VŨ LÊ
Trong khi khách hàng
mua căn hộ với giá gốc chỉ thắc mắc và dễ dàng xí xóa chuyện bồi thường
chậm giao nhà thì những người mua lại với giá cao, bị sang tay nhiều chủ
lại tỏ rõ thái độ bất bình. Tình huống căng thẳng nhất là đôi bên lôi
nhau ra tòa.
Từ nhiều năm nay, các dự án nhà ở thường mắc căn bệnh
trầm kha là "trễ hạn bàn giao căn hộ" với vô vàn lý do. Cách phản ứng
và hành xử của người trong cuộc cũng muôn hình vạn trạng. Có những đại
gia đóng tròn vai chủ đầu tư sòng phẳng, cũng không ít doanh nghiệp hạn
chế về tài chính phải xuống nước xin khách hàng xí xóa. Tình huống căng
thẳng cũng từng xảy ra, trong trường hợp này khách hàng dọa kiện chủ đầu
tư nếu việc bồi thường chậm giao nhà không làm đúng theo quy định của
pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, quả bồ hòn mà khách hàng phải nếm còn
đắng hơn khi dự án không thể thực hiện được hoặc chủ đầu tư can đảm
thông báo tăng giá dù công trình có tiến độ rùa bò.
Nhận nhà trễ hạn so với cam kết trong hợp đồng, nhiều
khách hàng mua căn hộ Hoàng Anh 2, quận 7, TP HCM phản ánh họ chưa nhận
được tiền bồi thường dù chủ đầu tư có thỏa thuận điều này. Trao đổi vớiVnEpress.net
Giám đốc Công ty Hoàng Anh (HAGL) Lê Hùng giải thích, do năm 2008 thị
trường bất động sản rơi vào giai giai đoạn thoái trào, vật liệu xây dựng
tăng giá, ngân hàng thắt chặt tín dụng nên chủ đầu tư gặp rất nhiều khó
khăn. Dù vậy, HAGL vẫn nỗ lực hoàn thành dự án sớm nhất trong khả năng
có thể. "Tôi đã ký nhiều biên bản cam kết với khách hàng dời thời hạn
nộp phạt vào tháng 6/2009 để doanh nghiệp sắp xếp chi trả", ông Hùng
khẳng định.
Còn khách mua căn hộ Thái An 2 tại quận 12, TP HCM,
tuy bị giao nhà trễ so với cam kết trong hợp đồng nhưng vẫn giải quyết
ôn hòa trên tinh thần chín bỏ làm mười. Chủ đầu tư (Công ty Đất Lành)
giải thích, đây là điều bất khả kháng, nhiều dự án khác cũng mắc phải
nên xin khách hàng “bỏ qua” chuyện nộp phạt. Sau chuyện này, một cư dân
chung cư Thái An 2 chia sẻ với VnExpress.net: "Có nhà là mừng
hú vía, tôi không dám mong gì hơn, vả lại mình mua với giá khá "mềm" nên
ai nấy đều xề xòa cho qua chứ không đòi bồi thường".
Trong khi đó, khách hàng mua căn hộ chung cư Mỹ Thuận
quận 8, TP HCM cũng bị giao nhà trễ 4-12 tháng nhưng chủ đầu tư chỉ bồi
thường qua loa. Trường hợp khách kiên quyết đòi thì được trả, có người
bị đề nghị trừ vào diện tích dôi ra so với hợp đồng hoặc cấn vào 5% tiền
làm giấy tờ nhà (khoản tiền làm tin trước khi nhận giấy hồng) và cũng
có cả những chủ hộ không được nhận đồng bồi thường nào.
Một hộ dân ngụ trong chung cư Mỹ Thuận tiết lộ, anh
phải làm căng với Công ty M&C (chủ đầu tư) thậm chí dọa thuê luật sư
kiện thì doanh nghiệp này mới ngồi lại đàm phán chuyện bồi thường. Theo
đó, khách hàng này trưng ra giấy tờ thuê nhà trong 4 tháng chủ đầu tư
chậm bàn giao, doanh nghiệp đã hoàn tiền thuê nhà cho khách hàng, tổng
cộng 8 triệu đồng, vị chi 2 triệu đồng mỗi tháng. "Chuyện này tuy rất
nhỏ và khoản tiền bồi thường cũng không lớn nhưng trách nhiệm của doanh
nghiệp quá kém nên tôi làm cho ra lẽ", người này nói.
Còn trường hợp của khách hàng Saigon Pearl cá
biệt hơn, giao nhà trễ 1 năm so với cam kết, Vietnam Land (chủ đầu tư)
sẵn sàng bồi thường chậm giao nhà theo lãi suất tiền USD như thỏa thuận
ban đầu nhưng khách hàng kiên quyết yêu cầu được bồi thường theo lãi
suất tiền đồng. Trong trường hợp này đồng đôla bị rẻ rúng vì lãi suất
USD trong năm 2008 chỉ ở mức 4% còn lãi suất tiền đồng lên đến 18%.
Câu chuyện của khách hàng mua căn hộ Horizon 22 tầng tại số 214 Trần Quang Khảicó
phần mệt mỏi hơn, họ đang đứng ngồi không yên vì dự án không những chậm
triển khai (có thời gian bị dừng hẳn). Việc giao nhà trễ chắc chắn
không thể tránh khỏi mà còn bị chủ đầu tư nâng giá bán căn hộ.
Trong hợp đồng hứa mua hứa bán ký với khách hàng hồi
tháng 5/2004, Công ty địa ốc Fico (chủ đầu tư) cam kết hoàn tất dự án
trong 30 tháng kể từ ngày ký. Nếu chậm giao nhà, chủ đầu tư trả lãi suất
0,5% mỗi tháng trong khoảng thời gian kéo dài bàn giao căn hộ cho tổng
số tiền khách hàng đã đóng trước. Tuy nhiên, hồi tháng 7/2008 khách hàng
bật ngửa khi được doanh nghiệp thông báo tăng giá bán từ 13-14 triệu
thành 19-20 triệu đồng mỗi m2, vị chi tăng thêm 6 triệu đồng mỗi m2. Gần
5 năm trôi qua, dự án chưa hình thành theo cam kết, không những chưa
được bồi thường mà khách hàng còn phải đối mặt với việc trả thêm trung
bình 400-800 triệu đồng mỗi căn hộ. Hiện nay nhiều khách hàng đang tính
đến chuyện kiện chủ đầu tư ra tòa vì không chấp thuận cách tăng giá theo
kiểu áp đặt này.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB (ACBR)
Phạm Văn Hải phân tích, việc kéo dài thời gian chậm giao nhà đã trở
thành chuyện cơm bữa ở thị trường địa ốc VN. Có nhiều nguyên nhân:
do năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, tình hình kinh tế có
nhiều biến động, vật liệu xây dựng, lãi suất bất ổn… Chỉ cần thị trường
có những trồi sụt nhất thời cũng dễ khiến công trình bị đình trệ. Ông đề
cập thêm, trên thực tế từng xảy ra chuyện chủ đầu tư sử dụng tiền góp
vốn của khách hàng vào phi vụ làm ăn khác khiến cho dự án bị hụt vốn,
dẫn đến chậm tiến độ.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng nếu chỉ chậm giao nhà 3-4
tháng thì khách hàng vẫn có thể chấp nhận được. Trường hợp chậm từ 2
quý trở lên, nhiều khả năng xung đột sẽ xảy ra vì thiệt hại lúc này
tương đối lớn.
Theo lãnh đạo ACBR, người mua căn hộ với giá gốc sẽ
không quan tâm chuyện bồi thường chậm giao nhà vì bản thân họ không bị
mua hớ với giá cao. Ngược lại, chính những người mua sang tay với giá
đắt đỏ cùng với các khoản chênh lệch khá lớn sẽ kỳ vọng nhận được một
khoản tiền bồi thường chậm giao nhà để gỡ gạc cơn thua lỗ.
Chuyên gia này đề xuất thêm, đối với việc mua nhà
hình thành trong tương lai, để đảm bảo tiền vốn khách hàng góp với chủ
đầu tư được sử dụng đúng mục đích, đôi bên nên chọn ra một đơn vị thứ 3
là ngân hàng giám sát việc sử dụng khoản tiền này. Toàn bộ vốn khách
hàng góp vào sẽ được giải ngân theo tiến độ công trình để đảm bảo công
bằng.
Trong khi đó, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Gia
Linh, Nguyễn Sa Linh, khẳng định, nếu trong hợp đồng có đề cập đến
chuyện bồi thường chậm giao nhà nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thì
khách hàng có quyền khởi kiện theo Bộ Luật dân sự.
Tuy nhiên, ông Linh khuyến cáo khách hàng nên cân
nhắc, đọc kỹ hợp đồng và tìm chuyên gia tư vấn trước khi quyết định mua
căn hộ hình thành trong tương lai. Bởi lẽ, theo ông, hiện nay mua nhà
kiểu này tỷ lệ rủi ro khá cao. Doanh nghiệp trực tiếp và chủ động soạn
thảo hợp đồng, trong khi đó khách hàng không có vị thế thỏa thuận ngang
bằng nên việc bảo vệ quyền lợi người mua nhà chưa được chặt chẽ.
Giới kinh doanh bất động sản ví von câu chuyện bồi
thường chậm giao nhà bằng "phép vua thua lệ làng", những gì luật chưa
quy định rõ thì người mua kẻ bán có quyền thỏa thuận theo thông lệ.
Những gì đôi bên đã hứa với nhau trong hợp đồng góp vốn, hợp đồng hứa
mua hứa bán, hợp đồng góp vốn đầu tư… đều là cam kết có tính tương đối
vì hiện nay không có mẫu số chung cho việc bồi thường chậm giao nhà.
SOURCE: VNEXPRESS.NET
0 comments:
Post a Comment