GS.TSKH. NGUYỄN NGỌC TRÂN – Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X, XI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
đã đưa lên mạng cuối tháng 2/2008 kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã
hội năm 2007. Có một số mảng chưa sáng cần được phân tích kỹ, ngoài tỷ
lệ lạm phát đã được đề cập nhiều.
1. Liên tục 10 năm qua, chỉ tiêu bội
chi ngân sách hàng năm được Quốc hội ấn định là không vượt 5% GDP. Chỉ
tiêu này luôn luôn đạt 4,94, 4,95, 5%! Tuy nhiên việc đạt chỉ tiêu này
liên tục nhiều năm cũng đồng nghĩa với tích lũy một độ nguy hại nhất
định bởi lẽ bội chi ngân sách tự nó không phải là một ưu điểm.
Cảnh báo điều này, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội khóa XI đã kiến nghị nên kéo
chỉ tiêu xuống 3 – 3,5% GDP, đồng thời tăng cường giám sát để chi ngân
sách tiết kiệm hơn, đầu tư công có hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng
của phát triển.
Phải chăng tác hại của bội chi ngân sách cao, triền miên và kém hiệu quả đã bắt đầu bộc lộ? Theo Thời báo Kinh tế Sàigòn
số 10/2008, đầu năm nay Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
đổi một số lượng lớn ngoại tệ ra tiền đồng để bổ sung chi ngân sách.
NHNN chỉ đáp ứng được một phần số ngoại tệ đưa ra vì
cơ quan này còn có nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Bộ Tài chính buộc phải
rút một số khá lớn tiền đồng gửi ở một số ngân hàng thương mại quốc
doanh trong một khoảng thời gian ngắn, ảnh hưởng đến các khoản tài trợ
liên ngân hàng dành cho các ngân hàng thương mại cổ phần, dẫn đến các
ngân hàng vay mượn lẫn nhau, đua nhau đẩy lãi suất lên, tác động xấu đến
lạm phát. Để phát triển bền vững, ngân sách nhà nước phải lành mạnh, cơn lốc bội chi ngân sách kéo dài cần phải được ngăn chặn.
2. Nghèo phải bội chi để phát triển
là cần thiết, được con cháu đồng tình và vui lòng trả nợ. Nhưng nhất
thiết không thể chấp nhận bội chi ngân sách là hậu quả của “dây chuyền hủy hoại”: tiêu xài lãng phí, đầu tư từ công quỹ kém hiệu quả và tham nhũng.
Báo cáo cũng cho thấy, đà phát triển của các năm trước được tiếp tục. Nhiều chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 có khả năng sẽ đạt trước thời hạn.Những kết quả này rất đáng trân trọng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều bất ổn và thiên tai, dịch bệnh dồn dập trong năm qua.
Đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đã tăng nhanh
và liên tục suốt mấy năm qua. Hơn 21,2% GDP năm 2007. Nếu đầu tư có
hiệu quả, ngân sách sẽ nhận được nguồn thu trở lại. Rất tiếc cho tới nay
hiệu quả chưa cao, thể hiện qua chỉ số ICOR cao. Để tuân thủ mức bội
chi dưới 5% GDP, Chính phủ phải vay trong nước và vay nước ngoài.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng dư nợ trong và ngoài
nước vẫn còn trong vùng an toàn, trong khi đó, theo IMF, tổng dư nợ đã
lên đến 44% GDP tính đến năm 2005, trong đó nợ nước ngoài chiếm 26,6%
GDP. Theo chúng tôi, không chỉ có tổng dư nợ mà động thái của nó, tốc độ
tăng tổng dư nợ, cũng rất quan trọng. Quốc hội cần biết rõ, được giải
trình, và báo cáo với cử tri vấn đề này.
3. Không thể không nói đến chi tiêu
và đầu tư của các “tập đoàn kinh tế nhà nước”. Hiệu quả hoạt động của
các tập đoàn trên nhiều mặt (doanh thu/vốn, sử dụng lao động, …) thấp
hơn các doanh nghiệp ngoài nhà nước và nước ngoài, mặc dù được hưởng
nhiều ưu đãi từ các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Lãng phí, thất thoát và tiêu cực ở những nơi đã được thanh tra và kiểm toán hai năm vừa qua là không nhỏ. Trong khi chưa làm rõ lĩnh vực chính, chức năng nhiệm vụ được
giao khi thành lập được chuyên tâm thực hiện ra sao, thì nhiều “tập
đoàn” lại mở ra rất nhiều loại hình hoạt động, kể cả hoạt động ngân
hàng, tín dụng và kinh doanh bất động sản một cách ồ ạt.
Làm kinh tế của “tập đoàn” thời hội nhập phải là
như vậy hay sao? Bong bóng vỡ thì ai gánh chịu hậu quả? Không ít “tập
đoàn” chuẩn bị việc cổ phần hóa, không phải theo hướng tích cực, mà nhằm
sớm hợp thức việc tư nhân hóa tài sản công!
Mảng “tập đoàn kinh tế” cần sớm được
chấn chỉnh, tháo gỡ những cơ chế ràng buộc đã lỗi thời, lựa chọn bộ máy
điều hành trong sạch và có năng lực, để các tập đoàn thực sự là điểm tựa
của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Tốc độ phát triển của tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là điều mơ ước của nhiều nước. Rất tiếc là nhập siêu ngày càng tăng, năm 2007 là 14,12 tỷ USD, cao nhất cho tới nay.
Có thể vì 2007 là năm đầu tiên Việt Nam là thành viên
của WTO, chưa nắm sát tình hình nên sai số trong ước tính của các bộ
ngành chức năng khá cao. Tháng 11/2007, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội
kim ngạch nhập khẩu 2007 ước tính là 57 tỷ USD, tăng 27% so với 2006. Ba tháng sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố các con số thực hiện tương ứng là 62,68 tỷ USD và 39,6%.
Kim ngạch nhập nguyên vật liệu vẫn chiếm tỷ trọng
cao, tỷ lệ thuận với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia công. Đã nhập
khẩu trên 19.000 ô-tô nguyên chiếc và sẽ còn tăng vì nhiều doanh nghiệp
FDI chuyển sang nhập nguyên chiếc thay vì lắp ráp (có nghĩa là ngành
công nghiệp ô-tô Việt Nam có nguy cơ sẽ cáo chung).
Nhiều mặt hàng tiêu dùng, kể cả nông sản, cũng có mặt
ở Việt Nam nhiều hơn và đa dạng hơn. Nếu tình trạng này kéo dài và với
tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD như hiện nay, lộ trình để giảm nhập
siêu, tăng GDP, chưa phải là trong vài năm tới! Xuất nhập khẩu một năm sau khi gia nhập WTO rất cần được đánh giá khách quan và sâu sắc.
5. Rất ít quốc gia sử dụng ngoại tệ
tự do, thoải mái như ở Việt Nam. Ngay cả ở những nước có đồng tiền
chuyển đổi được, sự quản lý nhà nước và kỷ luật trong sử dụng ngoại tệ
cũng rất nghiêm, khác hẳn với ở ta lỏng lẻo, gần như buông thả mặc dù đã
có Pháp lệnh về ngoại hối.
Hiện nay mức độ “đô-la hóa” nền kinh tế Việt Nam đáng
báo động. Tình trạng nắm giữ, tích trữ ngoại tệ, thanh toán bằng ngoại
tệ trong dân, trong các doanh nghiệp, … gần như để thả nổi.
Rồi đây nếu cho phép bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại tệ (mà ý định cho phép hạn chế
sẽ bị hai quy tắc NT và MFN của WTO vô hiệu hóa) thì việc quản lý ngoại
tệ, chính sách tiền tệ quốc gia sẽ ra sao? Làm thế nào làm chủ được nền
tài chính tiền tệ quốc gia trong điều kiện đó?
Năm mảng yếu kém nêu trên đây chưa phải là tất cả nhưng cấp báchvà có quan hệ mắt xích với nhau. Mong rằng nguyên nhân của những yếu kém này sẽ được phân tích thấu đáo, và cùng với những bài học kịp thời rút ra
từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 và cuộc khủng hoảng tiền tệ ở
Ac-hen-ti-na năm 2001, sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam không trượt ngã và
vững vàng phát triển.
SOURCE: BÁO TIỀN PHONG
0 comments:
Post a Comment