THÁI HIỆU
Do chủ cũ mắc nợ mà
nhiều chủ mới đã bị kê biên nhà oan uổng. Không thể bỏ qua quyền lợi của
người mua nhà. Thường thì người mua nhà chưa có giấy tờ hợp lệ hoặc mua
giấy tay dễ đối mặt với nhiều rủi ro do bị “bẻ” hợp đồng hoặc vướng
tranh chấp. Nhưng trong một số trường hợp, ngay cả khi đã chọn mua nhà
có giấy chủ quyền, nhiều người vẫn gặp phải những rắc rối không thể
lường trước.
Sang tên xong vẫn mắc kẹt
Tháng 11-2008, bà Lê Yến Phượng hỏi mua căn nhà
454/1A Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM. Thấy căn nhà đã có giấy chủ quyền
hợp lệ, bà Phượng rất yên tâm trao đổi việc mua bán với chủ sở hữu.
Đầu tháng 12-2008, sau khi công chứng hợp đồng mua
bán nhà và đóng xong lệ phí trước bạ, bà Phượng đã đến Văn phòng Đăng ký
quyền sử dụng đất quận 6 để hoàn tất thủ tục sang tên. Nơi đây hẹn bà
15 ngày sau đến nhận kết quả. Đến hẹn, bà Phượng quay lại thì được văn
phòng cho biết: “Hồ sơ của bà bị tạm ngừng giải quyết vì có đơn ngăn
chặn của bà Trần Thị Thu Vân…”.
Bà Phượng hết sức ngạc nhiên với thông tin này vì bản
thân bà không hề quen biết với bà Vân. Sau khi cất công tìm hiểu, bà
mới biết người bán nhà cho bà còn nợ bà Vân hơn 130 triệu đồng và bà Vân
đang khởi kiện ra tòa để đòi nợ.
Ngày 6-1-2009, TAND quận 6 đã ra quyết định công nhận
nội dung thỏa thuận trả nợ giữa con nợ với bà Vân. Ngay sau khi thấy lý
do ngăn chặn đã không còn, bà Phượng liền nộp lại hồ sơ đăng bộ nhà và
đã được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận giải quyết vào ngày
22-1.
Tưởng vậy là yên chuyện nhưng không phải. Chừng hai
tháng sau, Thi hành án dân sự quận 6 đã mời bà Phượng đến làm việc. Cơ
quan này cho biết sẽ kê biên căn nhà của bà Phượng để đảm bảo nghĩa vụ
thi hành án của bị đơn. Thì ra sau khi có quyết định hòa giải thành của
tòa án, người chủ trước của căn nhà chưa tự nguyện thi hành án và ngoài
căn nhà trên thì đương sự không còn tài sản nào khác. Tại thời điểm này,
Thi hành án quận 6 đã áp dụng biện pháp ngăn chặn không cho bà Phượng
mua bán, chuyển nhượng… căn nhà.
Chưa sang tên cũng bị ách
Khác với trường hợp nêu trên (đã sang tên xong), việc
mua nhà của ông Nguyễn Giang Sơn bị ách lại khi ông chưa kịp hoàn tất
thủ tục đăng bộ.
Đầu tháng 7-2007, ông Sơn mua căn nhà 33/12 Đặng Nhữ
Lâm, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè. Sau khi được công chứng hợp đồng mua
bán nhà, ông đã nộp xong lệ phí trước bạ, còn người bán thì nộp thuế
chuyển quyền sử dụng đất. Giữa tháng 7-2007, Văn phòng Đăng ký quyền sử
dụng đất huyện cũng đã tiếp nhận hồ sơ xin đăng bộ nhà của ông.
Đầu tháng 8-2007, khi đến văn phòng để nhận kết
quả theo lịch hẹn, ông Sơn rất bất ngờ khi bị nơi đây tạm giữ “giấy đỏ”
của ông theo yêu cầu của Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè. Cũng tương tự
như trường hợp của bà Phượng, người bán nhà cho ông Sơn đang mắc nợ
người khác hơn 100 triệu đồng. Án phúc thẩm ngày 24-5-2007 của TAND
TP.HCM xử buộc bà này phải trả nợ. Vì thế, căn nhà trên đã bị ngăn chặn
để đảm bảo cho việc thi hành án. Ngày 26-7-2007, Thi hành án dân sự
huyện Nhà Bè đã ra quyết định kê biên căn nhà.
Tính sao cho hợp lý?
Trao đổi với phóng viên về trường hợp của bà Phượng,
bà Lê Thị Mỹ Duyên, chấp hành viên Thi hành án dân sự quận 6, cho biết:
“Đúng là chủ căn nhà trên đã làm hợp đồng bán nhà trước khi có quyết
định hòa giải thành của tòa án. Tuy nhiên, việc sang tên cho người mua
lại được hoàn thành sau khi có quyết định của tòa án. Theo điểm a khoản 1
mục IV Thông tư liên tịch số 12 ngày 26-2-2001 của Bộ Tư pháp và VKSND
tối cao, “đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của tòa
án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở
hữu của mình thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn
bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Người được thi
hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan
có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ giao dịch đó”. Căn
cứ vào quy định này, chúng tôi đã kê biên căn nhà của bà Phượng. Nếu cho
rằng quyền lợi của mình bị xâm hại, bà Phượng có quyền khởi kiện yêu
cầu TAND quận xem xét, giải quyết”.
Ở trường hợp của ông Sơn, ông Tô Bá Nhân, Trưởng Thi
hành án dân sự huyện Nhà Bè, cũng cho biết: “Do ông Sơn chưa làm xong
thủ tục sang tên nên chúng tôi vẫn có quyền kê biên. Khi nào chủ cũ thực
hiện nghĩa vụ trả nợ, chúng tôi sẽ giải tỏa ngay. Phía ông Sơn có quyền
khởi kiện chủ cũ về hợp đồng mua bán nhà đã ký kết”.
Theo khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở (có hiệu lực vào ngày
1-7-2007), quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm
hợp đồng mua bán được công chứng. Như vậy, dù đã sang tên hay chưa thì
với việc đã được công chứng hợp đồng mua nhà trước thời điểm bị ngăn
chặn, kê biên, bà Phượng hay ông Sơn đều là chủ sở hữu nhà hiện hữu.
Pháp luật có nên can thiệp, hạn chế quyền sở hữu nhà của họ để cưỡng chế
người chủ cũ thi hành án?
Luật sư Đàm Như Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):Không thể bỏ qua quyền lợi của người mua nhàĐồng ý là phải bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, hạn chế việc các con nợ chuyển nhượng nhà để né tránh nghĩa vụ thi hành án nhưng còn quyền lợi của người mua nhà ngay tình, hợp pháp thì sao? Khi các cơ quan thẩm quyền không hề có sự “báo động” cần thiết (thể hiện qua việc phong tỏa, kê biên nhà… theo yêu cầu của các chủ nợ) và “tỉnh queo” giải quyết việc chuyển nhượng theo những trình tự luật định, sao giờ chấp hành viên lại phủ nhận sạch trơn và phó thác cho người dân tự giải quyết hậu quả? Chưa kể là Thông tư liên tịch 12 đã được ban hành trước và lại “chỏi” với Luật Nhà ở.Căn cứ vào Nghị định 135 ngày 14-11-2003 của Chính phủ, đề nghị Bộ Tư pháp và VKSND tối cao kiểm tra, xử lý Thông tư 12 sao cho phù hợp hơn.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment