Wednesday, February 12, 2014

TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI GỬI TIỀN

TS. NGUYỄN THỊ KIM OANH & THS. LÊ VIỆT NGA
image Chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) triển khai ở Việt Nam thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Mặc dầu vậy, cùng với sự phát triển dịch vụ ngân hàng trong những năm qua, các quy định điều chỉnh việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền đề cập tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP trước đây đã bộc lộ bất cập. Ngày 24/8/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 về BHTG. Theo đó, quyền lợi của các đối tác tham gia trực tiếp trong chính sách BHTG đã được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là quyền lợi của người gửi tiền.
Bên cạnh việc nâng hạn mức chi trả BHTG từ 30 triệu lên 50 triệu đồng cho một người gửi tiền, Nghị định đã mở rộng đối tượng gửi tiền được bảo hiểm và quy định rõ hơn thông tin về việc tổ chức huy động tiền gửi có tham gia BHTG hay không tới người gửi tiền. Xung quanh vấn đề quyền lợi của người gửi tiền, bài viết này trao đổi cùng bạn đọc 3 khía cạnh có liên quan và mong muốn được quan tâm.
1. Loại tiền gửi được bảo hiểm
Việc xác định loại tiền gửi nào được bảo hiểm phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, trình độ phát triển của hệ thống ngân hàng và tiến trình phát triển kinh tế cuả mỗi quốc gia. Nhằm phản ánh mục tiêu chính sách BHTG, hầu hết các quốc gia đều quy định rõ loại tiền gửi nào không được bảo hiểm và loại tiền gửi nào được bảo hiểm. Quy định này hết sức quan trọng và cần thiết vì nó liên quan trực tiếp đến việc xác định người gửi tiền mà chính sách BHTG sẽ bảo vệ trực tiếp qua chi trả tiền bảo hiểm và việc tính phí BHTG.
Nhiều tài liệu được công bố cho thấy quy định về tiền gửi được bảo hiểm cần được thống nhất với những quy định về tiền gửi được sử dụng trong Luật và các quy định của Ngân hàng. Quy định rõ ràng, chính xác về tiền gửi được bảo hiểm sẽ tránh được sự không nhất quán và những xung đột tiềm tàng có thể xảy ra khi có một tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa. Cả tổ chức tham gia BHTG và tổ chức BHTG có trách nhiệm thông tin tới công chúng, đặc biệt là người gửi tiền về loại tiền gửi nào được bảo hiểm và loại tiền gửi nào không được bảo hiểm. Người gửi tiền có quyền được biết để yêu cầu bảo vệ lợi ích của họ khi có sự kiện đóng cửa ngân hàng. Đồng thời việc quy định rõ loại tiền gửi được bảo hiểm cũng nhằm kiểm soát tốt hơn rủi ro đạo đức có thể xảy ra trong hoạt động ngân hàng và BHTG.
Nghị định số 109 quy định tiền gửi được bảo hiểm là “tiền gửi bằng Đồng Việt Nam của người gửi tiền là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh gửi tại tổ chức tham gia BHTG”, trừ những trường hợp được liệt kê cụ thể trong Nghị định. Theo quan điểm chung về BHTG trên thế giới và nhằm phòng ngừa các rủi ro đạo đức, Nghị định số 109 đã quy định không bảo hiểm cho những người trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định hoạt động kinh doanh của tổ chức nhận tiền gửi. Đây là một trong những điểm mới của Nghị định số 109 so với Nghị định số 89 trước đây. Để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động BHTG, tăng cường sự bảo vệ cho người gửi tiền, 3 loại tiền gửi sau cần được xem xét nghiên cứu:
Tiền gửi có lãi suất cao
Một số quốc gia không bảo hiểm cho những khoản tiền gửi có lãi suất cao, vì thường các tổ chức nhận tiền gửi lâm vào tình trạng khó khăn về khả năng thanh toán, nâng lãi suất để thu hút tiền gửi là giải pháp cứu cánh. Sự việc xảy ra tại Ngân hàng Nichijukin ở Nhật Bản năm 1992 là minh chứng cụ thể. Đến tháng 3 năm 1992, có tới 31,4% dư nợ cho vay của Ngân hàng này là nợ quá hạn không được phát hiện kịp thời. Để đảm bảo có lợi nhuận, Ngân hàng này đã huy động tiền gửi với lãi suất cao và cho các đơn vị hoạt động với rủi ro lớn vay với lãi suất cao, dẫn đến thua lỗ, phá sản (6). Việc tăng lãi suất một cách tùy tiện nhằm thu hút tiền gửi cho đầu tư quá mức là một trong các nguyên nhân gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng. Với lãi suất huy động vốn cao hơn mức cho phép, các ngân hàng đó phải cho vay lãi suất cao, chấp nhận rủi ro cao là điều khó tránh khỏi. Nghiên cứu của Garcia (2000) cho biết một số tổ chức BHTG không bảo hiểm cho loại tiền gửi huy động với lãi suất cao (3). Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cũng đã có Công văn số 140/CV-BHTG ngày 10/4/2002 quy định tiền gửi được huy động nóng, với lãi suất cao thì chỉ tính lãi chi trả theo mức lãi suất có kỳ hạn cao nhất cùng thời điểm, tối đa bằng lãi suất cho vay thông thường.
Tiền gửi có kỳ hạn dài
Chính sách BHTG tập trung quan tâm tới người gửi ít tiền, có thu nhập thấp, là những đối tác thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các ngân hàng. Những người gửi tiền với kỳ hạn dài thường là những người có tiền nhàn rỗi, dư thừa chưa cần dùng đến trong một thời gian dài. Do vậy, một số hệ thống BHTG không bảo hiểm cho tiền gửi có kỳ hạn dài, ví dụ như hệ thống BHTG Canada, BHTG Anh không bảo hiểm cho tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 5 năm(5).
Tiền gửi tín thác
Tiền gửi tín thác là số tiền khách hàng chuyển vào tổ chức nhận tiền gửi và uỷ thác cho tổ chức này quản lý với lãi suất và kỳ hạn cụ thể được quy định trong thoả thuận do 2 bên ký. Không phải tất cả các ngân hàng đều có năng lực cung cấp dịch vụ tín thác vì năng lực này cần được các nhà lập pháp thông qua. Tuy nhiên, ở một số nước, các ngân hàng lớn đều có bộ phận tín thác. Trong hoạt động, ngân hàng được ủy thác có thể chịu sự chỉ đạo của khách hàng hoặc thay mặt khách hàng đưa ra các quyết định cụ thể, ví dụ như lựa chọn tài khoản để gửi tiền nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Tiền gửi tín thác đòi hỏi phải tuyệt đối an toàn. Nghiên cứu của Peter S.Rose cho biết tiền gửi tín thác cũng được hầu hết các hệ thống BHTG bảo hiểm như các loại tiền gửi được bảo hiểm theo giới hạn được quy định và bất kỳ lượng tiền nào vượt giới hạn bảo hiểm đều được bảo vệ bằng các loại chứng khoán đầu tư chất lượng cao của ngân hàng (2).
Không phải quốc gia nào cũng bảo hiểm cho tiền gửi tín thác. Thậm chí việc có bảo hiểm cho tiền gửi loại này hay không còn tùy thuộc vào mục đích, ví dụ BHTG Nhật Bản không bảo hiểm cho tiền gửi tín thác không vì mục đích bảo lãnh đầu tư chứng khoán, nhưng bảo hiểm cho tiền gửi tín thác để bảo lãnh đầu tư chứng khoán với mức bảo hiểm tối đa 10 triệu Yên (1).
2. Đối trừ trong chi trả tiền bảo hiểm
Bên cạnh việc quy định về loại tiền gửi được bảo hiểm, việc đối trừ các trách nhiệm nợ của người gửi tiền cũng cần được quy định cụ thể, thể hiện sự bảo vệ công bằng quyền lợi của người gửi tiền được bảo hiểm.
Mục 4, Chương VII, Thông tư số 03/2000-TT-NHNN5 quy định: “Trong trường hợp người gửi tiền có nghĩa vụ nợ đối với tổ chức tham gia BHTG tuyên bố chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán, việc chi trả tiền bảo hiểm được thực hiện sau khi đã trừ các khoản nợ của người gửi tiền theo đề nghị của tổ chức tham gia BHTG”. Công văn số 140/BHTG8 ngày 10/4/2002 của BHTG Việt Nam cũng quy định người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG nếu có các khoản nợ bất kể đến hạn hay chưa đến hạn thanh toán, tại tổ chức tham gia BHTG phát sinh sự cố phải chi trả có trách nhiệm phải thanh toán các khoản nợ, hoặc tiền bảo hiểm mà họ được nhận sẽ bị đối trừ các khoản nợ đó.
Ở đây có 2 loại quan hệ. Một là, quan hệ bảo hiểm, được hình thành giữa BHTG Việt Nam và tổ chức tham gia BHTG quy định trách nhiệm của BHTG Việt Nam phải chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức đó theo quy định của pháp luật. Hai là, quan hệ công nợ, thể hiện dưới dạng Hợp đồng tín dụng, được hình thành giữa tổ chức tham gia BHTG với người vay tiền tại tổ chức đó quy định trách nhiệm của người vay tiền đối với tổ chức cho vay. Trong chừng mực nhất định, hai quan hệ này không liên quan trực tiếp đến nhau, vì vậy, việc đối trừ các khoản nợ chưa đến hạn của khách hàng theo Hợp đồng tín dụng cho khoản tiền mà tổ chức BHTG phải trả theo mức chi trả bảo hiểm cần được nghiên cứu.
Vấn đề đối trừ nợ trong chi trả tiền bảo hiểm cần được xem xét và thực hiện theo hướng cải tiến, tăng tính bình đẳng giữa quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan theo cơ chế thị trường và nhằm đảm bảo thực hiện chi trả đầy đủ, đúng đối tượng cho người gửi tiền. Nên chăng số tiền được chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG chỉ khấu trừ các khoản nợ quá hạn và đến hạn, chứ không khấu trừ các khoản nợ chưa đến hạn của người đó tại tổ chức tham gia BHTG.
3. Thông tin tới người gửi tiền
Tổ chức tham gia BHTG và tổ chức BHTG có trách nhiệm tuyên truyền và thông tin đầy đủ cho người dân về quyền lợi, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục nhanh nhất để hưởng các quyền lợi về BHTG. Đối với chính sách BHTG, người gửi tiền dành nhiều quan tâm tới 2 thông tin: Thông tin về tổ chức huy động tiền gửi đã tham gia BHTG và thông tin về loại tiền gửi được bảo hiểm.
Có nhiều hình thức thông tin, tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm thế nào để người gửi tiền có thể tiếp cận những thông tin này một cách dễ dàng và cập nhật nhất. Ngoài việc tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, báo chí, truyền hình, website…, việc thông báo một tổ chức có tham gia BHTG hay không cần được niêm yết, quảng cáo tại chính tổ chức tham gia BHTG đó. Nghị định số 109 quy định: “Các tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai về việc tham gia BHTG tại trụ sở và các địa điểm giao dịch”. Bằng cách này, người gửi tiền có thể tiếp cận trực tiếp thông tin tổ chức tín dụng mà họ dự định gửi tiền có tham gia BHTG hay không.
Tuy nhiên, không phải một tổ chức đã tham gia BHTG thì tất cả các khoản tiền gửi của khách hàng tại tổ chức này đều được bảo hiểm. Vì vậy, ngoài việc thông tin tới công chúng rằng tổ chức nhận tiền gửi đã tham gia BHTG, một trong những nội dung thông tin mà người gửi tiền cần được biết là thông tin về loại tiền gửi nào được bảo hiểm và loại tiền gửi nào không được bảo hiểm. Công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng khi biết tiền gửi của họ được bảo hiểm sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn hình thức gửi tiền thay vì đầu tư vào một kênh sinh lời khác trên thị trường.
Theo lập luận trên, để thông tin này tới khách hàng một cách đơn giản, hiệu quả và chính xác nhất, nghiên cứu của Garcia (1999) và các nhà nghiên cứu về BHTG tại Mỹ đã khuyến nghị các tổ chức tham gia BHTG nên đóng dấu trên các ấn chỉ, công cụ huy động tiền gửi với nội dung tiền gửi được bảo hiểm theo quy định hoặc ngược lại, nhằm giúp khách hàng xác định một cách chính xác nhất loại tiền gửi, hình thức gửi tiền của mình có được bảo hiểm hay không.
Những quy định tại Nghị định số 109 của Chính phủ về BHTG đã từng bước đáp ứng hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các đối tác tham gia trực tiếp trong hoạt động BHTG, phù hợp với mức độ phát triển hoạt động ngân hàng và đáp ứng tiến trình mở cửa, hội nhập của đất nước. Hy vọng rằng các quy định tại Nghị định số 109 sẽ được triển khai đầy đủ, thông qua các văn bản hướng dẫn chi tiết trong đó thể hiện rõ hơn quyền lợi được nâng cao của người gửi tiền, đồng thời hạn chế khó khăn có thể phát sinh trong tác nghiệp cụ thể tại tổ chức trực tiếp triển khai chính sách BHTG.
Tài liệu tham khảo:
- Hội thảo TOKYO về BHTG Nhật bản (2005)
- Peter S. R. (2001), Quản trị Ngân hàng thương mại
- Garcia G. (2000), Deposit Insurance and Crisis Management
- Garcia G. G. H.(1998,1999), British Bankers’Association
- Choi J. B. (2000), Structuring a Deposit Insurance System from the Asian Perspective
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HANG SỐ 4/2006

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code