Wednesday, February 12, 2014

ĐƯỜNG LỐI CẢI CÁCH KINH TẾ CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

TS. NGUYỄN HỒNG OANH
Bằng một loạt những quyết định giải quyết những vụ tham nhũng lớn gần đây, Chính phủ đã nhận được sự cổ vũ và ủng hộ của nhân dân và thế giới về quyết tâm làm trong sạch bộ máy và đẩy mạnh cải cách để đưa dân tộc thoát khỏi sự kìm kẹp của đói nghèo và lạc hậu. Nhìn lại hai thập kỷ đã qua kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, có thể thấy VN hiện thuộc nhóm những quốc gia đang có đà tăng trưởng cao trong khu vực (khoảng 7,2%/năm) chỉ sau Trung Quốc (9.2%/năm) [1].
Chính sách ngoại giao ôn hoà, hợp tác, cùng với nỗ lực tham gia ASEAN, APEC, WTO và thu hút đầu tư nước ngoài đã cải thiện đáng kể uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Bên cạnh đó VN cũng được coi là một nước khá thành công trong xoá đói giảm nghèo và hạn chế những tác động tiêu cực do phát triển kinh tế gây ra trong thời kỳ quá độ. Tuy đã đạt được khá nhiều thành công, VN vẫn phải đối mặt với những thách thức rất lớn phía trước.  Cho đến nay VN vẫn chỉ được coi là một nước nghèo với thu nhập bình quân đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực (Biểu 1).  Tỉ lệ nghèo hiện nay vẫn còn khoảng trên 20% nghĩa là cứ 5 hộ thì có một hộ nghèo [2].  Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2004-2005, chỉ số cạnh tranh phát triển của VN bị tụt 4 hạng, xếp thứ 81 trên 117 quốc gia [3].   Điều này cho thấy trong khi những tác dụng của chính sách đổi mới trước đây đã đi vào ổn định, VN đứng trước nguy cơ có thể bị tụt hậu nếu không tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách.  Bài viết dưới đây chia sẻ một số ý kiến bàn luận về cải cách kinh tế của đất nước trong điều kiện hiện tại.

Biểu 1: Thu nhập bình quân đầu người của VN và một số nước [4] (US$)
Nhật 37050 Trung Quốc 1500
Úc 27070 Philippines 1170
Singapore 24760 Indonesia 1140
Hàn Quốc 14000 VN 540
Malaysia 4520 Lào 390
Thái Lan 2490 Campuchia 350
Vai trò của Nhà nước và khối quốc doanh trong nền kinh tế thị trường 
Về đường lối phát triển kinh tế và hội nhập, VN đã cam kết xây dựng nền kinh tế thị trường theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” – một mô hình trong đó kinh tế quốc doanh “giữ vai trò chủ đạo” [5].  Thực tế khối kinh tế quốc doanh có khoảng 12.000 DNNN giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới và nay chỉ còn khoảng 4.000 DNNN và vẫn đang nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định quốc gia, 50% vốn đầu tư nhà nước và 60% tín dụng ngân hàng trong nước [6].  Trong khi đó khối này chỉ đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội và tạo việc làm cho khoảng 10% của lực lượng lao động của cả nước, phần còn lại chủ yếu do khu vực ngoài quốc doanh đóng góp (Biểu 2) [7].   
Phần lớn tài sản của khối quốc doanh chủ yếu nằm ở các công ty lớn, trong đó số làm ăn có lãi một phần là do độc quyền trong một số lĩnh vực như hàng không, dầu khí, điện lực, viễn thông.  Ở những khu vực không được bảo trợ các DNNN thường phải chật vật để cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.  Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2003 tỷ lệ DNNN đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn dưới 5% (mức lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất gửi tiền tiết kiệm ngân hàng hiện tại là 7-8%/năm) là 59%.  Hiệu quả hoạt động của DNNN sẽ còn thấp nữa nếu tính tới giá trị của đất và tín dụng mà các DNNN đang được ưu đãi [8].  Những ưu đãi này không khỏi gây khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và hạn chế sức phát huy của nền kinh tế thị trường.  Điều này một phần lý giải tại sao sau 20 năm cải cách, nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận kinh tế VN là một nền kinh tế thị trường, vấn đề có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp VN sau khi gia nhập WTO nếu điều kiện “nền kinh tế phi thị trường” bị áp cho VN và qua đó các nước nhập khẩu có thể áp đặt phương thức điều tra chống phá giá không công bằng đối với hàng xuất khẩu từ VN. 
Nhìn chung những bất cập liên quan tới DNNN đã được giải quyết theo hai hướng chủ yếu là cổ phần hoá và cho ra đời Luật doanh nghiệp 1999 để khuyến khích sự hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân.  Hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân kể từ năm 2000 là những bằng chứng rõ nét thể hiện sự chuyển đổi tích cực cơ cấu kinh tế [9].  Gần đây Luật doanh nghiệp năm 2005 chung cho tất cả các loại doanh nghiệp chứng tỏ một bước tiến mới trong việc xoá bỏ phân biệt theo thành phần sở hữu đối với doanh nghiệp, theo đó trong 4 năm kể từ ngày có hiệu lực (1.7.2006) tất cả các DNNN thành lập theo Luật doanh nghiệp nhà nước 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần. 
Tổng kết lại có thể thấy mặc dù đã giữ vai trò chủ đạo trong thời kỳ đầu của công cuộc cải cách như là di sản của nền kinh tế tập trung bao cấp, khối quốc doanh đã đang phải thu hẹp trong quá trình tiến tới một nền kinh tế thị trường để hội nhập.  Tuy đây là sự chuyển biến tất yếu và tích cực, nó cũng đặt vai trò quản lý nhà nước vào một không gian mới với những thách thức không thể bỏ qua. 
Thứ nhất, trong khi nhu cầu ngân sách nhà nước sẽ ngày càng tăng để phục vụ cho đầu tư phát triển thì 35% nguồn thu nội địa do các DNNN hiện đang đóng góp có thể bị ảnh hưởng khi phần lớn DNNN chuyển đổi sở hữu. Gánh nặng ngân sách của nguồn nội địa sẽ tăng một khi thuế xuất nhập khẩu (khoảng 20% tổng thu) phải giảm theo các cam kết với WTO và các hiệp định thương mại tự do.  Một khó khăn nữa là ngành thuế của VN còn khá non trẻ đối với một nền kinh tế thị trường.   Nhằm bảo đảm thu thuế một cách hiệu quả, công bằng từ mọi nguồn, đặc biệt là khu vực tư nhân (bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp), thì cải tổ ngành thuế là cần thiết và cấp bách trong thời gian tới  [10].
Vì Nhà nước không trực tiếp sở hữu và điều hành các doanh nghiệp, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sẽ phải gián tiếp thông qua luật pháp chung thay vì trực tiếp điều hành qua bộ chủ quản như trước đây.  Do vậy công tác xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các khung pháp lý cho nền kinh tế thị trường và hội nhập như thuế, cạnh tranh, kinh doanh, tài chính, bất động sản, lao động, bản quyền,… là cần thiết.  Ngoài ra cần nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy lập pháp và hành pháp và học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển. 
Về quản lý các doanh nghiệp vẫn thuộc sở hữu nhà nước hay Nhà nước nắm quyền chi phối trong thời kỳ tới, có thể thấy việc tiếp tục phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm quyền chi phối như hiện nay như con dao hai lưỡi. Mục tiêu chính của tập đoàn kinh tế là tập hợp một nhóm các doanh nghiệp nhằm tạo dựng lợi thế về qui mô (economies of scale) để tăng hiệu quả kinh tế cũng như sức cạnh tranh.  Trên nguyên tắc này, việc thành lập các tập đoàn kinh tế sẽ đáp ứng được nhu cầu tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.  Tuy nhiên mặt trái của vấn đề là các tập đoàn kinh tế có thể trở thành những công ty độc quyền ngăn cản sự cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoặc gây thiệt hại cho người tiêu dùng [11]. 
Bài học về quản lý các DNNN lớn đã cho thấy không ít công ty lớn được Nhà nước bảo hộ thường có sức cạnh tranh thấp nhưng lại khó diệt vong, do đó có thể gây hậu quả tai hại lâu dài gồm cả nợ khó đòi và lao động dôi dư.  Ngược lại một số công ty lớn ăn lên làm ra do biệt tận dụng lợi thế của mình, giám đốc có thể rút ruột tài sản công mà vẫn có thành tích vì công ty vẫn làm ăn có lãi.  Giải pháp cho những vấn đề này là hoàn thiện cơ chế quản lý về nhân sự và tài chính của doanh nghiệp thích hợp.  Đồng thời cần giám sát chặt chẽ hoạt động cạnh tranh và có can thiệp thích hợp nếu có độc quyền, lạm dùng độc quyền.  Nhằm giảm bớt gánh nặng quản lý và ngân sách, nhà nước vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá các công ty lớn để bộ máy điều hành chịu sự giám sát của hội đồng quản trị nhiều thành phần và tiếp cận với nguồn vốn của dân. 
Tham nhũng và bộ máy quản lý 
Một trong những rào cản lớn đối với phát triển trong quá trình quá độ đối với các nước đang phát triển là nạn tham nhũng đi đôi với hiệu quả của bộ máy quản lý thấp.  Nạn tham nhũng ở VN không phải là vấn đề mới lạ nhưng không ít ý kiến cho rằng nó đã trở nên phổ thông, hệ thống và nghiêm trọng.  Trong khi lương công chức theo qui định chỉ có vài triệu đồng một tháng, nhiều người vẫn có đủ tiền mua xe hơi, xe máy đắt tiền, nhà to, cho con cái đi du học.  Gần đây một loạt các vụ án tham nhũng lớn cấp thành phố, tổng công ty và cấp bộ xảy ra với thất thoát hàng tỷ đồng mỗi vụ.  Chỉ tính con số thống kê chính thức năm 2002, ngành thanh tra phát hiện các sai phạm với tổng giá trị lên tới 2.739 tỷ đồng với 12.512 hecta đất, mặc dù “Tỉ lệ phát hiện như vậy rất nhỏ và chưa phản ánh đúng thực tế xã hội đòi hỏi” [12]. 
Tham nhũng (bao gồm cả tham ô và hối lộ) tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế của đất nước.  Về mặt kinh tế, hối lộ làm tăng chi phí sản xuất. Trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh quốc tế thì điều này có nghĩa là một quốc gia có tệ tham nhũng càng nghiêm trọng sẽ càng bị mất lợi thế cạnh tranh.  Đối với cạnh tranh trong nước, tham nhũng gây nên cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.  Doanh nghiệp trốn được thuế (do biết đi cửa sau) sẽ có giá bán thấp hơn các doanh nghiệp khác thực hiện đầy đủ các loại thuế.  Tham nhũng cũng ảnh hưởng tới đầu tư (trong nước và nước ngoài) vì nó làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh.  Tham nhũng còn thể hiện những bất công trong xã hội và giảm hiệu quả quản lý nhà nước.  Một giám đốc tham ô của nhà nước 1 tỷ đồng thì không có nghĩa là nền kinh tế bị thiệt hại 1 tỷ đồng đó.  Thực ra tiền chỉ chuyển từ nhà nước sang túi của vị giám đốc đó.  Nếu số tiền trên được lấy từ quĩ phúc lợi của một công ty thì cũng có nghĩa là công nhân của công ty đó bị cướp đi khoản tiền đúng bằng đó. 
Muốn giải quyết được nạn tham nhũng phải xác định và diệt trừ căn nguyên của nó, đó chính là sự bất hợp lý trong chế độ thù lao của công chức so với lao động ở các khu vực kinh tế khác.  Nếu trong một nền thị trường mà sức lao động cũng là một loại hàng hoá thì không thể trông đợi công chức với đồng lương một vài triệu/tháng vẫn cống hiến hết tài đức cho xã hội.  Để đẩy lùi nguy cơ tham nhũng do vậy cần bảo đảm thu nhập cho công chức theo mức mà thị trường lao động chấp nhận.  Tuy vậy, tăng lương cho khối nhà nước thì không tránh khỏi bùng nổ ngân sách và lạm phát phi mã như đã từng xảy ra trong thời bao cấp.  Mặt khác, nếu giữ chi ngân sách cố định thì để tăng lương gấp đôi thì cũng có nghĩa là phải cắt giảm một nửa nhân lực – điều không khả thi đối với một nền kinh tế đang phát triển như VN.  Thực tế năm 2004 bộ máy hành chính cố gắng cắt giảm được khoảng 13.000 lao động thì tổng số biên chế tăng thêm khoảng 60.000 lao động [13].  Qua đây có thể thấy sự phức tạp của tham nhũng là ở chỗ nó gắn liền với bộ máy nhà nước kém hiệu quả.  Do đó về mặt chiến lược cần xác định chống tham nhũng phải đi đôi với cải cách bộ máy hành chính. 
image
Để diệt trừ tham nhũng trước mắt cần cải thiện hệ thống pháp luật và bộ máy điều tra, thanh tra, giám sát, chống tham nhũng.  Nhưng để thành công thì bộ máy chống tham nhũng phải thực sự trong sạch và mạnh.  Một số bài học rút ra từ những số vụ tham nhũng lớn điển hình gần đây là: 
° Giao nhiều quyền hành (và cả trách nhiệm) hơn cho những người đứng đầu bộ máy điều tra, thanh tra, chống tham nhũng.  Chẳng hạn việc thủ tướng là trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là một quyết định đúng trong bối cảnh hiện nay.   
° Cần có nhiều “Bao Công” hơn để bộ máy chống tham nhũng đủ mạnh.  Trong bối cảnh tham nhũng tràn lan như hiện nay, nếu chỉ có Ban chỉ đạo làm việc đắc lực thì cũng chỉ giải quyết được những vụ tham nhũng lớn.  Để bảo đảm hiệu quả chống tham nhũng ở cấp tỉnh trở xuống, cần có quyết sách đối với lãnh đạo ở các cấp này.  Chẳng hạn cần nâng cao và củng cố vai trò của hội đồng nhân dân ở các cấp địa phương.   
° Triển khai áp dụng bằng được Luật chống tham nhũng hiệu quả và rộng rãi. 
° Thiết lập đường dây nóng chống tham nhũng trên toàn quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền chống tham nhũng trên cả nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 
° Đẩy mạnh hơn nữa vai trò của báo chí và thông tin đại chúng trong cuộc chiến chống tham nhũng.  Nếu chúng ta có được một hệ thống báo chí và thông tin đại chúng dân chủ và tốt như bây giờ từ cách đây vài thập kỷ thì hẳn VN ngày nay đã khác. 
Đặc điểm của những giải pháp trên là có tác dụng ngay nhưng chưa chắc đã bền vững.  Vì nếu chỉ tập trung làm trong sạch mà không cải thiện thu nhập và chính sách đãi ngộ phù hợp có thể dẫn tới nguy cơ bị mất chất xám và cán bộ giỏi.  Bên cạnh đó phải kể đến những ràng buộc mang tính hệ thống như đã thấy khi đụng vào những đối tượng thuộc diện “trung ương quản lý”.  Mặt hạn chế của hệ thống hiện nay là khả năng ứng phó của nó đối với những cú sốc kiểu như vụ PMU18.  Việc giải quyết với những tình huống như vậy còn phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo nhiều hơn là sức ép của bản thân hệ thống.  Do vậy để bảo đảm hiệu quả và bền vững, chống tham nhũng cần đi đôi với cải cách bộ máy hành chính và thể chế như đã đề cập ở trên.   
Nhân lực và cạnh tranh để hội nhập 
Rốt cục vấn đề cốt lõi để giải quyết nạn tham nhũng và tăng hiệu quả quản lý nhà nước là cải thiện được chất lượng con người trong bộ máy.  Vấn đề nhân lực không chỉ quan trọng đối với bộ máy quản lý hành chính mà cả nền kinh tế nước nhà trong thời kỳ hội nhập nói chung.   
Nguồn lực vật chất đã đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế trong suốt 20 năm đổi mới nhưng xét về sâu xa mới chỉ là điều kiện cần để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và tự do thương mại, tích luỹ tư bản thông qua hoạt động của nền kinh tế thị trường sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu đầu tư và công nghệ của các quốc gia.  Khi đó yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia sẽ không còn bị lệ thuộc nhiều vào tích luỹ tư bản mà chủ yếu là nhân lực.  Sự bùng nổ đầu tư nước ngoài vào một số nước châu Á trong mấy thập kỷ qua đã cho thấy một trong những nhân tố chủ yếu thu hút đầu tư nước ngoài là nguồn nhân lực.  Đầu tư nước ngoài sẽ đổ về nơi có lao động rẻ hơn mà “rẻ” ở đây không phải là về giá trị tuyệt đối của chi phí nhân công mà là giá trị tương đối của nó so với giá của sản phẩm được làm ra hoặc so với chi phí nhân công ở những nước khác.  Điều này có nghĩa chất lượng con người sẽ là yếu tố quyết định cuối cùng quyết định đến tăng trưởng và sức cạnh tranh của quốc gia vì những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp (thông qua thu hút đầu tư nước ngoài).  Đánh giá về tiềm năng, VN có lợi thế về nguồn lao động dồi dào với dân số khá lớn và chỉ số phát triển con người, theo Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), ở mức 108 trong số 177 quốc gia [14].  Tuy vậy theo Bộ LĐTBXH thì khoảng 3/4 lực lượng lao động của cả nước vẫn chưa qua đào tạo [15].  Để phát triển được lợi thế tương đối về nguồn lực lao động, thì phát triển chất lượng nguồn lao động cần phải được ưu tiên như một nhiệm vụ chiến lược. 
Một vấn đề khác liên quan đến vấn đề nhân lực là sự phân bổ lao động.  Biểu 3 cho thấy ngành nông, lâm nghiệp hiện chiếm 55% lực lượng lao động của cả nước, trong khi chỉ đóng góp khoảng 18% tổng thu nhập quốc dân [16].  Trong điều kiện đất chật, người đông thì một trong những giải pháp cho ngành này là thúc đầy cơ giới hoá để tăng năng suất.  Điều này đồng nghĩa với nguy cơ thừa lao động trong ngành nông nghiệp và việc phải cơ cấu lại (đào tạo, chuyển đổi) một phần lực lượng lao động không nhỏ từ nông nghiệp sang các ngành khác.  Biểu hiện thực tế của vấn đề này là làn sóng lao động từ ngoại tỉnh đổ về các thành phố và khu công nghiệp đang ngày càng một tăng. Nhà nước cần coi như đây là một cơ hội và sớm có chính sách giải quyết thích hợp vì trong tương lai ngành dịch vụ và công nghiệp sẽ còn chiếm tỉ trọng cao hơn và cần nhiều lao động hơn. 
Liên quan tới chất lượng con người thì không thể không kể tới chất lượng giáo dục và đào tạo.  VN cần một sự cải tổ toàn diện ngành GDĐT vì hệ thống giáo dục từ tiểu học đến cao học vốn nặng về lý thuyết, yếu về thực hành, không cân đối giữa đào tạo đại học và dạy nghề.  Một thách thức đối với vấn đề nhân lực là trí thức và lao động VN còn bị rào cản về ngôn ngữ khiến cho lao động VN ít hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực. 
Trở lại vấn đề cải cách hành chính và chống tham nhũng nhìn dưới góc độ chất lượng nhân lực.  Bài học sau 20 năm đổi mới là nếu thị trường hoá (xoá bỏ rào cản đối với cung, cầu) đối với hàng hoá, dịch vụ thì chất lượng hàng hoá, dịch vụ vừa nhiều, vừa tốt, vừa rẻ hơn so với thời bao cấp.  Nếu xã hội hoá dịch vụ công ích (mà thực chất là thị trường hoá), như dịch vụ vận tải, thì chất lượng dịch vụ cao hơn với giá cả thấp hơn.  Vậy sao không mở cửa đối với lao động trong khu vực nhà nước để cải thiện chất lượng nhân lực trong khu vực này? Thực tế hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho các dự án chính phủ điện tử khắp cả nước nhưng không mấy cơ quan nhà nước công khai thông báo tuyển dụng trên trang web của mình.  Trên các báo, quảng cáo tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chỉ lác đác.  Không ít ý kiến cho rằng tuyển dụng vẫn chủ yếu mang tính nội bộ, ưu tiên con em lãnh đạo, người ngoài bộ máy khó được tiếp nhận nếu không quen biết hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn chính trị (đặc biệt đối với các vị trí lãnh đạo),… Cùng với thu nhập kém hấp dẫn, tuyển dụng nhân sự là một trong những rào cản đối với việc cải thiện bộ máy hành chính.  Phân tích trên cho thấy một số vấn đề liên quan đến việc tăng cường chất lượng nhân lực cần được giải quyết là: 
° Đẩy mạnh cải cách trong công tác tổ chức nhân sự trong khu vực nhà nước.  
° Đưa vào luật những vấn đề liên quan tới tuyển dụng và quản lý nhân lực trong các cơ quan tổ chức hành chính trong đó có những chính sách cụ thể ngăn chặn nạn con ông cháu cha. 
° Qui định các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước về việc công khai tuyển dụng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. 
° Mạnh dạn hạn chế tới mức tối thiểu và tiêu chuẩn hoá những yêu cầu liên quan tới chính trị không cần thiết đối với nhân sự làm việc trong bộ máy thuần tuý mang tính hành chính, công ích và thay vào đó là yêu cầu về bằng cấp, kinh nghiệm chuyên môn, ngoại ngữ và tin học. 
° Thực hiện khoán quĩ lương và khuyến khích đa dạng hoá các hình thức tuyển dụng (hợp đồng ngắn hạn, dài hạn, vụ việc, …).  Việc đa dạng hoá hình thức tuyển dụng không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan do khuyến khích chuyên môn hoá.   
Xoá đói giảm nghèo 
Một trong những thành tích nổi bật của 20 năm đổi mới là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 57% năm 1993 xuống còn khoảng 20% năm 2005.  Tuy đây là một thành công ấn tượng song tỷ lệ này vẫn còn khá cao và vẫn nên được ưu tiên giải quyết trong thời gian tới.  Cần chú ý rằng tăng trưởng kinh tế cao không hoàn toàn có nghĩa là đói nghèo sẽ giảm vì không có gì đảm bảo rằng mức sống của tất cả mọi đối tượng trong xã hội đều được tăng như nhau.  Thực tế tăng trưởng cao thường đi kèm với tăng khoảng cách giàu nghèo bởi vậy cần xác định xoá đói nghèo là một nhiệm vụ không thể tách rời trong quá trình phát triển.   
Đặc điểm nổi bật của nghèo đói ở VN là khoảng 90% hộ nghèo sống ở nông thôn mà sinh kế chủ yếu là nghề nông.  Do vậy phát triển nông nghiệp là giải pháp tất yếu trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.  Một thách thức căn bản của nông nghiệp VN là năng suất thấp mà lý do chủ yếu là do sản xuất manh mún và nông dân thiếu vốn trầm trọng.  Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp là cần thiết nhưng điều kiện tiên quyết là đồng ruộng phải đủ lớn không thể nhỏ lẻ manh mún.  Bởi vậy cần bắt đầy từ việc đẩy mạnh cải cách địa chính và dồn điền đổi thửa.  Mặt khác để bảo đảm vốn cho sản xuất nông nghiệp, nhà nước vẫn cần duy trì tín dụng ưu đãi cho các đối tượng nghèo đồng thời đẩy mạnh khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp. 
Liên quan đến năng suất không thể không nói tới những hạn chế trong nghiên cứu khoa học và phổ biến công nghệ (giống, công nghệ nuôi, trồng, bảo quản sau thu hoạch) cho bà con nông dân.  Do chất lượng liên quan đến giá thành nên VN tuy đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng gạo xuất khẩu nhưng chỉ đứng thứ 4 về doanh thu. 
Mặt khác có thể thấy mối liên hệ giữa đói nghèo và tỷ lệ thời gian lao động trong nghành nông nghiệp. Hiện tại tỉ lệ thời gian lao động trung bình cả nước chỉ đạt 79%, trong khi các vùng có tỷ lệ nghèo cao là Bắc Trung bộ và Tây Bắc chỉ có tỷ lệ thời gian lao động 76% và 77% [17].  Biểu 4 cho thấy mối liên hệ giữa thời gian lao động và tỷ lệ nghèo của tất cả 8 vùng trong cả nước theo đó nếu thời gian lao động tăng lên 1% thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm đi khoảng 1,8% [18].  Để giải quyết vấn đề này cần đa dạng hoá hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thời gian nông nhàn.  Ngoài ra Nhà nước cũng cần có chính sách cơ cấu lại lao động nông thôn bằng cách tạo điều kiện thu hút lao động vào các khu công nghiệp và các thành phố như đã đề cập ở trên [19].   
Một đặc điểm khác của nông nghiệp VN là vẫn nặng về sản xuất nuôi trồng trong khi kém về chế biến và giá trị gia tăng.  Ba hệ quả trực tiếp của vấn đề này là giá trị sản phẩm đầu ra thấp (do sản phẩm chủ yếu là thô), xuất khẩu chịu rủi ro cao do thị trường nông sản thế giới thay đổi thất thường, và chịu ảnh hưởng tiêu cực của tính thời vụ (bán rẻ vào mùa thu hoạch).  Ngành chế biến nông sản vẫn chưa được khai thác một cách triệt để và cần được khuyến khích.  Trong thời gian qua tuy một số doanh nghiệp chế biến của nhà nước đã được thành lập ở các địa phương, nhưng kết quả không như mong đợi do các doanh nghiệp không những không phát huy được khả năng mà còn hạn chế đầu tư và cạnh tranh của các thành phần kinh tế khác.  Trong thời gian tới cần đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp chế biến đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.  Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nông thôn ở VN trong thời gian qua đã giúp làm thay đổi bộ mặt, cải thiện điều kiện sống ở các vùng nông thôn và giảm chi phí sản xuất nông nghiệp.  Nếu đầu tư sản xuất và chế biến nông sản được tăng cường thì tác động của cơ sở hạ tầng nông thôn mới được phát huy triệt để. 
Cuối cùng là khả năng chống chọi của người nghèo với thiên tai, bão, lũ.  Mức thiệt hại về kinh tế trung bình hàng năm do thiên tai gây ra tương đương khoảng 2% của tổng thu nhập quốc dân, tương đương khoảng 120 nghìn tỷ đồng [20].  Tuy con số không phải là lớn đối với cả nền kinh tế, nhưng thường thập trung vào một số vùng vốn đã nghèo như miền Trung nên ảnh hưởng của thiên tai đối với đói nghèo cũng rất nghiêm trọng.  Giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây nên đối với các tỉnh có tỷ lệ nghèo cao sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói nghèo một cách bền vững và làm giảm tình trạng tái nghèo có thể xảy ra do ảnh hưởng của thiên tai. 
Lời kết 
Trong kỷ nguyên kinh tế toàn cầu và hội nhập, khi mà cạnh tranh giữa các quốc gia trở nên khắc nghiệt thì lợi thế tương đối càng trở nên quan trọng.  Trong một thế giới mà hàng hoá, vốn đầu tư và công nghệ dễ dàng luân chuyển giữa các quốc gia thì lợi thế quốc gia sẽ phụ thuộc vào yếu tố còn lại là nhân lực (cả chất, số lượng) và trình độ quản lý.  Yếu tố thứ hai phụ thuộc vào nhân lực và thể chế.  Nói tóm lại thì nhân lực và thể chế là những yếu tố không thể bỏ qua để phát triển và hội nhập vì chúng gắn liền với quốc gia, địa phương, văn hoá, sắc tộc – điều này lý giải tại sao giá trị xuất khẩu lao động nhỏ không đáng kể so với xuất khẩu hàng hoá đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.  Bốn vấn đề đã được đề cập trên là vai trò của Nhà nước, chống tham nhũng, phát triển nguồn lực và xoá đói nghèo, xoay quanh hai yếu tố này.   
Nhìn lại tiến bộ so với thời kỳ trước đổi mới thì có thể thấy VN đã đi được một quãng đường dài, thu nhập đầu người tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ là một mốc son trong chặng đường lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.  Tuy vậy, những thành công mà chúng ta vẫn tự hào lại chủ yếu là do tự cởi trói mình bằng cách “xoá bỏ ngăn sông cấm chợ” [21].  Ngày nay khi tác động của những thay đổi mang tính vĩ mô này đã đi vào ổn định, thành công trong thời kỳ tới đòi hỏi nhiều hơn ở những đổi mới ở tầm vi mô, trong khi Nhà nước lại không còn trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp. 
Từ mức thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia (Biểu 1) có thể thấy nếu VN vẫn chỉ giữ mức tăng trưởng bình quân đầu người như hiện nay thì phải mất 26 năm VN mới đạt được mức thu nhập bình quân đầu người như mức hiện tại của Thái lan (với mức sống khá trong các nước đang phát triển) và mất 66 năm mới đạt được mức thu nhập bình quân đầu người như mức hiện tại của Singapore (với mức sống khá trong nhóm các nước công nghiệp).  Còn để đuổi kịp về mức thu nhập bình quân đầu người như của hai nước này, VN cần tới 54 năm để đuổi kịp Thái Lan và 91 năm để đuổi kịp Singapore [22].  Tất nhiên với tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người thấp hơn của Trung quốc thì VN sẽ không bao giờ đuổi kịp được.  Nhằm rút ngắn thời gian thì VN phải đạt tốc độ tăng trưởng trên 9% là cần thiết và điều này cũng khả thi nếu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới.  Đây cũng là mục tiêu mà nhân dân có thể kỳ vọng từ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để VN được sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốnª 
Chú thích
[1] Ngân Hàng Thế giới (2006), http://devdata.worldbank.org/.
[2] Theo qui định mới của chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2006-2010, chuẩn nghèo được qui định là mức thu nhập 200.000đ/người/tháng đối với nông thôn và 260.000đ/tháng đối với thành thị. 
[3] Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2006), Chỉ số Cạnh tranh Phát triển [Growth Competitiveness Index], http://www.weforum.org/.
[4] Nguồn: Xem chú thích 1.
[5] Điều 15 và 19, Hiến Pháp VN 1992.
[6] Thời báo Kinh tế VN (2006), Vào WTO, Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng nhau tháo gỡ, http://www.vneconomy.com.vn/vie/index.php?param=article&catid=01&id=58161b87cc2496. Truy cập 28/8/2006.
[7] Tổng cục Thống kê (2005), Niên giám Thống kê, NXB Thống kê, Hà nội.
[8] Ngân hàng Thế giới (2005), Báo cáo phát triển VN 2006 [Vietnam Development Report 2006], Hà nội, trang 11. 
[9] Theo Nhân Dân Điện Tử (2002), http://www.nhandan.org.vn/vietnamese/20020101/bai-kt8.html, Thống kê đến cuối năm 2000, có hơn 40% DNNN không hoạt động có hiệu quả, và tổng số nợ của các DNNN lên đến 190.000 tỷ đồng tương đương 33% tổng thu nhập quốc dân.
Năm 2004, tỉ lệ lao động cho khối  doanh nghiệp tư nhân là 17%, cao hơn gấp đôi tổng số lao động làm việc cho khối quốc doanh và hành chính nhà nước cộng lại, 8,4%.  Nguồn: Xem chú thích 7. 
[10] Nguồn: Bộ tài chính (2006), Dự toán thu, chi ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2005, http://www.mof.gov.vn/Default.aspx?tabid=87. 
[11] Về lý thuyết, tác dụng tiêu cực về kinh tế của độc quyền luôn lớn hơn lợi ích mà nó mang lại.  Các nước phát triển thường chỉ cho phép độc quyền ở những lĩnh vực không cần thiết phải khuyến khích cạnh tranh thuần khiết như phân phối điện, nước.  
[12] Tuổi trẻ (2003), Thủ tướng Phan Văn Khải: Sai phạm nhiều kỷ luật chẳng bao nhiêu, http://media.vdc.com.vn/top/ctxh/chitiet.cfm?id=57425, cập nhật 27/2/2003.
[13] Báo Thanh niên ngày 24/1/2005.
[14] Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (2005), Báo cáo phát triển con người 2005 [Human Development Report 2005].
[15] Vietnamnet (2006), Năm 2005: 1,6 triệu người được giải quyết việc làm, http://www.vietnamnet.vn, ngày 11.1. 
[16] Nguồn: Xem chú thích 7.
[17] Nguồn: Xem chú thích 7.
[18] Dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê và Bộ lao động, thương binh và xã hội.
[19] Xem thêm chi tiết trong bài của Ngân hàng Thế giới (2005), Tăng cường phát triển nông nghiệp VN [Accelerating rural development Vietnam], Hà nội.  
[20] Nguồn: Xem chú thích 19. 
[21] Võ Văn Kiệt (2006), Nhớ đồng chí Lê Duẩn, Báo Nhân Dân, ngày 16 tháng 8. 
[22] Tốc độ tăng trưởng trung bình của thu nhập bình quân đầu người sẽ thấp hơn mức tăng trưởng tổng thu nhập quốc gia nếu dân số tăng và ngược lại.  Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho giai đoạn 2000-2004.  Nguồn: Xem chú thích 1. 
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 193, THÁNG 11/2006

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code