Trong thời gian qua, khi trao đổi về tính chuyển đổi
của tiền tệ có nhiều chuyên gia đưa ra những giải pháp cho vấn đề chuyển
đổi của đồng Việt Nam (VND) rất đáng được quan tâm và cần có sự trao
đổi.
Có ý kiến cho rằng, để nâng cao khả năng chuyển đổi
của VND, cần thực hiện các giải pháp: đổi mới cơ chế điều hành chính
sách tiền tệ dựa trên lãi suất và lạm phát cơ bản làm mục tiêu; thực
hiện chiến dịch tầm thường hoá đô la Mỹ bằng cách phát huy hơn nữa tác
dụng của thị trường ngoại hối; xoá bỏ các giấy phép mua bán ngoại tệ
trong giao dịch vãng lai, nâng cao khả năng xuất khẩu bằng VND… Bài viết
này muốn đề cập đến một số vấn đề liên quan đến bản chất của việc
chuyển đổi tiền tệ; góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn,
thuận lợi cũng như thách thức đối với quốc gia chưa có điều kiện kinh tế
chín muồi mà vội áp dụng chế độ chuyển đổi đồng bản tệ của mình; đề cập
đến tính thời sự, khả năng nâng cao tính chuyển đổi của VND theo các
giải pháp do một số chuyên gia đưa ra.
1. Chuyển đổi tiền tệ là một phạm trù kinh tế.
Trước hết, tôi tán thành với ý kiến cho rằng, chuyển
đổi tiền tệ và duy trì cơ chế chuyển đổi – là một vấn đề kinh tế phức
tạp, đòi hỏi phải có nhiều thay đổi về chất trong nền kinh tế quốc gia,
cũng như trong quan hệ ngoại thương. Tuy nhiên, về ý kiến cho rằng
chuyển đổi của đồng tiền là vấn đề khá trừu tượng, khó đánh giá chính
xác và đo lường trực tiếp, thiết nghĩ, cần phải làm sáng tỏ hơn. Tôi cho
rằng, tính chuyển đổi tiền tệ là một phạm trù được xác định bởi tổng
hoà các mối quan hệ kinh tế, bao gồm quan hệ tiền tệ – tín dụng – ngân
hàng, ngoại thương… Khi điều kiện kinh tế chưa chín muồi thì tất nhiên
sẽ không có một tiêu chí nào để xác định tính chuyển đổi của đồng tiền.
Nhưng khi đồng bản tệ của các quốc gia trở thành đồng tiền chuyển đổi tự
do, thì rõ ràng vấn đề không còn trừu tượng và khó xác định. Hiện nay
các đồng tiền của các nước trên thế giới được chia ra làm 2 nhóm: nhóm
các đồng tiền tự do chuyển đổi và nhóm các đồng tiền không tự do chuyển
đổi.
Vì chuyển đổi tiền tệ là một phạm trù kinh tế, nên
khi bàn đến, người ta quan tâm đến nhiều yếu tố, tựu trung là những điều
kiện cơ bản cần và đủ cho đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào có thể
chuyển đổi. Các điều kiện đó là: Tiềm năng kinh tế của một nước và khả
năng cân đối tài chính quốc gia; hình thái hình thành giá cả hàng hoá;
tổ chức thị trường bán buôn nội địa phát triển một cách ổn định, có khả
năng đáp ứng bất cứ nhu cầu tiêu dùng nào của những người sở hữu đồng
tiền; ngành công nghiệp xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao trên thị
trường quốc tế, đảm bảo cán cân thanh toán một cách ổn định; có mức dự
trữ ngoại tệ đủ cho nền kinh tế; thị trường hối đoái năng động; cơ sở
pháp lý hoàn chỉnh cho việc chuyển đổi đồng tiền.
Như vậy, bất cứ một yếu tố nào trong số các yếu tố
nêu trên đều có đại lượng để tính toán. Nếu chúng ta cho rằng chuyển đổi
tiền tệ là vấn đề trừu tượng, khó đánh giá và đo lường trực tiếp thì
chúng ta không thể xây dựng được những giải pháp khả thi cho việc chuyển
đổi của đồng bản tệ.
Từ những luận giải trên, có thể thấy rằng, khả năng
chuyển đổi của tiền tệ phụ thuộc vào quá trình phát triển kinh tế – xã
hội và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, trong thực tiễn
kinh tế thế giới, tính chuyển đổi tiền tệ có các mức độ khác nhau như:
“chuyển đổi đầy đủ” và “chuyển đổi hạn chế”.
Đồng tiền của bất cứ một quốc gia nào được xem là
“chuyển đổi đầy đủ” nếu việc chuyển đổi ra đồng tiền của quốc gia khác
không bị luật pháp của quốc gia đó khống chế ở bất cứ phương diện nào,
đồng thời thoả mãn được hai yếu tố trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Đó
là được sử dụng rộng rãi trong trong định giá và thanh toán đối với các
giao dịch ngoại thương và được mua bán rộng rãi trên các thị trường
ngoại hối. Chính vì vậy, “chuyển đổi đầy đủ” còn gọi là chuyển đổi tự
do.
Trong trường hợp “Chuyển đổi hạn chế” thì đồng bản tệ
của quốc gia bị luật pháp hạn chế phạm vi, cũng như đối tượng sử dụng.
Ví dụ như người cư trú sử dụng được, nhưng người không cư trú thì không
được sử dụng, hoặc đồng tiền đó được sử dụng đối với nghiệp vụ vãng lai,
nhưng không được sử dụng đối với giao dịch vốn…
Có hai loại “chuyển đổi hạn chế”. Đó là chuyển đổi
“nội hạt” và chuyển đổi “ngoại hạt”. Nghiệp vụ chuyển đổi này phụ thuộc
vào nơi cư trú và hoạt động của doanh nghiệp là chủ sở hữu đồng bản tệ.
Chuyển đổi “ngoại hạt” xảy ra khi cần có ngoại tệ để thanh toán cho nước
ngoài, trường hợp này chỉ sử dụng cho người cư trú là pháp nhân và thể
nhân có quan hệ nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ. Chuyển đổi nội hạt, thì
ngược lại, chỉ áp dụng trong trường hợp người cư trú đổi đồng bản tệ ra
đồng ngoại tệ để chi tiêu tại nước sở tại.
2. Những ưu việt và thách thức đối với quốc gia khi chuyển đổi đồng bản tệ
Trước hết, chúng ta có thể khẳng định rằng, đồng bản
tệ của quốc gia nào trở thành đồng tiền chuyển đổi, thì nó sẽ có vai trò
tích cực đối với việc phát triển nền kinh tế quốc dân của quốc gia đó .
Chuyển đổi tiền tệ chỉ tồn tại trong một nền kinh tế
phát triển bền vững, tự do cạnh tranh và không bị ràng buộc bởi bất cứ
một hạn chế nào về quan hệ thương mại và thanh toán.
Tính chuyển đổi của đồng tiền có vai trò định hướng
cho các nhà sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hoá. Trong điều kiện hội
nhập, thì thị trường nội địa là một phần của thị trường thế giới, và
ngược lại, thị trường thế giới sẽ là cầu nối cho sự phát triển của thị
trường nội địa.
Khi đồng bản tệ của một quốc gia có cơ chế tự do
chuyển đổi thì các nhà sản xuất và tiêu thụ hàng hoá của quốc gia đó,
khi có kế hoạch định hướng thị trường, sẽ có phương án lựa chọn thị
trường tối ưu hơn so với điều kiện đồng bản tệ không tự do chuyển đổi.
Vì vậy, có thể nói rằng tính chuyển đổi của tiền tệ
làm cho thị trường nội địa và thế giới liên kết lẫn nhau chặt chẽ hơn,
tạo khả năng cho thị trường nội địa phản ứng một cách linh hoạt đối với
biến đổi trên thị trường thế giới và như vậy, nó có thể tác động tích
cực đến việc phát triển nền kinh tế quốc gia có đồng bản tệ chuyển đổi.
Tuy nhiên, tính chuyển đổi của đồng tiền sẽ đặt quốc
gia có đồng tiền chuyển đổi vào những thách thức nhất định. Trong điều
kiện hội nhập, sẽ diễn ra quá trình thích ứng và cân bằng các yếu tố
kinh tế của từng quốc gia riêng lẻ với thị trường thế giới trên các
phương diện chi phí sản xuất, giá cả hàng hoá, chất lượng và trình độ kỹ
thuật của sản phẩm… Khi nền kinh tế thế giới phát triển thì nền kinh tế
nội địa phải thay đổi cơ cấu theo định hướng nâng cao chất lượng hoạt
động nhằm tạo ra những hàng hoá có khả năng cạnh tranh về giá cả cũng
như chất lượng. Như vậy, tính chuyển đổi của đồng bản tệ sẽ góp phần
thúc đẩy nền kinh tế tiến đến một cơ cấu tối ưu và sử dụng một cách hợp
lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động và tài chính quốc gia.
Thế nhưng, nếu nền kinh tế quốc gia không có đủ điều
kiện và vì vậy, không có khả năng phản ứng một cách cân bằng và kịp thời
đối với những thay đổi trên thị trường thế giới thì kết quả sẽ là ngược
lại. Đó là thách thức thứ nhất đối với quốc gia chưa có điều kiện kinh
tế chín muồi, nhưng vội vàng áp đặt đồng tiền của mình trở thành đồng
tiền chuyển đổi.
Một yếu tố hết sức quan trọng cần phải nhận biết là
trước khi đồng tiền quốc gia trở thành đồng tiền chuyển đổi, các nhà sản
xuất chỉ tính đến các quan hệ nội địa vì có sự bảo hộ của các hạn chế
về thương mại và thanh toán, nhưng trong cơ chế tự do chuyển đổi, các
nhà sản xuất phải đối đầu với dòng hàng hoá cạnh tranh từ thị trường thế
giới. Để đối phó, người ta phải đẩy mạnh sản xuất hàng hoá và mở rộng
thị trường tiêu thụ để tăng nguồn thu nhằm bù đắp phần thâm hụt trong
xuất – nhập khẩu do nhập khẩu tăng nhanh. Nếu không làm được như vậy thì
cơ chế chuyển đổi sẽ là nguy cơ đối với khả năng mất cân bằng trong
thanh toán. Đó là thách thức thứ hai.
Chúng ta biết rằng, giải quyết đối kháng giữa năng
lực cạnh tranh giữa thị trường nội địa và thị trường thế giới và duy trì
khả năng cân bằng trong thanh toán chỉ có thể thực hiện được, nếu mức
chi phí sản xuất, giá cả hàng hoá trên lãnh thổ quốc gia sẽ tương ứng
với mức chi phí và giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới theo chế độ
tỷ giá hiện hành giữa đồng bản tệ và ngoại tệ. Vì vậy, trong cơ chế
chuyển đổi tiền tệ, người ta phải duy trì một chế độ tài chính nghiêm
ngặt, bảo đảm sự phát triển ổn định nền kinh tế thông qua việc áp dụng
một chính sách tín dụng- tiền tệ và ngân sách phù hợp, không được để xảy
ra tình trạng mất cân đối trong thanh toán kéo dài. Điều kiện cho một
cơ chế chuyển đổi đồng bản tệ hoạt động bình thường là phải có nguồn dự
trữ ngoại tệ đầy đủ, cũng như khả năng khai thác nguồn vốn để có thể duy
trì được sự ổn định nền kinh tế trong trường hợp mất cân bằng trong
thanh toán. Nếu không thì nền kinh tế sẽ rơi vào khó khăn. Đó là thách
thức thứ ba đối với việc chuyển đổi đồng tiền quốc gia trong điều kiện
kinh tế chưa chín muồi.
3. Xung quanh các giải pháp nâng cao khả năng chuyển đổi VND
Nếu VND trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi khi có
đầy đủ các điều kiện kinh tế – pháp luật, nó sẽ tạo ra những động lực
cho phát triển nhanh nền kinh tế, là thước đo để so sánh một cách khách
quan mức độ phát triển kinh tế Việt Nam so với các nước và xác định
chính xác tỷ trọng kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Vì vậy,
làm cho VND trở thành đồng tiền tự do chuyển đổi là rất cần thiết.
Tuy nhiên, như đã đề cập trên đây, chuyển đổi tiền tệ
, đòi hỏi phải có sự thay đổi theo chiều sâu nhiều quan hệ trong nền
kinh tế. Nếu không có những bước đi thích hợp để tạo tiền đề cho chuyển
đổi đồng tiền thì không những sẽ không đạt được mục tiêu chuyển đổi mà
còn gây tác hại cho nền kinh tế.
Trong lĩnh vực chuyển đổi tiền tệ, các nước trên thế
giới đã có những bước đi hết sức thận trọng. Chẳng hạn, trong số hơn 150
thành viên của IMF, thì đến nay mới có hơn 70 nước có cơ chế chuyển đổi
đồng bản tệ của mình. Đó là những nước thực hiện đúng cam kết theo điều
VIII, Điều lệ IMF là tự do hoá thanh toán và các giao dịch vãng lai.
Các nước như Anh, Pháp, Tây Đức (hiện nay Đông và Tây Đức đã thống
nhất), ý, Thụy Điển, Hà Lan, Thụy Sĩ, Ai len và Luc- xăm bua – phục hồi
cơ chế chuyển đổi đồng bản tệ của mình sau 15 năm kể từ ngày Chiến tranh
Thế giới thứ hai kết thúc. Các quốc gia khác thì bắt đầu chế độ chuyển
đổi đồng bản tệ của mình muộn hơn. Ví dụ như Nhật – vào năm 1964, Đan
Mạch – 1967, Phần Lan 1979, Tây Ban Nha – 1986… Đa phần các quốc gia
trong số này thực hiện chế độ chuyển đổi đồng bản tệ của mình đối với
các nghiệp vụ thương mại vãng lai và duy trì những hạn chế cần thiết đối
với các giao dịch chuyển vốn và đầu tư nước ngoài.
Như vậy, sự không đồng nhất về thời gian, phương thức
chuyển đổi cho thấy rằng tính chuyển đổi của tiền tệ phụ thuộc vào quá
trình phát triển kinh tế của từng nước.
Bàn đến việc nâng cao khả năng chuyển đổi của VND,
trước hết, chúng ta xem xét khả năng chuyển đổi hiện nay của VND ở mức
độ nào? Sau đó mới có thể đề cập đến những giải pháp nâng cao khả năng
chuyển đổi của nó.
Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã
hội đất nước, đồng tiền Việt Nam được chuyển đổi ra ngoại tệ để đáp ứng
nhu cầu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tính chuyển đổi này
được luật định bằng các quy định của Nhà nước. Theo Nghị định của Chính
phủ số 63/1998/NĐ-CP ngày 17/8/1998 về quản lý ngoại hối thì người cư
trú là các doanh nghiệp, chi nhánh công ty nước ngoài, nhà thầu nước
ngoài, tổ chức tín dụng ở Việt Nam, cơ quan nhà nước, cơ quan lực lượng
vũ trang, tổ chức chính trị, … được mua ngoại tệ bằng VND để thanh toán
cho các giao dịch vãng lai hay các giao dịch được phép khác. Ngoài ra,
một số đối tượng thuộc người không cư trú như cơ quan ngoại giao, cơ
quan đại diện nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng VND có thể mua ngoại
tệ tại các ngân hàng được phép ở Việt Nam.
Xét về bản chất thì việc mua ngoại tệ một chiều như
trên phản ảnh tính chuyển đổi của VND. Tuy nhiên, đây là việc chuyển đổi
có điều kiện như phải có nguồn thu hợp pháp, phải có xác nhận của cơ
quan hữu quan hoặc các chứng từ chứng minh rõ nhu cầu và tính hợp lệ của
việc mua ngoại tệ. Tính chuyển đổi của VND trong điều kiện này phụ
thuộc vào quyết định của Nhà nước và phụ thuộc vào nhu cầu của thị
trường và nhu yêu cầu phát triển nền kinh tế, xã hội của đất nước. Như
vậy, khả năng và phạm vi chuyển đổi VND do chính sách và chủ trương của
Nhà nước quyết định. Nói một cách khác, Nhà nước có thể thay đổi tính
chuyển đổi nội bộ của đồng bản tệ. Nhiều nước trên thế giới mà đồng bản
tệ của họ chưa chuyển đổi tự do, vẫn thực hiện chuyển đổi nội bộ như
vậy.
Ngày 18/10/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định
131/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/1998/NĐ-CP
về quản lý ngoại hối. Trong đó, dỡ bỏ những rào cản cuối cùng đối với
các hoạt động thanh toán và chuyển tiền liên quan đến giao dịch vãng lai
là bước đi mang tính quyết định chứng tỏ quyết tâm của Việt Nam trong
việc tiến tới một hệ thống giao dịch vãng lai quốc tế không còn hạn chế
và là cơ sở pháp lý quan trọng để IMF xem xét quyết định công nhận Việt
Nam đã hoàn toàn thực hiện đúng các nghĩa vụ nêu trong Điều VIII, Điều
lệ IMF. Tiếp đó, ngày 13/12/2005, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua
Pháp lệnh Ngoại hối, có hiệu lực từ ngày 1/6/2006. Có thể nói, 2 văn
bản này sẽ tạo ra một cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng tự do hoá các
giao dịch vãng lai, từng bước tự do hoá các giao dịch vốn, phù hợp với
các quy định của Điều lệ IMF và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Khi xem xét vấn đề chuyển đổi của VND, một số tác giả
đã đưa ra nhiều giải pháp như đã đề cập ở phần đầu của bài viết. Xét về
mặt lý thuyết lẫn thực tiễn thì một số trong các giải pháp nêu trên
không có ý nghĩa đối với việc chuyển đổi VND.
Trước hết về “giải pháp tầm thường hoá đô la”. Điều
làm nhiều người quan tâm là làm cách nào để có được một chiến dịch như
vậy. Trước hết, nói đến chiến dịch là nói đến toàn bộ các việc làm được
thực hiện một cách tập trung và khẩn trương trong một thời gian nhất
định để thực hiện một mục đích nhất định.
Thế nhưng, chuyển đổi tiền tệ là một phạm trù kinh tế
phụ thuộc vào nhiều yếu tố và quan hệ trong nền kinh tế quốc dân, chứ
không đơn thuần bị chi phối bởi hiện tượng “đô la hoá”. Vì vậy, nếu
chúng ta có thể “tầm thường hoá” đô la thì chúng ta cũng không làm được
cuộc “cách mạng” trong việc chuyển VND sang cơ chế chuyển đổi tự do
được.
Cần lưu ý rằng một trong những điều kiện quan trọng
để một đồng tiền quốc gia trở thành đồng tiền chuyển đổi là quốc gia đó
có dự trữ ngoại tệ đủ cho nhu cầu của nền kinh tế, mà đó là một quá
trình trung – dài hạn. Tôi cho rằng, tác giả của giải pháp trên có ý
tưởng vận dụng các công cụ về giá cả lãi suất để tác động đến người dân
và các doanh nghiệp từ bỏ hoặc hạn chế dự trữ đồng đô la Mỹ để chuyển
sang VND. Về ý tưởng này có mấy vấn đề cần lưu ý:
Trước hết, chúng ta nên xem xét và lựa chọn là nên đi theo cách nào: kinh tế hay hành chính.
- Nếu vận dụng các biện pháp hành chính để nâng cao
vị thế của VND thì không ổn. Vấn đề cần đặt ra là chúng ta phải làm sao
để bảo đảm và duy trì đồng tiền Việt Nam một cách ổn định. Khi đồng tiền
của chúng ta ổn định thì tự thân thị trường sẽ tìm con đường cho dân
chúng và doanh nghiệp. Khi đó người ta sẽ tự do lựa chọn đồng tiền nào
để thanh toán, cất trữ …. để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện
đại hoá. Nguồn ngoại tệ có được bằng nhiều kênh như huy động kiều hối,
xuất khẩu hàng hoá, lao động, vay mượn …
- Việt Nam đang trên tiến trình hội nhập. Điếu đó có
nghĩa là giữa thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ sẽ diễn ra quá trình
giao thoa và cân bằng nhiều yếu tố của thị trường bởi tác động của nhiều
quy luật khách quan, mà điều tiết bằng các biện pháp chủ quan sẽ không
thực hiện được.
Vấn đề thứ hai là “giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu bằng
VND”. Đẩy mạnh xuất khẩu bằng VND có nghĩa là việc các nhà xuất khẩu
Việt Nam chấp nhận để nhà nhập khẩu nước ngoài sử dụng VND để thanh toán
cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Tác giả giải pháp này dự báo rằng, tỷ
lệ xuất khẩu bằng VND sẽ được tăng dần hằng năm: năm 2006 là 10%, năm
2010 là 30%. Vấn đề cơ bản chúng ta cần phải biết trong hình thức xuất
khẩu đó là nguồn “ngoại tệ” bằng VND mà các nhà nhập khẩu nước ngoài
thanh toán cho nhà xuất khẩu Việt Nam lấy từ đâu? Do xuất khẩu cho Việt
Nam có được hay do vay của Chính phủ Việt Nam. Nếu do xuất khẩu cho Việt
Nam mà có được,có nghĩa là VND đã được sử dụng trong định giá hàng hoá
và dịch vụ ngoại thương? Nếu vậy thì các nhà xuất khẩu nước ngoài mở tài
khoản bằng VND tại các ngân hàng thương mại Việt Nam để duy trì số tiền
Việt Nam có được do xuất khẩu và sẽ dùng số tiền Việt Nam đó để thanh
toán cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Nếu như vậy, thì chủ tài khoản là
các nhà xuất khẩu nước ngoài có thể sử dụng VND để chuyển ra bất cứ loại
ngoại tệ nào để sử dụng cho các mục đích của họ. Nếu không thì quan hệ
ngoại thương theo hình thức nhà nhập khẩu nước ngoài xuất khẩu cho Việt
Nam và thanh toán bằng VND dưới dạng ghi nợ và nhà xuất khẩu Việt Nam
xuất khẩu cho nước ngoài sẽ nhận số tiền Việt Nam mà nhà xuất khẩu có
được. Về bản chất thì đây chỉ là quan hệ song phương giống như hình thức
hàng đổi hàng, việc định giá được thực hiện qua đồng tiền chuyển đổi
của nước thứ ba. Như vậy, về hình thức xuất khẩu theo giải pháp nói trên
không có vai trò trong việc chuyển đổi VND.
4. Cần phải có các giải pháp trung và dài hạn
Việc nâng cao khả năng chuyển đổi của VND là một yêu
cầu cũng như mục tiêu của Chính phủ, thế nhưng để đạt được mục tiêu đó
chúng ta cần những bước đi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế –
xã hội của đất nước, đảm bảo rằng tính chuyển đổi của VND có nội hàm
kinh tế và ổn định, có vai trò không những đối với nền kinh tế Việt Nam,
mà còn đối với nền kinh tế thế giới. Tác giả bài viết này cho rằng,
Việt Nam cần một khoảng thời gian từ 7 đến 10 năm nữa để có đủ các điều
kiện kinh tế – xã hội cho việc chuyển đổi tự do VND. Trong khoảng thời
gian đó, một loạt các giải pháp cần phải được thực hiện:
- Hình thành thị trường hối đoái năng động, xoá bỏ dần các hạn chế đối với các giao dịch và thanh toán vãng lai;
Hoàn thành cơ bản công cuộc cổ phần hoá các doanh nghiệp quốc doanh;
- Tái cơ cấu ngành; phát triển đồng đều và ổn định các khu vực của nền kinh tế quốc dân;
- Cải cách thể chế Ngân hàng Nhà nước; củng cố hệ
thống các tổ chức tín dụng theo hướng phát triển lành mạnh, ổn định và
bền vững;
- Thực hiện chính sách tiền tệ – tín dụng hợp lý, đảm
bảo nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng phải ổn định được
sức mua của VND;
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên
cơ sở phát triển bền vững các doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ
sở ưu tiên đầu tư các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh;
- Phát triển nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia, đảm bảo nhu cầu phát triển bình thường nền kinh tế.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 5/2006
0 comments:
Post a Comment