VIẾT ĐOÀN
Chỉ là một vụ án “Kinh
doanh thương mại về tranh chấp Hợp đồng kinh tế” thế nhưng liên tiếp
trong thời gian vừa qua TAND Q7 (TP HCM) đã có đến 1 thông báo và 2
quyết định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu ngăn chặn và
phong tỏa tài sản tiền gửi của đương sự. Tuy nhiên, điều đáng nói là
những văn bản này đều có dấu hiệu trái luật hoặc không phù hợp với quy
định của pháp luật khiến DN phải… kêu cứu.
Theo Hợp đồng số 110809/UREA/12,500/MT, ngày
11/8/2009 Cty CP Kim Phú Gia (bên Bán) và Cty CP vật tư nông sản (bên
Mua) mua bán phân UREA N46% với số lượng mua hàng là 12.500 tấn, được
giao hàng tại Cảng Đà Nẵng với giá trị trên 3,4 triệu USD (khoảng 61,875
tỷ đồng). Như thỏa thuận NH NN-PTNT VN CN 8 phát hành 1 bảo lãnh thực
hiện hợp đồng tương ứng 3% giá trị lô hàng cho bên Bán và bên Mua thụ
hưởng (hơn 1,856 tỷ đồng). Số tiền này được trả cho bên Mua như một
khoản bồi thường thiệt hại phát sinh do lỗi của bên Bán. Đồng thời, theo
yêu cầu của bên Mua, NH Đầu tư & Phát triển CN Hà Thành (BIDV) đã
ra một chứng thư bảo lãnh thanh toán 100% trị giá hợp đồng cho bên Bán
và người thụ hưởng chứng thư bảo lãnh là Ngân hàng TMCP Phương Nam
(Southern Bank).
Rắc rối ngoài hợp đồng
Trong khi hợp đồng chưa được thực hiện thì hai bên đã
xảy ra tranh chấp và bên Bán đã khởi kiện ra TAND Q 7 (TP HCM). Theo
như đơn khởi kiện ngày 11/11/2009, bên Bán cho rằng bên Mua đã vi phạm
hợp đồng và đòi bồi thường số tiền 2% hợp đồng do chậm thực hiện. Trong
đó, công văn ngày 4/9/2009 bên Bán gửi cho bên Mua cho rằng chứng thư
bảo lãnh của BIDV không được Southern Bank đồng ý với một số điều trong
thư bảo lãnh và đòi hỏi những cái không cần thiết. Do đó, đã đề nghị
chuyển người thụ hưởng là NH NN-PTNT VN CN Sài Gòn.
Ngày 16/9/2009 bên Bán lại có văn bản gửi bên Mua với
nội dung cho rằng “Chứng thư bảo lãnh của BIDV đã ràng buộc thêm điều
kiện kèm theo các chứng từ chứng minh bên Mua đã nhận đủ hàng nhưng
không thanh toán theo quy định của hợp đồng”. Tuy nhiên, nội dung của
những văn bản này và các cuộc đàm phán đều bị bên Mua bác bỏ. Ông Nguyễn
Tiến Dũng – TGĐ Cty CP vật tư nông sản (đại diện bên Mua) khẳng định:
“Việc xác định người thụ hưởng trong thư bảo lãnh chúng tôi đã làm theo
đúng như cam kết trong hợp đồng. Còn việc thay đổi người thụ hưởng thì
hợp đồng không ràng buộc mà chỉ do hai bên đàm phán nên việc chấp thuận
hay không phụ thuộc vào nội dung của cuộc đàm phán và chúng tôi không
chấp thuận”.
Xem xét về các điều khoản trong hợp đồng mua bán
này LS Võ Xuân Trung, Đoàn LS TP HCM khẳng định về phía bên Mua không hề
có lỗi. Theo điều 7.2 của hợp đồng có đề nghị rõ bên thụ hưởng là
Southern Bank và ngay từ đầu chứng thư bảo lãnh này đã đúng còn việc bên
Bán đề nghị đổi sang ngân hàng khác không được ghi trong hợp đồng. Do
đó, trong vụ việc này thì việc chuyển đổi ngân hàng hay không là do
quyền của bên Mua chứ không thể bắt buộc. Đồng nhất với quan điểm trên,
Luật gia Nguyễn Thành Sinh nói: Với tất cả các vụ án tranh chấp thương
mại kiểu này thì điều trước tiên là phải căn cứ trên hợp đồng giữa hai
bên. Giải thích về việc bên Bán về nội dung Chứng thư bảo lãnh hợp đồng,
ông Sinh cho rằng với nội dung chứng thư bảo lãnh của BIDV là phù hợp
và việc nội dung của bảo lãnh có thêm điều kiện “kèm theo các chứng từ
chứng minh bên Mua đã nhận đủ hàng nhưng không thanh toán theo quy định
của hợp đồng” chỉ chứng minh thêm khi thực hiện đúng nghĩa vụ của ngân
hàng bảo lãnh với các bên liên quan.
Đề nghị đổi thẩm phán!
Trước khi khởi kiện ra tòa, ngày 10/11/2009 bên Bán
đã có đơn yêu cầu TAND Q 7 TP HCM ngăn chặn và phong tỏa tài khoản tiền
gửi khẩn cấp tài khoản số 1702201128071 tại NH NN-PTNT CN 8. Theo đó,
ngày 13/11/2009 TAND Q 7 đã ban hành Thông báo số 45 về việc thu lý vụ
án và đồng thời cùng ngày thẩm phán tiếp tục ban hành Công văn số
267/CV-TA gửi NH NN-PTNT CN 8 yêu cầu không cho hai bên giao dịch số
tiền 1,856 tỷ đồng. Do đó, tại văn bản gửi các cơ quan chức năng bên Mua
đã khiếu nại việc thẩm phán ban hành văn bản trên là trái luật và không
đủ hiệu lực về pháp luật để các bên thi hành. Tiếp theo đó, thẩm phán
lại ban Quyết định số 1/2010/QĐ-BPKCTT ngày 3/2/2010 về áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời, tiếp tục đề nghị ngân hàng không cho thực hiện
việc giao dịch trên. Thậm chí, quyết định trên TA cũng không gửi cho
người bị đơn trong vụ kiện mà ngày 11/3/2010 người của công ty đến trực
tiếp nhận tại TAND Q 7.
Trong khi những rắc rối trên chưa được giải quyết thì
ngày 30/3/2010 thẩm phán lại tiếp tục có Quyết định số 02/2010/QĐ-
BPKCTT áp dụng biện pháp phong tỏa khẩn cấp tạm thời số tài khoản và số
tiền trên với thời hạn 6 tháng kể từ ngày ra quyết định. Như vậy, có
thể hiểu ở thời điểm hiện tại thì một văn bản và hai quyết định áp dụng
biện pháp phong tỏa khẩn cấp tạm thời của TAND Q7 đều có hiệu lực như
nhau. LS Võ Xuân Trung cho rằng cần xem xét lại trình độ của thẩm phán
bởi giải quyết một vụ án tranh chấp thương mại chỉ giải quyết trong vòng
2 tháng, còn trong trường hợp thẩm phán và các bên phải thu thập chứng
cứ để chứng minh thêm cho vụ án thì mới kéo dài thời hạn thêm 1 tháng
nữa. Vậy dựa vào đâu để thẩm phán ra một quyết định phong tỏa tài khoản
tới 6 tháng ?
Trước những quyết định, văn bản của tòa bên Mua đã
chính thức có văn bản đề nghị thay đổi thẩm phán với lý do “Trong quá
trình làm việc thẩm phán không khách quan, ban hành một số văn bản có
liên quan đến vụ án, không đúng pháp luật”.
Theo giới chuyên môn, đối với các đối tác nước ngoài
khi có giao dịch với số lượng tiền lớn như trong hợp đồng này thì họ lựa
chọn rất kỹ ngân hàng mở L/C cho việc thực hiện hợp đồng. Trong đó,
thông thường họ chọn các ngân hàng nhà nước hoặc một trong 4 ngân hàng
TMCP của nhà nước tham gia việc bảo lãnh và mở L/C về lĩnh vực này, đồng
thời có uy tín trong nước và quốc tế. Với lựa chọn ngân hàng không phù
hợp với đối tác nước ngoài thì việc bị hủy L/C là một điều rất dễ hiểu.
SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
0 comments:
Post a Comment