TÂM PHÚC
Không đồng ý với việc
bé hờn dỗi bỏ cơm, các cô mẫu giáo lột quần áo, còn dọa “cắt tai, chặt
chân” khiến bé bị sốc nặng. Sự việc đáng tiếc trên xảy ra ngày 20-2 tại
lớp Lá 2 Trường mẫu giáo dân lập SOS Bến Tre. Nạn nhân là bé trai LGP
chỉ mới năm tuổi.
Làm nhục trẻ bị khiếm khuyết
Tiếp xúc với phóng viên, bé P. nhớ lại: “Hôm đó, con
không làm đổ đồ chơi nhưng cô chủ nhiệm vẫn bắt con dọn dẹp. Con không
chịu dọn thì cô phạt con đứng khoanh tay bên cửa sổ… Sau đó, do con
không ăn cơm nên các cô đã đánh con và lột quần áo của con cho các bạn
xem!”.
Qua lời kể của bé P., có thể hình dung diễn biến câu
chuyện như sau: Sau khi phạt P. xong thì cô chủ nhiệm quay sang chăm sóc
các bé khác. Lúc đó, một cô bảo mẫu và hai cô giáo của lớp khác đã lôi
bé P. xuống nhà bếp. Vì bé P. vùng vẫy nên áo bị tuột ra khỏi người. Thế
là hai cô đã tiếp tục cởi quần bé, đẩy bé đi vào nhà ăn để cho các bạn…
ngắm nhìn. Một cô nói: “Các bạn nhìn P. nè. P. không có quần áo mặc
nè…”.
Chưa hết, một cô đã dùng tay xỉ vào mặt bé P. và tát
hai cái vào mặt bé. Trong lúc cô chủ nhiệm đang mặc áo cho P. thì một cô
bước đến xô bé một cái rồi nói: “Tự mặc quần áo đi. Không mặc là tôi
chặt hai cái chân… Mai mốt đừng có bước chân vô trường này nữa nghen.
Bước vô, cô chặt cái chân”. Một cô khác xỉ tay lên trán và đánh một cái
vào đầu P. Cô này còn lấy dao bào đòi cắt lỗ tai P…
Mẹ bé P. cho biết bé có dấu hiệu bị khiếm khuyết bộ
phận sinh dục. Suốt mấy ngày liền sau đó, tâm trạng của bé rất hoảng
loạn. Đêm ngủ bé hay mớ, la khóc gọi ba mẹ… Bé không chịu đi học và rất
ngại gặp gỡ mọi người. Không thể chấp nhận được cách hành xử phi sư phạm
nêu trên, mẹ bé P. đã gửi đơn yêu cầu nhiều cơ quan chức năng xử lý kỷ
luật các cô giáo đã bêu xấu và gợi đến nỗi đau của bé. Tuy nhiên, vụ
việc cứ bị đẩy đưa, không được giải quyết thỏa đáng.
Sẽ xử lý dứt điểm
Phóng viên đã tìm gặp ngẫu nhiên một số bé học chung
với bé P. để tìm hiểu thêm sự việc. Các bé đã vô tư xác nhận có việc các
cô giáo làm nhục P…
Cũng có mặt trong buổi làm việc của phóng viên nhưng
bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo dân lập SOS Bến Tre,
vẫn tiếp tục cho rằng “không hề có chuyện trên, chẳng qua do các bé hiểu
lầm…”. Bà Anh khẳng định: “Tôi tin là giáo viên của chúng tôi không làm
chuyện đó. Chúng tôi không có gì phải thẹn lòng”. Tuy nhiên, theo ông
Huỳnh Công Bình, Giám đốc làng SOS Bến Tre thì sau khi làm việc với ông,
bà Anh và một cô giáo đã thừa nhận sai phạm. Riêng cô bảo mẫu đã làm
đơn xin nghỉ việc từ ngày 29-4.
Ông Nguyễn Minh Lập, Phó Giám đốc Sở Lao
động-Thương binh và Xã Hội tỉnh Bến Tre, cho biết sẽ khẩn trương giải
quyết dứt điểm trường hợp này theo hướng các cô giáo buộc phải thẳng
thắn nhận khuyết điểm và xin lỗi gia đình. Ông thừa nhận đó là việc làm
sai trái, nhạy cảm và rất đau lòng. Ngoài việc gây tác động đến tâm lý
của trẻ, nó còn tạo ra dư luận không tố.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment