Thursday, February 13, 2014

THỰC HIỆN QUYỀN, NGHĨA VỤ GIÁM HỘ: MUỐN CHĂM SÓC CÔ, PHẢI XIN PHÉP PHƯỜNG?

NG.VẸN – CL
Người được giao quyền nuôi người cô già mù lòa lại thường xuyên bỏ mặc bà trong căn nhà khóa trái cửa. Chuyện tưởng như đùa này lại có thật 100%, xảy ra tại phường Lê Bình (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Để có thể đến chăm sóc cô ruột là bà Phan Thị Diệu Hương (76 tuổi, bị mù hai mắt) đang sống tại khu vực Yên Hòa thuộc phường Lê Bình, chị Phan Nguyễn Thanh Tuyền (ngụ cùng phường) đã phải nộp đơn xin phép… UBND phường!
Người cô già đơn thân
Đơn của chị Tuyền viết: “Tôi viết đơn này gửi đến quý cơ quan để xin phép cho tôi được đến thăm và chăm sóc cô tôi những lúc khó khăn và giúp đỡ lo thêm việc ăn uống cho cô tôi vì cô tôi mù lòa và tuổi già sức yếu”. Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình, đã có bút phê trong đơn như sau: “Chuyển lãnh đạo khu vực Yên Hòa xem xét theo đơn xin của Phan Nguyễn Thanh Tuyền, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự được phép đến thăm và chăm sóc người thân”.
Có lẽ ít ai ngờ rằng người cô nêu trong đơn đang gần như bị giam lỏng trong căn nhà của chính mình với cửa bên ngoài bị khóa trái. Bà lần dò từng bước tìm hướng đi ra cửa mỗi khi ai đó gọi.
Bà Hương không có con, được người cháu tên là Phan Công Dũng đưa về khu vực Yên Hòa để chăm sóc từ khoảng tháng 7-2008. Anh Dũng là anh họ của chị Tuyền, cả hai đều gọi bà Hương bằng cô ruột. Mỗi ngày vợ anh Dũng mang cơm nước đến cho bà Hương. Tuy nhiên, theo lời một người hàng xóm thì vợ anh Dũng chỉ đem cơm vào khoảng 10 giờ sáng rồi thôi. Có nghĩa là cả ngày bà Hương chỉ có duy nhất bữa cơm! Có lần người hàng xóm này thử vào xem thì thấy phần cơm của bà Hương chỉ có cơm và miếng cá nục. Có lẽ vì không có đủ dinh dưỡng nên chỉ vài tháng sau thì bà Hương không đi nổi, phải chống hai tay lết dài đến cửa sổ mỗi khi có ai gọi. Sức khỏe bà dần suy kiệt, tay chân, mình mẩy đầy vết muỗi cắn.
Nóng lòng, chị Tuyền vội vàng đưa bà Hương nhập viện nhưng mới được vài ngày thì anh Dũng lại đưa bà về nhà, không cho ở trong bệnh viện nữa.
Chính quyền thiếu sâu sát
Bức xúc trước việc cô mình dường như bị ngược đãi, chị Tuyền đã nộp đơn đề nghị chính quyền cho chị được chăm sóc bà Hương. Sau khi chuyện vỡ lở thì phần ăn của bà Hương có thêm củ khoai, trái chuối luộc để dành cho bà ăn buổi tối. Tuy nhiên, bà Hương vẫn rất khổ sở trong các sinh hoạt hàng ngày. Có hôm bà không biết nhà vệ sinh ở đâu, phải kêu lên để nhờ hàng xóm chỉ giùm. Khi khát nước, đôi khi bà bò lại vòi nước uống đỡ. Bà phải ngủ không mùng mền, chỉ nằm trên một chiếc võng đặt gần nhà vệ sinh.
Chiều qua (28-4), khi chúng tôi tìm đến nhà bà Hương thì cái ổ khóa vẫn lạnh lùng khóa kín bên ngoài. Vẫn đang ở một mình trong nhà, bà Hương đã phải nhận lấy thức uống do chị Tuyền đưa qua cửa sổ duy nhất của căn nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lợi, cán bộ phụ trách an ninh khu vực Yên Hòa, cho biết: “Bà Hương thuộc diện được nhà nước trợ cấp hàng tháng và anh Dũng đã xin nhận số tiền trợ cấp để chăm lo cho bà. Thế nhưng anh Dũng lại chăm sóc bà không chu đáo…”.
Chúng tôi liên hệ với UBND phường Lê Bình nhưng không gặp được Chủ tịch Lê Tấn Thành vì ông đang bận họp ở quận Cái Răng. Khi nghe chúng tôi phản ánh qua điện thoại về việc bà Hương bị ngược đãi, ông Thành khẳng định: “Không phải vậy đâu, lâu nay anh Dũng nuôi bà Hương nhưng nay thì cô Tuyền muốn nuôi. Gia đình anh Dũng vừa gửi đơn yêu cầu phường can thiệp vì cô Tuyền đã chở bà Hương đi đâu mất rồi (!). Khi nào tìm được bà Hương, tôi sẽ đưa ra hướng giải quyết cụ thể”.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ: MƯỢN NHÀ KHÔNG TRẢ, ĐEM HÓA GIÁ CHO CÁN BỘ

VŨ HOÀNG
Chuyện bắt đầu từ ngày 13-5-2003, khi ông Huỳnh Thanh Bạch, Chủ tịch UBND thị trấn Định Quán làm đơn xin mua căn nhà và đất thổ cư tại ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán. Ngày 9-9-2004, UBND huyện Định Quán có công văn số 664/UBH duyệt bán hóa giá căn nhà trên cho ông Bạch. Sau khi ông Bạch nộp tiền, UBND huyện Định Quán ra Quyết định số 259 ngày 6-10-2005, công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Bạch và vợ là bà Nhung. Ông Bạch cho người đến ở thì xảy ra tranh chấp. Bà Vũ Thị Cau là người ở sát vách, đã khiếu nại và cho rằng căn nhà và đất huyện ký bán cho ông Bạch, là của gia đình bà.
1. Cho mượn, mất nhà
Theo đơn khiếu nại của gia đình bà Vũ Thị Cau, chúng tôi đã đến địa phương tìm hiểu sự việc. Cơ quan chức năng đưa ra công văn số 928/UBND-NC ngày 20-7-2006 của UBND huyện Định Quán, xác định rõ nguồn gốc đất tranh chấp: Thời gian từ năm 1976 – 1977, Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp đã “quản lý” hai gian nhà này để phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh. Đến năm 1985, HTX Phú Hiệp giải thể nên bàn giao hai căn nhà này cho UBND thị trấn Định Quán quản lý. Từ đó đến trước ngày 15-12-2005, không có ai khiếu nại, thắc mắc gì về vấn đề này. Do vậy mà UBND huyện đã bán hóa giá cho ông Huỳnh Thanh Bạch. Văn bản này nêu: “Việc bà Cau và chồng là ông Nhương cho là nhà và đất nói trên của gia đình ông bà tạo lập, nhưng hai ông bà không cung cấp được các giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc đất và nhà là của gia đình ông bà. Theo quy định của pháp luật, một trong những căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất … (khoản 2 Điều 688 Bộ luật dân sự 2005). Người sử dụng đất không chỉ có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo vệ đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính mà còn phải có nghĩa vụ đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất mình sử dụng (khoản 2 Điều 107 Luật Đất đai năm 2003). Trong suốt thời gian này ông bà không tiến hành đăng ký kê khai đối với diện tích 186,8m2 để thực hiện quyền của người sử dụng đất hợp pháp của mình. Hiện nay trong sổ mục kê và sổ địa chính của UBND thị trấn Định Quán thì không có tên của ông bà đối với diện tích đất đang tranh chấp. Bên cạnh đó bà chỉ cung cấp được những thông tin qua lời khai và xác nhận của những người làm chứng ngày 28-2-2008, thể hiện họ chỉ nghe, biết, nhưng không biết cụ thể về nguồn gốc tài sản khi Hợp tác xã Phú Hiệp thuê mướn căn nhà, đất nói trên.”
Sau vụ việc trên, ông Huỳnh Thanh Bạch lại làm đơn kiện bà Vũ Thị Cau và ông Phan Đình Nhương ra tòa. TAND huyện Định Quán đã chấp nhận đơn kiện của ông Huỳnh Thanh Bạch, buộc bà Vũ Thị Cau và ông Phan Đình Nhương phải trả lại tài sản gắn liền với QSD đất là căn nhà tọa lạc tại ấp Hiệp Cường, TT. Định Quán, cho ông Huỳnh Thanh Bạch.

Nói về nguồn gốc khu đất, bà Cau tường trình: "Vào năm 1957, vợ chồng tôi đến Định Quán lập nghiệp và khai phá được khu đất mặt tiền quốc lộ 20 ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán (đối diện trường Nguyễn Du hiện nay). Gia đình tôi dựng 2 căn nhà trên đất (một căn 3 gian để ở và một căn vá vỏ xe hơi sau này bán lại cho ông Lương Văn Ngói). Năm 1977, đại diện UBND và Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp (trong đó có ông Lê Hồng Hải – Chủ tịch xã, bà Chánh – Chủ nhiệm Hợp tác xã (nay đã mất), ông Lại Văn Kiềm – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã), đến đặt vấn đề mượn 2 gian nhà của căn nhà của gia đình tôi, để làm điểm thu mua nông sản. Gia đình tôi đồng ý cho Hợp tác xã mượn 2 gian của căn nhà, gian còn lại gia đình tôi vẫn sử dụng cho đến nay. Quá trình cho Hợp tác xã mượn đất, gia đình tôi không đòi hỏi điều kiện gì. Gần đây, các con trong gia đình đã lớn, điều kiện sống chật chội (chỉ có 80m đất ở) nên vợ chồng tôi phải dọn vào rẫy sinh sống, nhường căn nhà tại thị trấn cho các con. Trước đây, gia đình tôi chưa đòi lại nhà là cứ nghĩ UBND thị trấn sử dụng vào mục đích chung. Năm 2004, khi thấy UBND thị trấn không còn nhu cầu sử dụng nhà mà lại đem hóa giá cho ông chủ tịch thị trấn Huỳnh Thanh Bạch nên gia đình tôi mới đòi lại khu đất để sử dụng".
Chúng tôi đã tìm gặp một nhân chứng rất quan trọng là ông Lại Văn Kiềm (Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp giai đoạn 1976 – 1980). Ông Kiềm năm nay đã 96 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn và nhớ rành rọt câu chuyện: "Năm 1977, Hợp tác xã mua bán Phú Hiệp mới được thành lập, điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn nhất là kinh phí và địa điểm hoạt động. Ban Chủ nhiệm HTX gồm bà Chánh (chủ nhiệm) và tôi (phó chủ nhiệm) đã xin ý kiến của UBND trực tiếp là ông Hải, chủ tịch xã lúc đó về ý định mượn nhà đất của một số hộ dân ít có nhu cầu sử dụng, để làm địa điểm sản xuất kinh doanh của HTX. Được sự chấp thuận của UBND xã, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã tiến hành vận động 5 hộ dân trong đó có gia đình bà Cau cho mượn nhà và đất. Các hộ trên được HTX trả lại nhà năm 1980, riêng hộ bà Vũ Thị Cau do công việc còn tiến hành nên HTX chưa trả lại nhà cho ông bà. Tôi xin khẳng định việc mượn nhà và đất các hộ dân trên, chỉ để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã, chứ không theo một chủ trương trưng thu, trưng mua tài sản gì cả. Nay HTX và UBND thị trấn không còn nhu cầu mượn nhà cho việc chung, đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết trả lại nhà gia đình bà Cau, chứ không được vin vào bất cứ lý do gì để hóa giá cho cán bộ.
Ông Nguyễn Kim Cương, nguyên trưởng công an huyện Tân Phú cũ cho biết: "Năm 1976 (khi chưa tách huyện), tôi đã biết rõ trường hợp gia đình bà Cau, ông Nhương có cho HTX mượn nhà. Nay huyện lấy nhà của ông bà hóa giá cho ông Bạch, hiện là cán bộ lãnh đạo một cơ quan của huyện Định Quán, là điều không nên, nhất là gia đình ông bà đang gặp khó khăn."
Một nhân chứng khác là ông Lê Hồng Hải (Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp giai đoạn 1977 – 1982, nay là thị trấn Định Quán). Ông Hải tuy đã mất nhưng trước đó đã để lại bản tường trình: “Vào năm 1977, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán Phú Hiệp đã đề đạt với UBND xã về việc mượn nhà đất của một số hộ trên địa bàn để làm cơ sở phục vụ cho kinh doanh của HTX. Được sự chấp thuận của cấp ủy và sự thống nhất của UBND, tôi thay mặt cho xã cùng đại diện của Hợp tác xã là bà Chánh, chủ nhiệm và ông Kiềm, phó chủ nhiệm HTX đã vận động 5 hộ dân, trong đó có gia đình bà Cau, cho HTX mượn nhà và đất. Khi được gia đình bà Cau và các hộ khác cho mượn nhà và đất, UBND đã để HTX trực tiếp quản lí và sử dụng số tài sản trên. Năm 1982, khi HTX không còn nhu cầu mượn nhà, tôi đã giải quyết trả lại nhà và đất cho bà Tiến, ông Kiệu (cũng là các đối tượng cho HTX mượn đất như trường hợp bà Cau). Trường hợp tài sản của gia đình bà Cau, lúc đó HTX vêîn sử dụng là điểm thu mua nông sản, nên chưa xem xét trả lại. Là một trong những người trực tiếp đứng ra mượn đất của gia đình ông bà Cau trước đây, tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết sao cho gia đình bà Cau khỏi thiệt thòi vì tài sản là do gia đình bà tạo dựng và cho Nhà nước mượn suốt nhiều năm nay".
2. Cơ quan tham mưu của huyện Định Quán nói gì?
Trong khi gặp gỡ các nhân vật để tìm chứng cứ khẳng định căn nhà và đất thổ cư tại ấp Hiệp Cường, thị trấn Định Quán, thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Cau, ông Nhương, chúng tôi đã tìm được một tài liệu có giá trị của Phòng tài nguyên môi trường huyện Định Quán thực hiện.
Đó là văn bản 72/TNMT.KNTC, ngày 4-8-2005 của Phòng TNMT báo cáo kết quả xác minh đơn khiếu nại của bà Vũ Thị Cau. Văn bản này kết luận: “Về lý, các trình tự thủ tục và quá trình diễn biến quản lý sử dụng nhà và đất bà Cau khiếu nại từ trước đến nay không có hồ sơ thể hiện. Nhưng về thực tế, nhà và đất này là tài sản do gia đình bà Cau tạo lập và sử dụng từ năm 1957 đến năm 1977, sau đó chính quyền địa phương sử dụng cho đến nay. Việc gia đình bà Vũ Thị Cau đã cho HTX mua bán xã Phú Hiệp trước đây mượn nhà và đất để phục vụ sản xuất kinh doanh là có cơ sở khẳng định, vì : Những người trực tiếp tiến hành vận động các hộ (trong đó có gia đình bà Cau) cho mượn nhà và đất là ông Lê Hồng Hải (nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp) và ông Lại Văn Kiềm (nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán xã Phú Hiệp) thừa nhận Hợp tác xã chỉ mượn đất, chứ không trưng thu hay trưng mua. Đây là những nhân chứng đáng tin cậy, từng giữ cương vị chủ chốt trong chính quyền địa phương tại thời điểm có sự thay đổi về đối tượng sử dụng tài sản trên. Ông Huỳnh Thanh Tòng là cán bộ công tác lâu năm tại địa phương khẳng định trường hợp gia đình bà Cau không thuộc diện các đối tượng bị trưng thu, trưng mua trong quá trình cải cách ruộng đất. Ông Lại Văn Kiềm trực tiếp điều hành, quản lý hoạt động của Hợp tác xã thời kỳ đầu cho biết Hợp tác xã lúc đó rất khó khăn, không đủ điều kiện để mua lại nhà và đất của các đối tượng mà chỉ đặt vấn đề mượn. Trong đợt vận động cho Hợp tác xã mượn nhà và đất vào năm 1976 có tất cả 5 trường hợp trong đó có trường hợp bà Cau. 4 trường hợp kia đã được giải quyết quyền lợi từ năm 1980, thời gian ông Hải và ông Kiềm còn công tác, do HTX không còn nhu cầu sử dụng. Điều này cũng chứng tỏ Hợp tác xã đã không mua lại nhà và đất của 5 hộ nói trên. Trường hợp bà Cau lúc đó, HTX vẫn sử dụng làm điểm thu mua nông sản, nên chưa xem xét trả lại nhà và đất cho gia đình bà. Gia đình bà Cau đã cho Nhà nước mượn nhà và đất mà không đòi hỏi quyền lợi trong suốt nhiều năm. Thời gian gần đây khi thấy tài sản trên không còn được sử dụng vào mục đích chung và do hoàn cảnh khó khăn, bà Cau mới đề nghị xem xét giải quyết cho gia đình bà".
Vì sao trước những sự kiện thật, con người thật như vậy mà UBND huyện Định Quán cố tình bác bỏ quyền sở hữu đất và nhà của bà Cau, ông Nhương, người đã cho tập thể mượn nhà gần 30 năm không lấy một xu tiền nhà, để rồi được trả ơn bằng cách hóa giá bán như cho (18 triệu đồng) cho cán bộ là ông Huỳnh Thanh Bạch, nguyên chủ tịch thị trấn Định Quán, nay là Phó ban tổ chức huyện ủy? Điều đáng nói là gia đình ông Bạch hoàn toàn không có nhu cầu bức xúc về nhà ở. Như  bà Nhung, vợ ông Bạch cho chúng tôi biết: mục đích gia đình bà mua căn nhà vì “Nhà nước hóa giá thì chúng tôi mua, nếu không người khác cũng mua”. Gia đình ông Bạch đã có nhà và 2 ha vườn tại đường Thú y, thị trấn Định Quán, mà chúng tôi đã có dịp đến thăm. Khi đó căn nhà ông có một tốp thợ đang tiếp tục xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi. Trong khi đó gia đình bà Cau, ông Nhương 17 người gồm hai ông bà, 5 con, 5 dâu, rể và 5 cháu đang phải chui rúc trong căn nhà nhỏ tại thị trấn và căn nhà gỗ rách nát trên mảnh rẫy nghèo nàn. Bà Cao còn mang nỗi đau vì 2 người con ảnh hưởng chất độc da cam sống oặt ẹo, vẫn chưa được thị trấn quan tâm trợ cấp theo quy định của nhà nước. Đã thế người chồng bà bị bại não, chỉ còn nằm chờ chết. Oan ức, cụ bà gần 80 tuổi này không chịu thua, vẫn tiếp tục đội đơn đi các nơi khiếu kiện để đòi lại tài sản chính đáng của mình đã bị người ta nhẫn tâm bán rẻ, thực chất là chia chác quyền lợi béo bở cho nhau.
SOURCE: BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ:

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN NHÀ: BÁN NHÀ CHỪA NGỌN

THỤY CHÂU
Căn nhà có lầu trên cùng không hợp lệ vì xây sai phép. Người bán đòi thêm 100 lượng vàng cho phần lầu này nhưng người mua không đồng ý. Vợ chồng ông H. có một căn nhà ở quận 1, TP.HCM. Theo biên bản hoàn công do Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lập năm 1998, căn nhà có phần lầu sáu và sân thượng vi phạm độ cao. Do vậy, phần diện tích hợp lệ của căn nhà chỉ gồm có hầm, trệt, năm lầu với tổng diện tích 525 m2.
Đòi tăng giá bán
Tháng 6-2007, vợ chồng ông H. chấp thuận bán cho bà T. căn nhà trên với giá 1.700 lượng vàng. Theo thỏa thuận, đó là giá cố định, không thay đổi bất kể thị trường lên hay xuống. Bà T. đã đặt cọc 45 lượng vàng, sau đó giao tiếp cho bên bán 300 lượng vàng. Hai bên thỏa thuận nếu bên bán không bán thì hoàn trả tiền cọc và bồi thường gấp ba tiền cọc, nếu bên mua không mua thì mất cọc.
Thế nhưng sau đó vợ chồng ông H. lại yêu cầu tăng giá bán thêm 100 lượng vàng. Theo họ, hợp đồng mua bán ghi hiện trạng căn nhà là “hầm, trệt, năm lầu” nên giờ bà T. muốn mua lầu sáu thì phải trả thêm tiền. Nếu không, bà phải chịu mất 45 lượng vàng đặt cọc.
Bà T. cho rằng bên bán đòi tăng giá như thế là vô lý, bởi lẽ hợp đồng ghi rõ bà đã “mua đứt” căn nhà. Như vậy, dù cho căn nhà có mấy lầu thì bên bán cũng phải giao toàn bộ căn nhà cho bà theo giá cũ. Sở dĩ các bên không ghi lầu sáu và sân thượng vào hợp đồng vì đây là phần xây dựng sai phép, không được các cơ quan chức năng công nhận.

Hợp đồng mua bán vô hiệu
Do thương lượng bất thành nên các bên đã đưa nhau ra tòa. Bà T. yêu cầu bên bán giao toàn bộ căn nhà, nếu không bên bán phải hoàn trả cho bà 345 lượng vàng, khỏi phạt cọc. Phía vợ chồng ông H. đề xuất ba phương án giải quyết: Bán nhà theo giá cũ nhưng không bán lầu sáu; bán cả lầu sáu nếu bên mua trả thêm 100 lượng vàng; bên mua không chịu hai phương án trên thì phải mất 45 lượng vàng đặt cọc.
Vì hợp đồng mua bán của đôi bên chưa được công chứng nên không đảm bảo về hình thức. Tháng 11-2007, TAND quận 1 đã ấn định cho các bên thời hạn để đi công chứng hợp đồng nhưng họ không thực hiện.
Sơ thẩm vụ án hồi tháng 2-2008, TAND quận 1 đã xử hủy hợp đồng mua bán trên vì giao dịch vi phạm hình thức. Cấp sơ thẩm cho rằng bên bán có lỗi làm hợp đồng vô hiệu nên phải hoàn trả cho bên mua hết thảy số vàng đã nhận là 345 lượng vàng. Bởi lẽ căn nhà không có lối đi riêng nào dẫn tới lầu sáu thì bên bán không thể yêu cầu giữ lại lầu sáu. Hơn nữa, các bên đã cam kết mua bán đứt căn nhà.
Tháng 5-2008, án phúc thẩm của TAND TP.HCM đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Kháng nghị xét lỗi bên mua
Tháng 4-2009, chánh án TAND tối cao đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu TAND tối cao hủy cả bản án sơ thẩm lẫn phúc thẩm.
Kháng nghị nêu rõ các bên chỉ thỏa thuận mua bán “hầm, trệt, năm lầu”. Như vậy, lầu sáu và sân thượng vẫn thuộc về bên bán nên họ có cơ sở đòi thêm tiền. Bà T. từ chối trả thêm tiền và nói mình đã mua trọn căn nhà là không đúng. Kháng nghị cho rằng cần xem xét lỗi của bên mua để xử lý tiền đặt cọc theo đúng hợp đồng.
Trong khi chờ có quyết định giám đốc thẩm, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến về vụ tranh châp ngộ nghĩnh này.
Thẩm phán Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chánh án TAND quận 10:
Cả hai bên đều có lỗi
Khi hợp đồng mô tả “hầm, trệt, năm lầu” thì khó thể suy đoán đối tượng mua bán là toàn bộ căn nhà. Theo Điều 450 Bộ luật Dân sự, hợp đồng mua bán nhà ở phải được công chứng, chứng thực. Nhưng sau khi nhận tiền cọc, nhận tiếp 300 lượng vàng mà bên bán vẫn không đi công chứng hợp đồng. Điều 454 BLDS cũng quy định bên mua được nhận nhà theo đúng tình trạng đã thỏa thuận. Nhưng bên mua không chịu nhận “hầm, trệt, năm lầu” như đã thỏa thuận. Như vậy, cả hai bên đều có lỗi làm hợp đồng vô hiệu.
Theo Nghị quyết số 01 năm 2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, nếu các bên có lỗi tương đương nhau làm cho hợp đồng vô hiệu thì mỗi bên phải chịu 1/2 giá trị thiệt hại. Nếu mức độ lỗi của họ không tương đương nhau thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình. Thiệt hại trong trường hợp này chính là 45 lượng vàng đặt cọc. Riêng 300 lượng vàng nhận sau, bên bán phải hoàn trả lại đủ cho bên mua.
Luật sư Nguyễn Đình Hùng, Đoàn luật sư TP.HCM:
Chưa hẳn bên bán sẽ được lợi
Theo tôi, bên mua có lỗi khi không chịu nhận đúng “hầm, trệt, năm lầu” như hợp đồng đã ký. Từ lâu, người ta sử dụng thuật ngữ “mua bán đứt” (bán không cho chuộc lại) để phân biệt với “mãi lai thục” (bán cho chuộc lại). Nếu hợp đồng dùng từ “mua bán trọn” thì mới có thể giải thích theo hướng mua bán toàn bộ căn nhà. Rất tiếc, các bên đã không ghi rõ tài sản thực chất mua bán.
Khi vụ án được sơ thẩm lại, chưa hẳn bên bán sẽ “khỏe” hơn nếu bên mua chịu nhận đúng “hầm, trệt, năm lầu”. Bởi lẽ căn nhà không có lối đi riêng lên lầu sáu và sân thượng. Bấy giờ, có thể bên bán phải quay lại thương lượng với bên mua để mua cho mình lối đi theo giá được bên mua ấn định.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 1 TP.HCM:
Chỉ nên giao dịch những tài sản hợp pháp
Tôi cũng biết có một trường hợp tương tự như vậy vừa xảy ra: Nhà có bốn lầu nhưng giấy tờ chỉ công nhận có ba lầu, sau khi công chứng hợp đồng mua bán ba lầu xong thì người bán quay lại đòi người mua trả thêm tiền cho lầu bốn. Điều này cho thấy người mua dễ gặp rắc rối khi chấp nhận mua những phần tài sản chưa hợp lệ bởi theo luật định, nhà ở phải có giấy chủ quyền thì mới được giao dịch.
Trở lại trường hợp cụ thể nêu trong bài, đúng là pháp luật không buộc công chứng viên kiểm tra trên thực tế nhưng nếu chúng tôi biết được căn nhà có sáu lầu nhưng giấy chủ quyền chỉ công nhận có năm lầu thì chúng tôi sẽ từ chối công chứng. Ngay cả khi các bên có ghi rõ trong hợp đồng phần diện tích nhà, đất chưa hợp lệ kèm theo lưu ý “người mua sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ liên quan với nhà nước” (như cách làm phổ biến của một số người) thì chúng tôi cũng không công chứng. Mà khi không được công chứng thì hợp đồng mua bán nhà ở đó không có giá trị pháp lý để ràng buộc cả hai bên thực hiện.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.phapluattp.vn/news/ban-doc/view.aspx?news_id=254960

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG: KIỆN VÌ TRÒ CHƠI KHÔNG AN TOÀN

HOÀNG YẾN
Hai doanh nghiệp kéo nhau ra tòa, tranh cãi quyết liệt vì một trò chơi đã được lắp đặt xong nhưng không đảm bảo an toàn. .. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa tạm hoãn xử một vụ tranh chấp khá lạ xoay quanh công trình máng trượt trò chơi lắp đặt tại một công viên nước vì bên nguyên đơn vắng mặt.
Không ai chịu ai
Theo hồ sơ, cuối tháng 3-2003, Công ty N. (công ty) ký hợp đồng thiết kế, thi công và lắp đặt công trình máng trượt vòng xoáy không gian (space spiral) cho Công viên nước X. (công viên). Máng trượt có chiều dài 22 m (tính theo đường chim bay là 18 m), độ cao xuất phát 10 m, đường kính vòng xoay không gian 9 m… Tổng giá trị hợp đồng là 600 triệu đồng, thời gian thi công khoảng hai tháng, đến cuối tháng 5-2003 phải bàn giao công trình…
Đầu tháng 6-2003, hai bên thử nghiệm hệ thống trượt và nhận thấy chiều ngang hồ rơi từ máng trượt xuống nhỏ hơn so với yêu cầu thực tế. Do đó, công ty đưa ra hai phương án là mở rộng hồ hoặc dời máng trượt ra phía trước nhưng công viên không chấp thuận. Nửa tháng sau, công trình trò chơi vòng xoáy không gian đã hoàn thành nhưng công viên không chịu nghiệm thu, thanh toán khoản còn lại. Tới tháng 7-2004, công viên đã yêu cầu công ty thu hồi sản phẩm và trả lại 300 triệu đồng tiền tạm ứng.
Khởi kiện, bị phản tố
Công ty đã nhờ Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực III (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) giám định kỹ thuật an toàn của công trình máng trượt này và được kết luận là công trình đảm bảo an toàn. Tháng 9-2004, công ty khởi kiện công viên ra TAND TP.HCM để đòi hơn 560 triệu đồng (gồm cả tiền lãi, tiền bảo hành lẫn chi phí giám định).
Theo công ty, đây là loại sản phẩm có sẵn, do công viên đặt mua nên không chấp nhận việc trả lại của công viên. Công ty đã lắp đặt hoàn chỉnh và hai bên có thử tải. Quá trình thi công có nhật ký công trường, thậm chí chính công viên còn cử người của mình giám sát thi công…
Ngược lại, công viên trình bày với tòa rằng công ty đã vi phạm thời hạn hợp đồng và trò chơi không đủ an toàn để đưa vào sử dụng. Kết quả thẩm định kỹ thuật an toàn của trò chơi do công ty đưa ra chỉ là sự thẩm định an toàn của thiết kế chứ không phải thẩm định sự an toàn thực tế. Công ty đã không khảo sát kỹ lưỡng địa hình, không tính toán, không dự liệu được chiều rộng của mặt hồ nên trò chơi không đủ độ an toàn khi người chơi rơi từ phễu xuống. Công viên đã từng làm theo đề nghị của công ty là dùng mút dán xung quanh hồ nhưng vẫn không khắc phục được.

Đồng thời, công viên cũng phản tố yêu cầu tòa cho chấm dứt hợp đồng, trả sản phẩm và lấy lại tiền tạm ứng. Ngoài ra, công viên còn yêu cầu công ty bồi thường chi phí quảng cáo, chi phí thuê giám sát cùng khoản thiệt hại về thu nhập tài sản do không khai thác được (quyền sử dụng đất)… Tổng cộng, số tiền công viên yêu cầu công ty phải trả là hơn 1,2 tỷ đồng.
Phải trả gần 500 triệu đồng
Thụ lý, TAND TP đã tổ chức kiểm định độ an toàn của trò chơi. Kết quả kiểm định đều được hai bên đồng ý nhưng giữa họ lại có bất đồng trong cách giải quyết sự việc.
Bên công ty nói chấp nhận xử lý các mối nối, mối ghép để đảm bảo yêu cầu về độ nhẵn, láng… theo như kiến nghị của trung tâm kiểm định, còn việc mở rộng diện tích hồ (thêm mỗi bờ ít nhất là 1,5 m) là trách nhiệm của công viên. Tuy nhiên, công viên lại bảo không thể mở rộng hồ bởi sẽ làm ảnh hưởng đến hồ tạo sóng và hầm thiết bị điều khiển nằm ngay bên cạnh.
Không ai chịu ai, tháng 10-2008, tòa phải đưa vụ kiện ra xét xử. Theo tòa, công ty không khảo sát thực tế kỹ, đáng lẽ phải thông báo cho công viên biết việc lắp đặt máng trượt vào hồ tiếp nhận có sẵn không phù hợp để các bên cùng đưa ra giải pháp thì lại cố tình lắp đặt sản phẩm có sẵn. Vì vậy dẫn đến việc khi thử nghiệm mới phát hiện lòng hồ tiếp nhận hẹp, gây nguy hiểm cho người chơi. Do công ty có lỗi, dẫn đến việc trò chơi không đưa vào hoạt động được nên không có quyền đòi công viên trả nốt số tiền còn lại mà phải thu hồi sản phẩm và hoàn trả gần 500 triệu đồng tiền tạm ứng và tiền lãi cho công viên.
Về phần phản tố của công viên, tòa nhận định yêu cầu đòi công ty thanh toán chi phí giám sát lắp đặt thiết bị trò chơi là không thỏa đáng. Cạnh đó, việc công viên đòi công ty thanh toán chi phí quảng cáo trò chơi (hơn 160 triệu đồng) cũng không có cơ sở chấp nhận. Toàn bộ các hợp đồng và hóa đơn, chứng từ thanh toán chi phí quảng cáo đều thể hiện là quảng cáo nhiều hoạt động của công viên. Công viên không chứng minh được chi phí quảng cáo cụ thể cho riêng trò chơi này.
Ngoài ra, tòa cũng bác yêu cầu đòi bồi thường gần 500 triệu đồng thiệt hại về thu nhập tài sản do không khai thác được (quyền sử dụng đất)… của công viên. Lý do là công viên đã không đưa ra được phương án kinh doanh hay chứng minh doanh thu của hoạt động kinh doanh tương tự và lợi nhuận phát sinh nếu không có sự vi phạm của công ty.
Sau phiên xử, nguyên đơn lập tức kháng cáo nhưng ở phiên phúc thẩm mới đây thì lại vắng mặt nên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM phải hoãn xử.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM: MUỐN NHẬN TIỀN BẢO HIỂM PHẢI ĐEO BÁM, NĂN NỈ?!

GIA LINH
Để được sửa chữa chiếc xe đã mua bảo hiểm, khách hàng phải tự bỏ tiền túi ra để "tạm ứng" cho xưởng dịch vụ nhưng sau nửa năm vẫn chưa được phía bảo hiểm thanh toán vì lí do… thiếu giấy tờ.
Đeo bám, năn nỉ để đòi tiền bảo hiểm
Phản ánh với phóng viên VietNamNet, bà Trần Thị Thái – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Nam (gọi tắt là Công ty Thành Nam) bức xúc cho biết: "Cuối tháng 10/2008, chiếc xe Mercedes E280 mang BKS 30K – 0647 của công ty tôi bị ngập nước, dẫn tới hư hỏng nặng nên buộc phải đưa vào xưởng sửa chữa.
Ngay khi xe bị hỏng, công ty tôi đã liên hệ với Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) – Đơn vị bán bảo hiểm xe cơ giới cho chiếc xe Mercedes E280. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, những cán bộ có trách nhiệm của PJICO tỏ ra rất thờ ơ trong việc lập hồ sơ, làm thủ tục giải quyết bảo hiểm cho chiếc xe của công ty chúng tôi.
Sau nhiều ngày "đeo bám", "năn nỉ" thì công ty chúng tôi mới liên lạc được với cán bộ bảo hiểm của PJICO và được hướng dẫn đưa xe về Xưởng dịch vụ Mercedes An Du để chờ thủ tục giám định, sửa chữa xe. Trong quá trình chờ đợi giám định, sửa chữa xe, chúng tôi lại thêm một lần thất vọng khi một cán bộ bảo hiểm của PJICO đã tới Công ty Thành Nam để… đàm phán việc chia sẻ chi phí sửa chữa. Cụ thể là vị cán bộ này yêu cầu công ty chúng tôi phải chia sẻ, chịu trách nhiệm cho việc khấu hao tất cả các bộ phận thay thế cùng các chi phí thay thế, sửa chữa khác trong quá trình sửa chữa xe Mercedes 30K – 0647 cho dù chiếc xe đã được mua bảo hiểm đầy đủ.
Nhận thấy yêu cầu này là quá vô lý nên công ty chúng tôi đã từ chối và yêu cầu vị cán bộ bảo hiểm này thông báo bằng văn bản nhưng sau đó chẳng hề thấy bất cứ văn bản nào gửi lại cho công ty chúng tôi. Ròng rã nhiều ngày sau đó, khi công ty chúng tôi liên tục gửi công văn, gọi điện thoại thúc giục thì đến tận ngày 10/12/2008 phía Bảo hiểm PJICO mới có công văn số 1667/2008/PJICO/XCG về việc "Chấp nhận sửa chữa xe 30K – 0647" có nội dung rất chung chung.

Tự thấy cách giải quyết của PJICO quá chậm chạp và sẽ gây tổn thất lớn về cơ hội kinh doanh nên công ty chúng tôi đã phải tạm ứng trước tiền đặt hàng cho linh kiện thay thế và thanh toán 100% chi phí sửa chữa cho Xưởng dịch vụ Mercedes An Du. Tuy nhiên, ngay cả khi Công ty Thành Nam đã tự bỏ tiền túi ra để sửa chữa chiếc xe đã mua bảo hiểm của PJICO rồi thì phía PJICO vẫn rất chậm chạp trong việc thanh toán bảo hiểm bất chấp việc chúng tôi liên tục gọi điện, gửi văn bản đề nghị.
Đến tận ngày 09/02/2009, PJICO mới gửi công văn yêu cầu Công ty Thành Nam gửi các chứng từ liệt kê liên quan đến việc sửa chữa, thay thế máy móc, linh kiện của chiếc xe 30K – 0647 để làm hồ sơ hoàn trả thanh toán chi phí bảo hiểm. Ngày 27/03/2009, công ty chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này nên đến ngày 02/04 thì phía PJICO đã có thông báo chuyển tiền nhưng khi kiểm tra lại không thấy đồng nào được chuyển vào tài khoản.
Khi công ty chúng tôi liên tục thắc mắc, đến ngày 13/04/2009, phía PJICO lại gửi văn bản yêu cầu chúng tôi phải cung cấp hàng loạt những chứng từ nội bộ, tờ khai hải quan liên quan tới việc nhẩu khẩu máy móc, phụ tùng thay thế cho chiếc xe 30K – 0647 trong khi chúng tôi đã phải nộp các giấy tờ này cho cơ quan công an để đăng ký lại giấy tờ cho xe  vào ngày 09/04/2009 (xe bị thuỷ kích, vỡ tay biên, buộc phải thay thế tổng thành máy nên phải đăng ký lại số máy với cơ quan công an).
Cứ như vậy, mỗi lần Công ty Thành Nam đề nghị Bảo hiểm PJICO hoàn trả chi phí bảo hiểm thì phía PJICO lại gửi một văn bản yêu cầu công ty chúng tôi phải nộp một vài thứ giấy tờ có liên quan khác để… hoàn thiện hồ sơ chi trả tiền bảo hiểm. Đến nay đã 6 tháng trôi qua (tính từ khi xe 30K – 0647 bị ngập nước), phía Báo hiểm PJICO vẫn chưa thanh toán cho Công ty Thành Nam tiền bảo hiểm!".
Lỗi tại khách hàng?
Trong văn bản số 129/XCG gửi cho Công ty Thành Nam ngày 09/02/2009, phía Bảo hiểm PJICO cho rằng: "Hồ sơ của Công ty Thành Nam chưa đầy đủ chứng từ để làm cơ sở thanh toán bồi thường do vậy PJICO không chậm trễ". Tuy nhiên, bà Trần Thị Thái khẳng định: "Chúng tôi là khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới của PJICO thì cán bộ bảo hiểm của PJICO phải có trách nhiệm hướng dẫn chúng tôi hoàn thiện hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm. Đằng này, cứ mỗi lần công ty chúng tôi yêu cầu họ chuyển tiền bảo hiểm thì họ lại yêu cầu một loại giấy tờ để… hoàn thiện hồ sơ, trong đó có những giấy tờ phải nộp cho cơ quan công an để đăng ký lại cho xe thì khác gì đánh đố chúng tôi?".
Cũng theo những văn bản do Bảo hiểm PJICO gửi Công ty Thành Nam mà công ty này đã cung cấp cho phóng viên VietNamNet, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc Bảo hiểm PJICO chậm thanh toán tiền bảo hiểm cho chiếc xe Mercedes E280 mang BKS 30K – 0647: "Thứ nhất: Công ty Thành Nam chưa gửi đủ chứng từ để làm cơ sở thanh toán; Thứ 2: Do Công ty Thành Nam và Xưởng dịch vụ Mercedes An Du chậm thông báo về những phát sinh trong quá trình sửa chữa, thay thế phụ tùng, máy móc".
Theo đó, phía Bảo hiểm PJICO chỉ chấp nhận bồi thường chi phí thay thế tổng thành máy (không bao gồm 10% thuế VAT); 50% chi phí thay thế đối với các hạng mục vật tư, phụ tùng thuộc nhóm vật tư-phụ tùng phải tính khấu hao theo định kỳ (bao gồm: lọc dầu, dung dịch làm mát, lọc gió, dầu máy các loại) và một số hạng mục khác có liên quan. Tổng chi phí bồi thường phát sinh do ngập nước đối với xe 30K – 0647 mà PJICO xác định là 440.864.212 đồng trong khi tổng số tiền mà phía Công ty Thành Nam yêu cầu PJICO thanh toán là 728.311.342 đồng (bao gồm: chi phí sửa chữa thay thế toàn bộ các hỏng hóc có liên quan phát sinh do ngập nước, tiền phí trước bạ đăng ký lại cho chiếc xe 30K – 0647, lãi suất cho số tiền Công ty Thành Nam đã ứng trước để trả cho Xưởng dịch vụ Mercedes An Du và chi phí cơ hội kinh doanh cho chiếc xe trong suốt thời gian chờ sửa chữa).
Sau khi phóng viên VietNamNet liên hệ với các phòng ban có liên quan của Bảo hiểm PJICO để làm rõ quan điểm của lãnh đạo PJICO về những khiếu nại liên quan tới việc chi trả bảo hiểm cho chiếc xe 30K-0647 của bà Trần Thị Thái – Phó Giám đốc Công ty Thành Nam và đã được cán bộ có thẩm quyền của PJICO gửi e-mail hồi âm.
Trong e-mail trả lời này, ông Trần Anh Tuấn – cán bộ phòng Nghiệp vụ II, Hội sở Hà Nội cho biết: "Cán bộ PJICO gặp khách hàng để thương lượng việc chia sẻ rủi ro là do tính phức tạp của vụ tổn thất. Theo quy tắc bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm chỉ bồi thường những hạng mục bị tổn thất trực tiếp nên đối với xe 30K – 0647, do tổn thất chỉ sau ngập nước là bị gãy tay biên, vỡ blog máy (lốc máy – vỏ ngoài phần dưới của động cơ). Tuy nhiên, vì nhà cung cấp Mercedes không cung cấp những chi tiết bị tổn thất để thay thế rời mà phải thay thế tổng thành máy (máy tổng thành là toàn bộ động cơ mới 100%). Do vậy, PJICO phải xem xét và tìm hướng giải quyết, thương lượng với khách hàng chia sẻ 1 phần rủi ro. Tuy nhiên, vì trách nhiệm và quyền lợi của khách hàng nên PJICO đã chấp nhận toàn bộ chi phí thay thế đối với phần máy tổng thành của xe 30K – 0647".
Bà Trần Thị Thái thắc mắc: "Nếu nói đơn vị bảo hiểm chỉ bồi thường những tổn thất trực tiếp thì tại sao PJICO lại từ chối việc giải quyết bồi thường cho những hư hỏng phát sinh khác của xe 30K – 0647 trong khi cán bộ kỹ thuật của Xưởng dịch vụ Mercedes An Du đã xác nhận rằng bộ puly dàn đầu của xe bị hỏng do ngập nước?".
Ông Đào Trọng Huấn – Trưởng phòng Tư vấn dịch vụ của Xưởng dịch vụ Mercedes An Du khẳng định: "Khi được đưa về xưởng, xe 30K – 0647 ở trong tình trạng máy hỏng, không hoạt động nên phải lắp động cơ mới vào rồi mới kiểm tra được hư hỏng ở các bộ phận khác. Thế nhưng sau khi được lắp máy mới, kiểm tra phát hiện thấy bộ pulu dàn đầu hư hỏng nặng do ngập nước, cần phải thay thế nhưng do đó là thời điểm gần Tết, xưởng chúng tôi lại ký hợp đồng sửa chữa trực tiếp với Công ty Thành Nam nên nhân viên của chúng tôi chỉ gọi điện thoại bảo cho cán bộ bảo hiểm của PJICO về những hỏng hóc cần thay thế đó".
Được biết, ngày 20/4/2009, Bảo hiểm PJICO đã có công văn số 190/HSO-NV2/2009 về việc "Giải quyết khiếu nại việc bồi thường xe BKS 30K – 0647" gửi Công ty Thành Nam. Nội dung công văn nêu rõ "Chi phí phát sinh 31.287.850 đồng: Đây là chi phí phát sinh mà Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Nam và Mercedes An Du đã tiến hành sửa chữa trước khi báo cho PJICO giám định. Căn cứ theo nguyên tắc bảo hiểm thì những phát sinh nêu trên PJICO không thể giải quyết bồi thường". Đồng thời, công văn này cũng từ chối chi trả chi phí lệ phí trước bạ đăng ký lại xe 30K – 0647 và chi phí "Cơ hội kinh doanh" (163.800.000 đồng tiền thuê xe trong quá trình xe 30K – 0647 không sử dụng được).
Theo bà Trần Thị Thái thì: "Việc PJICO từ chối thanh toán chi phí sửa chữa phát sinh, lệ phí trước bạ đăng ký lại xe 30K – 0647 là không thể chấp nhận được vì đó là những chi phí phát sinh trực tiếp từ việc chiếc xe 30K – 0647 bị ngập nước và hư hỏng nặng". Bà Thái cũng cho biết: "Công ty Thành Nam chúng tôi sẽ khiếu nại đến cùng về vụ việc này!".
SOURCE: VIETNAMNET.VN

TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT: VỤ CÔNG TY CAFE 15 KIÊN ĐÒI ĐẤT Ở ĐẮC LẮC, ĐÂU LÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ?

PHÚC ÂN – PHẠM HOÀNG
Nông trường 352, nay là Công ty cà phê 15 (Cty 15) đã qua 20 năm giải thể, trả lại đất cho chính quyền địa phương, chuyển qua địa bàn khác và UBND huyện đã cấp sổ đỏ cho dân từ năm 1993. Thế nhưng, kỳ lạ là nay công ty này đột nhiên quay về "chốn cũ" đòi trả lại đất cho họ! Việc làm bất bình thường này không chỉ gây bức xúc cho các hộ dân liên quan mà còn gây nên làn sóng bất bình tại địa phương. Thực hư vụ việc ra sao?
Từ việc giải thể, trả đất
Trên khu đất diện tích khoảng hơn 12 ha mượn của địa phương, tọa lạc tại xã Pơng Đrang nay là xã Ea Đê, thị trấn Buôn Hồ, huyện Krông Buk, từ năm 1987- 1989, Nông trường (NT) 352 tiến hành trồng cà phê. Do luôn đối mặt với muôn khó khăn như không quản lý được vườn thửa; đất ở vị trí cao không đủ nước tưới; cây cà phê phát triển xấu, sản lượng thấp, thua lỗ nặng nên năm 1991, NT 352 giải thể, bán thanh lý vườn cà phê, thu hồi vốn, trả đất lại cho UBND huyện Krông Buk, trong đó có 06 ha cà phê NT 352 đã bán đứt, thu tiền ngay của một số hộ dân, giá bình quân 5 triệu/ha. Đây là những thửa gần nguồn nước tưới, cây cà phê phát triển tốt. Diện tích cà phê còn lại cũng đã lên phương án bán cho huyện với giá 21.300.000 đồng nhưng huyện từ chối mua. Sau đó, ông Trần Hữu Thung đứng ra làm đơn xin hợp đồng với NT 352 viết: "Sau khi hết thời gian hợp đồng nghĩa là đơn vị thu hết vốn đầu tư tôi tiếp tục được sử dụng số diện tích tài sản nói trong hợp đồng tôi chỉ phải nộp thuế nông nghiệp…", và đã được Ban giám đốc NT 352 đồng ý, cho làm hợp đồng chấp nhận giao 5,67ha. Tiếp đó, ông Thung sang lại cho 04 hộ dân nghèo là Trần Kim Toàn, Lưu Quang Toản, Nguyễn Khắc Thắng, Nguyễn Văn Ánh diện tích đất cà phê này để trồng chăm sóc, trồng mới hầu như 100% và trả bằng sản phẩm trong vòng 08 năm từ năm 1991. Sau khi NT 352 sang đất cho các hộ và trả đất, căn cứ vào đề nghị của UBND xã và bản đồ quy hoạch sử dụng đất dân cư, năm 1993 UBND huyện Krông Buk đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân nói trên. Việc làm đó hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Đến việc đâm đơn đòi đất!
Sự việc đến đó tưởng không còn gì để nói. Nhưng vừa qua Cty 15 lại đâm đơn đòi lại đất!. UBND huyện Krông Buk đã có văn bản yêu cầu Cty 15 cung cấp toàn bộ hồ sơ cấp đất của các cấp có thẩm quyền cho đơn vị và các hồ sơ bán thanh lý vườn cà phê. Nhưng Cty này không có mà liên tục kiện cáo, phát văn bản yêu cầu xã, huyện thu hồi "sổ đỏ" đã cấp cho dân!.
Qua các tài liệu chứng cứ thu thập được cho thấy: Năm 1991 ông Thung là người trực tiếp đứng ra giúp NT 352 thu hồi vốn và đến thời điểm năm 1998, các hộ này đã trả cho NT 352 tổng số tiền là 66.600.000 đồng, thay vì phải trả 21.300.000 đồng. Chênh lệch con số này cho thấy 04 hộ dân nghèo đã phải trải qua phương thức mua bán trả chậm với lãi suất cao. Căn cứ vào Tờ trình 01/TT ngày 20.4.1991 : "Về việc giải thể Khu vực Đoàn bộ cũ 352 trả đất cho huyện và nhượng bán vườn cây – tài sản thu hồi vốn" của NT 352 kèm theo "Bảng báo cáo giá nhượng bán" thì đến thời điểm từ năm 1998, NT 352 đã thu hồi vốn vượt qua con số dự toán hàng chục triệu đồng và không còn liên quan gì với vườn cây cà phê, nên việc các hộ dân vào năm 1993 được UBND huyện Krông Buk cấp GCNQSDĐ là điều dễ hiểu. Diện tích đất này đã được ông Thung nhượng lại năm 1991, 04 hộ đã thanh toán đủ tiền. Căn cứ vào Luật Đất đai 2003, Nghị định 181/2004/NĐCP ngày 29.10.2004 của Chính phủ thì các thửa đất trên do 4 hộ Toàn, Toản, Thắng, Ánh canh tác liên tục, sử dụng ổn định trước năm 1993, không có tranh chấp và được cấp GCNQSDĐ trước ngày 15.10.1993 là người đang sử dụng đất đúng pháp luật. Hơn nữa, vào thời điểm UBND huyện làm thủ tục cấp GCNQSDĐ không hề có bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khiếu nại.

Đứng trước thực trạng bị kiện cáo trớ trêu đó, 4 hộ dân nói trên đã khởi kiện Cty 15 ra TAND huyện Krông Buk. Ngày 2.12.2008 TAND huyện đã thụ lý và ngày 8.1.2009 toà này ra Quyết định (QĐ) số 253 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Yêu cầu các cơ quan, tổ chức giữ nguyên hiện trường quyền sử dụng đất rẫy cà phê đang tranh chấp với Cty 15 thuộc các thửa đất của 4 hộ Nguyễn Văn Ánh, Lưu Quang Toản, Nguyễn Khắc Thắng, Lê Kim Toàn đã được UBND huyện Krông Buk cấp GCNQSDĐ. Thế nhưng, không hiểu sao đùng một cái ngày 29.3.2009 (tức 3 tháng sau đó) Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Buk lại ký QĐ số 968 thu hồi, huỷ bỏ giá trị pháp lý GCNQSDĐ của 4 hộ nói trên!?
Qua sự việc trên, nhiều luật gia, luật sư cho rằng, việc Cty 15 kiện người dân đòi lại đất là trái pháp luật. Bởi lẽ, Cty 15 chưa hề được cơ quan có thẩm quyền giao đất, trước đó NT 352 mượn đất và đã trả lại cho huyện, và chính quyền địa phương đã cấp GCNQSDĐ lâu dài cho dân từ tháng 10.1993 là đúng với Luật Đất đai lúc bấy giờ. Ngoài ra, cùng một vụ tranh chấp QSDĐ, nhưng trong lúc TAND huyện Krông Buk đang thụ lý và đã ra QĐ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giữ nguyên hiện trường theo luật định, thì sau đó UBND huyện lại tham gia giải quyết và ra QĐ thu hồi GCNQSDĐ của 4 hộ là không đúng với quy định của pháp luật. Vụ việc nói trên sẽ được giải quyết ra sao?
SOURCE: BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
Trích dẫn từ:

TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN: GẦN MỘT TỶ ĐỒNG BỒI THƯỜNG BỊ MẮC KẸT

TRUNG DUNG
Tranh chấp tiền bồi thường nhà, đất: Sở Tư pháp nói “có thể kiện”, TAND TP.HCM lại bảo “không”. Sinh thời, cha ông Trần Ngọc Xuân có đứng tên làm chủ sở hữu căn nhà 21-21/1 Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Năm 1982, sau khi cha chết, ông Xuân tiếp tục sống tại căn nhà này.
Đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế
Năm 2004, căn nhà bị giải tỏa trắng do nằm trong dự án thoát nước và nâng cấp đường Hoàng Hoa Thám-Vạn Kiếp. Cho rằng ông Xuân là đại diện các đồng thừa kế (mẹ ông Xuân đã chết từ lâu, ông Xuân chỉ có một người em là bà Trần Thị Năm), UBND quận Bình Thạnh đã ra quyết định bồi thường cho ông Xuân hơn 850 triệu đồng.
Để được hưởng trọn số tiền này, ông Xuân đã xuất trình tờ di chúc của người cha chỉ định ông là người thừa kế duy nhất. Tuy nhiên, bà Năm lại cho rằng di chúc đó giả mạo và bà đòi hưởng tiền bồi thường. Tháng 7-2004, trong thời gian chờ hai bên thương lượng, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đã chuyển số tiền trên vào ngân hàng.
Tháng 10-2006, ông Xuân đã nộp đơn khởi kiện tranh chấp thừa kế với bà Năm. Tuy nhiên, TAND quận Bình Thạnh đã từ chối thụ lý vụ án với lý do thời hiệu khởi kiện đã hết. Không biết tính sao, ông Xuân đã quay lại đề nghị UBND quận phân xử.
Xử chia tài sản chung, được không?
Ngay sau đó, UBND quận Bình Thạnh đã gửi công văn nhờ Sở Tư pháp và TAND TP.HCM hướng dẫn cách xử lý. Sở Tư pháp cũng cho rằng ông Xuân và các đồng thừa kế không thể kiện chia thừa kế vì đã quá hạn khởi kiện nhưng các bên vẫn có thể kiện chia tài sản chung. Vì theo điểm 4 khoản 2 Mục 1 Nghị quyết 02 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về tài sản thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết thì áp dụng các quy định pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.
Thế nhưng TAND TP.HCM lại không đồng ý như thế. Theo tòa này, các đương sự cũng không đủ điều kiện chia tài sản chung theo hướng dẫn của Nghị quyết 02. Do TAND quận Bình Thạnh không thể thụ lý vụ kiện nên việc chi trả tiền bồi thường trong trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND quận Bình Thạnh.
Do mỗi nơi chỉ một kiểu nên UBND quận Bình Thạnh đã phải gửi văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp và TAND tối cao.
”Đến nay, hai cơ quan này vẫn chưa phản hồi nên chúng tôi chưa thể trả tiền bồi thường cho ông Xuân” – ông Trần Minh Thơ, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng TAND TP.HCM đã từ chối thụ lý đúng quy định, bởi lẽ chỉ có thể xử chia tài sản chung với điều kiện các đương sự đều nhất trí đó là di sản chưa chia. Thế nhưng ông Xuân khăng khăng mình là người được thừa kế theo di chúc, còn bà Năm lại quả quyết mình phải là người được thừa kế theo pháp luật. Ai đúng, ai sai vẫn chưa rõ vì đến giờ chưa có cơ quan chức năng nào kết luận tờ di chúc viết tay (không có chứng thực) do cha của ông Xuân lập có hợp pháp hay không. Sau gần năm năm bị “neo” tiền bồi thường, nếu ông Xuân và những người thừa kế của bà Năm (đã chết) không cố gắng ngồi lại với nhau, có lẽ họ phải cố gắng đợi hướng dẫn của Bộ Tư pháp và TAND tối cao chứ không còn cách nào khác hơn.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP GIAO DỊCH DÂN SỰ: TÌNH HẾT, ĐÒI TÌNH NGƯỜI YÊU


PHAN GIA HI
Chứng cứ thua, anh Việt kiều tiếp tục kháng cáo. Bị phụ tình nên đòi lại tiền. Không vay mượn nên không trả. Theo đơn kiện của anh H. (Việt kiều Anh) thì khoảng đầu năm 2006, qua trao đổi trên Internet, anh quen với chị D. (ngụ tỉnh Bến Tre). Sau nhiều lần gặp nhau trên mạng và điện thoại, thấy có vẻ hợp nhau, chị D. đã hứa là sẽ kết hôn với anh.
Bị phụ tình nên đòi lại tiền
Tuy nhiên vào cuối năm 2006, anh H. về thăm quê hương thì mới vỡ lẽ ra rằng chị D. đã hứa kết hôn với một anh Việt kiều Mỹ. Chính anh H. cũng đã gặp anh này tại nhà mẹ chị D. Hỏi thêm thì H. anh biết là lễ hỏi của họ cũng đã được tổ chức khá lâu rồi và chị D. hiện đang được chồng làm thủ tục bảo lãnh sang Mỹ.
Đau đớn vì bị lừa dối, anh H. đã quyết định đòi lại các khoản tiền đã gửi cho chị D. trong thời gian quen biết trên mạng. Theo anhH., trước đó chị D. đã hỏi mượn anh trên 11 ngàn bảng Anh và anh đã chuyển về cho chị qua dịch vụ chuyển tiền W. Chị D. đã dùng tiền này để tiêu xài, xây dựng nhà cửa cho cha mẹ, ăn học… Cứ mỗi lần hỏi mượn tiền là chị D. nêu một lý do khác nhau nhưng vì những lời chị hứa hẹn sẽ kết hôn nên anh không chút nghi ngờ gì…
Cũng theo anh H., khi anh đến đòi tiền, chị D. và cha mẹ đã thừa nhận và chịu hoàn trả tất cả số tiền đã vay. Tuy nhiên, chị D. chỉ mới trả trước năm ngàn bảng Anh. Số tiền còn lại chị khất lại hẹn, sẽ trả sau. Nhưng thời gian trôi qua, anh đòi mãi nhưng phía chị D. không chịu thanh toán. Anh đã nhờ địa phương đứng ra hòa giải nhưng cũng không thành. Chuyện chẳng đừng, anh đành phải gửi đơn đến TAND tỉnh Bến Tre để nơi đây đứng ra phân xử, lấy lại hơn sáu ngàn bảng Anh cho anh.
Không vay mượn nên không trả
Tuy nhiên, phía chị D. thì lại không đồng tình với nhiều chi tiết mà anh H. đã nêu trong đơn khởi kiện. Chị cho rằng khi trao đổi trên mạng, biết chị là người cùng quê, anh H. đã chủ động làm quen và xin được tìm hiểu. Một thời gian sau thì anh H. nói là thích chị và có ý định muốn chị làm bạn gái. Từ lúc đó trở đi, anh H. đã đề nghị với mẹ chị là hãy để anh thay mẹ chị lo cho chị ăn học và mọi chi tiêu hàng ngày.
Từ đó hai bên đã thường trao đổi qua lại. Ban đầu thấy chị lên mạng ở ngoài dịch vụ công cộng phiền phức nên anh H. gửi tiền cho chị mua máy riêng để dễ bề gặp gỡ. Cũng có lần anh H. đề nghị chị lên Sài Gòn học làm tóc thì chị nói không có tiền thì làm sao đi được. Lúc này anh H. đã nói là mọi chuyện để anh ấy lo và gửi tiền về cho chị trang trải các chi phí ăn học.

Khi gửi tiền về, anh H. nói là cho tiền chị đi học chứ không hề nói là có sự vay mượn. Anh H. còn nói rằng chị cứ lo cho sức khỏe và cũng không muốn chị mặc quần áo cũ mà nên dùng tiền của anh H. gửi về để sắm quần áo mới…
Lần khác thì bà nội chị bị bệnh, anh H. cũng hỏi thăm và chị đã cho anh H. biết là không có tiền nên anh H. đã chủ động gửi về giúp mà cũng không nói rằng cho vay, cho mượn gì cả. Lần khác thì biết chị làm mất tiền sửa nhà của gia đình nên anh H. cũng gửi tiền về giúp. Cũng như các lần trước, lần này anh H. cũng không đề cập gì chuyện nợ nần, vay trả…
Tuy nhiên sau đó, chị biết được là gia đình anh H. có ý định giới thiệu cho anh H. một người con gái khác, do vậy gia đình anh H. đã muốn anh H. lấy lại số tiền mà anh H. đã cho chị. Không lâu sau đó thì anh H. về nước và đã đến đòi lại tiền. Khi đến nhà chị, người nhà anh H. đã dọa gia đình chị rằng nếu không trả tiền thì sẽ tung những hình ảnh không đẹp của chị lên mạng cho mọi người biết, đồng thời sẽ cho giang hồ thanh toán… Tuy nhiên, chị không lo lắng gì vì không làm gì có lỗi.
Chuyện tạm yên được một thời gian thì người nhà anh H. lại đến nhân lúc gia đình chồng chị qua nhà chị bàn định ngày cưới. Nhiều người người dọa rằng nếu chị không trả tiền thì sẽ phá đám cưới. Cả hai bên lo lắng nên đã chấp nhận trả lại cho phía anh H. năm ngàn bảng Anh. Lúc đó chị nghĩ việc trả lại số tiền này cũng không thành vấn đề gì bởi trước đó anh H. cũng đã giúp đỡ chị nhiều, hơn nữa anh H. nói cần tiền trả nợ cho chị dâu nên chị rất cảm thông sự khó khăn của anh.
Thế nhưng sau đó gia đình anh H. lại tiếp tục đòi chị phải trả thêm hơn năm ngàn bảng Anh nữa. Lúc này chị cho rằng do không vay mượn ai cả, anh H. tự nguyện cho nên chị không đồng ý trả như bên anh H. đòi.
Đã cho rồi thì không đòi được
Sau nhiều lần hòa giải nhưng không thành, cuối năm 2008, TAND tỉnh Bến Tre đã đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm.
Theo tòa, đã có việc hai anh chị quen biết nhau qua mạng, thậm chí có cả việc anh H. cho chị D. hơn 11 ngàn bảng Anh để chị chi tiêu cá nhân. Chuyện chị D. trả lại cho anh H. năm ngàn bảng Anh trước đó là do chị tự nguyện.
Tuy nhiên, tại tòa, chị D. không thừa nhận đã vay mượn hơn sáu ngàn bảng Anh còn lại như yêu cầu khởi kiện của anh H. Chị chỉ thừa nhận rằng có nhận tiền của anh nhưng đó là tiền anh cho trên tinh thần tự giác, tự nguyện để nhằm lấy lòng chị chứ chị cũng chưa hứa hẹn gì với anh cả. Đồng thời, anh H. khởi kiện đòi tiền cho mượn nhưng lại không đưa ra được chứng cứ nào để chứng minh có chuyện vay mượn tiền ngoài những phiếu chuyển tiền qua dịch vụ. Như vậy về phía chứng cứ anh H. thua, tòa bác yêu cầu khởi kiện của anh. Do tại thời điểm anh H. khởi kiện giá trị số tiền anh đòi trên sáu ngàn bảng Anh tương đương trên 166 triệu đồng Việt Nam nên anh phải đóng án phí trên 7,5 triệu đồng.
Sau phiên xử sơ thẩm, phía anh H. đã kháng cáo không đồng tình với phán quyết trên. Tới đây, TAND tối cao tại TP.HCM sẽ xử phúc thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, đưa tin đến bạn đọc.
Trước đây cũng có một chuyện tương tự khi anh T. đòi chị H. (ngụ tỉnh Bình Dương) phải trả lại gần 30 triệu đồng tiền anh nuôi chị ăn học. Số tiền này phía chị H. có thừa nhận trong một bản tường trình nên cả phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T. với nhận định chuyện này các bên đã tự do cam kết, thỏa thuận, hoàn toàn tự nguyện, không bên nào áp đặt, cưỡng ép, đe dọa bên nào. Thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO XÂM PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN: BÉ TRAI NĂM TUỔI BỊ CÔ GIÁO BÊU XẤU

TÂM PHÚC
Không đồng ý với việc bé hờn dỗi bỏ cơm, các cô mẫu giáo lột quần áo, còn dọa “cắt tai, chặt chân” khiến bé bị sốc nặng. Sự việc đáng tiếc trên xảy ra ngày 20-2 tại lớp Lá 2 Trường mẫu giáo dân lập SOS Bến Tre. Nạn nhân là bé trai LGP chỉ mới năm tuổi.
Làm nhục trẻ bị khiếm khuyết
Tiếp xúc với phóng viên, bé P. nhớ lại: “Hôm đó, con không làm đổ đồ chơi nhưng cô chủ nhiệm vẫn bắt con dọn dẹp. Con không chịu dọn thì cô phạt con đứng khoanh tay bên cửa sổ… Sau đó, do con không ăn cơm nên các cô đã đánh con và lột quần áo của con cho các bạn xem!”.
Qua lời kể của bé P., có thể hình dung diễn biến câu chuyện như sau: Sau khi phạt P. xong thì cô chủ nhiệm quay sang chăm sóc các bé khác. Lúc đó, một cô bảo mẫu và hai cô giáo của lớp khác đã lôi bé P. xuống nhà bếp. Vì bé P. vùng vẫy nên áo bị tuột ra khỏi người. Thế là hai cô đã tiếp tục cởi quần bé, đẩy bé đi vào nhà ăn để cho các bạn… ngắm nhìn. Một cô nói: “Các bạn nhìn P. nè. P. không có quần áo mặc nè…”.
Chưa hết, một cô đã dùng tay xỉ vào mặt bé P. và tát hai cái vào mặt bé. Trong lúc cô chủ nhiệm đang mặc áo cho P. thì một cô bước đến xô bé một cái rồi nói: “Tự mặc quần áo đi. Không mặc là tôi chặt hai cái chân… Mai mốt đừng có bước chân vô trường này nữa nghen. Bước vô, cô chặt cái chân”. Một cô khác xỉ tay lên trán và đánh một cái vào đầu P. Cô này còn lấy dao bào đòi cắt lỗ tai P…
Mẹ bé P. cho biết bé có dấu hiệu bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Suốt mấy ngày liền sau đó, tâm trạng của bé rất hoảng loạn. Đêm ngủ bé hay mớ, la khóc gọi ba mẹ… Bé không chịu đi học và rất ngại gặp gỡ mọi người. Không thể chấp nhận được cách hành xử phi sư phạm nêu trên, mẹ bé P. đã gửi đơn yêu cầu nhiều cơ quan chức năng xử lý kỷ luật các cô giáo đã bêu xấu và gợi đến nỗi đau của bé. Tuy nhiên, vụ việc cứ bị đẩy đưa, không được giải quyết thỏa đáng.
Sẽ xử lý dứt điểm
Phóng viên đã tìm gặp ngẫu nhiên một số bé học chung với bé P. để tìm hiểu thêm sự việc. Các bé đã vô tư xác nhận có việc các cô giáo làm nhục P…
Cũng có mặt trong buổi làm việc của phóng viên nhưng bà Nguyễn Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo dân lập SOS Bến Tre, vẫn tiếp tục cho rằng “không hề có chuyện trên, chẳng qua do các bé hiểu lầm…”. Bà Anh khẳng định: “Tôi tin là giáo viên của chúng tôi không làm chuyện đó. Chúng tôi không có gì phải thẹn lòng”. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Công Bình, Giám đốc làng SOS Bến Tre thì sau khi làm việc với ông, bà Anh và một cô giáo đã thừa nhận sai phạm. Riêng cô bảo mẫu đã làm đơn xin nghỉ việc từ ngày 29-4.

Ông Nguyễn Minh Lập, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã Hội tỉnh Bến Tre, cho biết sẽ khẩn trương giải quyết dứt điểm trường hợp này theo hướng các cô giáo buộc phải thẳng thắn nhận khuyết điểm và xin lỗi gia đình. Ông thừa nhận đó là việc làm sai trái, nhạy cảm và rất đau lòng. Ngoài việc gây tác động đến tâm lý của trẻ, nó còn tạo ra dư luận không tố.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG: GỬI NGÂN HÀNG 3,9 TỶ, CÒN GẦN 1 TỶ?

CÔNG QUANG
Cho rằng giao dịch của Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn Thương tín có nhiều “mập mờ” gây thiệt hại cho mình, ông Phan Văn Tuyết (ngụ số 97 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một) vừa có đơn phản ánh gửi đến Dân trí.
Theo đơn, từ cuối năm 2007 đến tháng 6/2008, ông Tuyết đã nhiều lần tới phòng giao dịch Thủ Dầu Một (Ngân hàng Thương mại CP Sài gòn Thương tín – Sacombank) gửi tiền tiết kiệm và thực hiện giao dịch rút tiền.
Trong quá trình giao dịch, ông Tuyết được 2 cán bộ của ngân hàng là Phan Khánh Tường và Trần Thị Minh Hằng hướng dẫn các thủ tục.
Mỗi lần gửi tiền vào ngân hàng, ông Tuyết đều được cấp 1 mã số tài khoản tiền gửi và sổ tiết kiệm khác nhau. Tính đến ngày 19/3/2008, ông Tuyết đã thực hiện 13 lần gửi tiết kiệm với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Tiếp đó, ông Tuyết đã vay của ngân hàng 2.300 lượng vàng tại 2 hợp đồng tín dụng ngày 19/11/2007 và hợp đồng ngày 4/1/2008. Cả 2 hợp đồng vay vàng này được thế chấp bằng các sổ tiết kiệm đã gửi tại ngân hàng.
Ngày 9/6/2008, ông Tuyết đến ngân hàng để làm thủ tục thanh quyết toán các khoản nợ và chốt số tiền gửi còn lại gửi ở ngân hàng. Tại đây, ông Tuyết đã đưa cho chị Phan Khánh Tường toàn bộ số sổ tiết kiệm để kiểm tra và làm thủ tục tất toán các khoản vay.
Sau khi làm xong, chị Tường đưa cho ông Tuyết 1 phiếu nộp tiền có đóng dấu đỏ của ngân hàng với thông báo số tiền còn lại của ông Tuyết tính đến ngày 9/6/2008 là 3,9 tỷ đồng.
Từ ngày 11 đến ngày 20/6/2008, ông Tuyết ủy quyền cho vợ mình để rút 200 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm còn lại là 3,7 tỷ.
Thế nhưng, ngày 25/6/2008, ông Tuyết mang giấy thông báo tiền là 3,9 tỷ mà chị Tường đã giao cho ông trước đó đến ngân hàng để rút tiền thì được một nhân viên thông báo giấy báo này không có giá trị và số tiền thực không phải như vậy.
Ông Tuyết còn tá hoả khi được ngân hàng thông báo, ông còn có thêm 2 hợp đồng vay của ngân hàng là 1.000 chỉ vàng. Ông Tuyết khẳng định 2 hợp đồng tín dụng số 1076 ngày 24/1/2008 và hợp đồng số 1082 ngày 26/1/2008 với số vàng vay là 1.000 chỉ, là hợp đồng giả mạo.
Ngày 7/10/2008, Giám đốc Ngân hàng Sài gòn Thương tín – chi nhánh Thủ Dầu Một Bình Dương – Phạm Thanh Kỳ đã gửi thông báo số dư trong tài khoản của ông Tuyết là 2,550 tỷ đồng.

Đồng thời, thông báo số tiền còn lại của ông Tuyết sau khi tất toán 2 khoản vay 1.000 chỉ vàng (mà ông Tuyết khẳng định đây là hợp đồng giả mạo chữ ký của ông) là 919.489.851 đồng.
Sau khi nhận được những phản ảnh của Dân trí, ông Trần Xuân Huy, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín – Sacombank đã có văn bản phúc đáp đến báo Dân trí như sau:
Về việc Sacombank đã từ chối chi trả khi ông Tuyết xuất trình giấy nộp tiền 3,9 tỷ đồng:
Căn cứ điều 15 “Rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm”, Điều 26 “Quyền của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm”. Quy chế về tiền gửi tiết kiệm được Thống đốc NHNN ký ban hành theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/09/2004 quy định:
Người gửi tiền khi đến rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm phải “xuất trình thẻ tiết kiệm”. Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được quyền từ chối việc chi trả tiền tiết kiệm nếu người gửi tiền không xuất trình Thẻ tiết kiệm khi đến rút tiền.
Khi đến giao dịch, ông Tuyết không xuất trình được thẻ tiết kiệm như quy định nên Sacombank đã từ chối chi trả số tiền 3,9 tỷ đồng mà ông yêu cầu.
Hơn nữa, căn cứ vào Biên bản làm việc giữa ông Tuyết với Sacombank, ông Tuyết đã xác nhận số tiền 3,9 tỷ đồng không phải là số tiền mà ông đã nộp vào ngày 9/6/2008 để mở Thẻ tiết kiệm với thời hạn 3 tháng theo như nội dung trên Giấy nộp tiền ngày 9/6/2008 do ông cung cấp.
Giấy nộp tiền ngày 9/6/2008 chỉ là giấy xác nhận công nợ do bà Phan Khánh Tường (nguyên Phó Phòng giao dịch Thủ Dầu Một) cung cấp để xác nhận tổng số tiền gửi còn lại của ông tại phòng giao dịch Thủ Dầu Một theo thư yêu cầu của ông.
Việc bà Tường lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Sacombank phân công/uỷ quyền, ký phát hành chứng từ và sử dụng con dấu của Ngân hàng để xác nhận công nợ bằng Giấy nộp tiền là vi phạm nghiêm trọng quy định của Sacombank.
Sau khi sự việc xảy ra, Sacombank đã thông báo bằng văn bản các khoản tiền gửi mang tên Phan Văn Tuyết hiện đang được Ngân hàng quản lý và đề nghị xuất trình Thẻ tiết kiệm để có cơ sở giải quyết chi trả theo đúng quy định nhưng cho đến nay, ông Tuyết đã không xuât trình các Thẻ tiết kiệm cho Sacombank.
Về việc 02 Hợp đồng tín dụng số 1076 và 1082 đề cập trên Đơn khiếu nại:
Dữ liệu trên chương trình quản lý của Sacombank có thể hiện 2 khoản vay này và hiện tại Sacombank vẫn đang lưu giữ 2 hợp đồng tín (bản chính) và các Thẻ tiết kiệm được cầm cố để đảm bảo cho khoản vay mang tên Phan Văn Tuyết.
Trong thời gian qua, Sacombank đã nhiều lần làm việc và thông báo bằng văn bản đề nghị ông Tuyết thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với 2 khoản vay trên do đã vi phạm các quy định trên Hợp đồng. Tuy nhiên, ông Tuyết không thực hiện nên Sacombank đã xử lý các Thẻ tiết kiệm được cầm cố để thu hồi nợ vay theo đúng các điều khoản đã quy định trong hợp đồng.
Các vấn đề nêu trên, Sacombank đã nhiều lần làm việc với ông Tuyết nhưng cả 2 bên đã không thống nhất được ý kiến. Cả 2 bên đều đưa ra những lý lẽ và bằng chứng để bảo vệ quan điểm của mình là đúng.
Do vậy, ông Tuyết nếu thấy chưa thoả đáng, ông có thể liên hệ với Cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục khởi kiện theo Luật để được giải quyết.
SOURCE: BÁO DÂN TRÍ

TRANH CHẤP DÂN SỰ: ĐÒI TIỀN NUÔI NGƯỜI YÊU ĂN HỌC

PHAN GIA HI
Ra trường, cô gái đòi chia tay nên chàng trai đã khởi kiện đòi lại tiền lo cho vợ chưa cưới ăn học… Như bao cặp trai gái khác, anh T. và chị H. (ngụ tỉnh Bình Dương) quen biết nhau rồi phát sinh tình cảm yêu thương. Tình yêu ngày càng mặn nồng, lại được gia đình hai bên ủng hộ, cả hai đã quyết định làm lễ đính hôn.
Đòi tiền, lễ vật đính hôn
Sau lễ đính hôn, phía chị H. đã đặt vấn đề với anh T. là “lo giùm phần vật chất” cho chị H. ăn học đại học tại TP.HCM, sau này chị tốt nghiệp ra trường thì sẽ tổ chức đám cưới. Anh T. kể, vì nghĩ chuyện lo cho vợ chưa cưới ăn học cũng là chuyện phải làm nên đã đồng ý. Do vậy, anh đã bỏ tiền mua máy tính, điện thoại di động cho chị H. và lo luôn chi phí một số khoản ăn học khác của chị H. sau này.
Thế rồi ngày qua ngày, hai bên xảy ra nhiều mâu thuẫn khiến cho quan hệ của họ bị sứt mẻ ít nhiều. Cuối cùng, chuyện không hay đã xảy ra, khi học xong, chị H. tuyên bố không còn tình cảm gì với anh T. nữa. Không lấy được vợ, buồn bực, giữa năm 2006, anh T. đã đến nhà chị H. đòi lại lễ vật cùng tiền lo cho chị ăn học. Chị H. cũng đồng ý trả lại cho anh T. các lễ vật đính hôn để chấm dứt quan hệ.
Chị H. cho biết đã trả lại cho anh T. một chiếc nhẫn cưới, một đôi bông tai, một sợi dây chuyền, một bộ vòng si-men (bảy chiếc), một điện thoại di động. Ngoài ra, chị cũng trả lại cho anh T. hai triệu đồng tiền mặt. Tuy nhiên, “trước áp lực của gia đình anh T.”, chị và mẹ chị “còn phải ký vào một bản tường trình do phía gia đình anh T. viết sẵn là đã nhận gần 34 triệu đồng lo ăn học của anh T. và sẽ thanh toán hết cho anh T. vào cuối năm 2006”.
Đã nhận là phải trả
Tới hẹn vẫn không thấy chị H. trả tiền nên anh T. đến đòi. Đòi mãi không được, anh gửi đơn nhờ TAND huyện Tân Uyên phân xử.
Trước tòa, chị H. nói đúng là lúc học đại học đã nhiều lần nhận tiền của anh T. nhưng không nhớ rõ bao nhiêu. Anh T. hoàn toàn tự nguyện đưa tiền cho chị, chị không ép buộc hay dọa dẫm, vòi vĩnh gì. Mặt khác, số tiền mà chị “bị ép ký” trong bản tường trình (gần 34 triệu đồng) là không đúng. Vì vậy, chị không đồng ý trả lại cho anh T. số tiền này.

Còn mẹ của chị H. bảo việc con bà có nhận tiền của anh T. hay không là chuyện riêng của đôi trẻ, bà hoàn toàn không hay biết gì. Riêng việc bà có ký tên vào bản tường trình là “do bị nhiều người bên gia đình anh T. đến uy hiếp”. Trước nay bà không nhận đồng nào từ anh T. nên không có trách nhiệm phải trả lại tiền.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Tân Uyên nhận định yêu cầu khởi kiện của anh T. là có cơ sở. Cụ thể, anh T. nói đã đưa tiền cho chị H. để lo ăn học và chị H. cũng không chối rằng đã nhận tiền. Về số tiền thì anh T. trưng ra được bản tường trình giữa năm 2006 thể hiện chị H. và người mẹ thừa nhận, đồng ý trả lại cho anh 24 triệu đồng tiền học, gần tám triệu đồng tiền mua máy tính (tại phiên xử, hai bên thống nhất lại rằng tiền mua máy tính chỉ gần sáu triệu đồng).
Theo tòa, trong chuyện này các bên đã tự do cam kết, thỏa thuận, hoàn toàn tự nguyện, không bên nào áp đặt, cưỡng ép, đe dọa bên nào. Thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên. Cuối cùng, tòa tuyên buộc mẹ con chị H. phải liên đới trả lại cho anh T. gần 30 triệu đồng.
Người mẹ vô can
Sau phiên xử, mẹ con chị H. lập tức kháng cáo, không chấp nhận việc trả lại tiền cho anh T. Riêng người mẹ còn cho rằng bà không nhận một đồng nào từ anh T. thì không thể buộc bà phải liên đới với con gái trả lại tiền.
Gần đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương nhận định việc anh T. khởi kiện yêu cầu mẹ con chị H. phải trả lại tiền (theo cam kết trong bản tường trình giữa năm 2006) là nhằm yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự chứ không phải là kiện đòi tài sản như cấp sơ thẩm xác định. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã đúng khi kết luận chị H. nhận của anh T. gần 30 triệu đồng. Phía chị H. nại rằng “do bị áp lực từ gia đình anh T. nên mới nhận khống số tiền trên trong bản tường trình giữa năm 2006” là không có cơ sở bởi không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào chứng minh.
Riêng việc cấp sơ thẩm buộc mẹ của chị H. phải liên đới trả tiền, theo tòa phúc thẩm là không chính xác bởi trong suốt quá trình giải quyết án, người mẹ đều cho rằng mình không nhận tiền và anh T. cũng thừa nhận chỉ giao tiền cho chị H. Trong bản tường trình giữa năm 2006, dù có chữ ký của mẹ chị H. nhưng nội dung lại không thể hiện rằng bà phải có trách nhiệm thanh toán tiền.
Từ đó, tòa phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của mẹ chị H., không buộc bà phải liên đới trả tiền mà trách nhiệm này chỉ do một mình chị H. đảm nhận.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

MUA NHÀ HỢP PHÁP VẪN BỊ DÍNH NỢ

THÁI HIỆU
Do chủ cũ mắc nợ mà nhiều chủ mới đã bị kê biên nhà oan uổng. Không thể bỏ qua quyền lợi của người mua nhà. Thường thì người mua nhà chưa có giấy tờ hợp lệ hoặc mua giấy tay dễ đối mặt với nhiều rủi ro do bị “bẻ” hợp đồng hoặc vướng tranh chấp. Nhưng trong một số trường hợp, ngay cả khi đã chọn mua nhà có giấy chủ quyền, nhiều người vẫn gặp phải những rắc rối không thể lường trước.
Sang tên xong vẫn mắc kẹt
Tháng 11-2008, bà Lê Yến Phượng hỏi mua căn nhà 454/1A Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM. Thấy căn nhà đã có giấy chủ quyền hợp lệ, bà Phượng rất yên tâm trao đổi việc mua bán với chủ sở hữu.
Đầu tháng 12-2008, sau khi công chứng hợp đồng mua bán nhà và đóng xong lệ phí trước bạ, bà Phượng đã đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 6 để hoàn tất thủ tục sang tên. Nơi đây hẹn bà 15 ngày sau đến nhận kết quả. Đến hẹn, bà Phượng quay lại thì được văn phòng cho biết: “Hồ sơ của bà bị tạm ngừng giải quyết vì có đơn ngăn chặn của bà Trần Thị Thu Vân…”.
Bà Phượng hết sức ngạc nhiên với thông tin này vì bản thân bà không hề quen biết với bà Vân. Sau khi cất công tìm hiểu, bà mới biết người bán nhà cho bà còn nợ bà Vân hơn 130 triệu đồng và bà Vân đang khởi kiện ra tòa để đòi nợ.
Ngày 6-1-2009, TAND quận 6 đã ra quyết định công nhận nội dung thỏa thuận trả nợ giữa con nợ với bà Vân. Ngay sau khi thấy lý do ngăn chặn đã không còn, bà Phượng liền nộp lại hồ sơ đăng bộ nhà và đã được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận giải quyết vào ngày 22-1.
Tưởng vậy là yên chuyện nhưng không phải. Chừng hai tháng sau, Thi hành án dân sự quận 6 đã mời bà Phượng đến làm việc. Cơ quan này cho biết sẽ kê biên căn nhà của bà Phượng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị đơn. Thì ra sau khi có quyết định hòa giải thành của tòa án, người chủ trước của căn nhà chưa tự nguyện thi hành án và ngoài căn nhà trên thì đương sự không còn tài sản nào khác. Tại thời điểm này, Thi hành án quận 6 đã áp dụng biện pháp ngăn chặn không cho bà Phượng mua bán, chuyển nhượng… căn nhà.
Chưa sang tên cũng bị ách
Khác với trường hợp nêu trên (đã sang tên xong), việc mua nhà của ông Nguyễn Giang Sơn bị ách lại khi ông chưa kịp hoàn tất thủ tục đăng bộ.
Đầu tháng 7-2007, ông Sơn mua căn nhà 33/12 Đặng Nhữ Lâm, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè. Sau khi được công chứng hợp đồng mua bán nhà, ông đã nộp xong lệ phí trước bạ, còn người bán thì nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Giữa tháng 7-2007, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện cũng đã tiếp nhận hồ sơ xin đăng bộ nhà của ông.

Đầu tháng 8-2007, khi đến văn phòng để nhận kết quả theo lịch hẹn, ông Sơn rất bất ngờ khi bị nơi đây tạm giữ “giấy đỏ” của ông theo yêu cầu của Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè. Cũng tương tự như trường hợp của bà Phượng, người bán nhà cho ông Sơn đang mắc nợ người khác hơn 100 triệu đồng. Án phúc thẩm ngày 24-5-2007 của TAND TP.HCM xử buộc bà này phải trả nợ. Vì thế, căn nhà trên đã bị ngăn chặn để đảm bảo cho việc thi hành án. Ngày 26-7-2007, Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè đã ra quyết định kê biên căn nhà.
Tính sao cho hợp lý?
Trao đổi với phóng viên về trường hợp của bà Phượng, bà Lê Thị Mỹ Duyên, chấp hành viên Thi hành án dân sự quận 6, cho biết: “Đúng là chủ căn nhà trên đã làm hợp đồng bán nhà trước khi có quyết định hòa giải thành của tòa án. Tuy nhiên, việc sang tên cho người mua lại được hoàn thành sau khi có quyết định của tòa án. Theo điểm a khoản 1 mục IV Thông tư liên tịch số 12 ngày 26-2-2001 của Bộ Tư pháp và VKSND tối cao, “đối với các trường hợp sau khi có bản án, quyết định của tòa án, người phải thi hành án đã chuyển nhượng các tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì chấp hành viên có quyền kê biên tài sản đó và có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ giao dịch đó. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ giao dịch đó”. Căn cứ vào quy định này, chúng tôi đã kê biên căn nhà của bà Phượng. Nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại, bà Phượng có quyền khởi kiện yêu cầu TAND quận xem xét, giải quyết”.
Ở trường hợp của ông Sơn, ông Tô Bá Nhân, Trưởng Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè, cũng cho biết: “Do ông Sơn chưa làm xong thủ tục sang tên nên chúng tôi vẫn có quyền kê biên. Khi nào chủ cũ thực hiện nghĩa vụ trả nợ, chúng tôi sẽ giải tỏa ngay. Phía ông Sơn có quyền khởi kiện chủ cũ về hợp đồng mua bán nhà đã ký kết”.
Theo khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở (có hiệu lực vào ngày 1-7-2007), quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hợp đồng mua bán được công chứng. Như vậy, dù đã sang tên hay chưa thì với việc đã được công chứng hợp đồng mua nhà trước thời điểm bị ngăn chặn, kê biên, bà Phượng hay ông Sơn đều là chủ sở hữu nhà hiện hữu. Pháp luật có nên can thiệp, hạn chế quyền sở hữu nhà của họ để cưỡng chế người chủ cũ thi hành án?
Luật sư Đàm Như Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):
Không thể bỏ qua quyền lợi của người mua nhà
Đồng ý là phải bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, hạn chế việc các con nợ chuyển nhượng nhà để né tránh nghĩa vụ thi hành án nhưng còn quyền lợi của người mua nhà ngay tình, hợp pháp thì sao? Khi các cơ quan thẩm quyền không hề có sự “báo động” cần thiết (thể hiện qua việc phong tỏa, kê biên nhà… theo yêu cầu của các chủ nợ) và “tỉnh queo” giải quyết việc chuyển nhượng theo những trình tự luật định, sao giờ chấp hành viên lại phủ nhận sạch trơn và phó thác cho người dân tự giải quyết hậu quả? Chưa kể là Thông tư liên tịch 12 đã được ban hành trước và lại “chỏi” với Luật Nhà ở.
Căn cứ vào Nghị định 135 ngày 14-11-2003 của Chính phủ, đề nghị Bộ Tư pháp và VKSND tối cao kiểm tra, xử lý Thông tư 12 sao cho phù hợp hơn.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG: VEDAN CHỈ CHỊU “HỖ TRỢ” CHỨ KHÔNG “BỒI THƯỜNG”, PHÁP LUẬT BÓ TAY?

LS.TS. PHAN ĐĂNG THANH
Dư luận bức xúc vì vụ này không xử lý tới nơi được thì những vụ khác cũng sẽ chìm xuồng. Chỉ khoảng một năm sau khi Công ty Vedan hoạt động thì việc nhà máy sản xuất xả chất thải làm ô nhiễm môi trường cũng bắt đầu… “phát huy tác dụng”! Một số nông ngư dân kiếm sống trên dòng sông Thị Vải phải bỏ nghề. Họ đã khiếu nại và lúc đó được công ty hỗ trợ cho chút đỉnh.
Đến giữa năm 2008 thì sự việc được báo động cả nước vì mức độ nguy hiểm cho xã hội đã thực sự đặc biệt nghiêm trọng. Việc gây ô nhiễm môi trường đã rõ ràng. Hậu quả thiệt hại đã được xác định. Nhưng đến nay trách nhiệm pháp lý của Vedan đối với người bị thiệt hại vẫn chưa được làm rõ và nhà nước cũng chưa có cách xử lý thật công bằng, đúng mức!
Từ hành chính đến hình sự đều bị “trói tay”
Hiện nay pháp luật chưa phát huy hiệu lực đầy đủ, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều 6 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính nêu: “Tổ chức bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm để xác định trách nhiệm pháp lý của người đó theo quy định của pháp luật”. Việc “xác định trách nhiệm pháp lý” của cá nhân trong trường hợp này chưa được quy định rõ nên thực tế trước nay trong các trường hợp tổ chức vi phạm, hầu như không có cá nhân nào bị xử phạt. Mà theo luật, trong lĩnh vực môi trường, nếu không cá nhân nào bị xử phạt hành chính thì cũng có nghĩa là không ai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 183 BLHS quy định: “Người nào thải vào nguồn nước các chất thải (…) đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền (…), cải tạo không giam giữ (…) hoặc phạt tù (…)”. Ai đã từng bị xử phạt hành chính rồi mới có thể bị xử phạt hình sự mà thực tế không ai bị xử phạt hành chính thì… “trớt hướt” thôi!
Kiện dân sự cũng không xong!
Còn trách nhiệm dân sự của công ty gây ô nhiễm đối với người dân bị thiệt hại thì sao? Thực tế cho thấy việc công dân bị thiệt hại do hành vi xả chất thải của Vedan (cũng như một số tổ chức sản xuất khác) muốn đòi bồi thường thiệt hại cũng không thuận tiện chút nào, nếu không nói là đang bế tắc khi mà Vedan “mạnh dạn” tuyên bố chỉ “hỗ trợ” chứ không “bồi thường” theo nghĩa vụ luật định.
Bởi nhiều lý do pháp lý khác nhau mà vụ việc bị phát hiện tới nay cả năm rồi vẫn chưa kiện ra tòa được. Tòa không thụ lý đơn khởi kiện của người bị thiệt hại vì một số đơn khởi kiện đã hết thời hiệu (quá hạn hai năm kể từ khi hành vi gây thiệt hại xảy ra); người bị thiệt hại chưa thể cung cấp chứng cứ để chứng minh mức độ thiệt hại cụ thể, rõ ràng, đúng ai là người gây thiệt hại cho mình; người khởi kiện bơ vơ, chưa cử được người đại diện hợp pháp v.v…

Dù phía bị thiệt hại đã có nhiều cá nhân, tổ chức luật sư tư vấn giúp đỡ về mặt pháp lý cũng như các hội nông dân tỉnh, thành phố đứng ra bảo vệ quyền lợi cho hội viên của mình nhưng tình hình vẫn chưa thấy lối ra khả quan. Dư luận vẫn bức xúc, chờ đợi vì vụ này mà không xử lý tới nơi được thì những vụ khác rồi cũng sẽ chìm xuồng.
Người ta khó chấp nhận nghịch lý: Người làm trái luật, gây thiệt hại cho xã hội lẽ ra phải có nghĩa vụ bồi thường nhưng vì pháp luật bất cập nên họ được quyền tùy lòng hảo tâm mà hỗ trợ cho người bị thiệt hại. Người bị thiệt hại chỉ còn nước trông cậy vào “thiện chí hỗ trợ” của người gây thiệt hại cho mình mà thôi!
Làm sao có an toàn pháp lý để người dân an tâm được bảo vệ quyền lợi bởi pháp luật? Yêu cầu cấp bách đòi hỏi nhà nước sớm hoàn thiện pháp luật để các quy định không mâu thuẫn, triệt tiêu nhau; tổ chức thực thi pháp luật có hiệu quả hơn và nhiều công dân hiểu biết pháp luật để có cách ứng phó kịp thời, bảo vệ quyền lợi của mình có kết quả hơn.
Ở nước ta, hành vi gây ô nhiễm môi trường nước đã được pháp luật nghiêm cấm từ lâu (Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, 2005). Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định quy định việc xử phạt hành chính cũng nêu rõ hành vi vi phạm và biện pháp xử lý trong một số trường hợp cụ thể (Nghị định 34 ngày 17-3-2005 xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước, Nghị định 81 ngày 9-8-2006 trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…). Đối với những hành vi xả chất thải gây nguy hiểm đáng kể cũng đã được Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định là tội phạm với những hình phạt tương ứng (Điều 195 BLHS 1985 và Điều 183 BLHS 1999): Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, tội gây ô nhiễm nguồn nước.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ:

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | LunarPages Coupon Code