LS.TS. PHAN ĐĂNG THANH
Dư luận bức xúc vì vụ
này không xử lý tới nơi được thì những vụ khác cũng sẽ chìm xuồng. Chỉ
khoảng một năm sau khi Công ty Vedan hoạt động thì việc nhà máy sản xuất
xả chất thải làm ô nhiễm môi trường cũng bắt đầu… “phát huy tác dụng”!
Một số nông ngư dân kiếm sống trên dòng sông Thị Vải phải bỏ nghề. Họ đã
khiếu nại và lúc đó được công ty hỗ trợ cho chút đỉnh.
Đến giữa năm 2008 thì sự việc được báo động cả nước
vì mức độ nguy hiểm cho xã hội đã thực sự đặc biệt nghiêm trọng. Việc
gây ô nhiễm môi trường đã rõ ràng. Hậu quả thiệt hại đã được xác định.
Nhưng đến nay trách nhiệm pháp lý của Vedan đối với người bị thiệt hại
vẫn chưa được làm rõ và nhà nước cũng chưa có cách xử lý thật công bằng,
đúng mức!
Từ hành chính đến hình sự đều bị “trói tay”
Hiện nay pháp luật chưa phát huy hiệu lực đầy đủ,
không mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều 6 Pháp lệnh Xử lý vi phạm
hành chính nêu: “Tổ chức bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính
do mình gây ra. Sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử
phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm để xác định trách nhiệm pháp
lý của người đó theo quy định của pháp luật”. Việc “xác định trách
nhiệm pháp lý” của cá nhân trong trường hợp này chưa được quy định rõ
nên thực tế trước nay trong các trường hợp tổ chức vi phạm, hầu như
không có cá nhân nào bị xử phạt. Mà theo luật, trong lĩnh vực môi
trường, nếu không cá nhân nào bị xử phạt hành chính thì cũng có nghĩa là
không ai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 183 BLHS quy
định: “Người nào thải vào nguồn nước các chất thải (…) đã bị xử phạt
hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết
định của cơ quan thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền
(…), cải tạo không giam giữ (…) hoặc phạt tù (…)”. Ai đã từng bị xử phạt
hành chính rồi mới có thể bị xử phạt hình sự mà thực tế không ai bị xử
phạt hành chính thì… “trớt hướt” thôi!
Kiện dân sự cũng không xong!
Còn trách nhiệm dân sự của công ty gây ô nhiễm đối
với người dân bị thiệt hại thì sao? Thực tế cho thấy việc công dân bị
thiệt hại do hành vi xả chất thải của Vedan (cũng như một số tổ chức sản
xuất khác) muốn đòi bồi thường thiệt hại cũng không thuận tiện chút
nào, nếu không nói là đang bế tắc khi mà Vedan “mạnh dạn” tuyên bố chỉ
“hỗ trợ” chứ không “bồi thường” theo nghĩa vụ luật định.
Bởi nhiều lý do pháp lý khác nhau mà vụ việc bị phát
hiện tới nay cả năm rồi vẫn chưa kiện ra tòa được. Tòa không thụ lý đơn
khởi kiện của người bị thiệt hại vì một số đơn khởi kiện đã hết thời
hiệu (quá hạn hai năm kể từ khi hành vi gây thiệt hại xảy ra); người bị
thiệt hại chưa thể cung cấp chứng cứ để chứng minh mức độ thiệt hại cụ
thể, rõ ràng, đúng ai là người gây thiệt hại cho mình; người khởi kiện
bơ vơ, chưa cử được người đại diện hợp pháp v.v…
Dù phía bị thiệt hại đã có nhiều cá nhân, tổ chức
luật sư tư vấn giúp đỡ về mặt pháp lý cũng như các hội nông dân tỉnh,
thành phố đứng ra bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình nhưng tình hình
vẫn chưa thấy lối ra khả quan. Dư luận vẫn bức xúc, chờ đợi vì vụ này
mà không xử lý tới nơi được thì những vụ khác rồi cũng sẽ chìm xuồng.
Người ta khó chấp nhận nghịch lý: Người làm trái
luật, gây thiệt hại cho xã hội lẽ ra phải có nghĩa vụ bồi thường nhưng
vì pháp luật bất cập nên họ được quyền tùy lòng hảo tâm mà hỗ trợ cho
người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại chỉ còn nước trông cậy vào “thiện
chí hỗ trợ” của người gây thiệt hại cho mình mà thôi!
Làm sao có an toàn pháp lý để người dân an tâm được
bảo vệ quyền lợi bởi pháp luật? Yêu cầu cấp bách đòi hỏi nhà nước sớm
hoàn thiện pháp luật để các quy định không mâu thuẫn, triệt tiêu nhau;
tổ chức thực thi pháp luật có hiệu quả hơn và nhiều công dân hiểu biết
pháp luật để có cách ứng phó kịp thời, bảo vệ quyền lợi của mình có kết
quả hơn.
Ở nước ta, hành vi gây ô nhiễm môi trường nước đã
được pháp luật nghiêm cấm từ lâu (Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật
Bảo vệ môi trường năm 1993, 2005). Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và
các nghị định quy định việc xử phạt hành chính cũng nêu rõ hành vi vi
phạm và biện pháp xử lý trong một số trường hợp cụ thể (Nghị định 34
ngày 17-3-2005 xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước, Nghị định 81 ngày
9-8-2006 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…). Đối với những hành vi xả
chất thải gây nguy hiểm đáng kể cũng đã được Bộ luật Hình sự (BLHS) quy
định là tội phạm với những hình phạt tương ứng (Điều 195 BLHS 1985 và
Điều 183 BLHS 1999): Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây
hậu quả nghiêm trọng, tội gây ô nhiễm nguồn nước.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ:
0 comments:
Post a Comment