NGÂN HÀNG NHÀ NUỚC VIỆT NAM
1. Từ năm 2006 đến tháng 4/2008,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với các bộ, ngành liên
quan nghiên cứu, trình Chính phủ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
khoá XI và khóa XII xử lý vướng mắc của Bộ luật Dân sự liên quan đến lãi
suất kinh doanh của TCTD. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XII có ý kiến
chưa nhất trí việc sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự, trong
trường hợp lãi suất cơ bản do NHNN công bố chưa phù hợp với thực tiễn,
thì NHNN có thể điều chỉnh nâng lãi suất cơ bản để thể hiện đúng bản
chất của lãi suất cơ bản được quy định trong Luật NHNN.
Thực hiện ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa
XII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng cơ chế điều
hành lãi suất cơ bản trình Thường trực Chính phủ xem xét, nhất trí tại
văn bản số 3168/VPCP-KTTH ngày 16/5/2008 về cơ chế điều hành lãi suất cơ
bản của Văn phòng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thống đốc NHNN đã ban hành
Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN ngày 16/5/2008 về cơ chế điều hành lãi
suất cơ bản bằng Đồng Việt Nam:
- Việc ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN dựa trên cơ sở pháp lý: Luật NHNN, Điều 9 và 18 quy định “NHNN xác định và công bố lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn” và “Lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh”; Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng”.
- Lãi suất cơ bản do NHNN công bố là công cụ để điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các chức năng: Một là, làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh. Hai là, có tác dụng định hướng và
điều tiết lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng. Theo đó, lãi suất
cơ bản được xác định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường nội tệ liên ngân
hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, lãi suất huy động đầu
vào của TCTD và xu hướng biến động cung – cầu vốn, mục tiêu điều hành
chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.
- Nội dung Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN:
Thứ nhất, các TCTD ấn định lãi suất kinh
doanh (lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay) bằng Đồng Việt Nam đối
với khách hàng theo nguyên tắc lãi suất kinh doanh không vượt quá 150%
của lãi suất cơ bản do NHNN công bố áp dụng trong từng thời kỳ. Định kỳ
hàng tháng, NHNN công bố lãi suất cơ bản. Trong trường hợp cần thiết,
NHNN công bố điều chỉnh kịp thời lãi suất cơ bản.
Thứ hai, Quyết định này có hiệu lực thi hành
từ ngày 19 tháng 5 năm 2008. Quyết định số 546/2002/QĐ-NHNN ngày 30
tháng 5 năm 2002 về việc thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận trong hoạt
động tín dụng thương mại bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng
hết hiệu lực thi hành. Theo đó, việc huy động vốn bằng VND của các TCTD
phù hợp với quy định về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản, mức trần lãi
suất huy động 12%/năm theo công điện số 02/CĐ-NHNN ngày 26/02/2008 hết
hiệu lực thi hành.
- Tác động của việc thực hiện cơ chế lãi suất cơ bản:
Thứ nhất, lãi suất cơ bản vừa phản ánh thực
tế lãi suất thị trường, vừa đóng vai trò là lãi suất điều hành chính
sách tiền tệ của NHNN, cho nên góp phần tạo nên mặt bằng lãi suất huy
động và cho vay hợp lý và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người gửi tiền –
TCTD – người vay vốn.
Thứ hai, với mức lãi suất cơ bản là 12%/năm,
thì lãi suất cho vay tối đa của các TCTD là 18%/năm, tương đối phù hợp
với mặt bằng lãi suất thị trường, không gây nên những xáo trộn lớn trên
thị trường tiền tệ, tín dụng (theo báo cáo của các ngân hàng thương mại
về lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay, thấp nhất là 12% –
14%/năm, phổ biến là 15% – 18%/năm).
2. Để đảm bảo sự đồng bộ trong điều
hành cơ chế lãi suất nhằm mục đích điều tiết tiền tệ một cách có hiệu
quả, Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định thay đổi cơ chế điều hành
lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu có hiệu lực thi hành từ
ngày 19/5/2008: Lãi suất tái cấp vốn là 13,0%/năm; lãi suất tái chiết
khấu là 11,0%/năm. Cơ chế này tạo nên hành lang giữa lãi suất tái cấp
vốn và lãi suất tái chiết khấu (chênh lệch 2%) có tác dụng góp phần điều
tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng; trong đó, lãi suất cơ bản và
lãi suất nghiệp vụ thị trường mở sẽ dao động trong hành lang này. Khi
điều kiện thị trường tiền tệ thay đổi, NHNN sẽ xem xét, điều chỉnh các
mức lãi suất biến động theo một biên độ nhất định, phù hợp với mục tiêu
và giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.
SOURCE: TÀI LIỆU CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC TRONG PHIÊN HỌP BÁP NGÀY 17/5/2008
0 comments:
Post a Comment