghiệp lại không bị ràng buộc trong các cam kết về quyền
lợi với người lao động. Trong trường hợp này, nhân viên pháp chế rất nên
làm trái luật một chút: Yêu cầu đại diện chủ doanh nghiệp ký thoả ước
lao động hoặc ít nhất cũng đề nghị họ có văn bản chấp thuận nội dung của
thoả ước trước khi Giám đốc ký, kể cả trong trường hợp Giám đốc là
người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Có những loại quy định của pháp luật dường như buộc
người ta phải vi phạm nếu còn muốn kinh doanh. Ví dụ: Ngân hàng thương
mại cho vay một số sản phẩm tín dụng, với mức lãi suất vượt quá 150% lãi
suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. (Khoản 1, Điều 476 “Lãi
suất”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả
thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng
Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”). Khi phải lựa chọn
giữa cho vay với lãi suất thấp cho đúng luật (để kinh doanh không có
hiệu quả) hoặc cho vay lãi suất cao hơn 1,031%/tháng trong suốt năm 2007
vừa rồi là phạm luật, thì hầu hết các nhân viên pháp chế ngân hàng đều
phải chấp nhận bỏ qua sự an toàn pháp lý theo sách vở để chọn cách thứ
hai. Nếu chấp hành đúng pháp luật, thì dễ bị loại khỏi thương trường, vì
lãi suất cho vay tiêu dùng trong thời gian qua thường cao hơn mức trên.
Lại có những trường hợp, pháp luật cho doanh nghiệp
được làm và phải làm, nhưng không biết phải làm thế nào cho đúng luật.
Ví dụ, khi người gửi tiền tại ngân hàng thương mại chết, thì ngân hàng
phải trả tiền cho người thừa kế. Theo quy định của pháp luật, ngân hàng
được quy định “Thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế” “phù hợp với
các quy định về thừa kế tại Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật có
liên quan” (Điều 17 “Rút tiền gửi tiết kiệm theo thừa kế”, Quy chế về
Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN
ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đã được sửa đổi, theo
Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25-9-2006). Tuy nhiên, điều được phép
này của ngân hàng lại là một điều có thể luôn sai pháp luật, vì ngân
hàng không có thẩm quyền và không thể khẳng định được chắc chắn theo
đúng pháp luật rằng, phải trả tiền thừa kế cho ai. Nếu đúng pháp luật,
thì có lẽ phải chờ bản án, quyết định của Toà án về phân chia tiền tiết
kiệm thừa kế. Trên thực tế, các ngân hàng đang buộc phải sử dụng cái
quyền được pháp luật cho phép một cách bất đắc dĩ. Nếu nhân viên pháp
chế ngân hàng không hướng dẫn linh hoạt, thì trong nhiều trường hợp sẽ
đưa vụ việc vào chỗ bế tắc hoặc làm cho chi phí pháp lý cho thủ tục rút
tiền sẽ nhiều hơn cả số tiền gửi (nếu số tiền gửi không lớn).
Nếu cứ theo đúng quy định, thì các ngân hàng thương
mại phải ghi tiêu đề Quốc hiệu “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”
trong các văn bản giao dịch. (Điều 1 “Phạm vi và đối tượng điều chỉnh”;
Điều 4 “Hình thức văn bản” và Điều 5 “Thể thức văn bản”, Nghị định số
110/2004-NĐ-CP ngày 08-4-2004 về công tác văn thư). Điều đó có nghĩa là,
nếu ghi lô gô, tên gọi, địa chỉ, điện thoại của ngân hàng, thay vì ghi
tiêu đề Quốc hiệu cũng là một trường hợp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên,
nhân viên pháp chế cũng nên khuyến khích doanh nghiệp vi phạm dạng này,
vì tránh rắc rối cho “thể diện quốc gia” (nhất là giao dịch buôn bán với
nước ngoài) và rất hữu dụng cho quảng bá thương hiệu cũng như tiện lợi
cho giao dịch làm ăn. Ấy thế mà, vi phạm này đôi khi cũng phải trả giá,
vì có nơi không được người ta công chứng hợp đồng thế chấp chỉ vì thiếu
dòng chữ Quốc hiệu nói trên sánh đôi cùng “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
Có quy định tưởng chừng như đã là nguyên lý kinh
điển, nhưng áp vào thực tế thì dường như lại là hư không. Ví dụ, sự kiện
bất khả kháng là một trong những sự kiện pháp lý rất quan trọng mà pháp
luật thường quy định và các bên thường thoả thuận sẽ được miễn giảm
trách nhiệm trong giao dịch dân sự. (Điều 166 “Chịu rủi ro về tài sản”,
Điều 302 “Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự”, Điều 506 “Trả
tiền thuê khoán và phương thức trả”, Điều 509 “Hưởng hoa lợi, chịu thiệt
hại về súc vật thuê khoán”, Điều 546 “Trách nhiệm bồi thường thiệt
hại”, Điều 561 “Quyền của bên gửi tài sản”, Điều 562 “Nghĩa vụ của bên
giữ tài sản”, Điều 623 “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra”, Điều 626 “Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”, Điều 627
“Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra”, Điều
708 “Quyền của bên thuê quyền sử dụng đất” của Bộ luật Dân sự năm 2005;
Điều 294 “Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm”,
Điều 296 “Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp
bất khả kháng” của Luật thương mại năm 2005; các điều 24, 38, 62 và 90
của Bộ luật Lao động năm 1994;…) Tuy nhiên, nếu nhân viên pháp chế chỉ
đề cập đến sự kiện bất khả kháng, mà không định nghĩa cụ thể trong hợp
đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay và các hợp đồng khác, thì có
thể dẫn đến tranh cãi bất tận về khái niệm bất khả kháng. Vì rằng, trong
các đạo luật hiện hành, bất khả kháng chỉ được quy định áp dụng đối với
một vài trường hợp cá biệt, chứ không có giá trị áp dụng chung cho các
giao dịch. Ví dụ: Bộ luật Dân sự chỉ định nghĩa sự kiện bất khả kháng để
loại trừ khỏi “thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải
quyết việc dân sự” (Điều 161 “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi
kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự” của Bộ luật
Dân sự năm 2005) hoặc Bộ luật Lao động, thì chỉ định nghĩa sự kiện bất
khả kháng để cho phép “người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm
dứt hợp đồng lao động”. (Điều 38 của Bộ luật Lao động năm 1994; khoản 2,
Điều 2, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09-5-2003 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về
Hợp đồng lao động).
Giải quyết được những vấn đề trên, là câu trả lời cho
vai trò của nhân viên pháp chế trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nói
riêng. Bên cạnh đó, giải quyết tranh chấp đối với những việc đã rồi,
cũng cần vai trò quan trọng của nhân viên pháp chế.
Tóm lại, nhân viên pháp chế có vai trò cần thiết,
quan trọng, không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh nói chung và
kinh doanh ngân hàng nói riêng. Phòng pháp chế cũng nhưng mỗi nhân viên
pháp chế luôn là một “cây cầu” giữa kinh doanh và pháp luật. Vấn đề chỉ
còn là quan điểm xây dựng và lựa chọn cây cầu vững chắc hay cầu tạm, cầu
khỉ.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 5/2008
XIN MỜI CÁC BẠN THAM KHẢO Ý KIẾN THẢO LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG BÀI VIẾT ĐÃ ĐƯA RA TẠI ĐÂY
0 comments:
Post a Comment