Wednesday, April 9, 2014

Tranh chấp trong thanh toán quốc tế bằng L/C và một số gợi ý cho các doanh nghiệp khi tham gia giao dịch

PGS.TS. NGUYỄN THỊ QUY
Đại học Ngoại thương – Trọng tài viên VIAC
Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng thường xuyên đang phải đối mặt với các khó khăn, thách thức không nhỏ. Một trong những thách thức lớn hiện nay là phải giảm thiểu các rủi ro, tranh chấp phát sinh trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ (Documentary credit) hay còn được gọi là thanh toán bằng thư tín dụng ( Letter of Credit – L/C) – một phương thức thanh toán quốc tế (TTQT) phổ biến được nhiều các doanh nghiệp lựa chọn. Bài viết này nhằm mục đích tổng hợp các dạng tranh chấp thường phát sinh trong TTQT bằng thư tín dụng (L/C) dước góc độ các doanh nghiệp có kinh doanh xuất nhập khẩu, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp và gợi ý một số biện pháp nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro cũng như giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.
1. Các dạng tranh chấp thường phát sinh
Trước hết, có thể khẳng định, tranh chấp bắt nguồn từ rủi ro. Trong thương mại quốc tế nói chung và hoạt động TTQT nói riêng, các bên trong hợp đồng thường ở các quốc gia có vị trí địa lý cách xa nhau, thiếu các thông tin cần thiết khi tìm hiểu về đối tác, việc am hiểu luật lệ, tập quán buôn bán của mỗi nước lại hạn chế. Do vậy, các rủi ro xảy ra là điều khó tránh khỏi. Rủi ro trong TTQT theo phương thức tín dụng chứng từ (TDCT) được hiểu là những bất trắc ngoài ý muốn có thể gây thiệt hại đối với các bên tham gia giao dịch bằng L/C như: Người yêu cầu mở L/C, người hưởng lợi L/C và các ngân hàng tham gia.
Các rủi ro, một khi không giải quyết được thường ảnh hưởng đến quyền lợi, gây tổn thất đối với các bên và kết cục là tranh chấp phát sinh, buộc các bên phải giải quyết hoặc bằng thương lượng hoặc đưa ra trung tâm trọng tài quốc tế, tòa án để giải quyết.
Các tranh chấp xảy ra trong thanh toán quốc tế bằng L/C thường rất đa dạng và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có hai loại tranh chấp điển hình thường gặp, đó là tranh chấp liên quan tới chứng từ do người bán tạo lập, xuất trình đòi tiền ngân hàng phát hành L/C và tranh chấp liên quan tới nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia vào giao dịch theo thư tín dụng.
1.1. Các tranh chấp liên quan tới chứng từ xuất trình
Về nguyên tắc, trong phương thức TDCT, các bên giao dịch chỉ căn cứ vào các chứng từ. Nếu người xuất khẩu lập được các chứng từ phù hợp với các quy định trong L/C thì ngân hàng sẽ thanh toán cho người xuất khẩu. Ðối với các chứng từ, ngân hàng phát hành thường yêu cầu người thụ hưởng phải thoả mãn các yêu cầu sau:
- Số loại chứng từ phải xuất trình và số lượng bản chính, bản sao của mỗi loại.
- Các chứng từ phải thể hiện trên bề mặt của chúng là phù hợp với các điều kiện của thư tín dụng.
- Các chứng từ thể hiện trên bề mặt của chúng là không được mâu thuẫn lẫn nhau.
- Yêu cầu ký phát từng loại chứng từ đó như thế nào?
Tuy nhiên, trong thực tế thanh toán theo L/C, đã có khá nhiều tranh chấp phát sinh do bộ chứng từ người bán lập không đáp ứng được các yêu cầu nói trên. Thường có 3 loại chứng từ được coi là chứng từ quan trọng trong các chứng từ xuất trình đòi tiền theo L/C, bao gồm: Vận đơn đường biển, hoá đơn thương mại và bảo hiểm đơn.
a) Tranh chấp liên quan đến vận tải đơn đường biển (Ocean Bill of Lading)
Theo Ðiều 20 UCP 600, yêu cầu chung cho vận đơn đường biển xuất trình bao gồm:
+ Vận đơn phải được cấp bởi một trong ba đối tượng sau: Người chuyên chở hàng hóa; thuyền trưởng hoặc đại lý của người chuyên chở hoặc thuyền trưởng. Người ký vận đơn, ngoài việc ghi rõ tên thì còn phải ghi rõ năng lực của họ nữa.
Theo đánh giá của ICC, đại đa số các sai biệt dễ dẫn đến tranh chấp liên quan tới vận đơn là do cách thể hiện không đúng năng lực, tư cách của người ký phát hành vận đơn.
+ Vận đơn phải ghi rõ hàng hóa đã được bốc lên đích danh một con tàu (Shipped on board). Quy định này chỉ phù hợp với việc giao hàng theo các điều kiện FOB, CIF và do vậy, nó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều hiểu lầm làm phát sinh tranh chấp trong hình thức sử dụng B/L vận tải đa phương thức, hoặc khi điều kiện cơ sở giao hàng là FCA thì người chuyên chở chỉ cấp cho người gửi hàng vận đơn nhận hàng để xếp (Received for shipment B/L). Trong trường hợp này, nếu L/C yêu cầu trên B/L nhất thiết phải ghi chú là hàng đã bốc lên đích danh một con tàu thì sẽ gây khó khăn cho người bán và tranh chấp phát sinh.
+ Vận đơn phải chỉ rõ là việc gửi hàng từ cảng tới cảng trên một con tàu chỉ định theo yêu cầu của L/C. Yêu cầu này cũng đã gây khó khăn cho người gửi hàng trong trường hợp hàng hóa phải chuyển tải dọc đường bởi vì trên vận đơn chỉ có ô ghi “Cảng bốc hàng” và “Cảng dỡ hàng” chứ không có ô ghi “Cảng chuyển tải”.
Ðể tránh những rủi ro có thể xảy ra, tốt nhất, người gửi hàng phải thông báo cho người mua về tuyến đường gửi hàng và loại chứng từ vận tải mà người vận chuyển phải phát hành để người mua mở L/C cho phù hợp.
Nếu L/C quy định một loại chứng từ vận tải không phù hợp, người gửi hàng phải yêu cầu sửa đổi L/C để tránh xảy ra sai sót trong khi lập các chứng từ xuất trình.
b) Tranh chấp liên quan tới hóa đơn thương mại (Commercial Invoice).
Trong TTQT bằng L/C, hoá đơn thương mại là một loại chứng từ thương mại do Người thụ hưởng L/C tạo lập cho Người yêu cầu mở L/C sau khi Người thụ hưởng hoàn thành nghĩa vụ giao hàng.
Theo Ðiều 18 UCP 600, hóa đơn thương mại phải đảm bảo được các yêu cầu sau:
+ Hóa đơn thương mại chỉ mô tả hàng hoá thực giao hoặc những dịch vụ hoặc các thực hiện đã cung ứng và phải phù hợp với mô tả hàng hoá dịch vụ và các thực hiện trong L/C.
+ Số lượng, trọng lượng và thể tích hàng hoá kê khai trong hoá đơn không được mâu thuẫn với các kê khai trên các chứng từ khác của cùng một lần xuất trình.
+ Ðiều kiện thương mại là một bộ phận của mô tả hàng hoá trong L/C và thường được thể hiện hoặc là gắn kết với đơn giá hoặc ghi kèm với thư tín dụng.
+ Hóa đơn thương mại không nhất thiết phải có chữ ký của người phát hành (theo Ðiều 18a (iv) UCP 600), nhưng phải thể hiện trên bề mặt là được phát hành bởi người hưởng lợi L/C và lập theo tên người mở L/C, trừ trường hợp L/C chuyển nhượng.
Thực tế thanh toán quốc tế bằng L/C tại Việt Nam cho thấy, các tranh chấp phát sinh liên quan đến hóa đơn thương mại thường do 2 vấn đề: (i) Trị giá hóa đơn và (ii) Mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại.
- Về trị giá hóa đơn: Số tiền của L/C có thể bằng 100% trị giá của hóa đơn hoặc lớn hơn. Nếu số tiền ghi trên hóa đơn vượt quá giá trị của L/C thì ngân hàng có quyền từ chối thanh toán. Nếu ngân hàng chấp nhận một hóa đơn thương mại như thế thì chỉ có số tiền cao nhất được ấn định trong L/C sẽ được thanh toán và quyết định này sẽ ràng buộc các bên có liên quan. Tuy nhiên, việc giao chứng từ có thể không được thực hiện vì còn phụ thuộc vào việc thanh toán khoản tiền chưa được trả. Trong những trường hợp như vậy, khoản tiền vượt này thường được chuyển sang nhờ thu. Ngược lại, nếu ngân hàng không chấp nhận thanh toán và người mua lại không hợp tác thì trị giá hóa đơn vượt quá không được thanh toán kia sẽ trở thành mấu chốt của các tranh chấp phát sinh.
- Về mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại: Việc mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại cũng được các ngân hàng kiểm tra kỹ lưỡng. Như đã phân tích ở trên, UCP 600 quy định, việc mô tả hàng hóa trong trong hóa đơn thương mại phải phù hợp với mô tả trong L/C. Bằng việc mô tả chính xác hàng hóa như được nêu trong L/C, người bán xác nhận rằng, hàng hóa đã được gửi đi đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Chỉ cần một khác biệt nhỏ giữa mô tả hàng hóa trong hoá đơn thương mại và mô tả hàng hóa trong L/C cũng có thể khiến cho ngân hàng từ chối thanh toán và là nguyên nhân gây ra tranh chấp.
Từ thực tế nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam khi lập bộ chứng từ thanh toán cần hết sức lưu ý đến mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại nói riêng và các chứng từ khác nói chung, sao cho các mô tả này phải khớp từng câu, từng chữ như yêu cầu của thư tín dụng. Ðây là một biện pháp vừa đơn giản, dễ thực hiện lại vừa hiệu quả, đảm bảo tránh được những tranh chấp không đáng có về hóa đơn thương mại.
Liên quan đến việc hoá đơn thương mại không nhất thiết phải ký hoặc không cần ghi ngày phát hành, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý. Cho dù L/C không yêu cầu, nhưng nếu trong bộ chứng từ, hối phiếu không được sử dụng như là một phương tiện đòi tiền bắt buộc mà thay vào đó là hoá đơn thương mại thì việc ghi ngày tháng phát hành cũng như ký hoá đơn là cần thiết. Hơn thế nữa, tại Việt Nam, thị trường thương phiếu (bao gồm hối phiếu đòi nợ và hối phiếu nhận nợ) chưa phát triển thì hoá đơn thương mại được sử dụng như một chứng từ tài chính là hết sức quan trọng và người bán nhất thiết phải ký và ghi ngày phát hành.
c) Tranh chấp liên quan đến chứng từ bảo hiểm (Insurance Policy)
Chứng từ bảo hiểm là loại chứng từ chỉ xuất hiện khi người bán chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu, ví dụ như trường hợp mua bán với điều kiện CIF (Cost, Insurance and Freight) – “Tiền hàng, bảo hiểm và cước”, CIP (Carriage and Insurance Paid to…)- “Cước phí và bảo hiểm trả tới…”. Về chứng từ bảo hiểm, Ðiều 28 UCP 600 quy định:
+ Chứng từ bảo hiểm thể hiện trên bề mặt đã được lập, ký tên bởi công ty bảo hiểm, người bảo hiểm hoặc đại lý của họ phát hành. Các phiếu bảo hiểm (cover notice) do người môi giới của công ty bảo hiểm cấp thường không được ngân hàng chấp nhận.
+ Trị giá bảo hiểm phải bao gồm ít nhất giá CIF hay CIP của hàng hóa cộng thêm 10% nhưng chỉ khi nào giá CIF hay CIP có thể định rõ trên chứng từ. Trong L/C cũng cần phải quy định rõ loại bảo hiểm phải mua và nếu cần bao gồm cả những loại rủi ro phụ phải mua bảo hiểm.
+ Chứng từ bảo hiểm phải ghi rõ số tiền bảo hiểm và cùng loại tiền của thư tín dụng.
+ Ngày phát hành chứng từ bảo hiểm không được muộn hơn ngày giao hàng, trừ khi trên chứng từ bảo hiểm thể hiện là bảo hiểm có hiệu lực kể từ ngày không chậm hơn ngày giao hàng.
Thực tiễn thanh toán tín dụng chứng từ tại Việt Nam cho thấy, các vụ tranh chấp liên quan tới chứng từ bảo hiểm thường phát sinh từ những nguyên nhân sau:
* Chứng từ bảo hiểm không bao gồm loại rủi ro quy định trong L/C.
* Loại tiền tệ trên chứng từ bảo hiểm khác với loại tiền tệ ghi trong L/C.
* Bảo hiểm có hiệu lực sau ngày ghi trên vận đơn hoặc trên các chứng từ vận tải khác.
* Số tiền bảo hiểm nhỏ hơn 110% giá CIF của hàng hóa.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thường xuất khẩu theo điều kiện FOB nên không phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu. Thực tế này khiến các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực tạo lập chứng từ nay lại càng yếu kém hơn do họ ít có cơ hội cọ xát với thực tế, đặc biệt là việc mua bảo hiểm. Hiện nay, hình thức mua bán hàng qua trung gian rồi xuất khẩu sang một nước thứ 3 đã trở nên phổ biến hơn. Việc thiếu kinh nghiệm trong mua bảo hiểm cho hàng hóa đã khiến nhiều thương vụ bị thua lỗ do chứng từ bảo hiểm lập có sai sót và bị ngân hàng từ chối thanh toán. Do vậy, khuyến cáo các doanh nghiệp hết sức lưu ý khi sử dụng hình thức mua bán này và nên nắm vững các quy định của UCP khi mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất khẩu.
d) Các vấn đề khác liên quan tới chứng từ xuất trình
Ngoài những nội dung liên quan tới các chứng từ xuất trình như đã nói ở trên, quan điểm như thế nào là sự mâu thuẫn giữa các chứng từ vẫn còn có nhiều tranh luận và không ít trường hợp sự không thống nhất về quan điểm cũng thường dẫn đến các tranh chấp. Ví dụ, theo yêu cầu của L/C, hóa đơn thương mại phần mô tả hàng hóa ghi: Mặt hàng: A xít sun phu rich, nhưng trong chứng từ giám định lại ghi: H2SO4. Xét về mặt bản chất, thì dù có 2 cách ghi khác nhau ở 2 chứng từ nhưng ngân hàng, với sự cẩn thận hợp lý, có thể phán xét được đây là chứng từ không mâu thuẫn. Nhưng trong những trường hợp khác, ngân hàng không thể phát hiện ra bản chất bên trong của chứng từ so với hình thức bên ngoài của nó thì sao? Do vậy, giải pháp an toàn nhất cho các doanh nghiệp và để tránh các tranh chấp có thể phát sinh, tốt nhất là nên loại bỏ các mâu thuẫn về hình thức khi tạo lập các chứng từ theo yêu cầu của L/C.
1.2. Các tranh chấp liên quan tới trách nhiệm của các bên liên quan:
a) Ðối với người nhập khẩu
Sau khi ký kết hợp đồng mua bán, nhiệm vụ của người nhập khẩu là dựa vào các nội dung khung đã thoả thuận trong hợp đồng để viết yêu cầu mở L/C. Các lỗi mà người nhập khẩu thường gặp, đó là:
Thứ nhất, khi ký hợp đồng xong, người mua, có thể vì một lý do nào đó mà không mở L/C hoặc mở L/C chậm so với thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán. Mở L/C chậm là việc người mua mở L/C sau khi thời hạn mở L/C quy định trong hợp đồng đã chấm dứt. Như vậy, nếu hợp đồng quy định một thời hạn cụ thể cho việc mở L/C thì rất dễ xác định thế nào là mở L/C chậm. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có trường hợp hợp đồng không quy định hoặc quy định không rõ ràng về thời hạn mở thư tín dụng, dẫn đến tranh chấp về việc người mua có mở L/C chậm hay không? Mặt khác, có những hợp đồng chỉ quy định các hình thức trách nhiệm khi không thực hiện hợp đồng, còn việc chậm mở L/C không phải là không thực hiện hợp đồng mà là thực hiện không đúng những nghĩa vụ quy định trong hợp đồng. Vì vậy, phải có chế tài riêng để giải quyết và chế tài đó phải được quy định rõ trong hợp đồng.
Thứ hai, trong nhiều trường hợp, người mua đưa vào L/C một số nội dung khác với hợp đồng mua bán. Nguyên nhân thì có nhiều, song nguyên nhân chính vẫn là do năng lực đàm phán của một số doanh nghiệp còn hạn chế, trình độ tiếng Anh chưa tốt, hiểu sai hoặc hiểu không hết các điều khoản trong hợp đồng mẫu, tranh chấp phát sinh khi người mua phát hiện ra khâu ký kết hợp đồng chưa chặt chẽ, có nhiều kẽ hở. Nếu tiếp tục thực hiện mở L/C đồng nghĩa với việc chấp nhận hợp đồng không hiệu quả. Ðể đối phó với thực trạng nói trên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã cố ý thoái thác trách nhiệm – không mở L/C theo như nội dung của hợp đồng đã ký kết, và tranh chấp phát sinh là điều không thể tránh khỏi.
Thứ ba, cũng có trường hợp, người mua yêu cầu ngân hàng phát hành ngừng trả tiền hàng cho người hưởng lợi mà thiếu một cơ sở pháp lý cần thiết.
Về mặt nguyên tắc, người mua không được quyền can thiệp vào quá trình thanh toán của ngân hàng phát hành cho người hưởng lợi. Nhưng cũng có trường hợp, người bán không giao hàng hoặc giao hàng rởm nhưng vẫn lập được bộ chứng từ phù hợp với L/C. Và, nếu ngân hàng không phát hiện được hành vi lừa đảo nói trên thì ngân hàng vẫn phải trả tiền cho người bán, do ngân hàng chỉ xử lý bộ chứng từ mà không cần quan tâm đến số phận thực của hàng hoá. Cam kết trả tiền của ngân hàng là một cam kết chỉ dựa vào chứng từ và sự phù hợp chứng từ với thư tín dụng, nó độc lập hoàn toàn với các quan hệ thương mại khác. Ðây chính là một vấn đề mà cho đến nay UCP 600 vẫn chưa đưa ra được một chế tài xử lý phù hợp. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, trong thực tế, người mua vẫn có quyền đình chỉ việc trả tiền của ngân hàng. Muốn vậy, người mua phải có các bằng chứng về sự lừa đảo để làm căn cứ viết đơn yêu cầu toà án ra lệnh cho ngân hàng đình chỉ trả tiền hoặc kiện ngân hàng để ngăn cản việc trả tiền đó.Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ phải chấp nhận lệnh của toà án, vì UCP vẫn chỉ là văn bản pháp lý áp dụng dưới luật quốc gia và luật quốc tế.
b) Ðối với người xuất khẩu
Khi tham gia vào phương thức thanh toán theo thư tín dụng, người bán thường vi phạm các lỗi như:
Thứ nhất, lập các chứng từ thanh toán không phù hợp với các quy định trong L/C. Trong giao dịch bằng thư tín dụng, Ðiều 5, UCP 600 đã nêu rõ: “Các ngân hàng giao dịch bằng các chứng từ và không giao dịch bằng hàng hoá, dịch vụ hoặc các thực hiện khác mà các chứng từ có liên quan”. Việc lập và xuất trình một bộ chứng từ phù hợp đòi tiền ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận L/C là nghĩa vụ cơ bản của người hưởng lợi. Nếu vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà người hưởng lợi không xuất trình được một bộ chứng từ đòi tiền phù hợp thì quyền lợi của chính bản thân người hưởng lợi, ngân hàng trả tiền, ngân hàng chiết khấu sẽ bị ảnh hưởng.
Trường hợp nghiên cứu sau đây là một bài học kinh nghiệm rút ra từ những phân tích ở trên: Công ty A của Việt Nam ký một hợp đồng nhập khẩu hàng tivi từ Công ty B của Hàn Quốc. Ngân hàng mở L/C là Ngân hàng V Hà Nội, ngân hàng thông báo phía Hàn Quốc là Ngân hàng H. Trong nội dung về chứng từ và cách thức giao hàng có quy định:
“… Chứng từ vận tải: Bộ vận đơn đường biển sạch, đầy đủ ( 3/3) cùng một số chứng từ khác…”.
“… Giao hàng làm 3 chuyến vào mỗi tháng 6,7,8 năm 2012…”.
Sau hai chuyến hàng được giao bình thường vào các tháng 6 và 7, Công ty B giao tiếp chuyến thứ 3 rồi lập và xuất trình bộ chứng từ đòi tiền Ngân hàng V Hà nội. Ngân hàng V kiểm tra bộ chứng từ thanh toán và phát hiện thấy có sai sót như sau: Vận đơn “nhận hàng để chở” và ghi chú “giao hàng lên tầu” không đề ngày giao hàng như quy định của điều 20 UCP 600.
Ðiều 20 a ii. UCP 600, quy định: “Một vận tải đơn, dù được gọi tên như thế nào, phải: …ii. Chỉ rõ hàng hoá đã được xếp hàng lên một con tầu đích danh tại cảng giao hàng quy định trong tín dụng, bằng: …một ghi chú hàng đã được xếp lên tầu có ghi ngày xếp hàng lên tầu. Ngày phát hành vận tải đơn sẽ được coi như là ngày giao hàng, trừ khi trên vận tải đơn có ghi chú hàng đã xếp lên tầu có ghi ngày giao hàng, trong trường hợp này, ngày đã ghi trong ghi chú hàng đã xếp lên tầu sẽ được coi như là ngày giao hàng…”
Trong trường hợp này, do vô tình hay cố ý mà người bán đã quên ghi ngày giao hàng và rõ ràng đã vi phạm điều 20 a ii UCP 600.
Mặc dù hàng vẫn chưa về tới cảng nhưng do thị trường tivi có biến động giảm giá mạnh, Công ty B không muốn nhận hàng nên đã điện thông báo cho ngân hàng V từ chối thanh toán bộ chứng từ. Ngân hàng H lập tức phản bác, cho rằng, hai chuyến trước (giao trong tháng 6 và 7) cũng có sai sót giống như sai sót trong chứng từ của chuyến giao hàng thứ ba nhưng Ngân hàng V không có ý kiến gì mà vẫn tiến hành thanh toán bình thường. Theo nguyên tắc hành động nhất quán thì việc từ chối thanh toán của Ngân hàng V là không đúng. Ngân hàng H yêu cầu thanh toán ngay cùng với tiền lãi trả chậm.
Tuy nhiên, ngân hàng V, dựa theo tinh thần của UCP, đã phản bác yêu cầu của Ngân hàng H Lập luận của Ngân hàng V như sau: Ðiều 14a UCP 600 quy định về việc kiểm tra chứng từ “… chỉ dựa trên cơ sở của chứng từ để quyết định chứng từ thể hiện trên bề mặt của chúng có tạo thành một xuất trình phù hợp hay không…” mà không bị ảnh hưởng bởi những giao dịch xảy ra trước, sau hoặc xoay quanh giao dịch thư tín dụng đang thực hiện. Thực tế là một ngân hàng đã từng chấp nhận bộ chứng từ có sự khác biệt, có hoặc không có sự đồng ý của người xin mở thư tín dụng. Ðiều này không thể ràng buộc ngân hàng đó chấp nhận lỗi khác biệt tương tự trong các chứng từ tiếp theo, trừ phi luật địa phương quy định khác.
Như vậy, vận dụng điều 14a UCP 600 quy định về tiêu chuẩn kiểm tra chứng từ của ngân hàng phát hành thì việc từ chối của Ngân hàng H là đúng. Tranh chấp phát sinh do lỗi từ phía người bán trong khâu lập chứng từ do đã không tuân thủ triệt để UCP 600.
Thứ hai, do người bán không thể tạo lập được các chứng từ phù hợp do người mua khống chế. Trong thực tế, có thể do sức ép của thị trường, cũng có thể do nghiệp vụ non kém mà người bán đã chấp nhận một L/C trong đó yêu cầu một hay một số loại chứng từ do người mua hoặc thay mặt người mua cấp. Chính vì vậy, khi người mua không có thiện chí hoặc không thể cung cấp các chứng từ do phía mình cung cấp thì người bán không thể lập được bộ chứng từ phù hợp với L/C và không thể nhận được tiền hàng, từ đó tranh chấp phát sinh.
Công ty J.H Rayner, Anh ký hợp đồng nhập khẩu mặt hàng rượu từ công ty Dorton Partner, Hà Lan. Ngân hàng mở L/C là Ngân hàng ABN Amro Bank , London. Công ty J.H Rayner yêu cầu trong bộ chứng từ đòi tiền phải có giấy chứng nhận của người mua chứng nhận đã nhận hàng tại cảng Liverpool đúng hạn.
Một tháng sau khi mở thư tín dụng, chuyến hàng đã cập cảng Liverpool đúng thời hạn quy định. Nhưng Công ty Dorton Partner không thể lấy được giấy chứng nhận của người mua. Kết quả là, Ngân hàng ABN Amro Bank từ chối thanh toán bộ chứng từ đòi tiền do có sai sót: Thiếu giấy chứng nhận đã nhận hàng của người mua. Sau hơn một năm dài thương lượng, Công ty Dorton Partner mới nhận được một khoản bồi thường nhưng đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.
Theo UCP 600, khi đàm phán ký kết hợp đồng, người mua và người bán tự do thoả thuận các loại chứng từ yêu cầu xuất trình. Trường hợp này rõ ràng người bán đã tự chuốc lấy rủi ro khi đồng ý chấp nhận một thư tín dụng yêu cầu một loại chứng từ do người mua hoặc thay mặt người mua cấp. Việc yêu cầu loại chứng từ nào trong bộ chứng từ đòi tiền thường được quy định trong hợp đồng mua bán. Xảy ra thiếu đảm bảo an toàn thanh toán là do hợp đồng mua bán, quan hệ thương mại giữa các thương nhân chứ không phải là thiếu sót của hệ thống thanh toán tín dụng chứng từ.
Thứ ba, người bán có hành vi gian lận thương mại, lập một bộ chứng từ phù hợp với L/C nhưng đó là bộ chứng từ giả mạo. Trên thực tế, người bán không giao hàng hoặc giao hàng giả nhưng với mục đích lừa đảo anh ta vẫn lập chứng từ giả để đòi tiền ngân hàng phát hành. Như vậy, ở đây, người bán vừa vi phạm nghĩa vụ giao hàng vừa vi phạm nghĩa vụ giao chứng từ giả mạo. Trường hợp này thường xảy ra khi người mua không nắm rõ đối tác nên đã gặp phải các công ty lừa đảo. Nếu không phát hiện được hành vi lừa đảo, không có chứng cớ rõ ràng thì ngân hàng vẫn phải trả tiền và không chịu trách nhiệm gì. Vì vậy, người mua lúc này chỉ có một cách duy nhất để ngăn chặn việc trả tiền của ngân hàng là cung cấp các bằng chứng về sự lừa đảo cho toà án để xin lệnh đình chỉ thanh toán. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có kết quả khi ngân hàng chưa kịp thanh toán cho người bán. Nếu ngân hàng đã thanh toán rồi thì người mua chỉ có thể khiếu nại hoặc kiện người bán ra toà án hay trọng tài nhờ phân xử. Nhiều trường hợp toà án không thể xử được vì phía đối tác là công ty “ma” hoặc sau khi lấy được tiền hàng đã tuyên bố phá sản, do đó người mua phải gánh chịu thiệt hại. Vì vậy, cách giải quyết tốt nhất là người mua luôn phải xem xét, nghiên cứu kỹ đối tác trước khi ký kết hợp đồng và can thiệp kịp thời khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo.
2. Một số biện pháp đối với các doanh nghiệp
Thứ nhất, phổ cập cho các doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về phương thức thanh toán TDCT
Tồn tại một thực tế hiện nay là các doanh nghiệp Việt Nam thường có xu hướng ỷ lại vào các ngân hàng trong việc tìm hiểu luật pháp, thông lệ quốc tế về thanh toán bằng L/C. Quan niệm của đại bộ phận các doanh nghiệp là, hơn ai hết, ngân hàng thương mại, với tư cách là một định chế tài chính trung gian cung cấp dịch vụ TTQT, phải nắm rõ các văn bản pháp lý, tinh thông về nghiệp vụ và doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng vào ngân hàng. Do vậy, trong nhiều trường hợp, khi nhận được thông báo L/C, các doanh nghiệp xuất khẩu thường không kiểm tra kỹ nội dung thư tín dụng đã vội vã giao hàng; các doanh nghiệp nhập khẩu lại cho rằng, thư tín dụng là công cụ đảm bảo nhận được hàng đúng như trong hợp đồng đã được ký kết… Bên cạnh đó, cũng chưa ai dám khẳng định rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã trang bị đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm về phương thức thanh toán TDCT. Do vậy việc phổ cập các kiến thức cơ bản về phương thức thanh toán bằng L/C là hết sức cần thiết.
Các kiến thức cần phổ cập bao gồm:
- Các tập quán quốc tế về TTQT bằng L/C như: ICC UCP 600, 2007; ICC ISBP 745, 2013; URR 725, 2008, ICC…
- Luật pháp của Việt Nam liên quan tới thanh toán với nước ngoài.
- Pháp lệnh Ngoại hối nước CHXHCN Việt Nam 2005.
- Các luật lệ, tập quán trong thương mại quốc tế có liên quan tới hoạt động TTQT.
- Các kiến thức chung về kinh doanh XNK
- Vấn đề xung đột giữa luật pháp Việt Nam, luật của các quốc gia khác và tập quán quốc tế về phương thức thanh toán bằng L/C và cách giải quyết.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý ngoại hối, thanh toán quốc tế và kinh doanh XNK.
Theo thống kê, có hơn 70% các doanh nghiệp có kinh doanh XNK lựa chọn phương thức thanh toán bằng L/C trong các hợp đồng được ký kết. Ðiều này chứng tỏ rằng, phương thức thanh toán này đã, đang và sẽ được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam. Do vậy, cần có các văn bản pháp lý giải thích rõ ràng về mối quan hệ giữa luật pháp trong nước và tập quán quốc tế, đặc biệt là khi có xung đột luật pháp xảy ra thì các bên tham gia sẽ áp dụng nguồn luật nào?
Thứ ba, trước khi tham gia giao dịch chứng từ, các bên mua và bán phải nghiên cứu kỹ độ tin cậy của đối tác và tính chất của từng thương vụ.
Thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp rất hạn chế về việc tìm hiểu thông tin của đối tác như uy tín, năng lực tài chính, khả năng thực hiện hợp đồng… Cũng vì thiếu thông tin hay việc tổ chức thực hiện hợp đồng một cách vội vã, các doanh nghiệp đã không thể phát hiện kịp thời tính bất thường của hợp đồng như lợi nhuận cao bất thường, không thực tế, rủi ro ít hoặc giao dịch quá phức tạp… Và đó chính là mầm mống phát sinh mọi rủi ro.
Tóm lại, nhằm giảm thiểu tối đa các vụ tranh chấp trong phương thức thanh toán bằng L/C, các bên mua và bán cần phải lưu ý:
Ðối với người mua: Ðàm phán kỹ nội dung của hợp đồng trước khi mở L/C, nghiên cứu hợp đồng mẫu (nếu có); khi viết đơn xin mở L/C thì phải thống nhất với hợp đồng; dùng hợp đồng để ràng buộc nghĩa vụ giao hàng của người bán; kiểm tra lại quyền từ chối hoàn trả của người mua trong trường hợp ngân hàng phát hành không hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Ðối với người bán: Dùng hợp đồng để ràng buộc trách nhiệm của người mua, đề phòng người mua không mở hoặc chậm mở L/C; kiểm tra điều kiện về chứng từ trong L/C (lưu ý những chứng từ mà người mua yêu cầu nhưng người bán không thể lấy được); lập bộ chứng từ theo đúng quy định trong L/C, xuất trình đúng hạn và tuân thủ triệt để Bộ Tập quán quốc tế về L/C của ICC.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. GS. Ðinh Xuân Trình (2007). Bộ tập quán quốc tế về L/C của ICC- NXB Ðại học Kinh tế Quốc dân.
2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) (2010) – Các Phán quyết Trọng tài Quốc tế chọn lọc. NXB Tư pháp.
3. PGS.TS. Nguyễn Thị Quy – Ðài Truyền hình VTV2 (2012). Các tranh chấp thường xảy ra trong TTQT bằng L/C và cách giải quyết.
4. ISBP 745 (International Standard Banking Practice for the Examination of Documents under UCP600- ISBP 2013 ICC Publication No. 745)
NGUỒN: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 3/2014

0 comments:

Post a Comment

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code