LÊ VĂN NHUNG
“Có bị oan tôi mới biết
cuộc sống bế tắc như thế nào. Bao nhiêu năm trời mình khổ, vợ con cũng
khổ…”, uống xong hớp nước, ông Trương Thanh Thừa (ngụ TP Pleiku, Gia
Lai) lặng đi một lúc rồi mới ngậm ngùi kể tiếp câu chuyện của đời mình
với bao cám cảnh.
Nóng vội bắt oan
Chuyện của ông bắt đầu từ 19 năm trước. Năm 1990,
đang là giám đốc Công ty Lương thực thị xã Pleiku, trong một chuyến ông
đi công tác tại Bình Định thì ở nhà, cơ quan ông bất ngờ bị thanh tra
tài chính. Sau đó, ông bị khởi tố về hai tội cố ý làm trái quy định của
nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiếu trách
nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân tai họa này chỉ xuất phát từ việc ông
Thừa thay mặt cơ quan ký hợp đồng vận chuyển 1.000 tấn gạo từ TP.HCM về
TP Pleiku với giá 490 ngàn đồng/tấn và chi phí ủy thác vận chuyển 90
ngàn đồng/tấn (giá gạo quy định tại thời điểm đó là 620 ngàn đồng/tấn,
giá cước vận chuyển được cho phép là 100 ngàn đồng/tấn). Ngoài ra, công
an còn quy chụp ông ký hợp đồng với một đối tác mua 20 ngàn lít dầu
diezel nhưng không lấy hết dầu về, dẫn đến thiệt hại cho cơ quan (thực
chất việc mua dầu để phục vụ vận chuyển gạo nhưng chưa làm xong thì ông
Thừa đã bị bắt).
Đó chỉ là những quan hệ kinh tế đơn thuần nhưng ông
Thừa vẫn bị tạm giam gần bảy tháng mới được cho tại ngoại. Sau đó, cả
hai phiên tòa sơ, phúc thẩm của TAND thị xã Pleiku và TAND tỉnh Gia Lai
đều tuyên ông không phạm tội. Vậy mà từ đó đến nay, ông Thừa chưa hề
nhận được một lời xin lỗi nào cho thân phận của một người bị hàm oan, đã
mất cả sự nghiệp lại phải cùng vợ con gánh chịu biết bao thiệt thòi,
mất mát sau đó.
Nước mắt phận đời
Người đàn ông gầy gò 54 tuổi ấy bây giờ vẫn lầm lũi
với cuộc sống đời thường trong gian nhà tối ở một con hẻm sâu hun hút
của chợ Phù Đổng.
Lúc ông trong trại thì ở ngoài, gia đình phải chịu
nhiều áp lực từ sự đồn thổi, soi mói của dư luận địa phương. Bà Hiệp –
vợ ông chịu không nổi đành phải xin nghỉ việc khi đang là cửa hàng
trưởng một cửa hàng nông sản thực phẩm. Cậu con trai lớn lúc đó chỉ mới
hơn 10 tuổi, khi đến trường cũng thường xuyên bị bạn bè dè bỉu: “Cha mày
là thằng tham nhũng đó”…
Bà Hiệp kể: “Ê chề lắm. Mùa xuân năm ấy, cả nhà
không có Tết. Cha chồng tôi bị sốc, suy sụp tinh thần rồi mất sau đó
không lâu. Tôi một nách hai con nhỏ, không có việc làm. Đói thì đầu gối
phải bò. Ngày nọ, tôi ẵm đứa sau chưa đầy một tuổi đội mưa xuống Ayun
Pa, đánh liều gửi lại con cho một gia đình chưa hề quen biết để lo
chuyện thu mua gạo cám đưa về Pleiku bán. Từ ấy, tôi làm con buôn đầu
tắt mặt tối mà lời lãi chẳng bao nhiêu, cố hết sức cũng chỉ đủ rau cháo
qua ngày”.
Rồi ông Thừa được tòa tuyên vô tội, được minh oan
nhưng trở về thì công việc vẫn bị mất, thu nhập vẫn bị cắt hoàn toàn.
Cảnh nhà túng vẫn hoàn túng. Bà Hiệp lại lặn lội vào Cam Ranh (Khánh
Hòa) nhờ người anh cho mượn ít tiền lấy vốn làm ăn. Thấy tình cảnh oái
oăm của vợ chồng bà, nguyên chủ tịch tỉnh Gia Lai lúc bấy giờ thương
tình cho mượn một căn phòng nhỏ làm quầy bán cám, gạo lẻ nhưng được vài
tháng cũng phải giải nghệ vì ế ẩm.
Cuối cùng thì họ quay sang bán phở vỉa hè. Vợ chạy
chợ nấu nướng, chồng rửa chén, bưng bê phở cho khách đắp đổi qua ngày.
“Thế rồi nồi phở ấy đã không phụ chúng tôi, đã nuôi cả gia đình sống
được đến ngày hôm nay”.
Mới đây, cơ quan tố tụng ở Gia Lai đã chấp nhận bồi
thường oan cho ông Thừa 25 triệu đồng. Chuyện bồi thường oan dẫu chỉ xoa
dịu được một phần nào đó cho sự thiệt thòi mà ông và gia đình đã phải
gánh chịu nhưng cũng là hiện thân của sự công bằng. Nói trong niềm sẻ
chia, ông Thừa bảo: “Gian khó rồi cũng qua đi, cuộc sống bây giờ cũng đủ
ăn đủ mặc, con cái cũng đều đã trưởng thành, đã có công việc ổn định.
Tôi chỉ mong rằng sau này sẽ không ai bị hàm oan như tôi, khổ lắm”.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
0 comments:
Post a Comment