BẠCH HOÀN
Không phải cứ bỏ tiền
ra mua hàng hiệu, sản phẩm của các công ty uy tín, hay sử dụng những
dịch vụ đắt tiền là người tiêu dùng có được những món đồ, dịch vụ xứng
đáng “đồng tiền bát gạo”. Mặc dù không phải là phổ biến nhưng ngay cả
với những nhãn hiệu đã có tên tuổi trên thị trường, vẫn có những sản
phẩm chất lượng kém được bán đến tay người tiêu dùng. Các doanh nghiệp
giải thích đó là do sơ suất trong quá trình sản xuất.
Mắt kính 600 USD, chất lượng vẫn kém
Không may mắn khi mua phải hàng hiệu mà chất lượng
lại không đảm bảo, anh Nguyễn Hữu Thăng (đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân
Bình, TP.HCM) kể mua hai chiếc kính mát hiệu Louis Vuitton tại một cửa
hàng ở Q.1, giá mỗi chiếc gần 600 USD. Tuy nhiên, một trong hai chiếc
kính có giá cả chục triệu đồng đó lại có chất lượng kém. Khi sử dụng,
mắt kính có hiện tượng loang màu, chỗ đậm chỗ nhạt, anh Thăng đề nghị
cửa hàng thay mắt kính khác. Nhưng đại diện cửa hàng này từ chối và lấy
lý do đây là lỗi của người sử dụng.
Cũng gặp rắc rối với chiếc kính mắt, anh Nguyễn Văn
Công (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM) kể anh mua một chiếc kính thuốc tại cửa
hàng ở đường Điện Biên Phủ, Q.3 của một hãng chuyên về kính thuốc tại
TP.HCM. Giá chiếc kính trên 4 triệu đồng, nhưng khi vừa sử dụng đã có
vấn đề, gọng kính lỏng lẻo, ốc bị rơi khi nào không hay mặc dù không hề
có va chạm. Anh Công cho biết sau khi sửa nhiều lần, sự cố trên vẫn
không được khắc phục. Cuối cùng anh đem kính đến nơi bán hàng để nhờ
chỉnh lại thì nhân viên cửa hàng khẳng định không thể sửa được.
Tương tự, cũng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để sử
dụng dịch vụ điều trị mụn của một trung tâm chăm sóc thẩm mỹ tại Q.Phú
Nhuận, chị K.V. ở P.Tân Hưng Thuận, Q.12 đã bị biến chứng khá nặng. Chị
V. kể sau khi bôi thuốc trị mụn do trung tâm này cung cấp, chị bị nóng
mặt. Ngay trong ngày, khi báo cho nhân viên tư vấn của trung tâm về tình
trạng trên thì nhân viên khẳng định đó là phản ứng tốt và yêu cầu tiếp
tục bôi thuốc. Nhưng chỉ ba ngày sau, toàn bộ khuôn mặt chị V. bị nổi
rộp với các mụn mủ, sưng phù, rịn nước, da mặt đỏ và nóng.
“Tuy nhiên, khi tôi có mặt tại trung tâm để phản ảnh
tình trạng của mình thì nhân viên trung tâm lại yêu cầu tự đi bệnh viện
da liễu điều trị” – chị V. cho hay.
Khiếu nại để đòi quyền lợi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi chị K.V. điều trị
mụn là một trung tâm khá lớn. Sau khi xảy ra sự cố, chị V. đã gửi đơn
lên Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng TP.HCM để xem xét trách
nhiệm của trung tâm điều trị và yêu cầu được đền bù thỏa đáng, gồm cả
phí dịch vụ, phí điều trị bác sĩ da liễu và phần tổn thất tài chính do
chị phải nghỉ việc để điều trị bệnh. Sau nhiều lần thương thảo, Văn
phòng khiếu nại của người tiêu dùng TP.HCM cho biết cuối tháng 3 vừa
qua, cơ quan này đã hòa giải thành công trường hợp khiếu nại của chị
K.V.. Theo đó, trung tâm điều trị mụn phải thanh toán cho chị toàn bộ
tiền thuốc, tiền điều trị, do phải nghỉ việc để khắc phục sự cố, tổng
cộng trên 16 triệu đồng.
Tương tự, sau khi gửi đơn khiếu nại lên cơ quan
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của TP.HCM, anh Nguyễn Hữu Thăng cho
biết cách nay hơn một tuần chiếc kính 600 USD của anh cũng đã được thay
mới. Tuy nhiên, theo anh Thăng, trước khi anh gửi đơn lên Văn phòng
khiếu nại của người tiêu dùng TP.HCM, cửa hàng này đã không chấp thuận
đề nghị trả lại tiền hoặc thay thế sản phẩm mới như ban đầu đã cam kết.
Nhưng sau khi nhận được thư khiếu nại, cửa hàng đã chủ động làm việc và
giải quyết yêu cầu của anh.
Theo TS Vũ Thị Bạch Nga – trưởng ban bảo vệ người
tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, trong quá trình sản
xuất, kinh doanh, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể gặp lỗi, có
những sản phẩm không đạt chất lượng như công bố. Do đó, khi chẳng may
mua phải những sản phẩm, dịch vụ chất lượng không như mong muốn, trước
tiên người tiêu dùng nên phản ảnh với nơi bán hàng, doanh nghiệp sản
xuất để được giải quyết.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, nên khiếu
nại, phản ảnh lên các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài
ra, khi mua hàng người tiêu dùng nên giữ lại những giấy tờ liên quan
như: hóa đơn thanh toán, giấy bảo hành… để thuận tiện khi làm việc với
doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Hàng giá trị nhỏ cũng cần phản ảnh kịp thờiTheo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đối với những sản phẩm có giá trị nhỏ, khoảng 100.000 đồng, khi chất lượng không như ý và không đạt tiêu chuẩn mà nhà sản xuất công bố, đa số người tiêu dùng đều dễ dãi cho qua và chấp nhận thiệt thòi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có uy tín lại cho biết họ sẵn sàng bồi thường hoặc đổi sản phẩm mới cho khách hàng. TS Vũ Thị Bạch Nga cũng cho rằng dù sản phẩm có giá trị nhỏ, người tiêu dùng cũng nên phản ảnh kịp thời với người bán hàng, nhà sản xuất hoặc với các cơ quan có chức năng tiếp thu phản ảnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ
0 comments:
Post a Comment