Thẻ ATM chưa trở thành dịch vụ phổ biến của các ngân hàng trong nước
Thẻ ATM là loại thẻ ghi nợ do ngân hàng phát hành thẻ
cấp cho khách hàng sử dụng theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. Người sở
hữu thẻ (gọi là chủ thẻ) là bất kỳ cá nhân nào được ngân hàng cấp thẻ
sau khi đã ký hợp đồng phát hành, sử dụng thẻ với ngân hàng và hoàn
thiện các thủ tục mở tài khoản theo quy định của ngân hàng, như: xuất
trình giấy chứng minh nhân dân, điền các thông tin cần thiết vào những
chỗ trống trong mẫu đơn đề nghị mở tài khoản, nộp một số tiền tối thiểu
100.000 đồng để duy trì tài khoản…. Kể từ thời điểm được cấp thẻ, chủ
thẻ có quyền sử dụng thẻ để rút tiền mặt, thực hiện một số dịch vụ tại
máy rút tiền tự động (automatic teller machine gọi tắt là ATM) và thanh
toán hàng hoá, dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ trong phạm vi số dư
trên tài khoản của mình. Do đó, thay cho việc thanh toán bằng tiền mặt
như những năm trước đây, ngày nay nhiều người dân đã sử dụng thẻ ATM để
thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại hoặc chuyển tiền, thực
hiện các giao dịch hợp pháp khác.
Có thể nói thẻ ATM là một công cụ thanh toán quan
trọng để khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức thực hiện thanh toán không
dùng tiền mặt theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời, việc
thanh toán bằng thẻ ATM mang lại rất nhiều tiện ích cho chủ thẻ, như:
tiết kiệm được thời gian, chi phí và bảo đảm an toàn cho chủ thẻ thực
hiện thanh toán các giao dịch mà không phải mang theo một lượng lớn tiền
mặt. Chính vì những tiện ích nói trên của thẻ ATM, cùng với sự phát
triển của các quan hệ kinh tế – xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế
mà ngày càng có nhiều người sử dụng thẻ ATM để thực hiện các giao dịch
kinh doanh thương mại và dân sự trong cuộc sống hằng ngày.
Tại Việt Nam, dịch vụ thanh toán thẻ mới được sử dụng
làm công cụ thanh toán trong khoảng 10 năm trở lại đây; trong khi ở các
nước phát triển trên thế giới, công cụ thanh toán này đã được sử dụng
hàng trăm năm qua. Cho nên, dịch vụ thanh toán thẻ chưa phải là dịch vụ
phổ biến, truyền thống và mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng
thương mại trong nước như hoạt động tín dụng. Mặt khác, phần lớn người
dân nước ta chưa biết và nhận thức được đầy đủ những tiện ích của thẻ
ATM trong thanh toán hàng hoá, dịch vụ. Do vậy, hơn 10 năm làm dịch vụ
phát hành, thanh toán thẻ, số người sử dụng thẻ ATM tại Ngân hàng Ngoại
thương Việt Nam – một ngân hàng có thị phần thanh toán thẻ lớn nhất tại
Việt Nam (chiếm hơn 50%) chỉ đạt khoảng một triệu, trong đó chủ thẻ chủ
yếu là những thương nhân và những người dân ở các thành thị. Đây là con
số khá khiêm tốn so với một đất nước có dân số hơn 82 triệu người.
Xác định quan hệ giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ như thế nào?
Mặc dù, dịch vụ thanh toán thẻ mới chỉ ở giai đoạn
đầu của quá trình phát triển, nhưng các ngân hàng thương mại đã phải
giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại của các chủ thẻ, thậm chí đã phải
tham gia tố tụng tại Tòa án theo đơn khởi kiện của chủ thẻ. Điển hình là
vụ chị Trần Thị Thanh Thủy kiện Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương
Việt Nam (Techcombank) tại Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
(xử sơ thẩm) để đòi bồi thường số tiền trên tài khoản của chị bị mất 30
triệu đồng năm 2005. Từ vụ án này và nhiều vụ khiếu nại khác về thẻ, một
số chủ thẻ cho rằng quan hệ giữa ngân hàng phát hành thẻ với chủ thẻ là
quan hệ gửi giữ tài sản (quan hệ pháp luật dân sự). Cho nên, quan hệ
gửi giữ tài sản này phải chịu sự điều chỉnh của các quy định về hợp đồng
dân sự trong Bộ luật Dân sự. Bằng chứng cho sự tồn tại quan hệ gửi giữ
tài sản giữa ngân hàng với chủ thẻ là chiếc thẻ ATM và tài khoản mang
tên chủ thẻ tại ngân hàng. Do đó, số tiền trên tài khoản là tài sản mà
chủ thẻ gửi giữ tại ngân hàng. Chính vì vậy, nếu làm mất mát, hư hỏng
tài sản gửi giữ đó (trừ trường hợp bất khả kháng), thì ngân hàng giữ tài
sản phải bồi thường thiệt hại cho người gửi tài sản (Điều 565, 566 Bộ
luật Dân sự năm 1995 hoặc Điều 561, 562 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự “Hợp đồng gửi giữ
tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của
bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết hạn
hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi
giữ không phải trả tiền công” (Điều 559 Bộ luật Dân sự năm 2005), việc
một số chủ thẻ cho rằng quan hệ giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ
là quan hệ gửi giữ tài sản là chưa đủ cơ sở và chưa phù hợp với quy
định của pháp luật vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, người giữ tài sản là pháp nhân và thực hiện
dịch vụ này nhằm mục đích sinh lợi (ngân hàng), trong khi một bên là cá
nhân gửi tài sản hầu như không có mục đích kinh doanh (chủ thẻ). Nếu cá
nhân gửi tiền tại ngân hàng với mục đích kinh doanh, thì cá nhân đó lựa
chọn các hình thức đầu tư khác với lãi suất cao hơn để đầu tư. Các hình
thức đầu tư này có thể là: gửi tiết kiệm có kỳ hạn, mua kỳ phiếu, trái
phiếu … Mục đích chính của cá nhân mở tài khoản tại ngân hàng và chuyển
tiền vào tài khoản đó không phải hưởng lãi theo lãi suất không kỳ hạn do
ngân hàng quy định mà để cất giữ hoặc thuận tiện cho việc thanh toán
hàng hoá, dịch vụ.
Thứ hai, hiện nay, không còn văn bản pháp luật nào
định nghĩa tài sản mà chỉ có quy định mang tính liệt kê “Tài sản bao gồm
vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 của Bộ luật
Dân sự năm 2005). Cho nên, tiền trên tài khoản của chủ thẻ là tài sản mà
chủ thẻ gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên, số tiền gửi giữ này khác với tài
sản gửi giữ được nêu trong hợp đồng gửi giữ tài sản theo quy định trong
Bộ luật Dân sự. Trong quan hệ giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ,
bên giữ tài sản (ngân hàng) có trách nhiệm bảo quản tài sản cho người
gửi tài sản (chủ thẻ) nhưng không có nghĩa vụ trả lại chính tài sản đó
cho bên gửi tài sản khi hết thời hạn hợp đồng. Trường hợp chủ thẻ phải
trả lại chính số tiền mà người gửi đã nộp, thì chủ thẻ không được sử
dụng thẻ ATM để rút tiền mặt hoặc thanh toán hàng hoá, dịch vụ trong
suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng gửi giữ tài sản. Hơn nữa, hợp
đồng phát hành và sử dụng thẻ ATM giữa ngân hàng với chủ thẻ là loại hợp
đồng dân sự không xác định thời hạn và bên gửi tài sản không phải trả
tiền công cho bên giữ.
Chẳng hạn như, khi mở tài khoản, chủ thẻ nộp cho ngân
hàng mười triệu đồng, trong đó có 5 triệu đồng loại tiền 500.000 đồng, 3
triệu đồng loại tiền 100.000 đồng và 2 triệu đồng loại tiền 50.000 đồng
với số seri xác định. Số tiền này sẽ được ngân hàng đưa vào lưu thông
và không còn là tài sản thuộc sở hữu của chủ thẻ ngay sau khi nộp. Do
đó, khi sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt hoặc thanh toán hàng hoá, dịch
vụ, thì chủ thẻ không thể nhận lại số tiền mà mình đã nộp vào tài khoản
tại ngân hàng và cũng không có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán hàng
hoá, dịch vụ bằng chính số tiền đó.
Thứ ba, theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong quan
hệ gửi giữ tài sản, bên gửi tài sản có nghĩa vụ giao tài sản cho bên giữ
tài sản và thông báo ngay cho người giữ tài sản biết tình trạng tài
sản, biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ. Đối chiếu với
quan hệ phát hành và sử dụng thẻ ATM giữa ngân hàng phát hành thẻ với
chủ thẻ, số tiền trên tài khoản của chủ thẻ không nhất thiết là tiền do
chủ thẻ trực tiếp nộp tại ngân hàng mà có thể tiền từ bên thứ ba chuyển
đến thông qua hệ thống tài khoản của ngân hàng. Bên thứ ba có thể là
người sử dụng lao động trả lương cho người lao động, người mua hàng hoá,
dịch vụ thanh toán hàng hoá, dịch vụ cho bên bán hàng, cung ứng dịch
vụ…
Từ những lý do trên đây, chúng tôi cho rằng quan hệ
giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ chỉ là quan hệ dân sự thông
thường chứ không thuộc một trong những hợp đồng dân sự thông dụng được
quy định trong Bộ luật Dân sự như hợp đồng gửi giữ tài sản mà một số chủ
thẻ đã nói ở trên. Do đó, những quy định chung về hợp đồng dân sự trong
Bộ luật Dân sự được áp dụng đối với quan hệ phát hành và sử dụng thẻ
giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ. Ngoài ra, mối quan hệ giữa chủ
thẻ với ngân hàng phát hành thẻ còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật
chuyên ngành (như Quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ ngân hàng
ban hành kèm theo Quyết định số 371/1999/QĐ-NHNN1 ngày 19/10/1999 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
Chủ thẻ khiếu nại và khởi kiện khi mình là người vi phạm hợp đồng
Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật
chuyên ngành, các bên có quyền thỏa thuận và ký kết hợp đồng phát hành
và sử dụng thẻ ATM. Thực tế, theo hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ giữa
chủ thẻ với hầu hết các ngân hàng phát hành thẻ trong nước hiện nay,
thì chủ thẻ phải thay đổi số pin ngay sau khi nhận được thẻ và thông báo
bằng hình thức nhanh nhất cho ngân hàng (điện thoại, email, trực tiếp
…) khi thẻ bị mất cắp, thất lạc, lộ số pin hoặc có nghi ngờ thẻ đang bị
lợi dụng, sau đó gửi bằng văn bản cho ngân hàng. Trường hợp của chị Trần
Thị Thanh Thủy nói trên và nhiều khách hàng khiếu nại khác, chủ thẻ đã
không thông báo cho ngân hàng trước khi thẻ của mình được sử dụng để
giao dịch. Căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng, ngân hàng chỉ phải chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ thẻ đối với những giao dịch lợi
dụng thẻ để thực hiện sau khi ngân hàng đã nhận được thông báo của chủ
thẻ và có xác nhận về việc nhận được thông báo mất thẻ hoặc lộ số pin
của chủ thẻ. Do vậy, chủ thẻ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do
thẻ của mình bị lợi dụng trước khi có xác nhận của ngân hàng.
Về quy trình, để thực hiện được giao dịch bằng thẻ
ATM, người sử dụng thẻ ATM phải có thẻ hợp lệ và số pin hợp lệ. Nếu một
người nào đó có được thẻ hợp lệ do chủ thẻ đánh rơi hoặc bị mất cắp
nhưng không biết số pin, thì người đó không thể sử dụng thẻ để rút tiền
mặt, chuyển tiền và thực hiện giao dịch thanh toán hàng hoá, dịch vụ.
Bởi vì số pin là mã số bảo mật được lưu trong phần mềm của hệ thống máy
ATM do chủ thẻ tự chọn và cài đặt sau khi được ngân hàng phát hành cấp
thẻ, nên chỉ có duy nhất chủ thẻ mới biết số pin này. Thậm chí ngay cả
khi chủ thẻ quên số pin, ngân hàng cũng không thể biết số pin đó để cung
cấp cho chủ thẻ. Trong trường hợp đó, chủ thẻ chỉ có thể làm lại thẻ
khác và cài đặt số pin mới.
Trong thời gian qua, nhiều trường hợp chủ thẻ khiếu
nại với ngân hàng về việc mất tiền trên tài khoản của mình, nhưng sau
khi ngân hàng cho xem sao kê (tài liệu liệt kê các giao dịch được thực
hiện trên tài khoản của chủ thẻ) cùng với đoạn phim qua hệ thống camera
ghi lại cảnh người sử dụng của chủ thẻ để rút tiền mặt hoặc thực hiện
giao dịch tại máy AMT cụ thể với thời gian và số lần rút tiền mặt, thực
hiện giao dịch xác định, chủ thẻ mới biết người sử dụng thẻ là chồng/vợ
hoặc bạn bè, đồng nghiệp, thân nhân của mình. Lúc đó, chủ thẻ mới yên
lặng và tự nguyện rút đơn khiếu nại của mình.
Từ thực trạng nói trên, chúng tôi thiết nghĩ các chủ
thẻ nên đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng và thực hiện nghiêm chỉnh
nghĩa vụ của mình trong hợp đồng đó để hạn chế thẻ ATM bị người khác lợi
dụng. Mặt khác, các ngân hàng cần tăng cường trang bị thêm các thiết bị
camera và lắp đặt ở vị trí thích hợp để có thể quan sát, theo dõi được
tất cả những người sử dụng thẻ ATM đến máy ATM rút tiền mặt hoặc thực
hiện giao dịch thanh toán hàng hoá, dịch vụ hoặc chuyển tiền. Những biện
pháp phòng ngừa này tuy chưa đủ để ngăn chặn thiệt hại cho chủ thẻ
nhưng có thể hạn chế được những khiếu nại, tranh chấp liên quan đến thẻ
ATM giữa chủ thẻ với ngân hàng phát hành thẻ, qua đó góp phần ổn định và
thúc đẩy thị trường thẻ ATM phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế
quốc tế.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 18/2006
0 comments:
Post a Comment