GS.TS. ĐỖ HOÀI NAM – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Cho đến nay, đã có
nhiều công trình nghiên cứu về thực chất, nguyên nhân và hệ quả của cuộc
khủng hoảng. Các kết quả đạt được là rất đáng kể. Tuy nhiên, không phải
tất cả đều đã đi tới nhất trí và đồng thuận, kể cả trên những nét lớn.
Cho dù vậy, trên quan điểm mác-xít chúng ta cũng vẫn có cơ sở để khẳng
định những lý luận của C.Mác về tư bản và chủ nghĩa tư bản, của Lê-nin
về chủ nghĩa đế quốc vẫn giữ nguyên giá trị và là cơ sở để xác định
nguyên nhân sâu xa, mang tính bản chất của cuộc khủng hoảng kinh tế ở
các nước tư bản phát triển nhất hiện nay. Ngoài ra, xin được nhấn mạnh
thêm một số điểm sau đây:
Trước hết, về quy mô của cuộc khủng hoảng
Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, với sức tàn phá và
quy mô tác động mà chỉ có cuộc Đại Suy thoái 1929 – 1933 mới có thể so
sánh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này lại có những đặc trưng nổi bật
trên nhiều phương diện – cơ chế lan truyền, sức lan tỏa, những đặc điểm
cấu trúc, hệ quả và phương thức khắc phục.
Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này
không đơn thuần là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như nhiều cuộc
khủng hoảng trước. Phải chăng sự khác biệt là ở chỗ cuộc khủng hoảng toàn cầu lần này là sản phẩm của chính quá trình toàn cầu hóa? Nếu
đúng là như vậy thì điều đó có nghĩa rằng cuộc khủng hoảng lần này có
những đặc trưng rất mới. Tức là nó có những nét mới trong tính chất,
trong cơ chế vận hành, trong nguyên nhân và hậu quả. Phải có những
cách tiếp cận mới đến những vấn đề lý luận mới làm cơ sở cho việc thiết
kế hệ giải pháp thoát khỏi khủng hoảng trong những điều kiện thế giới đã
có những thay đổi sâu sắc dưới tác động của toàn cầu hóa. Nói khác
đi, không thể chỉ dừng lại ở luận điểm cho rằng về thực chất, cuộc khủng
hoảng kinh tế lần này cơ bản cũng giống như những cuộc khủng hoảng
trước đây, vẫn chỉ là do những mâu thuẫn có tính bản chất của chủ nghĩa
tư bản nói chung, do mất cân đối tiền – hàng nghiêm trọng, do thị trường
tự do “lộng hành” quá mức hay do nhà nước quá chủ quan, buông lỏng quản
lý v.v.., để rồi chỉ cần dựa vào những lý thuyết đã có để có các giải
pháp “giải cứu”, “kích cầu” như hiện nay nhiều nước đang áp dụng là đủ.
Thứ hai, về nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng
Cho đến nay, có thể tạm xác định mấy nhóm nguyên nhân sau:
(1) Sự hình thành và đổ vỡ của bong bóng nhà đất, của
các khoản cho vay thế chấp nhà đất. Sâu hơn là những bất ổn tín dụng
nói chung (cho vay nhà đất tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 23% tổng các khoản
vay).
(2) Sự yếu kém của hệ thống tài chính – ngân hàng.
(3) Sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu sâu sắc kéo dài,
phá vỡ các tương quan và cục diện phát triển hiện có. Nguyên lý cân
bằng, hài hoà trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thị trường và nhà
nước trong vận hành nền kinh tế thị trường bị vi phạm nghiêm trọng.
Dường như cuộc khủng hoảng này một lần nữa trắc
nghiệm cuộc đối chọi giữa hai trường phái lý thuyết chủ yếu – trường
phái Kên (Keynes), đánh giá cao vai trò của điều tiết nhà nước và trường
phái Tân Cổ điển, nhấn mạnh vai trò của cạnh tranh tự do và đề cao
quyền lực của “bàn tay vô hình” với Hây-ếc (Hayek) là đại diện.
Có vẻ cuộc khủng hoảng lần này chứng tỏ tính đúng đắn
của lý thuyết Kên: nền kinh tế Mỹ bị sụp đổ do thả lỏng quá mức vai trò
điều tiết của thị trường tự do, đồng thời việc giải cứu nó theo đúng
bài bản Kên: nhà nước tung các gói kích cầu thì mới đưa nền kinh tế
thoát khỏi khủng hoảng.
Đúng là như vậy. Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn trực
tiếp từ việc Chính phủ Mỹ cũng như nhiều chính phủ khác của các nền kinh
tế phát triển đã “trao” quá nhiều quyền cho cơ chế thị trường tự do mà
lại thiếu sự giám sát. Cục Dự trữ Liên bang đã thả lỏng tín dụng cho sự
bùng nổ tăng trưởng “ảo” trong một thời gian quá dài. Kết cục là nền
kinh tế sụp đổ. Sự sụp đổ dây chuyền sang các nền kinh tế Tây Âu, Nhật
Bản chỉ là hệ quả không tránh khỏi. Lỗi cấu trúc là ở sự mất cân đối
nghiêm trọng trong quan hệ chức năng nhà nước – thị trường: khi quá ít
nhà nước và quá nhiều thị trường tự do.
Rõ ràng là nếu nhà nước bỏ mặc thị trường, để thị
trường tự do chi phối thì nền kinh tế sớm muộn cũng sẽ lâm vào tình
trạng bất ổn và khủng hoảng. Đó là một chân lý cần được tuân thủ nghiêm
ngặt. Chân lý này hàm chứa một gợi ý mang tầm cỡ đường lối và chiến lược
cho Việt Nam: không được buông lỏng vai trò và chức năng quản trị phát
triển của nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, nhất là trong điều
kiện toàn cầu hóa. Đây là một vấn đề có tính nguyên tắc.
Nhưng ở đây, xin được lưu ý hai điều.
Một là, chân lý nói trên không mới, vấn đề là ở
chỗ liều lượng can thiệp nhà nước – thị trường thế nào là hợp lý. Thực
tế cho thấy rằng gắn với luận điểm đề cao vai trò điều tiết nhà nước của
Kên, còn một luận điểm khác cũng mang tính chân lý: sự can thiệp nhà
nước quá mức cũng gây ra những hậu quả to lớn. Nền kinh tế kế hoạch hóa
tập trung là một bằng chứng. Cách đây 10 năm, trong một công trình
nghiên cứu về cuộc khủng hoảng Đông Á của UNDP, các tác giả đã khẳng
định rằng sai lầm trong chính sách và điều hành của chính phủ cũng gây
hậu quả cho nền kinh tế to lớn không kém, thậm chí còn lớn hơn sai lầm
do điều tiết thị trường gây ra. Cuộc khủng hoảng Đông Á chính là một ví
dụ minh họa. Nghiên cứu của UNDP còn nói rằng để mặc thị trường tự do
tác động và gây hậu quả, suy đến cùng, cũng là trách nhiệm nhà nước.
Điểm lại lịch sử phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa,
có thể thấy rõ tính chu kỳ của các lý thuyết gắn với tính chu kỳ của
các cuộc khủng hoảng kinh tế: khi nền kinh tế bị khủng hoảng do vai trò
điều tiết của nhà nước bị xem nhẹ, còn thị trường được “thả lỏng” thì lý
thuyết Kên được tôn vinh. Còn khi nền kinh tế trì trệ kéo dài, chủ yếu
do nhà nước can thiệp quá sâu và kéo dài vào nền kinh tế, tính năng động
của các lực lượng thị trường bị kìm hãm thì lúc đó, lý thuyết “bàn tay
vô hình” và Trường phái Tân Cổ điển lại được đề cao. Thực ra, đây là một
quá trình điều chỉnh để tái lập sự cân bằng chức năng nhà nước – thị
trường trong việc điều hành nền kinh tế. Một sự thiên lệch lý luận kéo
dài khi áp dụng vào cuộc sống sẽ dẫn đến sự méo mó trong mô hình thực
tiễn.
Hai là, như đã nói, cuộc khủng hoảng kinh tế –
tài chính lần này có quy mô toàn cầu và chịu sự tác động mạnh mẽ của
toàn cầu hóa kinh tế. Nó có bản chất toàn cầu và do đó, bắt nguồn từ
những căn nguyên thuộc về những xu hướng mới của thời đại.
Toàn cầu hóa về thực chất là quá trình tự do hóa. Với
toàn cầu hóa, các dòng tài chính, đầu tư và thương mại di chuyển tự do
trên phạm vi toàn cầu với tốc độ rất cao. Xu hướng chung là các dòng vận
động này tuân thủ “luật chơi toàn cầu”, thực chất là luật chơi thị
trường ngày càng tự do hóa. Theo xu hướng đó, sự vận động của các nguồn
lực ngày càng vượt ra khỏi sự chế ước của các quy tắc quản trị quốc gia,
tức là thoát khỏi sự điều tiết nhà nước ở từng quốc gia cụ thể. Đây là
một xu thế tất yếu. Ở cấp độ đó, nó bắt nguồn từ những điều kiện mang
tính thời đại, vượt khỏi những giả định truyền thống của cả lý thuyết
“Tân Cổ điển” lẫn lý thuyết Kên, vốn lấy phạm vi thể chế quốc gia làm
địa bàn hoạt động chính.
Chính theo xu thế đó, trong không gian thể chế toàn
cầu – hội nhập quốc tế, kinh tế thế giới đã bùng nổ tăng trưởng. Quá
trình này kéo dài liên tục trong hàng chục năm, khẳng định tính tất yếu
của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nó cũng khẳng định phải
có những luật chơi và thể chế quản trị toàn cầu tương ứng, không bị trói
buộc bởi những thể chế quản trị quốc gia vốn rất khác biệt, thậm chí,
trái ngược và xung đột nhau. Khủng hoảng thể chế quản trị nền kinh tế
toàn cầu cũng có thể xem là một nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế
toàn cầu.
Đến đây, có hai vấn đề đặt ra.
Thứ nhất, những kết quả tăng trưởng “ngoạn
mục” của kinh tế thế giới dưới tác động của quá trình “toàn cầu hóa – tự
do hóa” đã tạo nên một thứ “men say” thị trường tự do với sự can dự ít
hơn của quản lý nhà nước vào nền kinh tế trong nhiều quốc gia. Cơ chế
lãi suất thấp mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ do A-lan Grin-span (Alan
Greenspan), một con người thông minh và rất cẩn trọng, đứng đầu, được áp
dụng kéo dài nhiều năm chính là hệ quả của thứ men say đó.
Ở khía cạnh này, chúng ta có thể ghi nhận sự thiếu hụt năng lực quản trị phát triển của nhà nước trong phạm vi quốc gia.
Thứ hai, mâu thuẫn giữa quá trình toàn cầu hóa
với các quy tắc quản trị quốc gia hiện hành. Cuộc khủng hoảng cho thấy
rất rõ nhu cầu của sự phối hợp luật chơi, phối hợp hành động toàn cầu
cùng những thể chế quản trị phát triển hữu hiệu ở cấp độ toàn cầu (và
khu vực) của tất cả các quốc gia.
Ở khía cạnh này, chúng ta thấy rõ tình trạng thiếu
hụt cơ chế và năng lực quản trị phát triển của các thể chế kinh tế quốc
tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Những hoạt động sôi động chưa từng
thấy của các cấu trúc G-7, G-8, sự ra đời của G-20, nhóm BRIC (Bra-xin,
Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) hay “G-2” (Mỹ – Trung Quốc), v.v.. cùng với các
thể chế truyền thống như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ
chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, v.v.. chứng tỏ
nhu cầu và xu hướng toàn cầu hóa quản trị phát triển kinh tế.
Những động thái và xu hướng thực tiễn mới mẻ này rõ
ràng đã vượt khỏi – dù ít dù nhiều – biên giới của nhiều lý thuyết kinh
tế chủ yếu trên thế giới hiện nay.
Có lẽ đây là điều mà nhà kinh tế học nổi tiếng, Giáo
sư Oan-đen Ben-lô (Walden Bello), mới đây viết rằng “Chỉ có Keynes thì
chưa đủ”(1).
Thứ ba, về hệ quả của cuộc khủng hoảng
Thế giới hậu khủng hoảng sẽ biến đổi theo những chiều
hướng nào và sâu sắc đến mức nào? Đây là một câu hỏi rất lớn. Nó quyết
định cả sự lựa chọn chiến lược quốc gia lẫn phương hướng phát triển của
các lý thuyết kinh tế.
Về ngắn hạn: sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và sự can thiệp sâu hơn, chặt chẽ hơn của nhà nước (quốc gia) vào nền kinh tế.
Về nguyên tắc, xu hướng ngắn hạn này mâu thuẫn với
các xu hướng dài hạn của quá trình toàn cầu hóa – tự do hóa và trong một
chừng mực nhất định, cản trở quá trình hình thành các thể chế kinh tế,
thể chế quản trị phát triển toàn cầu.
Về dài hạn: Nổi lên mấy xu hướng lớn sau:
Thứ nhất, những xu hướng cơ bản vẫn được khẳng định, nhưng có những biểu hiện, động thái và tác động mới. Những xu hướng đó là:
+ Xu thế phát triển kinh tế tri thức: chuyển
sang một nhịp mới về chất, sẽ được thúc đẩy rất mạnh ở các nền kinh tế
(“cường quốc”) mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, tạo nên một cuộc đua
tranh – cạnh tranh khoa học – công nghệ quyết liệt giữa các nền kinh tế
dẫn đầu thế giới.
Xu hướng này sẽ là một động lực phát triển rất mạnh,
thậm chí mạnh nhất, của kinh tế thế giới trong những thập niên tới. Nó
có tác dụng làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và cơ cấu thị trường
toàn cầu, mở ra những cơ hội và lựa chọn mới cho các nền kinh tế.
+ Xu thế toàn cầu hóa: liên kết kinh tế
xuyên quốc gia và liên quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Vai trò chi
phối mạng kinh tế toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) tiếp
tục được khẳng định. Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh
tế toàn cầu, tương quan sức mạnh giữa các TNCs; giữa các nhóm TNCs quốc
gia đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, trong đó, đặc biệt nổi lên vai trò
của các TNCs Trung Quốc, lực lượng sẽ cạnh tranh trực diện với các TNCs
Mỹ, EU và Nhật Bản.
Lĩnh vực quản trị phát triển toàn cầu thay đổi mạnh mẽ theo hai hướng chính:
i) thay đổi các thể chế và các nguyên tắc và luật lệ điều chỉnh, phối hợp, liên kết kinh tế quốc tế;
ii) sự phối hợp các khối liên kết và các chính phủ gia tăng mạnh trong việc ứng phó với các biến cố toàn cầu.
Cùng với sự liên kết này, cuộc đấu tranh để thay đổi trật tự và luật chơi, giữa những đối thủ chính là Mỹ – Trung Quốc – Nhật Bản – EU
(có thể tính thêm sự tham dự ngày càng sâu của BRIC) sẽ gia tăng cường
độ. Xung đột và tranh chấp tài nguyên, tranh chấp thị trường, tranh chấp
không gian trở nên gay gắt, đóng vai trò là cốt lõi của các cuộc xung
đột và tranh chấp quốc tế. Suy thoái môi trường toàn cầu nghiêm trọng,
trở thành một biến số lớn quy định hành động phối hợp chiến lược toàn
cầu và định hình chiến lược quốc gia.
Bên cạnh những xu hướng “vốn có” nêu trên, cuộc khủng hoảng còn làm nổi lên những xu hướng mới:
+ Diễn ra quá trình định vị lại tương quan sức mạnh và cục diện phát triển quốc tế.
Hai biến số này sẽ thay đổi nhanh chóng và sâu sắc trong giai đoạn tới,
trong đó, điển hình nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc để tranh giành
vị trí ảnh hưởng trong hệ thống kinh tế quốc tế.
Cuộc cạnh tranh giành quyền chi phối và phạm vi ảnh
hưởng đến kinh tế thế giới và khu vực giữa Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ
diễn ra trên toàn tuyến, công khai và ngày càng quyết liệt.
+ Tái cấu trúc kinh tế toàn cầu, với một số
nội dung nổi bật là: i) xu hướng dịch chuyển mạnh các dòng đầu tư, trong
đó cần đặc biệt lưu ý đến xu hướng đầu tư của Trung Quốc và từ Trung
Quốc ra bên ngoài; và ii) cùng với xu hướng phát triển công nghệ cao
được thúc đẩy mạnh mẽ ở các nước phát triển, diễn ra quá trình di chuyển
công nghệ trên quy mô lớn (cực lớn) theo hai xu hướng:
i) Một là, di chuyển công nghệ cao về phía BRIC.
ii) Hai là, di chuyển công nghệ thấp từ các nền kinh tế đi trước sang các nền kinh tế đi sau có đẳng cấp thấp hơn.
Các xu hướng di chuyển vốn và công nghệ nói trên tác động rất mạnh đến:
Hướng và chất lượng các dòng đầu tư nước ngoài;
Các hệ quả xã hội (di chuyển lao động) và môi trường
(ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên) to lớn, nhất là đối với những nước nghèo
đi sau.
+ Hình thành tương quan tiền tệ thế giới mới, trong
đó, đồng USD, đồng ơ-rô suy yếu tương đối, bên cạnh sự nổi lên mạnh mẽ
của đồng NDT. Sự thay đổi tương quan này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cục
diện phát triển toàn cầu, và đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ
đến Việt Nam.
Trên đây chỉ là khái quát một số xu hướng chính của
thế giới hậu khủng hoảng. Những xu hướng đó cho thấy rằng trong giai
đoạn hậu khủng hoảng, thế giới sẽ biến đổi mạnh mẽ. Nhưng đó không phải
là, không chủ yếu là những biến đổi tiệm tiến về lượng. Chúng thực sự
mang lại cho thế giới một diện mạo mới, với trục kinh tế trung tâm là
toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và kinh tế tri thức.
Nhận thức như vậy quy định cách chúng ta trở lại với
các lý thuyết kinh tế hiện có. Sự trở lại này có sứ mệnh định vị rõ hơn
giá trị nhận thức luận và định hướng phát triển của các lý thuyết kinh
tế, được coi là thành tựu chung của nền văn minh nhân loại mà nhiều quốc
gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị đều áp dụng phù hợp
với đặc thù của đất nước mình trong những điều kiện hiện đại. Mặt khác,
nó chứa đựng hàm ý rằng cần có sự tìm tòi, tiếp tục khám phá và sáng
tạo, nghĩa là vượt thoát khỏi những khung khổ đã trở nên chật hẹp trong
thế giới toàn cầu hóa hiện nay của các lý thuyết này.
Mỗi cuộc khủng hoảng, theo cách nói của Sam-pi-tơ
(Sumpeter), đều là một cuộc phá hủy – sáng tạo. Cuộc khủng hoảng lần
này, bởi sức phá hủy ghê gớm của nó, lại càng như vậy. Thế giới đang tự
lột xác thông qua cuộc khủng hoảng. Đây chính là động lực to lớn hiếm có
cho những bước tiến lý luận.
Đối với Việt Nam, nhu cầu và cơ hội đó lại càng được
nhân bội lên đối với hoạt động nghiên cứu lý luận. Điều này bắt nguồn từ
chính thực tiễn đất nước đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, tận
dụng tốt thời cơ, thuận lợi và vượt qua khó khăn, thách thức dưới tác
động của một thế giới đang gia tăng tốc độ toàn cầu hóa, hội nhập và
phát triển kinh tế tri thức.
Đất nước đang khẩn trương nhịp bước phát triển theo
định hướng xã hội chủ nghĩa. Vững bước trên con đường đã chọn và lấy chủ
nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, trên
cơ sở tiếp thu có chọn lọc thành tựu của nền văn minh nhân loại về kinh
tế thị trường và các lý thuyết phát triển và quản lý nền kinh tế thị
trường hiện đại, Đảng ta đang lãnh đạo đất nước đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa để đến giữa thế kỷ này trở thành nước công nghiệp phát
triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và
chịu sự tác động của toàn cầu hóa, nhiều vấn đề phát triển của đất nước
đang đòi hỏi các nhà nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng tiếp tục đổi
mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, lao động sáng tạo, có bước đột
phá mới về lý luận chính trị, góp phần xây dựng hệ thống lý thuyết phát
triển cho Việt Nam và của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản
Việt Nam nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
——————————————-
(1) Sau khi khẳng định các giá trị cũng
như chỉ ra những giới hạn của lý thuyết Keynes, W. Bello nhận định:
Nhưng làm sống lại Keynes một cách thiếu óc phê phán có thể sẽ kết thúc
bằng việc khẳng định lại câu châm ngôn của Marx: “Lịch sử ban đầu xảy ra
như một thảm kịch, sau đó lặp lại chính nó như một tấn hài kịch”. Để
giải quyết vấn đề, chúng ta không chỉ cần đến Keynes…
(Nguồn: Chỉ có Keynes thôi thì chưa đủ. Tuần Việt Nam, mạng Việt Nam NET)J
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 19 (187) NĂM 2009
0 comments:
Post a Comment