Wednesday, February 12, 2014

BÀN THÊM VỀ NGUYÊN NHÂN GÂY RA LẠM PHÁT Ở VIỆT NAM

TS. NGUYỄN THỊ HƯỜNG
Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2007 đến nay, khi lạm phát ở nước ta tăng đột biến, đã có rất nhiều bài viết đề cập vấn đề này. Về cơ bản, với nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau, các tác giả đã phân tích tương đối đầy đủ nguyên nhân gây ra lạm phát ở Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn bổ sung thêm và nhấn mạnh hơn một số nguyên nhân cần đặc biệt lưu ý trong điều kiện của nước ta hiện nay.
Một là, sự tăng lên liên tục của tổng cung và tổng cầu trong dài hạn tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời đã kéo theo sự tăng lên không ngừng trong mức giá. Mặt khác, do năng lực sản xuất (tổng cung) tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của tổng cầu nên đã đẩy mức giá tăng cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng kinh tế .
Có thể thể hiện xu hướng này bằng Biểu đồ 1.
Biểu đồ 1
clip_image002

Trong dài hạn, đường tổng cung dịch chuyển sang phải khi năng lực sản xuất tăng lên nhờ các yếu tố nguồn lực đầu vào tăng. Ở Việt Nam, các nguồn lực này tăng rất nhanh, đặc biệt là nguồn vốn (năm 1996 mới chỉ đạt 76,450 nghìn tỷ đồng, đến năm 2006, đã tăng lên đến 398,900 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 5 lần) và lao động (năm 1996, số lao động thường xuyên có việc làm là 33,978 triệu người, đến năm 2006, đạt 42,542 triệu người), những năm gần đây, mỗi năm tăng thêm 1,5 triệu việc làm. Đường tổng cầu cũng dịch chuyển sang phải qua các năm vì: tiêu dùng hộ gia đình (C) tăng (năm 1996 là 202,509 nghìn tỷ đồng; năm 2006, đạt 679,706 nghìn tỷ đồng; năm 2007, đạt 726,1 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 3 lần); đầu tư (I) tăng nhanh (như đã đề cập ở trên), chi tiêu chính phủ (G) tăng với tốc độ rất cao (từ 22,722 nghìn tỷ đồng năm 1996 lên 319,110 nghìn tỷ đồng năm 2006 và 368.340 nghìn tỉ đồng vào năm 2007, tăng hơn 13 lần) (Tác giả tính toán dựa vào số liệu thống kê), xuất khẩu ròng (NX) mức độ thâm hụt trong một số năm gần đây có tăng nhưng chưa tác động đáng kể đến việc làm giảm tổng cầu của cả nền kinh tế. Như vậy, xét theo quy luật của nền kinh tế thị trường thì lạm phát của những năm gần đây tăng cao có nguyên nhân tất yếu là do tích luỹ mức giá từ quá trình tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, do năng lực sản xuất của nước ta tăng chậm hơn tốc độ tăng của tổng cầu (hay nói cách khác là cung thay đổi không kịp so với cầu) đã đẩy mức giá tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Điều này được thể hiện trên biểu đồ đã nêu: Nếu năng lực sản xuất của nước ta tăng nhanh hơn mức tăng thực tế trong những năm qua thì đường tổng cung AS1 (tổng cung thực tế của năm 1996) chuyển dịch mạnh hơn sang bên phải tới vị trí AS3 (giả sử đó là năm 2007) thay vì vị trí AS2 (thực tế của năm 2007). Tại điểm cân bằng E3 (giao điểm AD2 cắt AS3) với mức giá P3 < P2 mức giá thực tế của nước ta năm 2007.
Điều đặt ra là, nhân tố nào quyết định năng lực sản xuất của nền kinh tế? Các mô hình định lượng đều đã đưa ra kết luận, trong dài hạn, năng lực sản xuất do các yếu tố nguồn lực đầu vào là vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ quy định, trong đó công nghệ đóng vai trò quyết định nhất.
Vận dụng lý thuyết trên rất phù hợp cho việc lý giải nền kinh tế nước ta trong thời gian qua: do công nghệ sản xuất của Việt Nam xuất phát từ trình độ thấp và rất chậm được cải thiện, hầu hết công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay ở mức trung bình và lạc hậu so với khu vực và thế giới (chỉ có khoảng 20% đạt trình độ tiên tiến) nên năng lực sản xuất của chúng ta còn rất hạn chế, đặc biệt là các ngành sản xuất cung cấp sản phẩm trung gian cho nền kinh tế. Điều này đã dẫn đến tổng cung thiếu hụt đáng kể so với tổng cầu và đã đẩy mức giá lên cao hơn hơn đáng kể so với tốc độ tăng của nền kinh tế.
Như vậy, lạm phát của nước ta trong thời gian gần đây tăng đột biến không chỉ là hệ quả tích luỹ của quá tăng trưởng dài hạn mà còn là kết quả của năng lực sản xuất yếu kém do tích tụ của trình độ công nghệ thấp và chậm được cải thiện trong nhiều năm qua.
Hai là, do nhu cầu nhập khẩu lớn và ngày càng tăng trong khi giá cả các mặt hàng ngày tăng nhanh nên nước ta đã nhập khẩu cả tỷ lệ lạm phát từ các nước khác, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Năng lực sản xuất tăng chậm hơn so với nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu về các đầu vào của sản xuất như thép, xăng dầu, phân bón, nguyên liệu phụ kiện của nhiều ngành, nên chúng ta đã phải nhập khẩu rất lớn và với tốc độ ngày càng cao (trung bình trong thời gian dài, đạt trên 20%/năm và 3 tháng đầu năm 2008, tăng trên 40% so với đầu năm 2007), thâm hụt cán cân thương mại tăng nhanh (3 tháng đầu năm 2008, nhập siêu lên tới trên 7 tỷ USD, cao gần 1,4 lần so với cả năm 2005). Với mức giá của hầu hết các mặt hàng nhập khẩu, trong mấy năm gần đây, đã tăng đột biến nên đã gây tác động rất lớn đến việc tăng lên trong mặt bằng giá cả ở Việt Nam. Đặc biệt, nước ta nhập khẩu hàng hoá từ thị trường Trung Quốc với một tỷ trọng đáng kể, trong khi nước này cũng đang trong tình trạng lạm phát cao, dẫn đến Việt Nam đã nhập khẩu thêm cả lạm phát của Trung Quốc.
Từ thực tế trên cho thấy, với tốc độ mở cửa nền kinh tế như Việt Nam, nếu sản xuất trong nước tiếp tục phụ thuộc lớn vào nhập khẩu thì khả năng kiềm chế lạm phát sẽ hết sức khó khăn trước những biến động bất thường trên thị trường thế giới.
Ba là, do những bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua không chỉ làm giảm hiệu quả của chính sách cắt giảm lạm phát mà còn kích thích kỳ vọng lạm phát cao trong dân chúng.
Do thiếu sự phối hợp chặt chẽ và thiếu ăn khớp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã làm suy giảm đáng kể hiệu quả kiềm chế lạm phát ở nước ta. Điều này đã được nhiều bài viết đã đưa ra, chúng tôi đồng tình với những phân tích đã có. Vấn đề cần phải đề cập thêm ở đây là, cách công bố và thực thi nhiều chính sách trong thời gian qua, đã có tác động kích thích kỳ vọng lạm phát cao. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng “hình thành một mặt bằng giá mới ở Việt Nam”. Tiêu biểu cho tác động trên có thể kể đến chính sách tiền lương. Quan sát thực tế ở nước ta trong thời gian qua đều cho thấy: khi có nguồn tin Nhà nước sẽ điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì chỉ sau một thời gian rất ngắn, hầu hết giá cả hàng hoá đều tăng lên: người tiêu dùng sợ giá cả tăng nên tăng mức mua hàng hoá, làm tăng thêm mất cân đối cung cầu trên thị trường, nhiều doanh nghiệp lợi dụng thực tế này, cộng thêm việc suy tính khả năng tăng giá các đầu vào có thể xẩy ra, đã tăng giá bán ra. Đặc biệt, ở nước ta khi nhận thức còn hạn chế, tâm lý đám đông rất phổ biến nên đã kích thích mạnh mẽ đến thị trường và giá cả trong nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng, nếu như tác động của các chính sách của Nhà nước lên các chỉ số khác có độ trễ nhất định thì đối với lạm phát, phản ứng về tâm lý tăng nhanh hơn rất nhiều.
Việc điều chỉnh tiền lương danh nghĩa để góp phần cải thiện (hoặc chí ít là không làm suy giảm) mức sống của người lao động là chính sách cần thiết, phải coi đó là một việc làm thường xuyên và hết sức bình thường của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc lựa chọn thời điểm thực hiện và cách thực hiện phải hết sức thận trọng để tránh kích thích, tăng mặt bằng giá của nền kinh tế. Không nên đưa tin tăng lương trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng sau một thời gian dài rồi mới thực hiện. Bởi vì, với sự hình thành mặt bằng giá mới, khi đồng lương danh nghĩa tăng thêm đến tay người lao động thì giá cả đã tăng cao hơn nhiều so với mức tăng lương, việc điều chỉnh tiền lương trở nên mất ý nghĩa.
Bên cạnh đó, giá cả tăng lên còn tạo ra sự bất ổn trong môi trường kinh tế xã hội và điều đó đến lượt nó lại có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh.
Từ những phân tích ở trên chúng tôi có một số khuyến nghị sau đây:
Thứ nhất, điều cốt lõi nhất đối với nước ta hiện nay là phải tập trung tăng năng lực sản xuất trong nước mà trọng tâm hàng đầu là phải tăng cường đầu tư để nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế. Muốn vậy, chính sách của Nhà nước phải hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ; các ngân hàng thương mại phải dành ưu tiên cho các khoản vay để nâng cao trình độ công nghệ và doanh nghiệp phải coi hoạt động đổi mới là vấn đề sống còn của mình.
Thứ hai, phải luôn luôn duy trì sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khoá trong điều hành nền kinh tế. Trước mắt, cả hai chính sách cần tập trung vào mục tiêu cắt giảm lạm phát. Trong thời gian tới, cần xây dựng lộ trình thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu và nguyên tắc cân đối thu chi ngân sách. Tăng cường hơn nữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước bởi hai lý do: (1) trong điều kiện nền kinh tế mở và tỷ giá ngày càng nới lỏng theo cơ chế thị trường, chính sách tiền tệ ngày càng có tác động mạnh mẽ hơn đến các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế; (2) để tiến tới thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước phải thực sự có quyền hạn độc lập trong việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
Thứ ba, các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách tiền lương phải cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra cách thực hiện phù hợp, nhằm định hướng cho dân chúng có kỳ vọng hợp lý, nhất là đối với vấn đề giá cả.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Hường (chủ nhiệm đề tài), Quan hệ giữa tăng trưởng, lạm phát và việc làm. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, tổng quan đề tài cấp cơ sở, Viện Kinh tế và Phát triển – Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, H. 2007.
2. Nguyễn Đại Lai, Những thành tựu và bất cập giữa chính sách tài khoá và tiền tệ tại Việt Nam trong 10 năm qua, Tạp chí Ngân hàng tháng 3/2006.
3. Nguyễn Thanh An, Đằng sau cơn lốc giá, Tạp chí Tài chính 8/2007.
4. Trần Đào, Nhập siêu không thể coi thường, Tạp chí Kinh tế và dự báo 9/2007.
5. Trần Đình Thiên, Kinh tế Việt Nam 2008: Những dự báo ban đầu, Kỷ yếu hội thảo “Những vấn đề kinh tế – xã hội nổi lên trong thời gian gần đây và giải pháp khắc phục”, Văn phòng Trung ương vụ kinh tế, tháng 3/2008.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 9 NĂM 2008

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code