PGS.TS. QUÁCH ĐỨC PHÁP – Viện trưởng Viện khoa học Tài chính
Thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát là bài toán luôn thường trực trên
bàn nghị sự của các Chính phủ nhưng cũng khó giải nhất đối với tất cả
các nền kinh tế, kể cả nền kinh tế thị trường phát triển. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Ở quốc gia nào cũng vậy, mục tiêu kinh tế hàng đầu là
đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Việt Nam đặt mục tiêu
tăng trưởng kinh tế nhanh và liên tục nhằm phù hợp với xu thế kinh tế
thế giới và đáp ứng yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc lựa
chọn con đường tăng trưởng lại cực kỳ khó khăn. Thực tế khó có thể phát
triển nhanh, mà giữ vững được trong dài hạn, vì bản thân tăng trưởng
kinh tế nhanh thường chứa đựng nhiều nhân tố gây mất cân đối, thậm chí
dẫn tới khủng hoảng. Nổi bật nhất là hiện tượng tăng trưởng quá nóng,
lạm phát tăng và không phải quốc gia nào cũng tìm được cách “hạ nhiệt”
an toàn. Trung Quốc cũng đã nhiều lần tìm các giải pháp để hạ nhiệt nền
kinh tế tăng trưởng quá nóng, có lúc lên tới hai con số. Bên cạnh đó,
tính chu kỳ của nền kinh tế không chừa bất kỳ quốc gia nào, ngay cả đối
với những nền kinh tế được gọi là “thần kỳ”.
Nền kinh tế nước ta mới chuyển từ cơ chế kế hoạch tập
trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy
thời gian chưa nhiều, đủ để phát hiện và khảo sát tính chu kỳ của nền
kinh tế, song những biểu hiện của nó đã xuất hiện tương đối rõ. Kể từ
năm 1986 đến nay, tăng trưởng kinh tế đã trải qua 4 giai đoạn thăng
trầm: năm 1986 – 1991 chỉ tăng trưởng 4,7%/năm; năm 1992 – 1997 tăng
trưởng tới 8,7%/năm mà đỉnh cao là năm 1995 với GDP tăng 9,5%; năm 1998 –
2001 lại hạ xuống còn khoảng 6%/năm và năm 2002 – 2005 phục hồi với
trên 7,6%/năm.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, có nhiều nước dựa
vào mô hình tăng nhanh đầu tư, dù phải chấp nhận gánh nặng nợ nước ngoài
ngày càng gia tăng, nghĩa là tăng trưởng cao bằng mọi giá. Kết quả là
tốc độ tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 2 con số, đồng thời lạm phát cũng gia
tăng, nền kinh tế phát triển quá “nóng”, các nhân tố khủng hoảng kinh tế
– tài chính xuất hiện và ngày càng chín muồi dẫn tới khủng hoảng không
thể tránh khỏi. Tuy vậy, một số nhà kinh tế vẫn ủng hộ quan điểm chấp
nhận khủng hoảng (khủng hoảng lạm phát cao, khủng hoảng nợ, khủng hoảng
thâm hụt ngân sách nhà nước) và coi đó như một nhân tố thúc đẩy cải tổ
cơ cấu nhanh hơn, có hiệu quả hơn và do đó tiếp tục đạt tốc độ tăng
trưởng cao hơn. Tóm lại, đây là mô hình tăng trưởng nhanh “lồi lõm”
nhưng xu hướng chung vẫn đưa nền kinh tế đạt trình độ cao hơn.
Quan điểm thứ hai đang được nhiều nước ủng hộ là tăng
trưởng ổn định. Từ góc độ kinh tế, sự ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo cơ
sở vững chắc cho những bước phát triển trong tương lai, hay còn gọi là
tăng trưởng kinh tế “theo đường thẳng”, nghĩa là không có hay giảm thiểu
khủng hoảng. Bản chất của nền kinh tế thị trường thường xuyên phát sinh
ra những nhân tố gây khủng hoảng, đặc biệt là trong điều kiện nền kinh
tế tăng trưởng với nhịp độ cao, nên các chính sách kinh tế vĩ mô phải
nhạy cảm và thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với tình hình. Đây
không phải là một việc dễ dàng. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng chỉ có
thể duy trì được dài hạn nếu ở mức vừa phải, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra
rằng mức đó không quá 6 – 8%/năm. Muốn quy mô GDP năm 2010 gấp đôi so
với năm 2000 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm phải đạt
7,2%, tức là nằm trong khung 6 – 7%/năm.
Bài toán khó giải nhất hiện nay là kiềm chế tăng giá
trong khi vẫn phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Theo quy luật
kinh tế chung, tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát tăng thường song hành
với nhau. Kinh nghiệm cho thấy lạm phát chỉ cản trở tăng trưởng khi lên
đến mức 2 con số, do đó, trong giai đoạn năm 2006 – 2010 nói chung, năm
2008 nói riêng cần cân nhắc phương án đánh đổi giữa mục tiêu tăng
trưởng và mục tiêu lạm phát, trong đó, theo chúng tôi, nên ưu tiên mục
tiêu tăng trưởng. Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng Việt Nam cần tiếp
tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao 8 – 9%/năm, đồng thời,
kiềm chế tốc độ lạm phát dưới 2 con số nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Lý thuyết cũng như thực tiễn đều chỉ ra rằng, nguyên
nhân cơ bản nhất dẫn đến lạm phát là những sai lầm trong chính sách tài
khoá – tiền tệ, đồng thời, hai công cụ kinh tế vĩ mô quan trọng để kiềm
chế lạm phát cũng chính là chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Thực tế ở nước ta lại không theo “truyền thống” đó. Từ các báo cáo chính
thức của Quốc hội, của Chính phủ, các số liệu thống kê công bố đến các
bài báo kinh tế, các thông tin đại chúng, mỗi khi đề cập đến tăng trưởng
và lạm phát lại không hoặc ít nhắc tới tài chính tiền tệ. Gần đây, các
số liệu, tài liệu về ngân sách nhà nước nói chung, về chính sách tài
khoá nói riêng, được công khai hơn rất nhiều so với trước đây, song hầu
như chỉ dừng lại ở phân tích mức độ hoàn thành dự toán ngân sách hay
thay đổi thuế suất đối với thuế nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ hầu như ít được nhắc tới, thậm chí có
những thời điểm còn được cho rằng, không liên quan đến diễn biến giá cả,
lạm phát.
Về bản chất, chính sách tài khoá tác động rất mạnh
tới tăng trưởng và lạm phát, đặc biệt là đối với mô hình kinh tế như của
Việt Nam hiện nay, từ cả phía thu ngân sách, chi ngân sách cũng như qui
mô bội chi ngân sách nhà nước và cách thức bù đắp bội chi ngân sách nhà
nước. Phát hành tiền để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước luôn được coi
là nguyên nhân trực tiếp, cơ bản dẫn đến lạm phát. Bên cạnh đó, nếu
chính sách tài khoá là công cụ vĩ mô tương đối cứng nhắc, thiếu độ linh
hoạt vì mỗi sự thay đổi dự toán chi ngân sách hay thay đổi thuế suất
từng sắc thuế đều phải thực hiện theo những quy trình tương đối phức
tạp, thì ngược lại, chính sách tiền tệ lại đặc trưng bởi mức độ linh
hoạt rất cao, thậm chí trong trường hợp “cố định” chính sách tài khoá
thì chính sách tiền tệ trở thành công cụ duy nhất, hữu hiệu nhất để thúc
đẩy tăng trưởng trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát.
Trong một vài năm trở lại đây, nổi bật nhất trong sử
dụng chính sách tài khoá chỉ là liên tục điều chỉnh thuế suất thuế nhập
khẩu, bù lỗ cho một số mặt hàng theo diễn biến “bất ổn định” của thị
trường quốc tế, đổ lỗi cho công tác dự báo thị trường yếu kém và kêu gọi
tiết kiệm. Chính sách tiền tệ còn đáng ngạc nhiên hơn với cố gắng chứng
minh sự “vô can” trong việc giá cả leo thang, cố tình “quên” mục tiêu
chủ yếu của chính sách tiền tệ là kiềm chế lạm phát.
Một điểm đáng ngạc nhiên từ năm 2004 đến nay là, để
kìm hãm tốc độ tăng giá có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát, chúng ta đã
chủ trương đặt trọng tâm vào các công cụ tài chính giá cả như cắt giảm
thuế nhập khẩu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, hạn chế điều chỉnh giá
các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, hạn chế điều chỉnh tiền lương tối
thiểu, cắt giảm chi phí sản xuất,…trong khi hầu như “cố định” các công
cụ của chính sách tiền tệ, chỉ điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mà
không có động thái rõ ràng nào đối với chính sách lãi suất và tỷ giá hối
đoái. Hiệu quả của chủ trương này như thế nào còn cần thời gian để kiểm
chứng song nó cho thấy dường như chúng ta quen sử dụng các công cụ can
thiệp của Nhà nước hơn là các công cụ thị trường linh hoạt. Trong khi đó
tất cả các nước có nền kinh tế thị trường đều thừa nhận vai trò quyết
định của điều chỉnh lãi suất mỗi khi muốn kiểm soát tốc độ tăng giá và
lạm phát, chỉ riêng nước ta dường như lại có cách làm khác.
Trong hoạch định chính sách tài chính tiền tệ cũng
cần tính tới “tính lây truyền” của lạm phát trên thế giới khi mức độ mở
cửa thị trường tăng và thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế – tài
chính quốc tế. Theo một nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đối với
nhóm 23 nền kinh tế thị trường mới nổi trong giai đoạn năm 1970 – 1999,
tốc độ lạm phát ở nhóm quốc gia này có mối quan hệ chặt chẽ với lạm
phát toàn cầu không kém mối quan hệ với thâm hụt ngân sách. Những biến
động giá cả từ đầu năm 2004 tới nay cho thấy phần nào những chính sách
điều tiết vĩ mô của chúng ta dường như chưa theo kịp tốc độ hội nhập mở
cửa nên không thể giải quyết một cách nhất quán và hiệu quả những tác
động tiêu cực từ bên ngoài. Cũng cùng sức ép từ biến động giá quốc tế,
thậm chí cường độ tác động còn mạnh hơn do mức độ mở cửa cao hơn, song
hầu hết các nước quanh chúng ta đều kiểm soát tốt giá cả và lạm phát
trong khi duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, đặc biệt là Trung Quốc. Rõ
ràng, chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm về kiềm chế lạm
phát từ thực tế này. Theo chúng tôi, nên tập trung trí tuệ và sức lực
vào việc tìm ra giải pháp kiềm chế tốc độ tăng giá hiện nay nhằm ổn định
kinh tế vĩ mô của chúng ta trong “hệ quy chiếu” thị trường, hội nhập và
mở cửa kinh tế.
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm 8 – 8,5% trong khi kiềm chế tốc độ lạm phát dưới 2 con số cần phối hợp đồng bộ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Thực tế diễn biến thị trường quốc tế năm
2004 – 2007 không thuận lợi cho mục tiêu tăng trưởng cao của chúng ta
nên việc theo dõi thị trường và kịp thời điều chỉnh chính sách tài khoá
và chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hay thắt chặt trong từng giai
đoạn phát triển là chìa khoá đối phó hữu hiệu với những cú sốc trong
điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập của Việt
Nam.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 1 (145) NĂM 2008
0 comments:
Post a Comment