Thursday, February 13, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI GIỮA CÔNG TY DŨNG HẢI VÀ CÔNG TY STEMCOR: MỘT BÀI HỌC ĐẮT GIÁ

NGUYỄN HƯƠNG – BÁ TÚ
Có lòng tin trong kinh doanh là cần thiết nhưng khi lòng tin đặt không đúng chỗ có thể gây hậu quả đáng tiếc. Câu chuyện về công ty TNHH Dũng Hải (Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng) bị đối tác lợi dụng lòng tin là một ví dụ đắt giá.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thép có “thâm niên” nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài nên khi nhận được thư chào hàng ngày 21/3/2005 của đại diện công ty TNHH Stemcor (SEA) có trụ sở tại 350 đường Orchard, số 18 Shaw House, Singapore và văn phòng đại diện tại số 2, Ngô Quyền, Hà Nội về mặt hàng thép lá cán nóng có chiều dài “tối thiểu 600 – 1.200 mm, tối đa 1.500 – 4.000 mm, tỷ lệ cong vênh chiếm 5%/500 tấn”; công ty  Dũng Hải đã nhanh chóng “vào cuộc”.
Cả tin mà ký
Ngày 1/4/2005, 2 bên ký kết hợp đồng (HĐ) thương mại số SP 27929Tvà hàng đã được chuyển về bãi hàng của công ty Dũng Hải. Sau khi thanh toán và nhận hàng, Cty Dũng Hải nhận ra hàng của mình toàn là “sắt vụn”. Lúc này bản HĐ thương mại mới bộc lộ rõ những điểm bất lợi cho người mua.
Ông Nguyễn Minh Chí – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN khẳng định: HĐ này có thể thấy rõ 4 điểm sơ hở nhất:
Thứ nhất, điều khoản về chất lượng hàng hoá chỉ quy định “hàng gồm nhiều loại” và không có chi tiết hàng hóa với tình trạng “mức độ gỉ nhẹ”. Chất lượng quyết định giá trị hàng hoá nhưng điều khoản chất lượng trong HĐ rất sơ sài, không có sự mô tả cụ thể. điều này đã khiến bên mua không thể biết giá trị thật sự của lô hàng.
Thứ 2, về giám định hàng hoá, theo HĐ thì 2 bên bắt buộc phải mời công ty SGS giám định nếu bên mua thấy có vấn đề về chất lượng nhưng phải thực hiện ngay tại cảng. Nếu muốn mời cơ quan giám định khác thì phải được sự đồng ý của cả 2 bên. Như vậy, dù Dũng Hải đã mời Vinacontrol giám định nhưng nếu không được sự đồng ý của công ty Stemcor thì chứng thư giám định trên vô hiệu.
Thứ 3, HĐ quy định thanh toán bằng tín dụng thư L/C, như vậy bên mua phải làm mọi thủ tục thanh toán đầy đủ tại ngân hàng thì hàng mới được thông quan. Như vậy bên mua đã dành toàn bộ ưu đãi về thanh toán cho bên bán.
Thứ 4, trong điều khoản “trọng tài” quy định: “Mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến HĐ này sẽ được phân xử bởi Toà án kinh tế VN tại Hà Nội”, nhưng phần cuối lại ghi: “phán quyết của Trọng tài là cơ sở cuối cùng” là “tự gây khó” cho mình . Vụ việc này, Trung tâm Trọng tài quốc tế VN không đủ thẩm quyền thụ lý, còn cơ quan Toà án cũng rất khó xét xử. Bởi vì: nếu HĐ không quy định điều khoản trọng tài thì đương nhiên thẩm quyền xét xử thuộc Toà án. Nhưng 2 bên thoả thuận đưa ra Trọng tài thì phải quy định cụ thể là phân xử tại tổ chức trọng tài nào.
Mong để lại bài học
Ông Đặng Minh Hải – Giám đốc công ty Dũng Hải khẳng định: Không phải chúng tôi không biết những điều khoản bất lợi cho mình tại HĐ nhưng khi công ty Dũng Hải liên hệ với công ty Stemcor thì được đại điện của công ty là cô Vương Thị Hằng thuyết phục. Theo cô Hằng thì công ty Stemcor đã làm ăn với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều HĐ và công ty Stemcor là một tập đoàn lớn, làm ăn có uy tín. Chính vì thế, Cty Dũng Hải đã ký HĐ trên. Sau khi biết được hàng kém phẩm chất, công ty Dũng Hải đã liên lạc bằng thư điện tử, điện thoại với Cty Stemcor và đưa ra yêu cầu mời Vinacontrol làm giám định nhưng phía công ty Stemcor không có ý kiến gì. Chỉ sau khi hàng về kho của Cty Dũng Hải gần 1 tháng công ty Stemcor mới trả lời mời giám định là công ty SGS.
Theo ông Hải HĐ này trị giá 327.600 USD là rất nhỏ so với giao dịch thương mại mỗi năm không dưới 20 triệu USD của Dũng Hải. Thiệt hại của HĐ ước tính khoảng 110.000 USD cũng không gây nhiều khó khăn cho công ty. Nhưng, Dũng Hải muốn chia sẻ bài học kinh nghiệm này cho những doanh nghiệp Việt Nam khác khi tham gia ký kết HĐ thương mại với các doanh nghiệp nước ngoài.
==== *** ====
Sau khi bài báo “Vụ tranh chấp giữa Cty Dũng Hải và Cty Stemcor: Bài học đắt giá!”, DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Michael Gaylard – Giám đốc Cty Stemcor (S.E.A) Pte Ltd xung quanh vụ việc. Theo yêu cầu của phía Cty Stemcor chúng tôi đã không ghi âm cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, theo bà Vương Thị Hằng – nhân viên thương mại (người phiên dịch cho ông Michael Gaylard hợp đồng (HĐ) này do phía Stemcor soạn thảo và đã được phía Dũng Hải chấp nhận. Mặt khác, có nhiều DN VN đã ký kết những HĐ tương tự và mua sản phẩm như Cty Dũng Hải.
Khi chúng tôi hỏi về nội dung điều khoản trọng tài trong HĐ có nhiều sơ xuất do non kém về kiến thức pháp luật hay cố tình thì phía Stemcor chỉ cho rằng HĐ đã được sự đồng ý của 2 bên và trước khi đặt bút ký vào HĐ Stemcor tin rằng phía Cty Dũng Hải đã có nghiên cứu và phía Dũng Hải là người ký trước.
Về chất lượng hàng hoá, Stemcor cho rằng ngay trong đơn chào hàng bằng mô tả và hình ảnh đã khẳng định đây là loại hàng 100% cong vênh (5% vặn, xoắn, gập) vì vậy HĐ là thể hiện ý chí của cả hai bên. Tuy nhiên, Cty Stemcor cũng khẳng định rằng HĐ trên chỉ được lập bằng một ngôn ngữ – tiếng Anh. Bên cạnh đó, phía Stemcor đã rất nhiều lần liên lạc với Dũng Hải bằng thư điện tử, fax và gặp trực tiếp để giải quyết nhưng đến thời điểm này phía Dũng Hải chưa có yêu cầu cụ thể. Ông Michael Gaylard cho biết Cty sẽ sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi với Dũng Hải để có thể giải quyết những khúc mắc không đáng có.
Như số báo trước, ông Nguyễn Minh Chí – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế VN đã khẳng định trong HĐ có nhiều điều khoản bất lợi cho DN VN nhưng ông Chí cũng cho rằng điều khoản trọng tài mà nguyên văn tiếng Anh là “Arbitration” chỉ có một nghĩa là trọng tài. Tuy nhiên điều khoản này trong HĐ lại quy định rằng nếu có tranh chấp thì 2 bên sẽ đưa ra Toà án Kinh tế VN tại Hà Nội xét xử và phán quyết của Trọng tài Kinh tế là phán quyết cuối cùng. Do vậy, theo ông Chí điều khoản này vô hiệu theo khoản 4, điều 10 pháp lệnh Trọng tài: “Thoả thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà sau đó không có thoả thuận khác”.
Cũng theo ông Chí, gần đây các DN VN gặp nhiều vụ việc bất lợi do non kém trong ký kết hoặc thương thảo HĐ; như trường hợp gần đây một DN đã ký kết HĐ về loại thép lá cuốn nhưng khi hàng về đến nơi chất lượng quá kém (gỉ sét đến mức dính chặt vào nhau) mà hiện Trung tâm Trọng tài VN đang thụ lý giải quyết. Ngoài ra, còn một ví dụ nữa đó là việc một số DN VN NK hàng điều hoà nhiệt độ có xuất xứ Malaysia nhưng khi Hải quan Hải Phòng kiểm tra thì hầu hết những linh kiện quan trọng đều có dấu hiệu xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện Hải quan Hải Phòng đangđiều tra; “khả năng DN bị lừa là rất lớn” (nhận định của Hải quan Hải Phòng). Bởi lẽ, theo HĐ thương mại giữa 2 bên nếu mặt hàng này có xuất xứ từ Trung Quốc thì giá trị lô hàng sẽ không hợp lý. Đại diện của Hải quan Hải Phòng cho biết, hiện vẫn phải “tạm giữ” 3 lô hàng tại cảng Hải Phòng và những lô hàng đã thông quan sẽ có khả năng bị truy thu thuế. Như vậy, DN VN vừa mất cơ hội kinh doanh và có nguy cơ bị mất thêm tiền thuế.
Phải thạo luật nước mình, nước người trước khi ký kết HĐ thương mại; phải tìm hiểu kỹ càng về đối tác trước khi quan hệ làm ăn – những việc này DN không thể coi nhẹ nếu không muốn nhận phần thiệt về mình.
SOURCE: Civillawinfor tổng hợp (Theo Nguyễn Hương – Bá Tú Báo Diễn đàn doanh nghiệp online)
Trích dẫn từ:
http://dddn.com.vn/home/104/10539/Phap-luat-kinh-doanh/Tranh-chap-hop-dong-thuong-mai-giua-Cty-Dung-Hai-va-Cty-Stemcor-Bai-hoc-dat-gia.htm

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code