Thursday, February 13, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM: TRANH CHẤP GIỮA AAA VÀ NGÂN HÀNG ĐẠI TÍN, ĐỪNG ĐỔ HẾT CHO BẢO HIỂM!

PHẠM HÙNG
Những tranh chấp về quyền lợi bảo hiểm không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung của cả bên thiệt hại và DN bảo hiểm không hề đơn giản dù pháp luật đã quy định cụ thể. Câu chuyện của Ngân hàng TMCP Đại Tín và Cty cổ phần Bảo hiểm AAA là một minh chứng cụ thể.
Sự việc diễn ra đã khá lâu nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được với nhau về khái niệm: “rủi ro bất ngờ”.
“Rủi ro bất ngờ”?
Ngược lại thời gian, ngày 1/8/2008 một cơn mưa lớn đổ xuống tràn ngập hầu hết các tuyến đường ở TP HCM. Theo Đài khí tượng thủy văn TP HCM, từ 12h20 – 12h35 và từ 15h35 – 18h45 trời có mưa rào và lượng mưa tại quận 1 là 130 mm, lớn nhất trong các quận của thành phố.
Vì thế, lúc 16h, nước ngập đã tràn vào tầng hầm để xe của Ngân hàng Đại Tín (số 75 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1). Khoảng 1 tiếng rưỡi sau (17h30) nước dưới tầng hầm dâng cao 1m đã làm chiếc Mecerdes của Ngân hàng Đại Tín chìm trong nước.
Nhưng mãi 3 ngày sau (ngày 4/8), Ngân hàng Đại Tín mới thông báo sự việc này cho nhà bảo hiểm (theo giấy biên nhận của Cty Bảo hiểm AAA) với yêu cầu xác nhận thiệt hại và bồi thường vì phía ngân hàng cho rằng đây là sự kiện “rủi ro bất ngờ” và ngân hàng đã mua bảo hiểm cho chiếc xe này.
Tuy vậy, sau các thủ tục giám định, Bảo hiểm AAA xác định: “Thiệt hại hệ thống điện của xe BKS 52P -1980 không thuộc phạm vi bảo hiểm vật chất thân xe của Bảo hiểm AAA”. Vì sự việc trên không phải là rủi ro bất ngờ.
Ý kiến của chuyên gia
Đại diện cho ngành bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN khẳng định: “Trong trường hợp này, người tham gia bảo hiểm là Ngân hàng Đại Tín đã không mẫn cán trong việc khắc phục sự cố. Diễn biến nước mưa tràn ngập tầng hầm xe kéo dài từ 16h đến 17h30 nên không thể cho đó là yếu tố bất ngờ hoặc không lường trước được”.
Đồng tình với quan điểm của ông Lộc, Luật sư Bùi Quang Nghiêm – Phó Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: Cty CP Bảo hiểm AAA không có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho Ngân hàng Đại Tín do không xảy ra sự kiện bảo hiểm theo sự thoả thuận giữa các bên, vì:
Ngân hàng Đại tín áp dụng điểm e Điều 12.1 Quyết định của TGĐ Cty cổ phần Bảo hiểm AAA để yêu cầu Bảo hiểm AAA trả tiền bảo hiểm. Tuy vậy, điểm e Điều 12.1 quy định: Bảo hiểm AAA bồi thường cho Chủ xe những thiệt hại vật chất do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của Chủ xe, lái xe trong những trường hợp:… e. Tai nạn rủi ro bất ngờ khác ngoài những điểm loại trừ quy định tại Điều 13 dưới đây.
Nhưng theo LS Nghiêm, việc ôtô mang BKS 52P-1980 bị thiệt hại nặng hệ thống điện do ngập nước là một rủi ro nhưng không mang yếu tố bất ngờ. Ngân hàng không thể cho rằng mình không thể lường trước được thiệt hại có thể gây ra cho chiếc xe do: đã có dự báo trước của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ là sẽ có mưa lớn bất thường trong năm ngày đầu tháng tám. Mặt khác, vào ngày 1/8/2008, mưa bắt đầu vào lúc 16.00 giờ, nước mưa ngoài đường bắt đầu tràn vào tầng hầm lúc 16 giờ 30 đến 17.00 nước trong tầng hầm dâng lên và đã ngập 0,5 m. Từ lúc bắt đầu mưa đến lúc nước ngập tầng hầm kéo dài 1 tiếng, lẽ ra ngân hàng phải nhìn thấy được rủi ro có thể xảy ra đối với chiếc xe. Như vậy, rủi ro là có thật và gây ra thiệt hại thực tế nhưng hoàn toàn không mang tính bất ngờ đối với ngân hàng.
LS Nghiêm còn chứng minh rằng, Bảo hiểm AAA không có trách nhiệm bồi thường ngay cả khi đó là sự kiện bảo hiểm, vì:

- Khoản 1 Điều 575 BLDS quy định: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại”. Giả sử sự kiện mưa lớn vào ngày 1/8/2008 và việc nước tràn vào tầng hầm là bất ngờ đối với ngân hàng, tuy nhiên, ngân hàng có thể hành động trong khả năng cho phép bằng cách đưa xe ra khỏi tầng hầm. Việc làm này kéo dài không quá 5 phút so với khoảng thời gian ngồi nhìn từ lúc nước bắt đầu tràn vào đến khi dâng cao 0,5 m là 30 phút. Điều này có thể giải thích, ngân hàng đã không mẫn cán trong việc khắc phục sự cố.
Cũng cùng quan điểm này, LS Trần Đình Bảo Quốc (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho biết:
Theo khoản 1 Điều 161 Bộ luật Dân sự, một sự kiện khi xảy ra được xem là bất khả kháng phải có đủ các yếu tố cấu thành như: tính khách quan, tính không tiên liệu được về sự kiện đó và tính không thể khắc phục. Các yếu tố này phải đáp ứng điều kiện là mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép đã được áp dụng để khắc phục sự kiện bất khả kháng đó. Do vậy, lập luận của ngân hàng là không có cơ sở… Lập luận trên của ngân hàng cho thấy lỗi chủ quan của ngân hàng trong việc chậm trễ ứng cứu chính tài sản của mình. Ngân hàng do chủ quan đã chậm trễ và không làm hết khả năng trong việc cứu hộ chiếc xe – tài sản của ngân hàng. Do đó, Cty bảo hiểm không đồng ý bồi thường theo hợp đồng mà chỉ hỗ trợ là đúng.
Cũng cần phải nói thêm rằng, thời điểm từ 16 giờ đến 17 giờ 30 được coi là giờ hành chính, vì thế không thể nói đây là sự kiện bất khả kháng và phía ngân hàng không thể tự khắc phục được.
Ông Phạm Trường Khê – PTGĐ Cty CP BH AAA khi trao đổi với DĐDN cho biết: Nhiều khách hàng có tâm lý, các nhà bảo hiểm chỉ mong thu được phí còn khi xảy ra rủi ro thì tìm cách tránh né. Qua sự việc này, chúng tôi rất mong muốn khách hàng tìm hiểu kỹ hợp đồng, tránh tranh cãi và kiện tụng sau này.

SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
Trích dẫn từ:

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code