Wednesday, February 12, 2014

SÁU ẢNH HƯỞNG ĐẾN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

TUẤN VŨ – BỘ CÔNG THƯƠNG
Mọi biến động về tiền tệ và ngân hàng luôn được người dân quan tâm. Sự kiện một loạt các định chế tài chính Mỹ sụp đổ như: Lehman Brothers phá sản; Merill Lynch sát nhập với Bank of America; AIG được bơm 85 tỷ USD để khỏi chung số phận với Lehman Brothers; hai công ty thế chấp hàng đầu Fannie Mae và Freddie Mac lâm nạn; Goldman Sachs, Morgan Stanley phải chuyển thành NH thương mại để tiếp cận các khoản vay của FED.
Nguyên nhân sụp đổ của hệ thống tài chính xuất phát từ bong bóng của thị trường bất động sản xì hơi. Tiền được cho vay với lãi suất chỉ 2-3%/năm, trong khi giá bất động sản từ năm 2000 đến 2005 đã tăng đến 150%.
Vì vậy, dân chúng đổ xô đi vay tiền và đầu cơ nhà đất để kiếm lời và đến 2005 thì hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm đến ½ GDP của Mỹ.
Nhà cửa mua bằng tiền vay được thế chấp tiếp tục để mua tiếp bất động sản khác và cứ như vậy, vòng xoay tín dụng có trường hợp đã đạt đến 30 lần, tạo ra một số tiền ảo cực lớn, gây lạm phát.
Chính phủ Mỹ phải đề xuất kế hoạch cả gói 700 tỷ USD để cứu thị trường tài chính nhưng theo một số chuyên gia thì phải có 1.500 tỷ USD mới có thể qua được cơn bão này.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, động thái cứu vãn bằng cách bơm tiền vẫn là động thái mờ mịt. Bởi, tung tiền ra thì sẽ gây lạm phát với các rủi ro rất lớn, nhưng nếu không tung tiền ra để cứu thị trường tài chính thì thị trường sẽ sụp đổ, người dân đổ xô đi rút tiền, doanh nghiệp tê liệt và rối loạn xã hội. Khó có thể nói rủi ro nào là cao hơn.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam không chịu ảnh hưởng nhiều từ cơn bão tài chính tại Mỹ vì dù cho người Mỹ khủng hoảng đến đâu thì họ vẫn phải ăn cá basa nuôi của Việt Nam, phải mặc quần áo do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Mặt khác, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa lớn mạnh và có tác động đến nền kinh tế không nhiều.
Tuy nhiên, ảnh hưởng là chắc chắn có vì tất cả các thị trường có quan hệ chặt chẽ với nhau, nguy cơ lan rộng sang châu Âu, Nhật… là rất lớn. Đặc biệt là mức độ ảnh hưởng do tâm lý, tính tức thì.
Thứ nhất , vốn tín dụng thương mại sẽ khó khăn hơn vì rất nhiều ngân hàng trong nước vay tiền của ngân hàng nước ngoài, khi ngân hàng nước ngoài khó khăn thì tín dụng trong nước sẽ bị thu hẹp.
Như vậy, nền kinh tế của Việt Nam sẽ gặp khó khăn ở những vấn đề sau: Thứ nhất, việc giải ngân ODA sẽ chậm lại vì các nhà cung cấp vốn ODA lớn như Nhật, châu Âu, Mỹ đang gặp khó khăn thì đương nhiên sẽ hạn chế việc cấp vốn ODA. Tính đến nay, vốn ODA cam kết cho Việt Nam năm 2008 trên 40 tỷ USD, nhưng mới chỉ giải ngân được khoảng 7-8 tỷ USD.
Thứ hai, nguồn vốn FDI cũng sẽ gặp khó khăn vì dù cho số lượng dự án đăng ký tăng cao, nhưng chắc chắn lượng vốn thực hiện sẽ không được dồi dào như trước vì các nhà đầu tư nước ngoài cũng thiếu tiền và gặp khó khăn trong việc vay các ngân hàng ở nước ngoài.
Thứ ba, kiều hối sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì đa số kiều hối về Việt Nam xuất phát từ Mỹ. Mỗi năm Việt Nam nhận khoảng 3 tỉ USD kiều hối, số tiền này chắc chắn sẽ giảm khi nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn.
Thứ tư, cán cân thanh toán sẽ gặp khó khăn khi các ngân hàng bị thiếu hụt tín dụng.
Thứ năm, xuất khẩu sẽ bị tác động nặng nề nhất vì Mỹ, EU, Nhật đang là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Thứ sáu, nhập siêu với Trung Quốc sẽ tăng nhanh vì hàng giá rẻ của Trung Quốc không vào được thị trường Nhật, Mỹ, EU thì sẽ đổ dồn sang Việt Nam.
Để hạn chế bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường; đặc biệt chú trọng và tăng cường công tác dự báo. Cần xây dựng nhiều “kịch bản” và cách ứng phù hợp, để khi xảy ra trường hợp nào thì ứng phó được ngay. Về tiền tệ, cần tăng cường quản lý các hoạt động tài chính.
Trong đó, các doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách phát triển thị trường nội địa và tiếp tục phát triển xuất khẩu cho các thị trường mới ngoài Mỹ, EU và Nhật.

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code