Wednesday, February 12, 2014

KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH TOÀN CẦU VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM: NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÂN HÀNG VÀ CHỨNG KHOÁN

TS. LÊ VŨ NAM – Chủ nhiệm Ngành Luật Tài chính-Ngân hàng-Chứng khoán Khoa Kinh tế, ĐHQG TP. HCM
Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ đâu?
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn biến hết sức phức tạp với sức công phá nặng nề, là nổi ám ảnh đối với nền kinh tế của nhiều nước. Việc ngăn chặn sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão Tsunami tài chính này không còn nằm trong phạm vi khả năng của một quốc gia mà trở thành trách nhiệm và sự nỗ lực chung của tất cả các nước, trước hết là các nước có nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, đối với mỗi quốc gia, tùy theo đặc thù của nền kinh tế như mức độ hội nhập và trình độ phát triển mà có thể có những giải pháp riêng. Trong đó, các giải pháp liên quan đến hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán (TTCK) – vốn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng là rất quan trọng. Vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu, khảo sát toàn diện những nguyên nhân, diễn biến và mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đến hệ thống ngân hàng và TTCK Việt Nam sẽ giúp hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn để đưa ra các giải pháp phát huy tối đa tác dụng.
Các yếu tố kinh tế
Nguyên nhân xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là đề tài đang được tranh cãi và mổ xẻ. Một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng khủng hoảng hiện nay là các ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tài chính Mỹ thông qua hoạt động cho vay dưới tiêu chuẩn và nghiệp vụ chứng khoán hoá mà nhiều chuyên gia gọi là “Cỗ máy đầu tư cấu trúc” (Structured Investment Vehicle – SIV)[1]. Đây có thể được xem là mô hình chứng khoán hoá bất động sản kiểu Mỹ được hình thành từ những năm 1980. Phương thức kinh doanh của các SIV là huy động vốn ngắn hạn thông qua việc phát hành thương phiếu (commercial paper) với lãi suất thấp để đầu tư vào các loại chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản (asset-backed securities), đa số trường hợp là bất động sản với lãi suất cao. Mô hình và diễn biến của hoạt động chứng khoán hoá bất động sản có thể khái quát như sau:

Vào đầu năm 2001, để giúp nền kinh tế thoát khỏi trì trệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục hạ lãi suất cơ bản, dẫn đến việc các ngân hàng thương mại cũng hạ lãi suất cho vay tiền mua bất động sản. Còn nhớ, vào giữa năm 2000 thì lãi suất cơ bản của Fed là trên 6%/năm nhưng sau đó lãi suất này liên tục được cắt giảm để kích thích TTCK và hoạt động đầu tư nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cho đến giữa năm 2003 thì chỉ còn 1%/năm. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ lúc bấy giờ lại có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho dân nghèo được vay tiền dễ dàng hơn để mua nhà. Việc này phần lớn được thực hiện thông qua hai công ty tài chính (CTTC) được bảo trợ bởi chính phủ là Fannie Mae và Freddie Mac. Hai công ty này giúp đổ vốn vào thị trường bất động sản bằng cách mua lại các khoản cho vay của các NHTM cho người nghèo mà không cần chứng minh thu nhập còn gọi là cho vay dưới chuẩn (subprime), biến chúng thành các loại chứng từ được bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp (mortgage-backed securities – MBS), rồi bán lại cho các nhà đầu tư trên TTCK, chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức lớn như Bear Stearns và Merrill Lynch. Khi đã chứng khoá hoá các khoản cho vay bất động sản, hay nói cách khác là đã hình thành một sự liên thông mật thiết với TTCK thì thị trường bất động sản (TTBĐS) không còn là sân chơi duy nhất của các NHTM hoặc các công ty chuyên cho vay thế chấp bất động sản nữa mà đã có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư và đầu cơ trên TTCK vốn có khả năng tài chính rất dồi dào. Về bản chất, MBS là một công cụ phái sinh từ bất động sản nên việc phát hành, giao dịch và bảo hiểm MBS hết sức thông thoáng và Chính phủ Mỹ dường như không thể kiểm soát nổi. Do có thể bán lại phần lớn các khoản vay để các công ty khác biến chúng thành MBS, các NHTM đã trở nên mạo hiểm hơn trong việc cho vay, bất chấp khả năng trả nợ của người vay. Vòng xoáy của thị trường đã đi quá xa, đặc biệt là “bong bóng” bất động sản bắt đầu “xì hơi” thì điều gì phải đến đã đến…Theo Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo) và Phó Giáo sư Trần Lê Anh (Đại học Lasell, Boston) thì, tính chất của công cụ đầu tư phái sinh MBS có thể mô tả đơn giản như sau: Một công ty tài chính (Fannie Mae hay Lehman Brothers chẳng hạn), bỏ tiền ra mua lại các khoản cho vay thế chấp từ các NHTM, tập trung chúng thành từng loại khác nhau, rồi phát hành MBS để bán lại cho các nhà đầu tư. Ví dụ, Fannie Mae mua 1.000 khoản vay thế chấp với các đặc điểm giống nhau với giá gốc là 200.000 USD cho mỗi khoản vay. Khi tập trung lại thì tổng trị giá các khoản vay này sẽ là 200.000.000 USD. Fannie Mae có thể biến khoản này thành 100.000 MBS, trị giá 2.000 USD một phần và bán lại cho các nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư mua 10 MBS thì sẽ trả 20.000 USD. Sau khi mua các MBS thì các nhà đầu tư sẽ nhận lại khoản tiền vừa lãi vừa gốc được chuyển đến hằng tháng từ các người vay tiền (thông qua một công ty dịch vụ trung gian) trong một khoản thời gian nhất định nào đó. Sau khi đáo hạn, thì tổng số tiền mà nhà đầu tư nhận được sẽ là trên 20.000 USD (tiền vốn gốc bỏ ra đầu tư cộng với tiền lãi hằng năm). Các MBS dựa trên các khoản vay có tính chất rủi ro cao hơn thì tất nhiên sẽ đem lại lời nhiều hơn cho các nhà đầu tư. Vì có sự khác nhau về rủi ro của các loại MBS cho nên các công ty bảo hiểm và thẩm định rủi ro, chẳng hạn như AIG, cũng nhảy vào để bán bảo hiểm cho các nhà đầu tư MBS. Các sản phẩm bảo hiểm này được gọi là credit default swap (CDS), với mục đích bảo đảm cho các nhà đầu tư MBS là trong trường hợp những người vay tiền mua nhà không trả được nợ và làm cho MBS mất giá thì sẽ được bồi thường. Sự việc này đã tạo nên một loạt chân rết mới, kéo thêm các thành phần khác tham gia cuộc chơi, bởi vì bán bảo hiểm loại này trong lúc thị trường bất động sản đang phất lên và ít người vỡ nợ thì rất có lời [2].
Như vậy, nhìn vào thực tế thì các NHTM đã huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn vào một lĩnh vực khá nhạy cảm là bất động sản, mặc dù để đảm bảo khả năng thu hồi nợ họ đã bán các khoản cho vay này cho các tổ chức tài chính và đã để lại cho nền kinh tế, thị trường tài chính rủi ro rất lớn. Đó là rủi ro vỡ nợ khi giá của các tài sản dài hạn là bất động sản xuống thấp hơn giá trị của các khoản nợ ngắn hạn và rủi ro thanh khoản do việc đi vay ngắn hạn nhưng lại cho vay dài hạn. Rủi ro này sẽ tăng lên gấp bội trong điều kiện thiếu sự kiểm soát và giám sát của Chính phủ.
Yếu tố pháp lý
Chính vì huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn nhằm chạy theo lợi nhuận và bỏ qua các yếu tố kiểm soát rủi ro mà đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới vào những năm 1929-1933 của thế kỷ trước. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lần đó là không có sự tách bạch giữa hoạt động kinh doanh tiền tệ và hoạt động kinh doanh chứng khoán của của các NHTM. Hay nói khác đi, việc không có sự tách bạch giữa chức năng NHTM và ngân hàng đầu tư (NHĐT) trong cùng một ngân hàng đã tạo ra kẽ hở nguy hiểm trong Luật ngân hàng Mỹ lúc bấy giờ . Lợi dụng kẽ hở này, các NHTM sử sụng tiền huy động ngắn hạn để đầu tư vào chứng khoán. Khi TTCK phát triển nóng đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các ngân hàng này và đẩy giá chứng khoán vượt xa giá trị thực, tạo nguy cơ “bong bóng”. Khi “bong bóng” chứng khoán “xì hơi”, giá chứng khoán “tuột dốc không phanh” các ngân hàng không bán được chứng khoán để thanh toán các khoản vay đến hạn hoặc để đáp ứng nhu cầu rút tiền trước thời hạn của người gửi tiền thì cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đã thực sự nổ ra. Bên cạnh đó, trước sự sụt giảm liên tục của giá chứng khoán, giới đầu cơ giá xuống “Bear” đã chớp thời cơ thực hiện bán khống bằng cách vay những cổ phiếu của các tập đoàn, ngân hàng lớn ồ ạt bán ra tạo nên áp lực giảm giá không gì cứu vãn nổi. Sau khi giá chứng khoán giảm đến một mức nào đó, giới đầu cơ sẽ mua và trả lại nơi đã cho vay cộng thêm một ít phí, còn lại sẽ được hưởng.
Trong bối cảnh đó, để cứu nền kinh tế, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật ngân hàng (Glass-Steagal Act) năm 1933, sau khi Tổng thống Franklin Roosevelt nhậm chức. Đạo luật này đã tách bạch rõ ràng giữa hoạt động của NHTM và hoạt động của NHĐT. Theo đó, NHTM chỉ được hoạt động trong lĩnh vực cho vay vào các hoạt động kinh doanh truyền thống, ít rủi ro nhất trên cơ sở đảm bảo tài sản của người vay. NHTM trả lãi suất tiền gửi là X% thì cho vay lại chỉ ở mức X + 2 (hoặc 3%) mà thôi để đảm bảo tính an toàn và giữ vững niềm tin của người dân đã gửi tiền tiết kiệm. Các NHTM cũng bị cấm thực hiện bảo lãnh phát hành chứng khoán công ty (trừ trái phiếu Chính phủ). Chỉ những công ty môi giới và tự doanh chứng khoán, các NHĐT mới được thực hiện các dịch vụ liên quan đến chứng khoán công ty. Điều kiện và chế độ cấp phép đối với hoạt động của các công ty môi giới chứng khoán bị siết chặt[3]. Trong khi đó, hoạt động của NHĐT là những hoạt động kinh doanh với độ rủi ro cao nên các nhà đầu tư vào các ngân hàng này phải được biết như vậy và phải chấp nhận rủi ro. Sự tách biệt giữa hoạt động NHTM và NHĐT là để làm rạch ròi mức độ rủi ro, tránh sự mập mờ dễ gây ra sự ngộ nhận cho người dân khi gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Sự tách biệt này cũng là để minh bạch hóa các hoạt động ngân hàng vì đó là nền tảng của cả một hệ thống ngân hàng ổn định, tạo nên sức mạnh cho hệ thống tài chính và kinh tế phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia cho rằng, Đạo luật Glass-Steagal đã giúp cho kinh tế, xã hội Mỹ phát triển mạnh trong suốt 50 năm và trở thành một mô hình tài chính ngân hàng mẫu mực cho cả thế giới[4]. Đặc biệt, Đạo luật trên là cơ sở pháp lý quan trọng của quá trình chuyển đổi mô hình ngân hàng đa năng sang mô hình ngân hàng chuyên doanh tại Mỹ. Điển hình là việc ngân hàng đa năng Morgan D.P phải tách ra thành 2 ngân hàng mới: ngân hàng thương mại Morgan Guarantee và ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.[5] Đầu những năm 1980, Tổng thống Reagan chủ trương phát triển kinh tế thị trường theo hướng tự do hoá, đồng thời cho phép các NHTM nhận tiền gửi tiết kiệm được mở rộng các hoạt động cho vay vào TTBĐS. Hệ quả là chỉ vài năm sau đã dẫn đến cuôc khủng hoảng ngân hàng đầu tiên và Chính phủ Mỹ phải tốn hơn 300 tỉ USD để cứu nguy. Đến thời Tổng thống Clinton nắm quyền trong thập niên 1990, Ông đã thành công trong việc thực thi các chính sách kinh tế, mang lại một thời kỳ phát triển khá ổn định của nước Mỹ. Tuy nhiên, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, Tổng Thống Clinton dưới sự vận động của giới tài phiệt đã ký đạo luật Gramm-Leach-Bliley thay thế Đạo Luật Glass-Steagal. Theo đó, các NHTM lại được phép đầu tư vào các lĩnh vực bị cấm trước đây như chứng khoán, bất động sản…
Những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán Việt Nam
Những tác động đến hệ thống ngân hàng
Từ việc phân tích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ nước Mỹ nêu trên, chúng ta có thể khẳng định là cuộc khủng hoảng này sẽ không có tác động đáng kể đến hệ thống ngân hàng Việt Nam, bởi lẽ:
Thứ nhất, mức độ hội nhập của nền kinh tế Việt Nam nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Mỹ và thế giới chưa sâu. Các ngân hàng Việt Nam hiện nay chủ yếu làm cầu nối cung cấp dịch vụ thanh toán, bảo lãnh và bao thanh toán cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, lượng vốn của các ngân hàng Việt Nam vay trên thị trường quốc tế là không lớn nên có thể loại trừ khả năng xuất hiện hiệu ứng rút vốn ồ ạt gây nên rủi ro về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, các ngân hàng và các tổ chức tài chính Việt Nam không sở hữu các MBS của Mỹ, do vậy không phải gánh chịu những khoản lỗ phát sinh do công cụ này giảm giá. Mặt khác, cấu trúc của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn khá đơn giản, các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng chưa phát triển, chưa có sự liên thông ở mức tinh vi giữa TTBĐS và TTCK thông qua các công cụ phái sinh tương tự như MBS của Mỹ. Các ngân hàng Việt Nam đầu tư vào bất động sản chủ yếu thông qua hình thức trực tiếp là cho vay có đảm bảo bằng tài sản hoặc bằng chính bất động sản hình thành từ vốn vay nên khả năng tạo hiệu ứng dây chuyền kiểu Mỹ khi bất động sản giảm giá là rất khó xảy ra.
Tuy nhiên, theo tôi, mặc dù hệ thống ngân hàng Việt Nam không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra nhưng không phải là không có vấn đề. Những vấn đề mà hệ thống ngân hàng gặp phải chủ yếu phát sinh từ những yếu tố nội tại.
Trước hết, là vấn đề mô hình của hệ thống ngân hàng. Theo Khoản 2, Điều 20 của Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội ban hành năm 1997 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004 thì các loại hình ngân hàng ở Việt Nam bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác và các loại hình ngân hàng khác. Nhưng dưới gốc độ lập pháp thì cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng về chức năng của từng loại ngân hàng. Đặc biệt, chưa có một văn bản pháp quy nào được ban hành để điều chỉnh hoạt động của ngân hàng phát triển và NHĐT – là những hoạt động kinh doanh ngân hàng có rủi ro cao nhất. Chính sự mập mờ này đã tạo điều kiện cho các NHTM, các CTTC “lấn sân”. Và trên thực tế, nhiều NHTM và các CTTC đã “không ngần ngại” đầu tư vào bất động sản và chứng khoán đã mang lại không ít hệ lụy cho nền kinh tế, góp phần không nhỏ vào việc đẩy nền kinh tế đi đến lạm phát thời gian qua.
Tiếp theo, là sự ra đời ồ ạt của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, đặc biệt là các CTTC. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có trên 80 ngân hàng thương mại[6] và trên 20 công ty tài chính. Phần lớn các CTTC đều có nguồn góc vốn góp từ các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước lớn. Với vai trò tạo vốn và điều hoà vốn giữa các thành viên trong tập đoàn, tổng công ty, cho nên CTTC dễ dàng bỏ qua những chuẩn mực cần thiết của hoạt động tín dụng trong việc tài trợ vốn cho các thành viên, các dự án của tập đoàn và tổng công ty. Điều này không những làm cho rủi ro tín dụng tăng lên mà còn làm tăng nguy cơ “hiệu ứng dây chuyền” khi thị trường tiền tệ hoặc lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty có biến động mạnh[7]. Việc có quá nhiều ngân hàng (trong đó, có khoản 25% ngân hàng có hiệu quả kinh doanh hạn chế) và các CTTC sẽ dẫn đến hai nguy cơ lớn là khả năng huy động vốn để duy trì kinh doanh ổn định và khả năng quản trị ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng do tăng trưởng tín dụng khá cao cũng đặt hệ thống ngân hàng trước những thách thức không nhỏ. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản hiện nay khoảng 115.500 tỷ đồng, chiếm 9,15% trên tổng dư nợ toàn hệ thống. Riêng năm 2007, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2007 là 53% – một con số khá cao cộng với khoảng 50% các khoảng dư nợ được thế chấp bằng bất động sản sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong những tháng cuối năm 2008 khi các khoản cho vay vào bất động sản trước đây lúc thị trường này còn hấp dẫn sẽ đáo hạn. Trong tình hình TTBĐS vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc thì việc các ngân hàng phải đối diện với khoản lỗ lớn là khó tránh khỏi. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng Eximbank đã công bố nợ quá hạn của ngân hàng này là 1.361 tỷ đồng, chiếm 6,09% tổng dư nợ, trong đó nợ xấu là 619 tỷ đồng và khoản nợ có khả năng bị mất là 200 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Eximbank, nợ xấu của ngân hàng này chủ yếu là các khoản cho vay bất động sản. Hiện nay, dư nợ cho vay bất động sản của Eximbank là 4.000 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng dư nợ của ngân hàng[8].
Ngoài ra, nguy cơ về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang còn tiềm ẩn, mặc dù các giải pháp thắt chặt tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kìm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Lãi suất cơ bản qua bốn đợt cắt giảm trong một thời gian ngắn đã được hạ xuống còn 10%, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng được giảm xuống đáng kể đi kèm theo việc tăng lãi suất trên tỷ lệ này, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng và chiết khấu giấy tờ có cũng giảm khá mạnh. Song song đó, NHNN đã mua lại tín phiếu bắt buộc phát hành cho các ngân hàng trước thời gian đáo hạn trị giá 20,3 ngàn tỷ đồng. Những động thái trên là dấu hiệu “nới lỏng chính sách tiền tệ” một cách linh hoạt của Chính phủ nhằm tăng tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện để ngân hàng hạ lãi suất cho vay để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn. Qua đó, kích thích sản xuất chống lại nguy cơ giảm phát và duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng khi, lượng tiền mặt trong hệ thống tăng lên và các ngân hàng đã giảm đáng kể lãi suất cho vay tương đương với mức cuối năm 2007 thì các doanh nghiệp lại tỏ ra không mấy mặn mà. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ảnh hưởng của đợt lạm phát trong nước vừa qua và của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra đã làm sức mua trong nước và trên thị trường các nước vốn là nơi tiêu thụ truyền thống sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh. Như vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam lại đối diện với một thách thức mới. Đó là tìm đầu ra cho những đồng vốn của mình. Trong điều kiện TTBĐS “đóng băng” và TTCK liên tục tuột dốc thì rõ ràng đây thật sự là một bài toán khó.
Những tác động đến thị trường chứng khoán
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, cơn bão tài chính thế giới chưa có những tác động lớn trực tiếp đến nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng. Cơ sở của những kết luận trên là tính liên thông và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới chưa cao. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách thấu đáo có thể thấy rằng mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng TTCK Việt Nam cũng đã chịu sự tác động nhất định từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự tác động này biểu hiện trên các phương diện sau đây:
Một là, khủng hoảng tài chính với sức lan tỏa nhanh chóng đã tác động đến các quốc gia vốn là thị trường xuất khẩu hàng hoá của nhiều doanh nghiệp niêm yết như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…Khủng hoảng tài chính làm sức mua của các thị trường trên giảm sút nghiêm trọng ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết làm giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này vốn đang sụt giảm lại khó có khả năng phục hồi.
Hai là, khủng hoảng tài chính đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu, trái phiếu. Tính từ đầu tháng 8/2008 đến đầu tháng 10/2008 các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng cổ phiếu với tổng giá trị lên 1.278 tỷ đồng và khoảng 13,5 ngàn tỷ đồng đối với trái phiếu[9]. Với giá trị bán ra khổng lồ này đã góp phần không nhỏ vào sự sụt giảm của chỉ số VN-Index và Hastc-Index thời gian qua. Trước đó, nhiều ý kiến đã “trấn an” các nhà đầu tư là sẽ không có chuyện các nhà đầu tư ngoại rút vốn vì phần lớn các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là các quỹ đóng. Tôi cho rằng, ý kiến trên là không thuyết phục. Vì xét về bản chất thì các quỹ đóng không mua lại chứng chỉ đã phát hành cho nhà đầu tư nhưng họ hoàn toàn có thể thực hiện tái cấu trúc danh mục đầu tư của mình, trong đó có việc bán chứng khoán ở thời điểm này để mua vào thời điểm khác hoặc bán ở thị trường này để đầu tư vào thị trường khác hoặc đầu tư vào thị trường ngoại hối. Thực tế cho thấy, đồng nội tệ của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi lạm phát đã mất giá so với đồng USD vài chục phần trăm trong khi sự giảm giá của đồng Việt Nam so với đồng USD và các ngoại tệ mạnh khác là không đáng kể. Khả năng nhà đầu tư nước ngoài đã nhận định rằng đồng Việt Nam sẽ tiếp tục mất giá cũng như các đồng tiền khác nên đã bán chứng khoán để mua ngoại tệ nhằm kiếm lời là rất có thể. Nếu kịch bản diễn ra đúng như họ dự đoán thì khi đó họ sẽ bán ngoại tệ để tiếp tục đầu tư vào chứng khoán.
Thứ ba, tác động rõ nét nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến TTCK Việt Nam là ở yếu tố tâm lý. Thật ra, yếu tố tâm lý trên TTCK thì ở quốc gia nào cũng có, đặc biệt là các quốc gia có thị trường này mới hình thành. Yếu tố tâm lý đã làm cho TTCK Việt Nam bao phen lâm vào tình trạng mất cân đối cung cầu: khi giá chứng khoán lên thì mua không được, ngược lại khi giá rớt thì chỉ toàn lệnh bán mà không có lệnh mua. Sở dĩ có hiện tượng này là do phần nhiều các nhà đầu tư Việt Nam chưa chuẩn bị kiến thức và bản lĩnh cũng như kinh nghiệm cần thiết để tham gia mua bán chứng khoán, mặt khác môi trường thông tin chưa thật sự đảm bảo cho thông tin đến với tất cả các nhà đầu tư cùng một lúc và chuẩn xác. Việc đầu tư theo đám đông đã gây khó khăn trong việc hoạch định chính sách và điều tiết thị trường của cơ quan quản lý và trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi làm giá, giao dịch nội gián, tung tin đồn thất thiệt…để trục lợi. Tâm lý mua bán theo đám đông lại trở nên nặng nề hơn khi nền kinh tế bị lạm phát. Mỗi khi các thông tin về việc tăng giá xăng dầu, NHNN tăng lãi suất cơ bản hoặc chỉ số giá tiêu dùng được công bố đều nhận được phản ứng tức thời từ TTCK. Trong giai đoạn này, các nhà đầu tư nước ngoài được xem là nhân tố dẫn dắt thị trường. Động thái mua vào hoặc bán ra của họ cũng sẽ làm cho giá chứng khoán tăng hoặc giảm theo. Nhưng từ cuối tháng 9/2008 đến nay, rất nhiều thông tin tốt về nền kinh tế được phát đi như lãi suất cơ bản và giá xăng liên tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng giảm đáng kể đã không nhận được những phản ứng tích cực nào từ thị trường và chỉ số chứng khoán cả 2 sàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm. Điều đó cho thấy nhà đầu tư Việt Nam đã không còn quan tâm đến các thông tin tốt từ nền kinh tế trong nước nữa. Cái mà họ quan tâm là diễn biến tình hình giao dịch ở các TTCK Mỹ, Anh, Nhật Bản…thế nào và sẽ có hành vi đầu tư tương tự. Thời gian gần đây, diễn biến của các chỉ số chứng khoán Việt Nam luôn cùng chiều với chỉ số của các thị trường trên. Vậy là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã chuyển hướng tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam: từ đầu tư theo nhà đầu tư nước ngoài ở trong nước sang đầu tư theo các “nhà đầu tư ngoài nước”[10]. Tâm lý này trở thành một rào cản không nhỏ cho các nỗ lực của Chính phủ nhằm vực dậy TTCK. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, khi thị trường tài chính có biến động mạnh ở một hoặc nhiều nước phát triển, các TTCK toàn cầu có độ liên thông lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ ổn định và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó[11].
Thứ tư, tâm lý giá xuống đã làm méo mó vai trò là “phong vũ biểu” phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế và đe dọa tính thanh khoản của thị trường. Đó là khi, giá chứng khoán xuống quá thấp thì người bán lại không muốn bán nhưng người mua cũng sẽ không dám mua do vẫn còn lo sợ chứng khoán sẽ tiếp tục giảm nữa. Khi đó từ “khủng hoảng niềm tin” thị trường sẽ chuyển sang một cuộc khủng hoảng khác nguy hiểm hơn nhiều: khủng hoảng về tính thanh khoản.
Thứ năm, mặc dù không phải phát sinh mới đây do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng TTCK Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều những vấn đề khác mà trong phạm vi bài viết này chúng tôi chưa có điều kiện đề cập đến. Cụ thể như các vấn đề về khung pháp lý, vai trò quản lý, giám sát của Nhà nước, tính minh bạch của thị trường…
Giải pháp nào cho hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán Việt Nam?
Như đã phân tích ở trên, mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng Việt Nam ít nhiều cũng đã chịu sự tác động nhất định. Sự tác động rõ nét nhất là đối với nền kinh tế với hai đầu tàu quan trọng là hệ thống ngân hàng và TTCK. Chính vì vậy, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về nguyên nhân, diễn biến, các giải pháp khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhằm hình thành các giải pháp hoàn thiện việc quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và hoạt động của hệ thống ngân hàng, TTCK nói riêng là hết sức hữu ích đối với Việt Nam.
Đối với hệ thống ngân hàng
Tôi cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đứng trước ba vấn đề lớn là: mô hình và cấu trúc của hệ thống ngân hàng, vấn đề kiểm soát rủi ro và tính thanh khoản. Để nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động ngân hàng đồng thời tránh được “vết xe đổ” của hệ thống ngân hàng Mỹ thì chúng ta cần có những giải pháp kiên quyết và đồng bộ theo hướng cái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng cho hiệu quả hơn, tăng cường kiểm soát rủi ro và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Cụ thể là:
– Tiến hành rà soát lại hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động ngân hàng, bao gồm Luật ngân hàng Nhà nước năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2003) và Luật các tổ chức tín dụng dụng năm 1997 (sửa đổi, bổ sung năm 2004) và các văn bản dưới luật về ngân hàng. Hai Luật này mặc dù đã góp phần rất lớn vào việc điều chỉnh hoạt động và sự phát triển của hệ thống ngân hàng thời gian qua nhưng được ban hành và sửa đổi khi mức độ hội nhập kinh tế và những thay đổi trong các quan hệ kinh tế thị trường ở Việt Nam diễn ra chưa mạnh mẽ nay đã bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập nhất định. Các văn bản dưới luật thì được ban hành khá tản mạn, không tập trung và bất cân xứng, chủ yếu điều chỉnh các hoạt động của NHTM cổ phần mà chưa có sự quan tâm đúng mức về hoạt động của các tổ chức tín dụng khác như hoạt động của NHĐT, NHTM Nhà nước, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Vai trò và tính độc lập của NHNN được quy định trong hai Luật này không cao, chưa đủ để có thể thực hiện chức quản lý và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia một cách linh hoạt. NHNN “không có chức năng hoạch định mà chỉ là cơ quan chấp hành trong việc điều hành chính sách tiền tệ”[12]. Các văn bản dưới luật thường được ban hành để xử lý vấn đề mang tính chất vụ việc nhiều hơn là những vấn đề mang tính chất chiến lược. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngân hàng phải được tiến hành theo hướng nâng cao tính độc lập và vai trò chủ động trong quản lý, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, mở rộng thẩm quyền và tăng cường các công cụ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh ngân hàng của NHNN. Song song đó, cần có sự tách bạch rõ ràng giữa hoạt động của NHTM và NHĐT đồng thời nâng cao điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động của NHTM cổ phần và các CTTC. Các văn bản về ngân hàng phải đặt nền tảng pháp lý để tạo ra môi trường kinh doanh ngân hàng minh bạch và nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc đẩy mạnh cổ phần hoá các NHTM Nhà nước và hình thành cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc sáp nhập, hợp nhất và phá sản ngân hàng.
Tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Trước hết, NHNN cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng và TCTD theo quy định Luật các tổ chức tín dụng và Quyết định số 457/2005 ngày 19/4/2005 quy định cụ thể các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và các văn bản khác. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng và giám sát chặt chẽ hạn mức tín dụng đối với các lĩnh vực nhạy cảm như cho vay kinh doanh, đầu tư chứng khoán, bất động sản…Về lâu dài, NHNN cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế theo tiêu chuẩn an toàn vốn của Basel, rà soát và xây dựng mới các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro… Về phía Chính phủ và Bộ Tài chính, cần quản lý và kiểm soát nguồn vốn Nhà nước trong các CTTC Nhà nước, ngăn chặn tình trạng lạm dụng đầu tư tài chính bằng nguồn Nhà nước của các tổ chức này như là một biện pháp loại trừ nguyên nhân lạm phát và góp phần lành mạnh hoá thị trường tiền tệ. Về phía các NHTM, và các tổ chức tín dụng phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành, áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đại và tổ chức tốt hoạt động của bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại trụ sở chính và các chi nhánh.
Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Theo quan điểm của tôi, tính thanh khoản có vấn đề không những khi các ngân hàng gặp khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn mà ngay cả khi họ gặp khó khăn cho đầu ra của nguồn vốn của mình. Sau khi các biện pháp thắt chặt tiền tệ của Chính phủ mang lại hiệu quả, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác, mua lại 20,3 ngàn tỷ tín phiếu bắt buộc thì hệ thống ngân hàng đang sở hữu một nguồn vốn khá lớn và lãi suất cho vay đã giảm xuống 13%/năm (so với 21% ở thời điểm đỉnh cao) nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tiếp cận. Nguyên nhân được xác định là sức mua trong nước và thế giới giảm do cuộc khủng hoảng tài chính và lạm phát vừa qua. Chính vì vậy mà Chính phủ đang triển khai 5 giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng và kích cầu vốn. Việc kích cầu vốn trở nên hết sức khó khăn khi TTBĐS và TTCK đang đóng băng và tuột dốc liên tục. Do đó, trước mắt cần tập trung kích cầu vốn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng. Để các giải pháp của Chính phủ sớm phát huy tác dụng, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế lãi suất linh hoạt theo hướng thỏa thuận và dựa vào mức độ đánh giá rủi ro, hình thành các trung tâm bão lãnh tín dụng và khuyến khích cơ chế cho vay tín chấp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận được nguồn vốn. Giải quyết được đầu ra cho nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng hiện nay là điều kiện cần thiết để ngăn chặn nguy cơ giảm phát đang dần dần lộ diện.
Đối với thị trường chứng khoán
Một khi diễn biến của tình hình giao dịch trên TTCK đã thoát khỏi sự tác động của các yếu tố nội tại mà đã chuyển sang phụ thuộc vào những yếu tố từ bên ngoài như các thông tin về diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính hay sự tăng, giảm của các chỉ số chứng khoán nước ngoài thì việc dự báo về tình hình thị trường cũng như đề xuất các giải pháp là hết sức khó khăn. Tuy vậy, từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chúng ta cũng thấy rằng trong thời gian sắp tới các nhà điều hành và hoạch định chính sách phát triển TTCK Việt Nam sẽ có nhiều việc cần làm và tập trung vào các vấn đề sau đây:
– Tiếp tục thực thi chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đã được Chính phủ phê chuẩn, trong đó việc liên thông, kết nối với thị trường các nước là cần thiết, tuy nhiên phải được tiến hành cẩn trọng, có lộ trình để hạn chế đến mức thấp nhất “các cơn địa chấn” có thể xảy ra như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt đủ mạnh nhằm tạo ra môi trường kinh doanh chứng khoán minh bạch, công bằng và đúng pháp luật.
– Xây dựng lộ trình hợp lý cho việc áp dụng các công cụ, sản phẩm mới cho thị trường như bán khống và giao dịch ký quỹ, đặc biệt là các công cụ phái sinh. Các công cụ phái sinh chỉ nên áp dụng khi đã hình thành một khung pháp lý đầy đủ để điều chỉnh việc phát hành và giao dịch các công cụ phức tạp này trên cơ sở nhận thức đầy đủ những yếu tố tích cực và tiêu cực của nó sau khi trình độ quản lý, điều hành thị trường đã được nâng lên một bước.
– Cần nghiên cứu và sớm triển khai các công cụ kích cầu trong đầu tư. Trước hết, Chính phủ nên xem xét khả năng lùi thời gian thu thuế từ đầu tư chứng khoán vì nguồn thu từ đầu tư chứng khoán không nhiều[13]nhưng nó sẽ là nguồn động viên tinh thần giúp các thị trường có thể cải thiện phần nào niêm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, theo tín hiệu thị trường cần sớm đưa vào áp dụng các giải phải giúp hỗ trợ tính thanh khoản và khuyến khích đầu tư như lệnh thị trường, cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản và được cùng mua, cùng bán một loại chứng khoán trong cùng một ngày giao dịch, sớm đưa thị trường giao dịch các cổ phiếu chưa niêm yết đi vào hoạt động…
– Đẩy mạnh và kiên quyết đối với việc tách chức năng lưu ký tiền của nhà đầu tư từ công ty chứng khoán sang ngân hàng để minh bạch hoá hoạt động của công ty chứng khoán, gây dựng lòng tin của các nhà đầu tư. Thường xuyên kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, đặc biệt là các hoạt động tiềm ẩn xung đột lợi ích cao./.
( Bài đăng trên Kỷ yếu Hội thảo Khoa họcTác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam” do Khoa Kinh tế, ĐQG TP.HCM tổ chức Tháng 12/2008)

[1] Huỳnh Thế Du, Cỗ máy tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu . Xem tại: http://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/hoso/11303/
[2] Trần Văn Thọ, Trần Lê Anh, Loạt bài “Khủng hoảng tài chính Mỹ và những ảnh hưởng”  Bài 1: Cuộc khủng hoảng hình thành như thế nào? Xem tại: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200842/20081016011937.aspx
[3] Б.Б. Рубцов, Зарубежные Фондовые рынки, Мосва ИНФРА – М 1996, стр: 78 – 79.
[4] Trần Sỹ Chương, Tsunami tài chính Mỹ và bài học cho Việt Nam, xem tại: http://www2.sanotc.com/News/ViewItem.aspx?item=302597
[5] Б.Б. Рубцов, Указанная работа, стр: 112-113
[6] Thành Trung, “Việt Nam có quá nhiều ngân hàng thương mại”, Thời báo kinh tế Sài gòn,số ra ngày 04/12/2008, tr. 12-13.
[7] TS. Lê Vũ Nam, Một số vấn đề pháp lý về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính, Tạp chí Chứng khoán Việt Nam, Số 11/2008, tr. 12-17.
[8] Thủy Triều, Eximbank công bố nợ xấu là 619 tỷ đồng, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra ngày 04/12/2008, tr. 50.
[9] TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Khủng hoảng tài chính phố Wall: nguyên nhân và mức độ tác động có thể tới Việt Nam, Tạp chí Chứng khoán Việt Nam, số 11/2008, tr. 44-49.
[10] TS. Lê Vũ Nam, Chứng khoán sẽ thế nào trong “cơn bão tài chính toàn cầu”?, Báo Sài Gòn Giải Phóng, ra ngày 17/10/2008, tr. 4.
[11] TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Tài liệu đã dẫn, tr. 44.
[12] TS. Nguyễn Đại Lai, Tính chất cấp bách phải đổi mới hai Luật về ngân hàng để đáp ứng nhu cầu đổi mới tiếp theo của ngành ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên WTO, Hoàn thiện pháp luật ngân hàng-Những đòi hỏi từ hội nhập kinh tế quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, NXB Lao động xã hội năm 2007, tr. 15.
[13] Theo tính toán thì tổng số tiền thu thuế dự kiến từ giao dịch chứng khoán qua 2 sàn Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong 1 năm chỉ tương đương số thuế thu nhập phải nộp của 2 ngân hàng thương lại loại lớn và chừa bằng 1/3 số tiền nộp ngân sách mỗi năm của Công ty Bia Sài Gòn. Xem: Hải Lý, Hoãn thuế cho dòng tiền trở lại, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Số ra ngày 04/12/2008, tr. 43.
—————————
SOURCE: Hội thảo Khoa học “Tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam” do Khoa Kinh tế, ĐQG TP.HCM tổ chức Tháng 12/2008
CÁM ƠN TS. LÊ VŨ NAM ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT. VIỆC SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI CẦN ĐƯỢC TÁC GIẢ ĐỒNG Ý

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code