TS. PHAN VĂN TÍNH
Trên diễn đàn
kinh tế, cũng như trong thực tiễn hoạt động ngân hàng, rủi ro tín dụng
được đánh giá như là một mắt xích quan trọng trong quản trị ngân hàng.
Tuy nhiên, quản trị rủi ro tín dụng chỉ mang lại hiệu quả nếu cơ chế
quản trị rủi ro được xây dựng trên nền tảng khoa học được kiểm chứng
bằng thực tiễn.
1. Một số vấn đề lý luận và quan điểm về rủi ro tín dụng
Đứng về phương diện quản lý, khi phân tích rủi ro,
các nhà kinh tế đặt rủi ro tín dụng dưới tầm nhìn của người cho vay.
Những gì đã được phân tích, luận giải, truyền đạt trong các công trình
nghiên cứu, giảng dạy cho thấy một quan điểm rằng, chỉ có người cho vay –
ngân hàng thương mại mới đối mặt với rủi ro trong quan hệ tín dụng. Về
lý luận, rủi ro tín dụng được xem như là khả năng khách hàng không trả
được nợ vay và lãi sử dụng tiền vay mà nguyên nhân là từ những tình
huống không “phát hiện” được khi cho vay và phát sinh trong quá trình
thực hiện hợp đồng tín dụng. Các nhà kinh tế phân loại rủi ro theo nhiều
dấu hiệu khác nhau: yếu tố chủ quan như quản trị – điều hành, trình độ
tổ chức hoạt động; nguyên nhân khách quan như tình hình kinh tế – xã
hội, hành lang pháp lý… Khi rủi ro xảy ra, tùy thuộc vào nguyên nhân,
ngân hàng cho vay hoặc các cơ quan liên quan liệt kê rủi ro vào loại
nào, khách quan hay chủ quan. Phương pháp và hiệu quả xử lý rủi ro, bù
đắp thất thoát cũng như trách nhiệm của các cá nhân liên quan phụ thuộc
vào việc phân loại đó. Khi nhìn nhận vấn đề dưới giác độ bảo toàn vốn
cũng như nguyên lý tín dụng thì rõ ràng ngân hàng cho vay phải đảm bảo
vốn tín dụng được hoàn trở lại điểm khởi đầu đầy đủ cả gốc và lãi phát
sinh. Trong chừng mực đáng kể thì quan điểm đó phù hợp với nguyên lý
quản trị kinh doanh. Từ nguyên lý này, các nhà quản trị ngân hàng, khi
thiết lập cơ chế quản trị tín dụng, đã xây dựng một hệ thống quản trị
rủi ro, trong đó các thiết chế đều tập trung cho việc thực hiện được ý
tưởng nêu trên. Nội dung của ý tưởng này có thể nhìn thấy khi phân tích
nghiên cứu và phân tích các quy định hiện hành của các ngân hàng thương
mại Việt nam. Có hai vấn đề chúng tôi muốn đề cập:
Thứ nhất, khi thẩm định các phương án, dự án
vay vốn, một số ngân hàng thường “áp đặt” ý kiến chủ quan của mình đối
với khách hàng. Ví dụ, một khách hàng vay vốn đề nghị vay một khoản tiền
5 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng; nhưng sau khi thẩm định (vì mục tiêu
hạn chế rủi ro cho mình), ngân hàng chỉ đồng ý cho vay 3 tỷ đồng, thời
hạn 8 tháng. Những điều kiện mới này, hầu như, được khách hàng chấp
thuận, mặc dầu khách hàng chưa cân đối được nguồn vốn cho phần 2 tỷ đồng
và 4 tháng bị ngân hàng rút ngắn; trong khi đó, ngân hàng cho vay cũng
không phân tích thẩm định, liệu với số tiền cho vay và thời hạn cho vay
bị rút ngắn có làm cho khách hàng bị rủi ro trong quá trình sử dụng vốn
vay không? Chính yếu tố này là nguyên nhân làm phát sinh các trường hợp
rủi ro trong một số ngân hàng thương mại, mà nguồn gốc là khách hàng, có
thể, thiếu vốn đầu tư và phải cân đối vốn để trả trước hạn so với dự
tính ban đầu.
Thứ hai, từ tư tưởng “áp đặt” mà ngân hàng
đã đưa ra nhiều điều khoản ràng buộc đối với khách hàng trong các cam
kết giữa hai bên, trong khi ngay chính bản thân ngân hàng cũng biết chắc
chắn là những cam kết đó không thể khả thi theo luật định. Phần lớn các
quy định trong hợp đồng tín dụng đều mang chế tài bảo vệ người cho vay
như: ngân hàng có quyền thay đổi lãi suất cho vay, kiểm tra tình hình
tài chính, tài sản đảm bảo tiền vay; đình chỉ cho vay và thu hồi nợ
trước hạn; thu hồi nợ bằng các nguồn khác nhau, bao gồm phát mại tài sản
đảm bảo, kiểm tra tình hình tài chính, tài sản đảm bảo tiền vay bất cứ
lúc nào… Chính tính “áp đặt này” mà trong một số trường hợp, ngân hàng
cho vay xử lý các tình huống phát sinh cũng theo cách “bề trên”, dẫn đến
việc không sâu sát thực trạng, không nắm bắt được toàn bộ nội dung và
bản chất của của sự việc.
Phân tích một trường hợp sau đây sẽ thấy rõ điều nói ở
trên đây. Ngân hàng S (NHS), chi nhánh Hà Nội (xin phép không nêu tên
ngân hàng) cho một khách hàng cá nhân vay vốn với số tiền xấp xỉ hơn 1
tỷ đồng; bên thứ ba dùng tài sản hợp pháp của mình là đất thổ cư để đảm
bảo cho khoản vay đó. Hợp đồng thế chấp được lập và ký tại phòng công
chứng đúng theo quy định của pháp luật. Trong đó, có quy định là giá trị
tài sản do NHS định giá và được bên bảo lãnh chấp thuận để làm căn cứ
cho vay, các bên cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc định
giá đó; bên bảo lãnh cam kết rằng, trong trường hợp hết hạn thực hiện
nghĩa vụ mà bên vay (bên được bảo lãnh) không thực hiện hoặc thực hiện
không đủ nghĩa vụ thì NHS có quyền áp dụng các biện pháp để xử lý tài
sản thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong hợp đồng tín dụng thì NHS đưa ra một
điều khoản: “ ngoài tài sản đảm bảo nêu trên (tài sản bảo lãnh của bên
thứ ba), bên vay cam kết dùng toàn bộ tài sản hợp pháp của mình làm tài
sản đảm bảo tiền vay tại NHS, một khi tài sản bảo đảm nêu tại điều này
(hợp đồng tín dụng) không đủ để thanh toán vốn, lãi và các chi phí khác
cho NHS”. Trao đổi với khách hàng vay vốn về điều khoản “chông chênh”
này thì khách hàng cho biết: họ không có tài sản gì cả, nhà đi thuê,
tiền mặt không có…; nhưng phải ký vì đó là hợp đồng mẫu của ngân hàng.
Xét về vị thế của người cho vay thì những quy định
trên đây không trái với tâm lý của người cho vay, nhưng đặt vấn đề dưới
giác độ luật định, trách nhiệm và xem xét rủi ro tín dụng như phạm trù
kinh tế thì còn nhiều vấn đề phải bàn luận.
Có ý kiến cho rằng, rủi ro là bản chất, tồn tại khách
quan trong bất kỳ quan hệ thương mại nào, đặc biệt tín dụng. Chúng tôi
cho rằng ý kiến đó là thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Trong hoạt động
tín dụng của ngân hàng, nợ xấu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dư
nợ. Tỷ lệ này biến thiên theo các yếu tố chủ quan của hệ thống quản trị.
Chính vì vậy, ở ngân hàng này thì tỷ lệ đó là x%, trong khi ở ngân hàng
khác tỷ lệ đó là y%. Nếu chúng ta cho rằng rủi ro tín dụng là bản chất
vốn có của tín dụng, tồn tại một cách khách quan trong nền kinh tế thị
trường thì sẽ tạo ra ảo giác rằng rủi ro là tất yếu, là việc thường tình
trong quá trình tín dụng; sẽ hình thành tư duy nguy hiểm đối với các
nhà quản trị, nhân viên thừa hành của ngân hàng cũng như đối với khách
hàng.
Chúng tôi cho rằng, về bản chất thì rủi ro tín dụng
là tình huống mang tính xác suất, không mong muốn của cả hai phía –
người cho vay và người vay, mà khi những tình huống đó phát sinh trong
quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng thì sẽ dẫn đến một kết cục tất yếu
là mục tiêu cuối cùng trong giao kết hợp đồng không đạt được như mong
muốn. Đối với hành động lừa đảo, chúng tôi không liệt kê vào diện rủi
ro. Với quan điểm như vậy, chúng tôi cho rằng, quản trị rủi ro tín dụng
cần xác định như là hành động có ý thức nhằm khắc phục những mâu thuẫn
không đối kháng trong quá trình vận hành tín dụng, đồng thời là hoạt
động của các định chế và cá nhân nhằm đảm bảo cho tín dụng thực hiện
được chức năng của mình, mang lại hiệu quả cho người cho vay, người vay
nói riêng và nền kinh tế nói chung. Với nhận thức như vậy thì quản trị
rủi ro tín dụng không đơn thuần là “cuộc đấu tranh” nhằm khắc phục tổn
thất phát sinh trong quá trình thực hiện các nghiệp vụ tín dụng mà là
hoạt động nhằm xây dựng một hệ thống, trong đó có cả các yếu tố đạo đức
nghề nghiệp và trách nhiệm của cán bộ ngân hàng với mục tiêu đảm bảo
được quyền lợi của ngân hàng cho vay cũng như khách hàng vay vốn. Phân
tích một sự việc cụ thể sau đây có thể làm sáng tỏ hơn những ý kiến có
tính chất lý luận và quan điểm cá nhân đã đề cập trên đây.
2. Từ vụ việc kéo dài hơn 10 năm…
Sự việc xảy ra năm 1994, nhưng kéo dài mãi đến năm
2007 vẫn chưa có hồi kết. Thời gian đã khá lâu, nhưng xem kỹ trên mặt hồ
sơ và thủ tục, chúng tôi không khỏi băn khoăn. Chính vì vậy mà chúng
tôi muốn đưa vụ này ra phân tích để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa thực
tiễn và tư duy.
Công ty sản xuất tin học viễn thông thành phố Hồ Chí
Minh (X) có một lô tài sản gồm 6 máy biến áp dầu và 5 trạm biến áp đồng
bộ. Trị giá tài sản cầm cố là 128.500 USD. Bằng hợp đồng số 793 ngày
1/11/1994, Công ty X đã bán cho Công ty Y lô hàng trên. Hàng hóa có
nguồn gốc rõ ràng. Việc bán hàng và xuất hàng được thực hiện đúng trình
tự: Bên bán đã giao cho Bên mua hóa đơn kiêm phiếu xuất kho số 40912,
ngày 8.11.1994. Hình thức giao kết hợp đồng đúng luật. Sau khi thực hiện
đầy đủ các nghĩa vụ, ngày 10.12.1994, hai bên đã thanh lý hợp đồng mua
bán số 793, ngày 1.11.1994 với các điều khoản cơ bản như sau: “X đã bán
cho Y 6 máy biến áp dầu giá trị 81000USD và 5 trạm biến áp đồng bộ trị
giá 47500 USD, bên Y đã chuyển trả X đầy đủ số tiền ghi trong hợp đồng.
Hai bên thống nhất thanh lý hợp đồng và từ ngày 10.12.1994, Công ty Y có
trách nhiệm ký hợp đồng thuê kho để bảo quản hàng hóa.”
Sau khi thực hiện đầy đủ thủ tục mua bán, Giám đốc
Công ty Y đã ủy quyền cho Phó Giám đốc công ty (ông B) dùng tài sản nói
trên để vay vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Z, Chi nhánh Hà Nội.
Ngày 16.12.1994, Ngân hàng Z đã ký hợp đồng tín dụng cho Y vay 900 triệu
đồng, thời hạn vay là 4 tháng. Tài sản cầm cố được gửi kho của bên thứ
ba. Thủ tục cầm cố được thực hiện theo thể thức hợp đồng thuê kho ba bên
(ngân hàng – Công ty Y – kho). Sau khi nhận tiền vay, ông B đã giao cho
Công ty X 400 triệu đồng, số tiền này được nhập quỹ của đại diện tại Hà
Nội. Khi thời hạn hợp đồng đã kết thúc, ngày 9.5.1995, Công ty Y chỉ
trả được cho ngân hàng 200 triệu đồng nợ gốc. Tiền lãi trong thời hạn
vay đã thanh toán đủ. Số nợ còn lại không thanh toán được là 700 triệu
đồng. Để xử lý món nợ quá hạn nói trên, Công ty Y mà đại diện là ông B
làm đơn xin đảo nợ quá hạn và ngày 9.5.1995, Ngân hàng Z, Chi nhánh Hà
Nội đã làm thủ tục đáo hạn món nợ trên, thời hạn là 20 ngày. Tài sản thế
chấp cũng chính là hai lô hàng đang thế chấp ngân hàng. Ngày 10.6.1995,
sau khi đáo hạn, ông B đã trả cho Ngân hàng 200 triệu đồng nợ gốc (theo
chúng tôi, nguồn tiền để trả nợ hai lần trên là do đại diện của Công ty
X tại Hà Nội chuyển lại cho ông B), lãi thanh toán đủ hàng tháng. Số nợ
còn lại là 500 triệu đồng không có khả năng thanh toán. Từ tháng 8 năm
1995 đến tháng 4 năm 1996, Ngân hàng đã có nhiều công văn thông báo yêu
cầu ông B (đúng ra ngân hàng phải thông báo cho công ty) thanh toán nợ,
nhưng ông B không thực hiện. Do không liên lạc được với ông B, Ngân hàng
làm đơn trình báo cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội.
Tháng 5. 1996, ông B bị bắt.
Theo tài liệu của cơ quan cảnh sát điều tra thì việc thế chấp và vay vốn ngân hàng diễn ra như sau:
Do biết Công ty X có bán lô hàng nói trên, ông B nhờ
một người quen liên lạc với Cộng tác viên (sau đây gọi là Đại diện – DD)
của Công ty X tại Hà Nội để mua lô hàng đó. Do không có tiền trả, ông B
đề nghị Công ty X cung cấp bộ hồ sơ pháp lý của lô hàng để ông B cầm cố
vay vốn ngân hàng. Ông B được Công ty X cung cấp một bộ hồ sơ pháp lý
của 11 máy biến áp gồm: tờ khai hải quan, hợp đồng mua bán, hóa đơn kiêm
phiếu xuất kho, thanh lý hợp đồng. Do không nhận được tiền hàng nên
ngày 15.2.1995, Công ty X gửi công văn yêu cầu Công ty Y chấm dứt hợp
đồng và trả lại hồ sơ 11 máy biến áp. Theo ông B thì sau khi ký hợp đồng
mua hàng, số tiền 128.500 USD đã được thanh toán đầy đủ cho Công ty X;
số tiền vay 500 triệu đồng do kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất sang
Trung Quốc bị lỗ.
Kết quả điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố
vụ án hình sự đối với ông B phạm vào Khoản 4, Điều 139 Bộ luật hình sự
nước CHXHCN Việt Nam – tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án và
ngày 18.8.2005, đã tuyên phạt ông B 10 năm tù và buộc ông B phải trả 400
triệu đồng cho Ngân hàng Z. Ông B kháng cáo.
Ngày 11.01.2006, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối
cao xét xử phúc thẩm và tuyên y án bản án hình sự sơ thẩm nói trên. Bản
án phúc thẩm bị Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Ngày 9.7.2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối
cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và bác kháng cáo của Viện kiểm
sát Nhân dân Tối cao.
3. Điều gì cần rút ra từ quan điểm và thực tiễn nêu trên:
Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập và phân
tích những yếu tố đúng sai liên quan đến quá trình điều tra và xét xử mà
chỉ đề cập đến vụ việc trong mối liên kết giữa mục tiêu quản trị rủi ro
và thực tiễn vận dụng các công cụ để đạt được mục tiêu đó.
Rủi ro không phải riêng đối với một bên. Nếu bản án
được thi hành thì ông B phải đi tù, tuy nhiên, số tiền 400 triệu đồng
chắc chắn ông B không có khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, Công ty Y đã
đứng ra nhận trách nhiệm về mình, nhưng trách nhiệm này chỉ được thực
hiện trong mối liên kết với tài sản cầm cố. Có nghĩa là sẽ phát sinh
nghĩa vụ lẫn nhau giữa Ngân hàng Z và Công ty Y, đối tượng nghĩa vụ là
nợ vay của công ty đối với ngân hàng và tài sản cầm cố ngân hàng quản lý
đối với công ty. Nói điều đó để chúng ta thấy rằng việc thu được món nợ
trên đối với Ngân hàng Z là bất khả thi. Kết cục là một bên rơi vào
vòng lao lý tù đày, còn bên kia mất tiền. Tuy nhiên, bản án sẽ là cơ sở
để ngân hàng trích quỹ dự phòng xử lý món nợ 400 triệu đồng còn lại.
Nhưng hậu quả không những tai hại đối với ngân hàng, khách hàng mà còn
đối với Nhà nước, vì khi trích quỹ dự phòng để xử lý thì lợi nhuận của
ngân hàng giảm, ngân sách thất thu một khoản thuế thu nhập tương đương
28% trên 400 triệu đồng (ngoại trừ trường hợp ngân hàng lỗ).
Nguyên nhân nào là cơ bản dẫn đến rủi ro?
ở đây, chúng tôi không phân tích về trách nhiệm hình
sự của ông B mà chỉ đề cập đến những gì thuộc về phía ngân hàng. Bởi lẽ,
ngân hàng – người cho vay phải có trách nhiệm đối với số tiền mình cho
vay.
Năm 1994, tất cả các ngân hàng thương mại đều có
những quy định về cho vay. Quy định đó được xây dựng trên cơ sở luật
định của nhà nước (như Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, Quy định
về cầm cố, thế chấp trong vay vốn…). Khi cho vay, ngân hàng phải thẩm
định kỹ phương án kinh doanh và vay vốn của khách hàng, trong đó có tài
sản cầm cố, thế chấp. Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Z không thể bỏ qua
việc thẩm định cho vay theo quy định hiện hành. Bằng chứng là Ngân hàng Z
đã xác định được sự hiện diện của tài sản, giá trị tài sản cầm cố trong
các giấy tờ liên quan. Một trong những tài liệu quan trọng là hai cam
kết ba bên:
(1) Cam kết giữa Ngân hàng Z, Công ty Y và Công ty F (Bên cho thuê kho) đối với 6 máy biến áp.
(2) Cam kết giữa Ngân hàng Z, Công ty Y và Công ty H – đối với 5 máy biến áp.
Các cam kết trên quy định rằng, Ngân hàng Z đồng ý
cho Công ty Y vay tiền, tài sản cầm cố là 11 máy biến áp; trong quá
trình thực hiện hợp đồng tín dụng, lô hàng thuộc sở hữu của Ngân hàng,
bên kho chỉ được xuất hàng theo sự đồng ý của ngân hàng. (Nội dung này
còn nhiều vấn đề đáng nói như tính sở hữu tài sản cầm cố, xử lý tài sản
cầm cố…, nhưng mục đích của chúng tôi không phân tích vấn đề đó). Về mặt
hồ sơ thì có thể thấy rằng việc cầm cố tài sản được thực hiện chặt chẽ
từ phía ngân hàng cũng như phía người vay và bên kho. Bất cứ ai đọc cam
kết này thì cũng không thể tin nổi là hàng cầm cố đã không cánh mà bay.
Hàng mất chỉ xảy ra trong mấy trường hợp sau:
Thứ nhất, ngân hàng, Công ty Y và cả Công ty X đều
biết việc cầm cố chỉ là hình thức để làm thủ tục vay vốn chứ không có
việc mua bán giữa Công ty Y và Công ty X;
Thứ hai, ngân hàng Z không quản lý tài sản cầm cố chặt chẽ;
Thứ ba, bên cho thuê kho thông đồng với bên ngoài để tuồn tài sản ra ngoài;
Thứ tư, Ngân hàng Z thông đồng với các bên bán tài sản cầm cố.
Xem xét những gì diễn ra trong thực tiễn chúng tôi
cho rằng ngân hàng và các cơ quan hữu quan cần có cách nhìn nhận vấn đề
một cách thực tiễn hơn trong vấn đề rủi ro tín dụng:
- Có thể, ở đây có vấn đề về nhận thức và trách nhiệm
của ngân hàng (trong phần này, cụm từ “Ngân hàng” có nghĩa là cán bộ
nhân viên thừa hành cụ thể) trong cả ba giai đoạn: trước, trong và sau
cho vay.
(i) Về trước khi cho vay: Ngân hàng Z không thẩm định
kỹ tính sở hữu của lô hàng, lô hàng đó chỉ được Công ty Y mang cầm cố
trong trường hợp Công ty Y thanh toán đầy đủ tiền cho Công ty X. Điều
này xác định quá dễ, chỉ cần nhìn vào báo cáo nhanh tài chính là thấy
ngay.
(ii) Về trong cho vay: Ngân hàng Z không giám sát
việc sử dụng tiền vay của khách hàng, bằng chứng là sau khi nhận tiền
vay, khách hàng đã chuyển cho DD Công ty X (đơn vị bán hàng) gần 1/2 số
tiền giải ngân dưới hình thức “cho vay”.
(iii) Sau cho vay: Ngân hàng không kiểm tra tài sản
cầm cố, không xử lý tài sản cầm cố theo quyền hạn của mình mà luật pháp
đã cho phép.
Quay trở lại với những gì thuộc khía cạnh quan điểm
và lý thuyết được trình bày trên đây thì thấy có vấn đề tương đồng. Cụ
thể, ngân hàng đã áp dụng các phương pháp hành chính để ép khách hàng
trả nợ mà không sử dụng công cụ được luật pháp cho phép và theo thỏa
thuận hai bên để xử lý tình huống phát sinh – đó là phát mại tài sản để
thu hồi nợ. Ngân hàng đã không có ý định làm việc này. Bằng chứng là từ
tháng 3.1995 (thời điểm khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ) mà
ngân hàng không phát mại tài sản để thu hồi nợ mà mãi đến tháng 8.1995,
mới có thông báo cho ông B và cũng không tiến hành kiểm tra kho (?).
Trong khi đó, hiện trạng tài sản cầm cố là rất rõ. Tháng 8.1995, Công ty
X đã chuyển khỏi kho 5 trạm biến áp và đưa vào TP Hồ Chí Minh; 6 biến
còn lại trị giá hơn 81.000 USD vẫn nằm tại kho. Mãi đến tháng 7.1996,
(sau khi ông B bị bắt) mới chuyển đi. Số tài sản này quy ra bản tệ là
hơn 1 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với số nợ 500 triệu đồng của Công ty Y.
Rõ ràng rằng, vấn đề có thể được chặn lại nếu ngân
hàng thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn cũng như cam kết ghi trong
hợp đồng tín dụng. Nếu ngân hàng có quan điểm đúng, tư duy và hành động
đúng thì khách hàng đã không rơi vào rủi ro, kể cả trong trường hợp
khách hàng có ý định lừa đảo.
- Có thể ngân hàng đã biết tình hình tài sản cầm cố,
nhưng vẫn cho vay. ở đây chúng tôi không có ý định đề cập đến những vấn
đề sâu xa, tế nhị mà chỉ muốn nói đến khía cạnh hình thức biểu hiện tâm
lý, quan điểm của ngân hàng – biết nhưng làm đúng thủ tục theo quy định
là được. Nếu rủi ro thì “ta” không sao. Cách suy nghĩ và hành xử như vậy
không phải là đã không có. Rủi ro trong tín dụng theo nguyên nhân này
đã từng xảy ra ở nơi này, nơi khác và đã hình thành các vụ án hình sự.
Cơ quan luật pháp đánh giá hành động này là tội cố ý làm trái gây thất
thoát; càng thông hiểu nghề nghiệp bao nhiêu thì khả năng giảm nhẹ tội
thấp bấy nhiêu.
- Đối với những trường hợp tương tự, cần xem lại cơ
chế quản trị rủi ro và nhân sự; cũng như quan điểm về cách xử lý. Từ
những vấn đề đã nêu và phân tích trên đây, chúng tôi giả định các trường
hợp sau:
+ Một quy chế, một quy trình chưa chuẩn tắc; không
thiết chế được tất cả các điều kiện phòng và chống thì tất yếu không thể
loại trừ được tất cả các trường hợp rủi ro.
+ Nếu có một quy trình hợp lý, hiệu quả thì rủi ro
phát sinh chỉ do yếu tố con người thực thi (loại trừ các trường hợp bất
khả kháng). Nói về yếu tố con người thì có hai khả năng: (i) trình độ
cán bộ nhân viên; (ii) đạo đức nghề nghiệp.
+ Nếu cả hai vấn đề nêu trên đều đáp ứng thì do công
tác điều hành, trong đó có quan điểm và nhận thức về trách nhiệm của
người cho vay. Chúng tôi xin đề cập đến vấn đề xử lý. Tài sản cầm cố có
trong kho, khi khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ thì tại sao
không thực hiện phát mại? Nếu có khó khăn trong vấn đề phát mại, nếu cần
sự hỗ trợ của cơ quan pháp luật thì tại sao vấn đề không giải quyết tại
cơ quan Trọng tài kinh tế hoặc Tòa án nhân dân theo trình tự thủ tục
dân sự, mà yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo con đường hình
sự?
- Việc hình sự hóa các vụ dân sự – kinh tế sẽ tạo ra
tiền đề ỷ lại đối với các ngân hàng cho vay. Khi cho vay (hoạt động kinh
doanh), ngân hàng không tham vấn các cơ quan cảnh sát điều tra; hoạt
động vì mục đích lợi nhuận của mình, vậy mà khi có nguy cơ đe dọa khả
năng thu hồi nợ thì ngân hàng “chạy” đến cơ quan cảnh sát điều tra yêu
cầu xử lý.
Chúng tôi cho rằng cần phải tư duy theo hướng: ngân
hàng nào để cho khách hàng lừa đảo thất thoát vốn, thì ngân hàng đó phải
bồi thường, chí ít là số tương ứng với số thuế ngân sách thất thu; bản
thân cán bộ nhân viên có liên quan phải bồi thường bằng tài sản của mình
đối với số tiền thất thoát; cần có cơ chế trách nhiệm và quyền lợi rõ
ràng, những nhân viên có dấu hiệu làm trái hoặc đạo đức kém cần chấm dứt
ngay công việc đang làm; tăng cường vai trò và quyền lực của cơ quan
kiểm tra và giám sát nội bộ… Nếu chúng ta không làm như vậy thì mỗi một
đời công tác của cán bộ nhân viên sẽ để lại cho ngân hàng một hậu quả,
tích lũy dần trở nên khôn lường.
- Một bản án của cơ quan tòa án cũng có khi tạo điều
kiện để ngân hàng không “hoàn thiện” mình, nếu trong bản án đó chỉ quy
kết trách nhiệm cho “khách hàng lừa đảo” mà không đề cập đến trách nhiệm
của ngân hàng trong việc khách hàng lừa đảo thì tác dụng sẽ không lớn.
Đôi khi ngân hàng dựa vào những quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra
hoặc tòa án để xử lý nợ như phân tích trên. Thông thường, một món nợ đã
được xử lý bằng những biện pháp “hợp pháp” thì hành vi sai phạm của cán
bộ nhân viên liên quan cũng được “hợp pháp hóa”. Nếu không có sự thay
đổi thì sai trái có thể lặp lại trong cuộc sống luôn luôn tiếp diễn .
4. Thay cho lời kết
Việt Nam đã hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Nếu mỗi một cá nhân một đơn vị không có những giải pháp thích ứng với
tiến trình hội nhập và điều kiện cạnh tranh; không nêu cao tinh thần
trách nhiệm đối với công việc mình đang làm; lãnh đạo đơn vị không đưa
ra được những giải pháp quản trị, điều hành thích hợp; cơ quan công
quyền không đổi mới quan điểm tư duy trong quản lý thì mỗi một đơn vị
nói riêng, nền kinh tế nói chung không thể phát triển hiệu quả và bền
vững.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 23 NĂM 2007
0 comments:
Post a Comment