PHAN GIA HI
Chứng cứ thua, anh Việt
kiều tiếp tục kháng cáo. Bị phụ tình nên đòi lại tiền. Không vay mượn
nên không trả. Theo đơn kiện của anh H. (Việt kiều Anh) thì khoảng đầu
năm 2006, qua trao đổi trên Internet, anh quen với chị D. (ngụ tỉnh Bến
Tre). Sau nhiều lần gặp nhau trên mạng và điện thoại, thấy có vẻ hợp
nhau, chị D. đã hứa là sẽ kết hôn với anh.
Bị phụ tình nên đòi lại tiền
Tuy nhiên vào cuối năm 2006, anh H. về thăm quê hương
thì mới vỡ lẽ ra rằng chị D. đã hứa kết hôn với một anh Việt kiều Mỹ.
Chính anh H. cũng đã gặp anh này tại nhà mẹ chị D. Hỏi thêm thì H. anh
biết là lễ hỏi của họ cũng đã được tổ chức khá lâu rồi và chị D. hiện
đang được chồng làm thủ tục bảo lãnh sang Mỹ.
Đau đớn vì bị lừa dối, anh H. đã quyết định đòi lại
các khoản tiền đã gửi cho chị D. trong thời gian quen biết trên mạng.
Theo anhH., trước đó chị D. đã hỏi mượn anh trên 11 ngàn bảng Anh và anh
đã chuyển về cho chị qua dịch vụ chuyển tiền W. Chị D. đã dùng tiền này
để tiêu xài, xây dựng nhà cửa cho cha mẹ, ăn học… Cứ mỗi lần hỏi mượn
tiền là chị D. nêu một lý do khác nhau nhưng vì những lời chị hứa hẹn sẽ
kết hôn nên anh không chút nghi ngờ gì…
Cũng theo anh H., khi anh đến đòi tiền, chị D. và cha
mẹ đã thừa nhận và chịu hoàn trả tất cả số tiền đã vay. Tuy nhiên, chị
D. chỉ mới trả trước năm ngàn bảng Anh. Số tiền còn lại chị khất lại
hẹn, sẽ trả sau. Nhưng thời gian trôi qua, anh đòi mãi nhưng phía chị D.
không chịu thanh toán. Anh đã nhờ địa phương đứng ra hòa giải nhưng
cũng không thành. Chuyện chẳng đừng, anh đành phải gửi đơn đến TAND tỉnh
Bến Tre để nơi đây đứng ra phân xử, lấy lại hơn sáu ngàn bảng Anh cho
anh.
Không vay mượn nên không trả
Tuy nhiên, phía chị D. thì lại không đồng tình với
nhiều chi tiết mà anh H. đã nêu trong đơn khởi kiện. Chị cho rằng khi
trao đổi trên mạng, biết chị là người cùng quê, anh H. đã chủ động làm
quen và xin được tìm hiểu. Một thời gian sau thì anh H. nói là thích chị
và có ý định muốn chị làm bạn gái. Từ lúc đó trở đi, anh H. đã đề nghị
với mẹ chị là hãy để anh thay mẹ chị lo cho chị ăn học và mọi chi tiêu
hàng ngày.
Từ đó hai bên đã thường trao đổi qua lại. Ban đầu
thấy chị lên mạng ở ngoài dịch vụ công cộng phiền phức nên anh H. gửi
tiền cho chị mua máy riêng để dễ bề gặp gỡ. Cũng có lần anh H. đề nghị
chị lên Sài Gòn học làm tóc thì chị nói không có tiền thì làm sao đi
được. Lúc này anh H. đã nói là mọi chuyện để anh ấy lo và gửi tiền về
cho chị trang trải các chi phí ăn học.
Khi gửi tiền về, anh H. nói là cho tiền chị đi
học chứ không hề nói là có sự vay mượn. Anh H. còn nói rằng chị cứ lo
cho sức khỏe và cũng không muốn chị mặc quần áo cũ mà nên dùng tiền của
anh H. gửi về để sắm quần áo mới…
Lần khác thì bà nội chị bị bệnh, anh H. cũng hỏi thăm
và chị đã cho anh H. biết là không có tiền nên anh H. đã chủ động gửi
về giúp mà cũng không nói rằng cho vay, cho mượn gì cả. Lần khác thì
biết chị làm mất tiền sửa nhà của gia đình nên anh H. cũng gửi tiền về
giúp. Cũng như các lần trước, lần này anh H. cũng không đề cập gì chuyện
nợ nần, vay trả…
Tuy nhiên sau đó, chị biết được là gia đình anh H. có
ý định giới thiệu cho anh H. một người con gái khác, do vậy gia đình
anh H. đã muốn anh H. lấy lại số tiền mà anh H. đã cho chị. Không lâu
sau đó thì anh H. về nước và đã đến đòi lại tiền. Khi đến nhà chị, người
nhà anh H. đã dọa gia đình chị rằng nếu không trả tiền thì sẽ tung
những hình ảnh không đẹp của chị lên mạng cho mọi người biết, đồng thời
sẽ cho giang hồ thanh toán… Tuy nhiên, chị không lo lắng gì vì không làm
gì có lỗi.
Chuyện tạm yên được một thời gian thì người nhà anh
H. lại đến nhân lúc gia đình chồng chị qua nhà chị bàn định ngày cưới.
Nhiều người người dọa rằng nếu chị không trả tiền thì sẽ phá đám cưới.
Cả hai bên lo lắng nên đã chấp nhận trả lại cho phía anh H. năm ngàn
bảng Anh. Lúc đó chị nghĩ việc trả lại số tiền này cũng không thành vấn
đề gì bởi trước đó anh H. cũng đã giúp đỡ chị nhiều, hơn nữa anh H. nói
cần tiền trả nợ cho chị dâu nên chị rất cảm thông sự khó khăn của anh.
Thế nhưng sau đó gia đình anh H. lại tiếp tục đòi chị
phải trả thêm hơn năm ngàn bảng Anh nữa. Lúc này chị cho rằng do không
vay mượn ai cả, anh H. tự nguyện cho nên chị không đồng ý trả như bên
anh H. đòi.
Đã cho rồi thì không đòi được
Sau nhiều lần hòa giải nhưng không thành, cuối năm 2008, TAND tỉnh Bến Tre đã đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm.
Theo tòa, đã có việc hai anh chị quen biết nhau qua
mạng, thậm chí có cả việc anh H. cho chị D. hơn 11 ngàn bảng Anh để chị
chi tiêu cá nhân. Chuyện chị D. trả lại cho anh H. năm ngàn bảng Anh
trước đó là do chị tự nguyện.
Tuy nhiên, tại tòa, chị D. không thừa nhận đã vay
mượn hơn sáu ngàn bảng Anh còn lại như yêu cầu khởi kiện của anh H. Chị
chỉ thừa nhận rằng có nhận tiền của anh nhưng đó là tiền anh cho trên
tinh thần tự giác, tự nguyện để nhằm lấy lòng chị chứ chị cũng chưa hứa
hẹn gì với anh cả. Đồng thời, anh H. khởi kiện đòi tiền cho mượn nhưng
lại không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh có chuyện vay mượn tiền
ngoài những phiếu chuyển tiền qua dịch vụ. Như vậy về phía chứng cứ anh
H. thua, tòa bác yêu cầu khởi kiện của anh. Do tại thời điểm anh H.
khởi kiện giá trị số tiền anh đòi trên sáu ngàn bảng Anh tương đương
trên 166 triệu đồng Việt Nam nên anh phải đóng án phí trên 7,5 triệu
đồng.
Sau phiên xử sơ thẩm, phía anh H. đã kháng cáo không
đồng tình với phán quyết trên. Tới đây, TAND tối cao tại TP.HCM sẽ xử
phúc thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, đưa tin đến bạn đọc.
Trước đây cũng có một chuyện tương tự khi anh T. đòi chị H. (ngụ tỉnh Bình Dương) phải trả lại gần 30 triệu đồng tiền anh nuôi chị ăn học. Số tiền này phía chị H. có thừa nhận trong một bản tường trình nên cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T. với nhận định chuyện này các bên đã tự do cam kết, thỏa thuận, hoàn toàn tự nguyện, không bên nào áp đặt, cưỡng ép, đe dọa bên nào. Thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment