Wednesday, February 12, 2014

TÍN DỤNG CHỨNG TỪ: NGHIÊN CỨU SO SÁNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP

PHẠM XUÂN QUỲNH – ĐẠI HỌC LUẬT TPHCM

Chuyên đề 2

KHẢ NĂNG ÁP DỤNG CỦA UCP ĐỐI VỚI TÍN DỤNG CHỨNG TỪ TRONG THANH TOÁN THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ


Bản Quy tắc và Thực hành thống nhất tín dụng chứng từ (Uniformes Customs and Pratice for Documentary Credits -UCP) là kết quả của việc tập hợp những tập quán được hình thành bởi các chủ thể hoạt động trong thương mại quốc tế. Nó không có giá trị ràng buộc đối với Tòa án vì đó không phải là luật quốc gia mà cũng không phải là điều ước quốc tế. Do vậy, việc áp dụng những nguyên tắc này không đương nhiên. Phân tích từ góc độ pháp lý thì UCP được áp dụng để điều chỉnh thư tín dụng khi có sự lựa chọn của các bên về việc áp dụng những quy định này hoặc do tính chất tập quán của UCP khi không có sự lựa chọn của các bên.


I. Khả năng áp dụng của UCP khi có sự lựa chọn của các bên

Lựa chọn

Học lý của Pháp thống nhất rằng UCP có tính chất như một hợp đồng mẫu. Như vậy, đối với các quy định của hợp đồng mẫu thì các bên trong giao dịch tín dụng chứng từ có thể lựa chọn các quy định để điều chỉnh mối quan hệ của họ. Một tác giả nêu quan điểm rằng, « trên thực tế, phần lớn các thư tín dụng phát hành trên thế giới đều chứa đựng một điều khoản áp dụng UCP, quy định này đồng thời cũng được nêu rõ trong hợp đồng mua bán ».

Trong rất nhiều vụ việc, chúng ta có thể thấy rằng các bên quyết định áp dụng UCP để điều chỉnh quan hệ của họ. Ví dụ, trong một tranh chấp do Tòa phúc thẩm Tunis giải quyết ngày 9 tháng 4 năm 2001, có sự tồn tại của « một thỏa thuận giữa người yêu cầu mở thư tín dụng và ngân hàng phát hành, giao dịch này do Bản Quy Tắc và Thực Hành Thống Nhất về tín dụng chứng từ do Phòng Thương Mại Quốc Tế ấn hành ».

Trên thực tế, các bên có thể lựa chọn UCP để điều chỉnh mối quan hệ của họ ngay từ thời điểm mở thư tín dụng hoặc sau thời điểm đó. Ví dụ, khi phát sinh tranh chấp, nếu một bên muốn áp dụng các quy định của UCP và bên kia không phản đối thì UCP sẽ được áp dụng. Trong trường hợp này, chúng ta hiểu rằng các bên đã « ngầm » lựa chọn UCP. Vấn đề cần làm sáng tỏ thêm, đó là liệu việc các bên lựa chọn UCP có được thừa nhận ở Pháp và Việt Nam không.

Sự thừa nhận lựa chọn của các bên trong luật Pháp


Giá trị của việc lựa chọn

Khi các bên lựa chọn UCP thì các quy định của nó sẽ trở thành một bộ phận của hợp đồng. Vi phạm các quy định này tức là vi phạm hợp đồng. Theo luật của Pháp, cụ thể là điều 1134 Bộ luật dân sự, hợp đồng là « luật của các bên ». Nó có giá trị ràng buộc đối với các bên cũng như đối với thẩm phán giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng đó. Trên thực tế, khi các bên lựa chọn UCP để điều chỉnh quan hệ tín dụng chứng từ, Tòa án tối cao của Pháp cũng thừa nhận UCP có giá trị như hợp đồng và thẩm phán không được vi phạm những quy định này.


Ví dụ. Theo yêu cầu của công ty Rodier, ngân hàng Natexis Banques Populaires đã phát hành tám thư tín dụng cho người hưởng lợi là các nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài. Không bên nào phản đối việc áp dụng UCP. Tòa án tối cao Pháp đã hủy bản án của Tòa phúc thẩm Douai căn cứ vào các điều 9, 13, 14 và 42 của UCP 500 và Điều 1134 BLDS Pháp. Cụ thể, bản án này liên quan đến tranh chấp giữa người yêu cầu mở thư tín dụng và ngân hàng phát hành do ngân hàng từ chối bộ chứng từ bất hợp lệ. Người yêu cầu mở thư tín dụng, công ty Rodier phản đối Natexis Banques Populaires từ chối bộ chứng từ do người thụ hưởng xuất trình. Rodier thông báo với ngân hàng rằng mình đồng ý thanh toán mặc dù có sai sót trong bộ chứng từ. Tòa phúc thẩm Douai nhận định rằng ngân hàng phát hành phải tuân theo quyết định của người yêu cầu mở thư tín dụng và do đó, tòa án đã buộc ngân hàng thanh toán khoản tiền trong thư tín dụng. Tuy nhiên quyết định này không nhận được sự đồng thuận của các thẩm phán Tòa án tối cao, họ cho rằng « ngân hàng phát hành không bị ràng buộc bởi các giao dịch trước đó với khách hàng, hoàn toàn có quyền từ chối chấp nhận các điểm bất hợp lệ và từ chối thanh toán, mặc dù đã tham khảo ý kiến của người yêu cầu mở thư tín dụng và được sự đồng ý của họ chấp thuận bỏ qua các điểm bất hợp lệ. Do đó, Tòa án tối cao nhận định rằng ngân hàng phát hành không bị ràng buộc bởi quyết định của khách hàng. Ví dụ trên cho thấy rằng khi các bên lựa chọn UCP thì thẩm phán phải tôn trọng các quy định của UCP như là luật điều chỉnh hợp đồng.


Sự thừa nhận lựa chọn của các bên trong luật Việt Nam


Thừa nhận rõ ràng

Việc thừa nhận UCP là tập quán cũng được đề cập trong các tài liệu chuyên ngành ở Việt Nam. Theo các tác giả Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ « đây là những tập quán, thông lệ quốc tế được Phòng thương mại quốc tế (Paris) pháp điển hóa ». Sự thừa nhận UCP như những tập quán thương mại quốc tế có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam cho phép các bên lựa chọn tập quán quốc tế để điều chỉnh quan hệ hợp đồng. Căn cứ vào các văn bản này, các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế. Vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng các quy định của pháp luật Việt Nam thừa nhận sự lựa chọn của các bên liên quan đến việc áp dụng tập quán thương mại quốc tế. Do UCP được thừa nhận như là tập quán quốc tế, các bên đều có quyền chọn lựa UCP để điều chỉnh quan hệ hợp đồng của họ.


Thừa nhận « ngầm »

Theo điều 769, khoản 1 Bộ luật dân sự, « quyền và nghĩa vụ của các bên theoo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác ».

Căn cứ vào Bộ luật dân sự, luật áp dụng cho hợp đồng là luật của nước nơi thực hiện hợp đồng nếu các bên « không có thỏa thuận khác ». Khi các bên quyết định lựa chọn UCP tức là các bên đã có một thỏa thuận khác về luật áp dụng. Do đó, luật của nước nơi thực hiện hợp đồng sẽ không được áp dụng để điều chỉnh giao dịch tín dụng chứng từ. Chúng ta phải tôn trọng lựa chọn của các bên. Điều đó cho thấy nếu Bộ luật dân sự không cho phép rõ ràng các bên lựa chọn tập quán quốc tế thì nó cũng « ngầm » thừa nhận sự lựa chọn này.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể kết luận rằng pháp luật Việt Nam thừa nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lựa chọn áp dụng UCP của các bên tham gia giao dịch thanh toán bằng thư tín dụng.

Ngoại lệ.

Trong trường hợp có sự khác biệt giữa luật quốc gia và tập quán quốc tế thì luật quốc gia phải được tuân thủ. Theo các quy định của pháp luật Việt Nam, việc lựa chọn áp dụng tập quán chỉ được chấp nhận khi thỏa mãn một số điều kiện. Ví dụ như việc áp dụng tập quán thương mại quốc tế không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Nguyên tắc này cũng nhận được sự đồng thuận của các nhà soạn thảo UCP, « sự áp dụng của UCP đối với tín dụng chứng từ không ngăn cản việc Tòa án áp dụng pháp luật quốc gia. UCP không quy định về những khác biệt giữa UCP và luật quốc gia. Những tranh chấp phát sinh sẽ do Tòa án giải quyết ».

Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, ngân hàng, chúng tôi không tìm thấy bất cứ văn bản nào liên quan đến việc phát hành thư tín dụng cũng như những hoạt động của ngân hàng Việt Nam tham gia vào giao dịch tín dụng chứng từ. Do không có văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thư tín dụng và do sự phổ biến của UCP trong thương mại quốc tế, chúng ta có thể suy luận rằng các quy định của UCP không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Theo ông Nguyễn Trọng Thùy, « trên thực tế, không có khác biệt giữa tập quán quốc tế và pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, ngân hàng ».

Do đó, các bên tham gia vào hoạt động ngân hàng hoàn toàn có thể thỏa thuận áp dụng Bản Quy Tắc và Thực Hành Thống Nhất về tín dụng chứng từ của Phòng Thương Mại Quốc Tế. Theo quan điểm của nhiều tác giả, « tập quán do các bên lựa chọn là một bộ phận của hợp đồng. Vì thế, tuân thủ tập quán đó cũng là tuân thủ hợp đồng ». Ông Đỗ Tất Ngọc, chuyên gia về thanh toán quốc tế của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết : « UCP không được tự động áp dụng để điều chỉnh giao dịch thư tín dụng mà mang tính pháp lý tùy ý. Nghĩa là các bên tham gia có quyền lựa chọn áp dụng hay không áp dụng. Nhưng một khi đã đồng ý áp dụng thì các quy tắc sẽ ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên ».


Vướng mắc

Trên thực tế, trong nhiều thư tín dụng có một điều khoản nêu rằng « Trừ khi có quy định khác, thư tín dụng này căn cứ theo Bản Quy Tắc và Thực Hành Thống Nhất về tín dụng chứng từ, bản sửa đổi …, ấn bản ICC số… ». Liệu điều khoản này có được xem là một « lựa chọn rõ ràng » của các bên áp dụng UCP điều chỉnh giao dịch tín dụng thư hay không ? Như chúng ta đã biết, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ bao gồm sự cam kết của ngân hàng đối với người thụ hưởng. Tuy nhiên, còn có sự tham gia của nhiều chủ thể khác trong giao dịch này. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, điều khoản trên trong thư tín dụng có được xem như lựa chọn áp dụng UCP điều chỉnh quan hệ giữa các bên hay không ? Câu trả lời thật không đơn giản và chúng tôi cũng không tìm thấy ví dụ trong thực tiễn xét xử của tòa án.


Nhận xét so sánh

Được xem như những quy định của hợp đồng mẫu, các bên có thể lựa chọn UCP để điều chỉnh giao dịch tín dụng chứng từ. Lựa chọn này có thể được thực hiện ngay khi phát hành thư tín dụng hoặc sau một thời gian. Luật của Pháp và luật Việt Nam đều thừa nhận rằng một khi các bên đã lựa chọn UCP thì các quy định của nó là một phần cấu thành của hợp đồng. Do đó, tuân thủ UCP cũng là tuân thủ hợp đồng. Án lệ của Pháp đã khẳng định cụ thể nguyên tắc này. Ở Việt Nam, nhiều văn bản pháp luật (luật, nghị định) thừa nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp quyền lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế của các bên, bao gồm cả UCP. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng thể hiện rõ ràng sự lựa chọn áp dụng UCP. Trong trường hợp đó, UCP có được áp dụng để điều chỉnh quan hệ tín dụng chứng từ không ? Chúng ta hãy tìm câu trả lời trong phân đoạn sau.


II – Khả năng áp dụng của UCP khi không có sự lựa chọn của các bên

Giới thiệu.

Đối với một thư tín dụng không có điều khoản nào liên quan đến việc áp dụng UCP thì thư tín dụng đó có chịu sự điều chỉnh của bản quy tắc này không ? Chúng ta sẽ nghiên cứu vấn đề này trong pháp luật của Pháp và Việt Nam.

Khả năng áp dụng của UCP khi không có sự lựa chọn của các bên theo pháp luật của Pháp

Học lý

Liên quan đến khả năng áp dụng của UCP trong trường hợp các bên không lựa chọn rõ ràng bản quy tắc, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Theo giáo sư Jean Stoufflet, khoa Luật và Khoa học chính trị của trường đại học Clermont-Ferrand, « UCP sẽ chắc chắn áp dụng đối với thư tín dụng có chứa đựng điều khoản về áp dụng UCP. Tuy nhiên trong trường hợp thư tín dụng không có dẫn chiếu đến UCP thì nó có được áp dụng để điều chỉnh quan hệ tín dụng chứng từ không ? Câu trả lời là không bởi vì bản quy tắc này vốn là một hợp đồng mẫu và chỉ được áp dụng khi các bên thể hiện sự lựa chọn trong hợp đồng ». Tuy nhiên, giáo sư Mohamed Salah, khoa Luật của trường đại học Nice, lại nêu quan điểm trái ngược, theo đó « khi các bên trong hợp đồng không lựa chọn UCP thì nó có áp dụng cho quan hệ thư tín dụng với tính chất là một tập quán được thừa nhận rộng rãi hay không, câu trả lời sẽ là .


Án lệ

Cả học lý và án lệ đều thừa nhận UCP là một tập quán thương mại quốc tế. Theo Marie Tilche, « bản quy tắc này có giá trị như tập quán »[15]. Tương tự, chúng ta có thể thấy rõ quan điểm này cũng được thể hiện trong các án lệ của Pháp. Ví dụ, Tòa phúc thẩm Versailles nhận định rằng « Bản Quy Tắc và Thực Hành Thống Nhất và tín dụng chứng từ do ICC ấn hành năm 1993 có giá trị như luật tập quán »[16]. Với tính chất tập quán, UCP hoàn toàn có thể được áp dụng mặc dù không có sự lựa chọn của chủ thể tham gia quan hệ. Marie Tilche cho rằng, « trong trường hợp không có thỏa thuận giữa các bên, những nguyên tắc này đương nhiên được áp dụng »[17].


Án lệ (tiếp).

Ví dụ, công ty V.T.N. đặt hàng công ty G.F. gia công và cung ứng hàng may mặc. Người bán dự định giao hàng trong hai đợt. Ngân hàng B.F.C.C. đã phát hành thư tín dụng không hủy ngang cho người hưởng lợi là công ty G.F., thư tín dụng có hiệu lực đến ngày 20 tháng 4 năm 1998. Ngân hàng B.N.P. đóng vai trò vừa là ngân hàng thông báo, vừa là ngân hàng xác nhận. Tuy nhiên, lô hàng thứ hai được giao sau khi thư tín dụng đã hết hiệu lực và do đó, ngân hàng B.F.C.C. từ chối thanh toán cho người bán. Công ty G.F. đã khởi kiện ngân hàng B.F.C.C. tại Tòa thương mại Nanterre đòi thanh toán số tiền theo giá trị của thư tín dụng cùng với các khoản bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên tòa đã bác yêu cầu của G.F. Công ty này kháng án với lý lẽ « vì bất kỳ nguyên nhân nào, ngân hàng B.F.C.C. đã có lỗi trong việc không cung cấp thông tin đầy đủ và tin cậy theo điều 12 UCP 500 ».

Tòa phúc thẩm Versailles đã thừa nhận rằng giao dịch tín dụng chứng từ giữa công ty G.F. và ngân hàng B.F.C.C. chịu sự điều chỉnh của UCP. Cụ thể, Tòa nêu quan điểm rằng « do không có văn bản điều chỉnh quan hệ thư tín dụng nên Bản Quy Tắc và Thực Hành Thống Nhất về tín dụng chứng từ do ICC ấn hành năm 1993 có giá trị như luật tập quán và được áp dụng khi không có thỏa thuận trái ngược của các bên tham gia về việc loại trừ một hoặc nhiều điểm cụ thể của Bản Quy Tắc, nhưng trong trường hợp này thì các bên không có thỏa thuận trái ngược nào ». Sau khi thừa nhận khả năng áp dụng của UCP, Tòa phúc thẩm đã vận dụng các quy định của UCP, bác yêu cầu của công ty G.F. theo điều 42, UCP 500, liên quan đến việc dự trù thời hạn hiệu lực của thư tín dụng[20] : « Việc gia hạn thời hạn hiệu lực của thư tín dụng phải được sự đồng ý của tất cả các bên liên quan như người mua, người bán, ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận. Mặt khác, thỏa thuận này phải được thể hiện rõ ràng trong thời hạn hiệu lực của thư tín dụng ».

Ví dụ trên cho thấy khi các bên không lựa chọn UCP để điều chỉnh quan hệ tín dụng chứng từ thì bản quy tắc này vẫn có thể được áp dụng với giá trị tập quán. Một nhà bình luận nêu quan điểm, « vì là một tập quán, UCP phải được áp dụng mặc dù các bên không thỏa thuận về việc áp dụng đó. Thực tiễn phong phú của thương mại quốc tế đã chứng minh vai trò không thể thiếu của tập quán ». Tòa thương mại Paris cũng đã thừa nhận hiệu lực bắt buộc của UCP với vai trò tập quán trong quá trình giải quyết một tranh chấp trong đó một bên tham gia cho rằng UCP chỉ là « những quy định mang tính chất gợi ý ». Tòa án đã bác bỏ lập luận này và nhận định rằng bản quy tắc « là tập hợp những tập quán hình thành từ thực tiễn thương mại quốc tế. Mặc dù không có sự lựa chọn của các bên, UCP vẫn là một nguồn luật điều chỉnh giao dịch nếu các bên không loại trừ việc áp dụng các quy định của nó ».


Nhận xét.

Chúng ta vừa nghiên cứu vai trò tập quán của UCP, theo đó, mặc dù không có sự thỏa thuận trước, các bên vẫn có thể áp dụng bản quy tắc này.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng UCP được áp dụng khi thỏa mãn một số điều kiện. Theo quan điểm của án lệ, người ta áp dụng UCP « khi không có văn bản khác điều chỉnh giao dịch tín dụng chứng từ » và « bản quy tắc được áp dụng nếu các bên tham gia giao dịch « không loại trừ việc áp dụng các quy định của UCP ».

Nhận xét cuối cùng, đó là sự thừa nhận giá trị tập quán thương mại quốc tế của UCP không được thể hiện trong các văn bản pháp luật mà được hình thành từ các phán quyết của tòa án tại Pháp.


Khả năng áp dụng của UCP khi không có sự lựa chọn của các bên theo pháp luật Việt Nam

Văn bản pháp luật.

Chúng ta có thể nhận thấy sự tương đồng giữa quan điểm của các thẩm phán Pháp và các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo đó, việc áp dụng tập quán quốc tế phải thỏa mãn một số điều kiện. Cụ thể quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật dân sự, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh, đồng thời việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Do đó, chúng ta kết luận rằng, với một số điều kiện nhất định, « tập quán quốc tế vẫn được áp dụng khi các bên không thỏa thuận ».

Ví dụ.

Hãy cùng nghiên cứu một ví dụ để làm sáng tỏ kết luận nêu trên. Đây là một tranh chấp do thẩm phán Việt Nam giải quyết căn cứ vào tập quán quốc tế mặc dù các bên không thỏa thuận việc áp dụng tập quán điều chỉnh trong hợp đồng.

Công ty Kolon International Corp. (Hàn Quốc) và công ty Vinafood (Việt Nam) ký kết hợp đồng mua bán phân bón nhập từ Mỹ. Hợp đồng có điều khoản về mở thư tín dụng không hủy ngang cho người thụ hưởng là công ty Kolon. Ngân hàng Vietcombank đã phát hành theo yêu cầu của công ty Vinafood. Sau khi nhận bộ chứng từ do ngân hàng Cho Hung (Hàn Quốc) chuyển đến, Vietcombank kiểm tra và phát hiện các điểm bất hợp lệ. Sau đó ngân hàng phát hành thông báo cho người yêu cầu mở thư tín dụng về sai sót trong bộ chứng từ. Công ty Vinafood không chấp nhận các sai sót này. Do đó, Vietcombank từ chối thanh toán cho người thụ hưởng với lý do miêu tả trong các chứng từ không phù hợp với yêu cầu của thư tín dụng. Người thụ hưởng Hàn Quốc không đồng ý với quyết định trên và cho rằng các điểm mà ngân hàng phát hành xem là không phù hợp không được quy định trong thư tín dụng. Công ty Kolon kiện Vietcombank tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để đòi bồi thanh toán khoản tiền của thư tín dụng.

Tuy nhiên, căn cứ vào các điều 29(b.ii), 37(c), 13(a) của UCP 500, Tòa án bác yêu cầu của Kolon. Các thẩm phán đã áp dụng bản quy tắc này đối với giao dịch tín dụng chứng từ nói trên trong khi không có yếu tố nào của bản án cho thấy các bên đã chọn UCP điều chỉnh quan hệ của họ. Nói cách khác, thực tiễn xét xử của tòa án Việt Nam cũng thừa nhận việc áp dụng UCP trong trường hợp không có sự lựa chọn của các bên.

Nhận xét so sánh.

Tại Pháp và Việt Nam, khi các bên không thể hiện rõ ràng sự lựa chọn UCP để điều chỉnh giao dịch tín dụng chứng từ thì bản quy tắc này vẫn được áp dụng với tính chất là tập quán thương mại quốc tế.

Điều kiện áp dụng UCP ở Pháp và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Ở Pháp, UCP được áp dụng « khi không có văn bản khác điều chỉnh giao dịch thư tín dụng » và « khi các bên không loại trừ việc áp dụng UCP ». Ở Việt Nam, Bộ luật dân sự quy định rằng việc áp dụng tập quán quốc tế không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Hạn chế này không được ghi nhận trong án lệ của Pháp. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, UCP không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam do bản quy tắc này được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong thực tiễn thương mại quốc tế.

Lưu ý rằng pháp luật của Pháp và Việt Nam thừa nhận các điều kiện áp dụng của UCP theo hai cách khác nhau. Ở Pháp, các điều kiện này được hình thành từ các phán quyết tòa án trong khi đó, ở Việt Nam, chúng được quy định trong các văn bản của Quốc hội hoặc Chính phủ. Một điểm khác biệt nữa cần nhắc đến, đó là trong quá trình giải quyết tranh chấp, các thẩm phán của Pháp đều giải thích tại sao bản quy tắc này được áp dụng. Còn thẩm phán Việt Nam thường thiếu sự giải thích quan trọng trên. Trong bản án mà chúng tôi vừa phân tích cũng như trong một bản án sẽ tìm hiểu dưới đây, tòa án Việt Nam đã áp dụng các quy định của UCP mà không trình bày lý do tại sao UCP được áp dụng. Điều đó cho thấy rằng thẩm phán Việt Nam dường như không cẩn trọng trong công việc xét xử như thẩm phán của Pháp. Theo chúng tôi, đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, trước tiên các thẩm phán nên giải thích cặn kẽ tại sao văn bản này được áp dụng đối với vụ việc đó rồi mới bắt đầu vận dụng các quy định để giải quyết, bởi vì như chúng ta đã đề cập, bản thân các nguyên tắc UCP không ràng buộc Tòa án Việt Nam, việc áp dụng chúng không đương nhiên.

Kết luận

Nghiên cứu về khả năng áp dụng của UCP đối với giao dịch tín dụng chứng từ cho chúng ta thấy những điểm tương đồng và khác biệt giữa pháp luật của Pháp và Việt Nam.

Pháp luật của hai nước đều thừa nhận việc áp dụng UCP khi các bên tham gia giao dịch lựa chọn bản quy tắc này. Trong trường hợp các bên không lựa chọn thì UCP vẫn được áp dụng với tính chất tập quán quốc tế. Tuy nhiên các nhà làm luật ở Pháp và Việt Nam quy định các điều kiện áp dụng UCP thông qua các cách thức khác nhau.
Phạm Xuân Quỳnh
Khoa Luật Quốc tế
Đại học Luật TPHCM

(Tháng 2/2007)
SOURCE: WWW.TAND.HOCHIMINHCITY.GOV.VN

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code