HOÀNG YẾN
Hai doanh nghiệp kéo
nhau ra tòa, tranh cãi quyết liệt vì một trò chơi đã được lắp đặt xong
nhưng không đảm bảo an toàn. .. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM
vừa tạm hoãn xử một vụ tranh chấp khá lạ xoay quanh công trình máng
trượt trò chơi lắp đặt tại một công viên nước vì bên nguyên đơn vắng
mặt.
Không ai chịu ai
Theo hồ sơ, cuối tháng 3-2003, Công ty N. (công ty)
ký hợp đồng thiết kế, thi công và lắp đặt công trình máng trượt vòng
xoáy không gian (space spiral) cho Công viên nước X. (công viên). Máng
trượt có chiều dài 22 m (tính theo đường chim bay là 18 m), độ cao xuất
phát 10 m, đường kính vòng xoay không gian 9 m… Tổng giá trị hợp đồng là
600 triệu đồng, thời gian thi công khoảng hai tháng, đến cuối tháng
5-2003 phải bàn giao công trình…
Đầu tháng 6-2003, hai bên thử nghiệm hệ thống trượt
và nhận thấy chiều ngang hồ rơi từ máng trượt xuống nhỏ hơn so với yêu
cầu thực tế. Do đó, công ty đưa ra hai phương án là mở rộng hồ hoặc dời
máng trượt ra phía trước nhưng công viên không chấp thuận. Nửa tháng
sau, công trình trò chơi vòng xoáy không gian đã hoàn thành nhưng công
viên không chịu nghiệm thu, thanh toán khoản còn lại. Tới tháng 7-2004,
công viên đã yêu cầu công ty thu hồi sản phẩm và trả lại 300 triệu đồng
tiền tạm ứng.
Khởi kiện, bị phản tố
Công ty đã nhờ Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn
khu vực III (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) giám định kỹ thuật an
toàn của công trình máng trượt này và được kết luận là công trình đảm
bảo an toàn. Tháng 9-2004, công ty khởi kiện công viên ra TAND TP.HCM để
đòi hơn 560 triệu đồng (gồm cả tiền lãi, tiền bảo hành lẫn chi phí giám
định).
Theo công ty, đây là loại sản phẩm có sẵn, do công
viên đặt mua nên không chấp nhận việc trả lại của công viên. Công ty đã
lắp đặt hoàn chỉnh và hai bên có thử tải. Quá trình thi công có nhật ký
công trường, thậm chí chính công viên còn cử người của mình giám sát thi
công…
Ngược lại, công viên trình bày với tòa rằng công ty
đã vi phạm thời hạn hợp đồng và trò chơi không đủ an toàn để đưa vào sử
dụng. Kết quả thẩm định kỹ thuật an toàn của trò chơi do công ty đưa ra
chỉ là sự thẩm định an toàn của thiết kế chứ không phải thẩm định sự an
toàn thực tế. Công ty đã không khảo sát kỹ lưỡng địa hình, không tính
toán, không dự liệu được chiều rộng của mặt hồ nên trò chơi không đủ độ
an toàn khi người chơi rơi từ phễu xuống. Công viên đã từng làm theo đề
nghị của công ty là dùng mút dán xung quanh hồ nhưng vẫn không khắc phục
được.
Đồng thời, công viên cũng phản tố yêu cầu tòa cho
chấm dứt hợp đồng, trả sản phẩm và lấy lại tiền tạm ứng. Ngoài ra, công
viên còn yêu cầu công ty bồi thường chi phí quảng cáo, chi phí thuê
giám sát cùng khoản thiệt hại về thu nhập tài sản do không khai thác
được (quyền sử dụng đất)… Tổng cộng, số tiền công viên yêu cầu công ty
phải trả là hơn 1,2 tỷ đồng.
Phải trả gần 500 triệu đồng
Thụ lý, TAND TP đã tổ chức kiểm định độ an toàn của
trò chơi. Kết quả kiểm định đều được hai bên đồng ý nhưng giữa họ lại có
bất đồng trong cách giải quyết sự việc.
Bên công ty nói chấp nhận xử lý các mối nối, mối ghép
để đảm bảo yêu cầu về độ nhẵn, láng… theo như kiến nghị của trung tâm
kiểm định, còn việc mở rộng diện tích hồ (thêm mỗi bờ ít nhất là 1,5 m)
là trách nhiệm của công viên. Tuy nhiên, công viên lại bảo không thể mở
rộng hồ bởi sẽ làm ảnh hưởng đến hồ tạo sóng và hầm thiết bị điều khiển
nằm ngay bên cạnh.
Không ai chịu ai, tháng 10-2008, tòa phải đưa vụ kiện
ra xét xử. Theo tòa, công ty không khảo sát thực tế kỹ, đáng lẽ phải
thông báo cho công viên biết việc lắp đặt máng trượt vào hồ tiếp nhận có
sẵn không phù hợp để các bên cùng đưa ra giải pháp thì lại cố tình lắp
đặt sản phẩm có sẵn. Vì vậy dẫn đến việc khi thử nghiệm mới phát hiện
lòng hồ tiếp nhận hẹp, gây nguy hiểm cho người chơi. Do công ty có lỗi,
dẫn đến việc trò chơi không đưa vào hoạt động được nên không có quyền
đòi công viên trả nốt số tiền còn lại mà phải thu hồi sản phẩm và hoàn
trả gần 500 triệu đồng tiền tạm ứng và tiền lãi cho công viên.
Về phần phản tố của công viên, tòa nhận định yêu cầu
đòi công ty thanh toán chi phí giám sát lắp đặt thiết bị trò chơi là
không thỏa đáng. Cạnh đó, việc công viên đòi công ty thanh toán chi phí
quảng cáo trò chơi (hơn 160 triệu đồng) cũng không có cơ sở chấp nhận.
Toàn bộ các hợp đồng và hóa đơn, chứng từ thanh toán chi phí quảng cáo
đều thể hiện là quảng cáo nhiều hoạt động của công viên. Công viên không
chứng minh được chi phí quảng cáo cụ thể cho riêng trò chơi này.
Ngoài ra, tòa cũng bác yêu cầu đòi bồi thường gần 500
triệu đồng thiệt hại về thu nhập tài sản do không khai thác được (quyền
sử dụng đất)… của công viên. Lý do là công viên đã không đưa ra được
phương án kinh doanh hay chứng minh doanh thu của hoạt động kinh doanh
tương tự và lợi nhuận phát sinh nếu không có sự vi phạm của công ty.
Sau phiên xử, nguyên đơn lập tức kháng cáo nhưng ở
phiên phúc thẩm mới đây thì lại vắng mặt nên Tòa phúc thẩm TAND tối cao
tại TP.HCM phải hoãn xử.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment