Thursday, February 13, 2014

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN NÔNG SẢN: BỊ QUỴT NỢ HÀNG TRĂM TRIỆU ĐỒNG

THÁI HIẾU
Hay giao dịch theo kiểu “đưa hàng trước, nhận tiền sau” nên các hộ nông dân đã bị rủi ro. Gần chục hộ nông dân cư trú ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã kéo nhau đến trụ sở doanh nghiệp tư nhân Nam Phát nằm trên địa bàn huyện (KP Cầu Xéo, xã Hậu Thành) để ngăn cản chủ doanh nghiệp bán máy móc, thiết bị trả nợ cho ngân hàng. Thì ra chủ doanh nghiệp này vẫn còn mắc nợ của các hộ hàng trăm triệu đồng.
Chỉ hứa hẹn suông
Đầu tháng 6-2008, nhiều hộ nông dân đã tin tưởng bán gạo cho doanh nghiệp Nam Phát với số tiền hơn 760 triệu đồng. Sau khi bán, các hộ đã tới lui nhiều lần để yêu cầu doanh nghiệp trả tiền nhưng họ chỉ nhận được những lời hứa suông. Tức mình, các hộ đã kéo đến nhà máy của doanh nghiệp để đòi lại số gạo đã bán. Chủ doanh nghiệp liền tìm cách thương lượng cho qua, rồi sau đó chở số gạo trong kho đi nơi khác. Đến ngày 25-6-2008, vợ chồng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Không còn cách nào khác, một số bà con đã khởi kiện chủ doanh nghiệp ra Tòa án huyện Cái Bè. Ngày 16-7-2008, TAND huyện đã có phiếu chuyển hồ sơ vụ án sang công an huyện vì nhận thấy chủ doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhưng sau đó, công an huyện đã chuyển trả hồ sơ cho tòa án với lý do chỉ là tranh chấp dân sự. Lại nữa, khi được triệu tập thì vợ chồng chủ doanh nghiệp đều đến trình diện đầy đủ và cam kết sẽ trả nợ. Cuối năm 2008, TAND huyện Cái Bè đã lần lượt xét xử các vụ án đòi nợ nêu trên theo hướng buộc chủ doanh nghiệp phải trả nợ cho bà con.
Âm thầm bán tài sản để “xù” nợ
Bà Huỳnh Thị Thúy, một trong những nông dân đã bán lúa, than thở: “Vì tin tưởng doanh nghiệp nên tôi đã nhận bán gạo giúp cho ba người khác với số tiền gần 155 triệu đồng. Đến nay tôi chỉ mới thu hồi được hơn 55 triệu đồng!”. Bà Trần Thị Hồng Hạnh phản ánh: “Trước đó, chủ doanh nghiệp đã lén lút bán máy móc trong nhà xưởng để trả nợ ngân hàng khi chưa đáo hạn. Tiếp nữa, sau khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ngân hàng đã đến tháo máy móc của doanh nghiệp để cấn trừ nợ. Biết đến bao giờ bà con tụi tui mới được trả hết tiền?”. Một người dân khác nói: “Trước khi Thi hành án huyện đến kê biên tài sản của doanh nghiệp để đảm bảo việc thi hành án thì chủ doanh nghiệp đã âm thầm sang nhượng một lô đất ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long nhằm tránh né nghĩa vụ trả nợ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Quốc Định, Giám đốc Ngân hàng Phương Nam – Chi nhánh Tiền Giang (ngân hàng đã cho doanh nghiệp Nam Phát vay tiền), giải thích: “Pháp luật cho phép bên thế chấp bán tài sản để trả nợ mà không cần đợi đến đáo hạn. Chính ngân hàng cũng đã khởi kiện doanh nghiệp trên và trong phiên hòa giải tại tòa án thì doanh nghiệp đã cam kết trả nợ. Hiện ngân hàng đang chờ được thi hành án quyết định hòa giải đó”.
Ông Âu Văn Luyến, Trưởng Thi hành án dân sự huyện Cái Bè, cho biết: “Thi hành án huyện đã kịp thời kê biên toàn bộ tài sản của doanh nghiệp Nam Phát để trả nợ cho ngân hàng và bà con. Nhưng theo ước tính thì số tài sản đó không đủ để chi trả cho các chủ nợ. Do vụ việc phức tạp nên Thi hành án huyện đã đề xuất Thi hành án tỉnh trực tiếp giải quyết”.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code