LÊ XUÂN ĐÌNH
Các tài liệu
nghiên cứu gần đây đã đề cập nhiều đến nội dung, bước đi và yêu cầu thời
đại của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Riêng vấn đề phát triển nền
kinh tế thị trường, thì hiện đại hóa, hay nói cách khác hướng tới nền kinh tế thị trường
hiện đại là như thế nào, và cần khai thác những đặc điểm tương đồng gì
giữa việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa với việc hiện đại hóa thị trường Việt Nam, vẫn còn ít được đề cập.
1 – Hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường hiện đại
Hiện đại hóa (modelisation) đã được tiếp cận rất khác
nhau qua các giai đoạn phát triển của lịch sử. Hiểu theo nghĩa rộng và
phổ biến nhất hiện nay, hiện đại hóa là quá trình giải phóng sức sản
xuất, giải phóng con người khỏi nghèo nàn, lạc hậu, áp bức, bất công, là
sự phát triển nhằm thỏa mãn ngày càng tốt hơn các nhu cầu đa dạng của
con người, bảo đảm sự phát triển toàn diện các cá nhân, là sự phát triển
của xã hội, sự giàu mạnh và thịnh vượng của quốc gia. Theo cách tiếp
cận đó, khái niệm hiện đại hóa bao hàm một nội dung rất rộng lớn, thể
hiện toàn bộ mục tiêu phát triển của nền kinh tế – xã hội, trong đó công
nghiệp hóa là phương tiện, công cụ của hiện đại hóa và cũng là nội dung
cơ bản của hiện đại hóa.
Hiện đại hóa đã được sử dụng khá rộng rãi trong lĩnh
vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ từ rất lâu. Hiện đại hóa nền kinh tế
– xã hội đã xuất hiện như một phạm trù triết học ở châu Âu vào cuối
những năm 50 đầu những năm 60(1)của thế kỷ XX.
Thuật ngữ hiện đại hóa lần đầu tiên được đưa vào Văn
kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996). Tuy nhiên, những nội dung của
quá trình hiện đại hóa với các mức độ khác nhau trong lịch sử Việt Nam
thì đã diễn ra từ rất lâu. Nhìn lại lịch sử, việc tiếp nhận và đồng hóa
chữ Hán thành chữ Hán – Nôm (sử dụng chữ Hán trên nền phát âm của người
Việt); việc sử dụng chữ cái la-tinh trên nền phiên âm và phát âm tiếng
Việt thành chữ quốc ngữ từ thế kỷ thứ XVIII; phong trào duy tân đầu thế
kỷ XX… và nhiều sự kiện lịch sử đánh dấu việc ông cha ta tiếp thu kiến
thức, thành tựu kỹ thuật từ nước ngoài (như tơ lụa, dệt vải, đóng tàu
thuyền…) là những nội dung của hiện đại hóa trong từng thời kỳ, hoàn
cảnh lịch sử khác nhau.
Vài thập niên cuối của thế kỷ XX, nhận thức của Đảng
đã có nhiều thay đổi về mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nhưng bước
ngoặt quan trọng nhất về tư duy nhận thức là việc từ bỏ nền kinh tế kế
hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến nay chúng ta hầu như đã
thống nhất quan điểm rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của sự phát
triển lực lượng sản xuất của xã hội loài người.
Kinh tế thị trường là phương thức vận hành nền kinh tế, là phương tiện để đạt tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; trong đó, quá trình phân phối tài
nguyên, lao động và lợi ích vật chất đều dựa trên cơ sở các quan hệ
cung cầu thị trường và do các quy luật của trao đổi và lưu thông hàng
hóa (quy luật của thị trường) chi phối. Kinh tế thị trường là một loại
phương thức tổ chức vận hành kinh tế – xã hội, nói theo cách thông
thường, nó là một thể chế vận hành nền kinh tế, mà quy luật xuyên suốt
của kinh tế thị trường là quy luật giá trị. Xét về mặt lịch sử phát
triển của kinh tế thị trường, nhiều quan niệm cho rằng, có giai đoạn của
kinh tế thị trường chưa phát triển và kinh tế thị trường phát triển
cao. Ngoài ra, kinh tế thị trường còn được phân biệt tùy theo bản chất
của sự điều tiết của nhà nước, nghĩa là bản chất chính trị của nhà nước,
có kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường xã hội chủ
nghĩa. Mỗi quốc gia thường lựa chọn cho mình một mô hình kinh tế, tuy
vẫn dựa trên sự vận hành chung của các quy luật thị trường, nhưng các
mối quan hệ tương tác giữa nhà nước, chính phủ, thể chế chính trị với
các nhóm lợi ích trong xã hội thì rất khác nhau.
Nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng và Chiến lược phát
triển kinh tế – xã hội của đất nước ta đã xác định: đất nước ta đang
trong giai đoạn đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mục
tiêu là phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo
hướng hiện đại. Khái niệm hiện đại ở đây thể hiện sự bắt kịp các thành
tựu khoa học và công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại, sự tiếp nhận một
cách tối ưu những thành tựu hiện đại (tại thời điểm đánh giá) của khoa
học, kỹ thuật và công nghệ của loài người. Điều đó thể hiện ở chỗ, từ
Đại hội IX Đảng ta đã xác định: “Con đường công nghiệp hóa, hiện
đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có bước tuần
tự, vừa có bước nhảy vọt…”. Vậy cụ thể phải thực hiện từng bước
đi như thế nào, khâu nào phải tiến hành tuần tự, khâu nào thì có thể
“đi tắt đón đầu”… thì hầu như còn nhiều nội dung chưa được đề cập một
cách sâu sắc.
Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước
cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể về việc xây dựng thể chế kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đó
tiếp tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương
lần thứ 6 (khóa X) về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa.
Trước thực tế hiện nay là ngoài việc định hướng xã
hội chủ nghĩa cho kinh tế thị trường ở nước ta, thì nền kinh tế quốc dân
và thể chế kinh tế thị trường đang chịu sự tác động của hai lực kéo:
Thứ nhất, đó là thể chế kinh tế thị
trường quốc tế với một hệ thống các luật quốc tế, các công ước, các cam
kết, các hiệp định, định chế trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế
giới (WTO). Việt Nam đã cam kết và không thể có cách nào khác ngoài việc
thực hiện những lộ trình tự do hóa thương mại, kể cả song phương và đa
phương, với WTO.
Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế,
ngoài những luật chơi chung của WTO, còn nhiều vấn đề khác nước ta cũng
đang phải điều chỉnh cho phù hợp với các luật chơi của quốc tế. Trong
đó, nước ta phải điều chỉnh nhiều luật, bộ luật và các định chế trong
nước.
Vì vậy, đây cũng là một vấn đề lớn liên quan tới việc
hiện đại hóa thể chế kinh tế thị trường đối với việc phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những
năm tới.
2 – Đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa đã được xác định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà
nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng
định: “Mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”,
và “Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt quan tâm các thị trường quan
trọng nhưng hiện chưa có hoặc còn sơ khai như: thị trường lao động, thị
trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công
nghệ”(2).
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa vẫn phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, bảo
đảm môi trường cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế một cách minh bạch và
công bằng. Hiện nay, trên lĩnh vực ngoại giao, nước ta đang tìm mọi
cách để đàm phán vận động các thành viên của WTO thừa nhận Việt Nam có
nền kinh tế thị trường, nhưng trong chính sách đối nội, rõ ràng, phải
gấp rút cải cách để khắc phục những yếu tố phi thị trường, vốn là hậu
quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây để lại.
Nhà nước định hướng nền kinh tế bằng cách tạo sân
chơi và luật chơi chung cho các chủ thể kinh tế một cách bình đẳng, kể
cả chủ thể là Nhà nước tham gia hoạt động kinh tế với các thành phần
kinh tế khác. Điều khó khăn nhất hiện nay là xác định cho rõ chức năng,
vai trò quản lý của Nhà nước phân biệt với chức năng, vai trò sản xuất
kinh doanh; giữa quản lý hành chính và quản lý kinh tế…; không hình sự
hóa các tội phạm kinh tế…
Lựa chọn một cơ cấu kinh tế hợp lý có tính đến việc
sử dụng tối ưu và bền vững các nguồn lực trong nước với việc xác định
chỗ đứng, giá trị riêng có của Việt Nam trong chuỗi giá trị của nhân
loại, tính đến sự tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế.
Về mặt sản xuất, phải kết hợp hài hòa giữa hai cách
thức tiếp cận thị trường: 1 – Đưa ra thị trường những cái thị trường cần
chứ không phải những cái mình có; 2 – Tìm thị trường cần những cái mình
có chứ không chạy theo thiên hạ, họ làm cái gì thì mình làm theo cái
nấy. Chẳng hạn, nếu chúng ta thấy các nước sản xuất máy bay, chúng ta
cũng tìm cách sản xuất máy bay, thì rất khó thành công, đường đi khá gập
ghềnh vất vả mà rủi ro thất bại lớn. Trong khi đó, tìm cách để khai
thác tốt nhu cầu thị trường thế giới kết hợp với việc quảng bá sản phẩm
Việt Nam đang có sức cạnh tranh lớn, thì sự bảo đảm thắng lợi trong cạnh
tranh sẽ chắc chắn hơn.
3 – Đặc trưng của kinh tế thị trường hiện đại
Theo nghiên cứu của chúng tôi, kinh tế thị trường hiện đại có thể có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Các quy luật của thị trường, trước hết là quy luật
giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung – cầu…, là cơ sở cho việc
phân phối các nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối toàn bộ các quá
trình đó.
- Thị trường phát triển toàn diện và đồng bộ, trong
đó các loại thị trường đều phát triển. Tất các các bộ phận, các loại thị
trường tương tác hỗ trợ lẫn nhau để hình thành nên một hệ thống các
quan hệ, thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, có các mối quan hệ hữu cơ,
có tác dụng và là đầu mối của tất cả các hoạt động của nền kinh tế – xã
hội.
- Các chủ thể (kể cả trong nước và nước ngoài) tham
gia thị trường bình đẳng và cạnh tranh với nhau là các thực thể kinh tế
có lợi ích riêng, nhưng đều tuân thủ hệ thống pháp luật chung (kể cả
luật pháp trong nước và các định chế quốc tế).
- Các tín hiệu, thông tin thị trường về mọi hoạt động
trong nền kinh tế – xã hội, tài chính, tiền tệ, sử dụng các nguồn lực,
cân đối lớn – vĩ mô và vi mô, do thị trường phát ra… đều được công khai,
minh bạch và bình đẳng trong việc tiếp cận đối với mọi thành viên và
chủ thể trong xã hội.
- Thống nhất hình thành một trật tự thị trường, sản
xuất xã hội, lưu thông phân phối và tiêu dùng dựa trên những tiến bộ mới
nhất về khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
- Các phương tiện kỹ thuật tiên tiến được sử dụng một
cách tối ưu cho mọi hoạt động của thị trường, thương mại điện tử trở
thành phương thức giao dịch phổ biến; các cơ sở hoạt động về hậu cần –
logistics(3), ngày càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Với nội hàm của kinh tế thị trường hiện đại, quá trình xây dựng nên lưu ý ở hai nội dung chính:
a) Phần cứng là hệ thống kết cấu hạ
tầng kỹ thuật gồm hệ thống phân phối, logistics, hệ thống chợ, các trung
tâm buôn bán, các trung tâm siêu thị, bến cảng, kho bãi, giao thông,
liên lạc, hệ thống các ngân hàng thanh toán… hiện hữu trong nền kinh tế
và có thể đánh giá được tính đồng bộ, cũng như trình độ hiện đại của nó.
Thương mại hiện đại ngày càng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, kỹ
thuật số vào vận hành tất cả các bộ phận cấu thành nên hệ thống phần
cứng của nó.
b) Phần mềm bao gồm hai mảng vấn đề lớn cần chú ý:
- Hệ thống pháp luật, thể chế, định chế để thị trường
hoạt động một cách bình thường, không bị ách tắc, không bị các rào cản
có tính chất can thiệp quá mức dẫn đến méo mó thị trường; thể hiện các
mối quan hệ giữa người với người và với các khâu trong hoạt động của
thương mại hiện đại.
- Văn hóa, trong đó tập quán của công chúng đóng vai
trò quan trọng. Thử hình dung một hệ thống phần cứng tốt đến mấy, mà ý
thức của người dân không đáp ứng thì cũng chưa thể có thị trường hiện
đại được.
4 – So sánh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường hiện đại
Với bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể không tận dụng tốt
nhất những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại; tiên
phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất; tiếp thu
sớm nhất những gì tinh tú nhất của nhân loại; bảo đảm phát triển bền
vững một cách tốt nhất.
Do vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa phải vừa tận dụng những gì ưu việt, tiến bộ nhất của kinh tế thị
trường, vừa phát huy những bản chất tốt đẹp nhất của chế độ xã hội chủ
nghĩa. Chính vì thế, khi phối kết hợp cả hai nội dung lớn lại thì những
hạn chế, những nhược điểm cố hữu của kinh tế thị trường sẽ được khắc
phục bằng những ưu việt của các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa đầy tính
nhân văn và bảo đảm bền vững. C.Mác đã phát hiện về những hạn chế, về
tính chất thiếu bền vững của phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản,
bởi nó chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không phải vì mục tiêu cuối cùng
là con người: “Cái giới hạn thật sự của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa
chính là bản thân tư bản, điều đó có nghĩa là: tư bản và việc làm cho tư
bản tự nó tăng thêm giá trị là điểm xuất phát và điểm cuối cùng, là
động cơ và mục đích của sản xuất, sản xuất chỉ là sản xuất cho tư bản,
chứ không phải ngược lại; những tư liệu sản xuất không phải đơn thuần là
những phương tiện cho quá trình sinh sống thường xuyên mở rộng của xã
hội những người sản xuất.”(4).
Vậy, nền sản xuất mang bản chất xã hội chủ nghĩa phải
phát huy cao độ sự thống nhất giữa mục đích và phương tiện, đó là lấy
con người làm trung tâm, làm mục tiêu cao cả của mọi mục tiêu sản xuất,
kinh doanh. Như thế thì sự thống nhất giữa định hướng xã hội chủ nghĩa
với phát triển bền vững, thống nhất giữa kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa với phát triển kinh tế thị trường hiện đại ắt sẽ được bảo đảm.
5 – Các giải pháp phát triển kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Cụm các giải pháp phát triển phần cứng đòi hỏi phải
đầu tư, tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, phát triển
đồng bộ kết cấu hạ tầng… để sớm có nền tảng vật chất bảo đảm cho thị
trường hiện đại phát triển.
Cụm các giải pháp phần mềm: xu thế thế giới là một
động lực thúc đẩy quá trình phát triển phần mềm của kinh tế thị trường
hiện đại, vì đã hội nhập sâu thì Việt Nam phải thay đổi nhiều bộ luật,
đồng thời phải thực hiện nhiều cam kết để “chơi trong một sân chung với
thế giới”, và do đó động lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa thị trường
trong nước nhanh hơn là đứng độc lập một mình.
Các giải pháp về phát triển văn hóa, tạm gọi là như
vậy, sẽ lệ thuộc vào tốc độ cải thiện về dân trí, về hiện đại hóa tập
quán sinh hoạt, hiện đại hóa nhiều quy định, quy chế dưới luật để đưa
hàng chục triệu người dân sống và làm việc theo pháp luật, có tác phong
hiện đại, có đủ trình độ để sử dụng những trang thiết bị, máy móc hiện
đại của kết cấu hạ tầng thị trường hiện đại nói riêng và của nền kinh tế
nói chung.
Cụm giải pháp dài hạn là thúc đẩy quá trình hình
thành và phát triển thương mại điện tử, chính phủ điện tử, và, sự ra đời
và ngày càng lớn mạnh của kinh tế tri thức.
Cụm các giải pháp về nâng cao năng lực điều tiết của
Nhà nước đối với kinh tế thị trường, khi nói đến những thất bại của thị
trường thì vấn đề đầu tiên cần phải lưu ý đó là tính chất chu kỳ của
kinh tế. Những biến động về tài chính, tiền tệ những tháng đầu năm 2008 ở
trong nước và trên thế giới đã thể hiện rõ nét thêm về điều đó. Tuy
nhiên, kinh nghiệm về minh bạch thông tin, cảnh báo sớm để can thiệp kịp
thời làm giảm tác hại của những chu kỳ kinh tế có thể lường trước là
một nghệ thuật mà các nền kinh tế phát triển đã rất thuần thục. Tiếp đến
là trong điều hòa các vấn đề xã hội, nhất là kìm chế sự phân hóa giàu
nghèo, không ai khác ngoài các chính sách của Chính phủ làm cho xã hội
phát triển nhanh, nhưng hài hòa giữa các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi
người đều được hưởng lợi từ kết quả tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo
đảm cho nền kinh tế phát triển vừa nhanh, vừa hiệu quả và bền vững.
(1) Lương Việt Hải (Chủ biên), Lê Xuân Đình – Nguyễn
Đình Hòa: Hiện đại hóa xã hội vì mục tiêu công bằng ở Việt Nam hiện nay,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr 240
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 100
(3) Hệ thống hậu cần hợp lý các luồng vận động của hàng hóa trong một nền kinh tế từ điểm đầu đến điểm cuối
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t 25 phần 1, tr 380
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 21 (165) NĂM 2008
0 comments:
Post a Comment